Bệnh Hẹp Lỗ Liên Hợp Cột Sống Cổ Và Những Điều Cần Biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Phùng Hải Đăng | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ là tình trạng thu hẹp đường ra của rễ thần kinh cổ, chủ yếu do thoái hóa cột sống. Tình trạng này khiến bệnh nhân đau đớn, tăng nguy cơ phát triển bệnh lý rễ cổ và bại liệt. Thông thường bệnh nhân được phẫu thuật nội soi kết hợp dùng thuốc điều trị triệu chứng.

Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ
Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ xảy ra khi đường ra của rễ thần kinh cổ bị thu hẹp

Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ là gì?

Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ là thuật ngữ y tế chỉ tình trạng thu hẹp đường ra của rễ thần kinh cổ do bệnh thoái hóa cột sống cổ. Tình trạng này thường kèm theo hẹp đốt sống cổ, trong đó không gian trong ống sống – nơi chứa tủy sống và rễ thần kinh bị thu hẹp.

Trong giai đoạn tiến triển của bệnh, khớp Luschka cùng các diện khớp trên và dưới của đốt sống cổ bắt đầu phì đại. Điều này làm hẹp không gian bên trong ống sống và đường ra của rễ thần kinh, tăng áp lực lên tủy sống. Từ đó dẫn đến những đợt đau đớn nghiêm trọng ở cổ, tăng nguy cơ bại liệt và mất thăng bằng do xuất hiện bệnh lý rễ cổ.

Hầu hết bệnh nhân bị bệnh được chỉ định phẫu thuật để tăng không gian bên trong và giải áp rễ thần kinh cổ. Những trường hợp chưa thể phẫu thuật có thể dùng thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng.

Triệu chứng của hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ

Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng dưới đây:

  • Đau cổ nghiêm trọng
  • Đau nhức nặng nề hơn ở vị trí có ống sống bị thu hẹp
  • Đau tăng lên khi ấn vào vùng bị ảnh hưởng hoặc cử động cổ
  • Cơn đau có xu hướng lan rộng đến vai và cánh tay kèm theo cảm giác châm chích, tê bì hoặc ngứa ran
  • Cơn đau có thể giảm khi nghỉ ngơi
  • Yếu chi, giảm các hoạt động và tính linh hoạt ở cánh tay (ở một hoặc cả hai tay)
  • Giảm khả năng giữ thăng bằng và đi lại khó khăn nếu có bệnh lý tủy cổ
  • Tê liệt.

Nguyên nhân gây hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ chính là nguyên nhân gây bệnh chủ yếu. Trong bệnh lý này, đĩa đệm và các xương đốt sống có dấu hiệu hao mòn, tạo điều kiện cho một hoặc nhiều gai xương phát triển trên thân đốt sống.

Cùng với sự dày lên (phình) của dây chằng (do thoái hóa mãn tính gây viêm), gai xương và dây chằng chèn ép, làm thu hẹp không gian của ống sống. Đồng thời tăng áp lực lên rễ thần kinh và tủy sống.

Tình trạng thoái hóa còn làm giảm độ đàn hồi và gây rách bao xơ. Điều này làm phình hoặc khiến nhân nhầy bên trong thoát khỏi vị trí trung lập. Cuối cùng hình thành khối thoát vị làm hẹp ống sống và tăng áp lực lên tủy sống bên trong.

Ngoài ra trong giai đoạn phát triển của bệnh thoái hóa cột sống cổ, khớp Luschka cùng các diện khớp trên và dưới của đốt sống cổ bị phì đại. Điều này khiến đường ra của rễ thần kinh bị thu hẹp. Cuối cùng gây ra bệnh lý rễ cổ làm ảnh hưởng đến đời sống của bệnh nhân.

Nguyên nhân gây hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ
Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ chủ yếu xảy ra do bệnh thoái hóa cột sống cổ

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố làm tăng nguy cơ hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ:

  • Tiền sử chấn thương ở vùng cổ
  • Phụ nữ mãn kinh
  • Người trên 50 tuổi
  • Thường xuyên ngồi cúi gập cổ và thiếu vận động (chẳng hạn như nhân viên văn phòng)
  • Thường xuyên mang vác vật nặng trên cổ vai
  • Vặn động nặng
  • Bẻ khớp cổ không đúng cách hoặc đột ngột.

Biến chứng của hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ

Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ là bệnh nghiêm trọng. Bệnh lý này cần được điều trị sớm để tránh gây ra những biến chứng sau:

  • Đau mãn tính
  • Yếu cơ, tăng nguy cơ teo cơ
  • Giảm phản xạ
  • Tổn thương tủy
  • Giảm khả năng giữ thăng bằng, bệnh nhân khó đi lại và dễ vấp ngã
  • Tê liệt.

Để ngăn ngừa biến chứng, bệnh nhân cần điều trị sớm và phục hồi chức năng tích cực.

Chẩn đoán hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ

Để chẩn đoán hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ, người bệnh được kiểm tra bệnh sử, tình trạng hiện tại và các triệu chứng lâm sàng, bao gồm cảm giác đau nhức, tê và châm chích ở cổ lan rộng.

Bên cạnh đó bệnh nhân được yêu cầu đi lại, chuyển động cổ, thực hiện các bài tập thăng bằng, nâng vật… Điều này giúp đánh giá các triệu chứng ở cổ. Đồng thời kiểm tra sức mạnh, khả năng giữ thăng bằng và tính linh hoạt. Từ đó xác định tổn thương thần kinh hoặc/ và tủy sống.

Ngoài ra bệnh nhân được chỉ định một số xét nghiệm giúp đánh giá tổn thương. Trong chẩn đoán bệnh, các xét nghiệm thường bao gồm:

  • Chụp X-quang: Kiểm tra gai xương, xương đốt sống hao mòn, tình trạng phì đại khớp Luschka và những diện khớp của đốt sống.
  • Chụp CT: Kiểm tra những vấn đề tiềm ẩn trong cấu trúc xương, phát hiện các bệnh lý tiềm ẩn mà X-quang đơn thuần không thể chẩn đoán. Kỹ thuật này cũng giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ và hẹp ống sống.
  • Chụp MRI: Kiểm tra tổn thương mô mềm (tủy sống, mạch máu, dây chằng, dây thần kinh), kiểm tra không gian trong ống sống và lỗ liên hợp. Từ đó xác định bệnh lý.
Chẩn đoán bệnh bằng các Xét nghiệm hình ảnh
Xét nghiệm hình ảnh giúp kiểm tra thương tổn, phát hiện tình trạng thu hẹp ống sống và lỗ liên hợp

Điều trị hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính ở bệnh nhân bị hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ. Đối với những trường hợp chưa đủ điều kiện phẫu thuật, các phương pháp bảo tồn sẽ được áp dụng.

1. Điều trị bảo tồn

Ở bệnh nhân bị hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ, điều trị bảo tồn thường bao gồm những phương pháp sau:

  • Thuốc

Những loại thuốc dưới đây thường được dùng để giảm nhẹ các cơn đau:

    • Acetaminophen: Đây là thuốc giảm đau thông thường, thích hợp cho những bệnh nhân có cơn đau nhẹ hoặc không liên tục. Acetaminophen có tác dụng điều trị đau và hạ sốt, thường mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Một số trường hợp sử dụng Acetaminophen kết hợp với một loại thuốc khác để tăng tác dụng.
    • NSAID: Những loại thuốc nhóm NSAID như Naproxen, Aspirin và Ibuprofen được sử dụng để điều trị các triệu chứng. Thuốc có tác dụng trị đau và viêm, giảm tình trạng dày lên của các dây chằng. Điều này giúp điều trị triệu chứng và hỗ trợ sự mở rộng không gian bên trong ống sống.
    • Opioid: Đây là nhóm thuốc giảm đau gây nghiện, phù hợp với những cơn đau từ trung bình đến rất nặng. Opioid mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên thuốc này cần được dùng với liều lượng và thời gian thích hợp để giảm nguy cơ bị nghiện.
  • Vật lý trị liệu

Bệnh nhân được hướng dẫn những bài tập vận động, kéo giãn nhẹ nhàng để hỗ trợ giải nén cho các rễ thần kinh, giảm đau, cải thiện sức mạnh và khả năng giữ thăng bằng. Đồng thời giúp giảm cảm giác châm chích và tê bì.

Ngoài ra tập vật lý trị liệu còn giúp tăng cường các cơ hỗ trợ, ổn định cột sống cổ, tăng sự dẻo dai. Từ đó hỗ trợ bệnh nhân trở về với các hoạt động bình thường.

  • Liệu pháp thay thế

Trong điều trị bảo tồn hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ, một số liệu pháp thay thế dưới đây có thể được thực hiện:

    • Châm cứu: Một số huyệt đạo trên cơ thể được kích thích bằng châm kim mảnh và nhỏ. Điều này giúp đả thông kinh mạch, thư giãn và giảm đau ở cổ.
    • Xoa bóp: Bệnh nhân được xoa bóp nhẹ nhàng ở vùng cổ vai gáy để thư giãn các cơ và khớp xương. Điều này giúp giảm đau, tăng lưu thông máu, hạn chế cảm giác tê bì và châm chích. Ngoài ra lực tác động nhẹ nhàng còn giúp hạn chế tình trạng cứng cổ, bệnh nhân vận động dễ dàng và linh hoạt hơn.
  •  Nghỉ ngơi và chườm nóng

Khi bị đau nhiều, hãy nghỉ ngơi hoàn toàn trong 24 giờ. Không cúi gập cổ, cử động cổ quá tầm hoặc vận động mạnh (như mang vác vật nặng). Điều này giúp các khớp xương và mô mềm (đặc biệt là dây chằng và dây thần kinh) được thư giãn, giảm đau, tổn thương lành lại nhanh chóng.

Trong thời gian nghỉ ngơi, nên chườm ấm 20 phút/ lần, mỗi 3 – 5 tiếng 1 lần. Biện pháp này giúp tăng cường lưu thông máu, thư giãn, hạn chế tình trạng cứng khớp và giảm đau nhức hiệu quả.

2. Điều trị phẫu thuật

Bệnh nhân chủ yếu được phẫu thuật nội soi giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ. Phương pháp này giúp mở rộng đường ra của rễ thần kinh cổ, giải nén thần kinh và tủy sống. Từ đó giúp điều trị hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ và khắc phục các triệu chứng hiệu quả.

Phẫu thuật nội soi giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ
Nội soi giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ được áp dụng cho bệnh nhân điều trị bảo tồn không hiệu quả

Chỉ định:

  • Không bị phì đại khớp Luschka.
  • Phì đại mỏm khớp làm phì đại lỗ liên hợp ở tầng tương ứng của rễ thần kinh, được phát hiện bằng CT scan.
  • Hẹp lỗ liên hợp được phát hiện trên hình ảnh MRI.
  • Xuất hiện bệnh lý rễ cổ.
  • Điều trị bảo tồn 2 tháng không có hiệu quả.

Chống chỉ định:

  • Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ kèm theo mất vững cột sống cổ.
  • Hẹp ống sống cổ bẩm sinh
  • Có bệnh lý tủy cổ
  • Bệnh nhân có các bệnh nội khoa không thể gây mê hoặc phẫu thuật.

Trong phẫu thuật giải phóng lỗ liên hợp cột sống cổ, bác sĩ sử dụng khoan mài tốc độ cao để mài diện khớp dưới và trên, mài lỗ liên hợp, từ trong ra ngoài, từ ranh giới của ống sống và khớp. Điều này giúp mở rộng không gian của lỗ liên hợp.

Sau đó bác sĩ tiến hành lấy nhân đĩa đệm cổ (nếu cần) và bộc lộ rễ thần kinh để đảm bảo rễ thần kinh được giải phóng. Cuối cùng bệnh nhân được sáp xương, súc rửa vết mổ và đóng vết mổ.

Đối với những trường hợp bị chèn ép tủy sống hoặc có bệnh lý tủy cổ, người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ Laminectomy (phẫu thuật giảm áp), Laminotomy hoặc phẫu thuật tạo hình để điều trị.

Khoảng vài tiếng sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi, chăm sóc vết thương và được hướng dẫn cử động nhẹ nhàng. Khoảng 7 – 14 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn vật lý trị liệu tích cực để phục hồi chức năng hoàn toàn.

Tiên lượng

Nhìn chung hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ có tiên lượng khá tốt. Những trường hợp điều trị sớm và đúng cách có thể mở rộng lỗ liên hợp, giải nén rễ thần kinh vùng cổ. Ngoài ra phẫu thuật kết hợp phục hồi chức năng tích cực có thể giúp người bệnh sớm trở lại với đời sống bình thường.

Ngược lại những trường hợp trì hoãn điều trị có thể mắc các bệnh lý rễ cổ và gặp biến chứng bại liệt. Thông thường bệnh nhân có thể trở lại mọi hoạt động sau phẫu thuật từ 2 – 3 tháng. Mất 1 – 2 năm để phục hồi chức năng hoàn toàn.

Phòng ngừa hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ

Những biện pháp giúp giảm nguy cơ gây bệnh gồm:

Thường xuyên thực hiện các bài tập cổ nhẹ nhàng
Thường xuyên tập thể dục cổ nhẹ nhàng để thư giãn, giảm nguy cơ thoái hóa
  • Phòng ngừa chấn thương cổ bằng cách luôn thận trọng và vận động đúng kỹ thuật.
  • Hạn chế mang vác vật nặng trên vai và cổ.
  • Không nên vặn/ bẻ khớp cổ, không cúi hoặc ngửa cổ quá mức.
  • Tránh đột ngột thực hiện các động tác mạnh ở cổ.
  • Khi có chấn thương hoặc bệnh lý ở cổ (đặc biệt là thoái hóa cột sống cổ), người bệnh cần điều trị tích cực để tránh làm thay đổi cấu trúc của đốt sống, giảm nguy cơ hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ.
  • Không nên duy trì một tư thế trong thời gian dài, chẳng hạn như cúi cổ khi đánh máy tính. Điều này giúp tăng nguy cơ thoái hóa xương khớp mãn tính.
  • Thường xuyên thực hiện các bài tập cổ nhẹ nhàng, kéo căng cơ cổ đúng cách để tăng cường sự dẻo dai và sức mạnh, giảm nguy cơ thoái hóa cột sống.
  • Đảm bảo duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng. Nên ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc, thịt, trứng, cá, sữa, các lại hạt, đậu, đậu nành, trái cây, củ quả… để tăng cường bổ sung chất chống oxy hóa, vitamin D và canxi. Điều này giúp làm chậm quá trình lão hóa cơ thể, cải thiện chất lượng xương, tăng độ dẻo dai cho khớp. Từ đó hạn chế chấn thương và các bệnh xương khớp.

Hẹp lỗ liên hợp cột sống cổ là bệnh lý thường gặp, chủ yếu xảy ra do tình trạng thoái hóa. Bệnh lý này làm khởi phát những cơn đau nhức nghiêm trọng do chèn ép thần kinh. Đồng thời làm tăng nguy cơ tê liệt và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Vì thế, người bệnh cần khám chữa trị với bác sĩ chuyên khoa nếu đau nhức thường xuyên hoặc có những biểu hiện bất thường.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua