Hẹp Đốt Sống Cổ Do Đâu? Triệu Chứng Và Cách Chữa Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Hẹp đốt sống cổ xảy ra khi ống sống ở vùng cổ bị thu hẹp không gian. Điều này làm tăng áp lực lên tủy sống và dây thần kinh, chèn ép mạch máu xung quanh. Những người có không gian ống sống thu hẹp thường có những đợt đau nhức nghiêm trọng kèm theo tê yếu ở cánh tay do tổn thương dây thần kinh.

Hẹp đốt sống cổ
Hẹp đốt sống cổ là tình trạng thu hẹp ống sống ở vùng cổ khiến tủy sống và thần kinh chịu nhiều áp lực

Hẹp đốt sống cổ là gì?

Hẹp đốt sống cổ còn được gọi là hẹp ống sống cổ. Đây là một bệnh lý thường gặp liên quan đến tình trạng thu hẹp ống sống (không gian chứa tủy sống và dây thần kinh) ở vùng cổ. Điều này khiến tủy sống chịu nhiều áp lực, dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến đau đớn, tê, châm chích và yếu ở cánh tay.

Ở vùng cổ, hẹp ống sống thường xảy ra do quá trình lão hóa mãn tính, gai xương hình thành cùng với sự dày lên của dây chằng làm thu hẹp không gian ống sống. Trong một số trường hợp, bệnh lý này liên quan đến những biến dạng bẩm sinh và chấn thương.

So với hẹp ống sống ngực, hẹp đốt sống cổhẹp ống sống thắt lưng phổ biến hơn. Do có chèn ép tủy sống nên hẹp ống sống cổ cũng nguy hiểm hơn nhiều. Ngoài ra bệnh lý này cũng làm khởi phát những triệu chứng nghiêm trọng như tê liệt, suy nhược cơ thể. Để điều trị, bệnh nhân thường được chỉ định phẫu thuật.

Dấu hiệu nhận biết hẹp đốt sống cổ

Đối với hẹp đốt sống cổ, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Trong đó có một số triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng mà hẹp ống sống thắt lưng không có.

  • Đau cổ
  • Cơn đau tăng dần mức độ thời gian
  • Đau nhiều hơn khi cử động cổ hoặc cúi đầu
  • Cơn đau thường lan rộng từ cổ xuống vai và cánh tay
  • Tê bì, ngứa ran hoặc châm chích từ cổ lan xuống chi trên
  • Yếu ở cánh tay
  • Những chuyển động ở tay kém linh hoạt. Điều này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai tay
  • Suy nhược cơ thể
  • Tê liệt
Hẹp đốt sống cổ gây đau cổ
Hẹp đốt sống cổ gây đau cổ, tê bì, ngứa ran, yếu ở cánh tay, tê liệt ở trường hợp nặng

Hẹp ống sống cổ có thể làm ảnh hưởng đến chức năng và cảm giác của những vùng khác trên cơ thể. Điều này xảy ra do các dây thần kinh bị chèn ép. Cụ thể người bệnh sẽ có cảm giác yếu cơ và giảm phản xạ khi hai đầu dây thần kinh C6 bị chèn ép (cặp rễ thần kinh thứ 6 trong cột sống cổ). Bệnh nhân bị yếu cơ tam đầu nếu dây thần kinh C7 có liên quan.

Nếu có chèn ép tủy sống ở cổ (bệnh lý tủy cổ), bệnh nhân có thể gặp những triệu chứng liên quan đến thăng bằng. Cụ thể bệnh nhân khó giữ thăng bằng, đi lại khó khăn và dễ vấp ngã.

Nguyên nhân gây hẹp đốt sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ là nguyên nhân phổ biến gây hẹp đốt sống cổ. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra do chấn thương, bẩm sinh và những bệnh lý khác.

1. Thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa mãn tính ở cổ (thoái hóa cột sống cổ) là nguyên nhân gây hẹp đốt sống cổ phổ biến nhất. Trong đó các xương đốt sống và đĩa đệm ở cổ bị hao mòn, gai xương phát triển trên thân đốt sống. Thoái hóa mãn tính thường kích thích phản ứng viêm, làm dày hoặc phình dây chằng xung quanh. Cùng với gai xương, sự dày lên của dây chằng làm thu hẹp không gian trong ống sống.

Mặt khác, sự thoái hóa có thể làm giảm độ đàn hồi hoặc rách bao xơ. Điều này tạo điều kiện cho nhân nhầy phình hoặc di chuyển ra ngoài tạo thành khối thoát vị. Từ đó làm hẹp ống sống cổ và chèn ép vào dây thần kinh.

2. Chấn thương

Chấn thương ở vùng cổ (như trật khớp, gãy xương…) có thể gây hẹp đốt sống cổ, tăng nguy cơ hỏng tủy và khởi phát các triệu chứng nghiêm trọng. Những người bị chấn thương vùng cổ cũng có dây thần kinh dễ bị chèn ép và tổn thương.

3. Thoát vị đĩa đệm cổ

Hẹp đốt sống cổ có thể xảy ra ở những người bị thoát vị đĩa đệm cổ. Trong bệnh lý này, lượng nhân nhầy trong bao xơ thoát khỏi vị trí trung tâm, làm phình hoặc tạo một khối thoát vị chiếm không gian của ống sống.

Bệnh tiến triển khiến tủy sống chịu nhiều áp lực, rễ thần kinh bị chèn ép. Từ đó làm khởi phát các triệu chứng thần kinh, cụ thể như tê yếu, ngứa ran và đau thần kinh nghiêm trọng. Thoát vị đĩa đệm cổ thường khởi phát do chấn thương và thoái hóa xương khớp.

Thoát vị đĩa đệm cổ
Bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cổ có khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh và làm thu hẹp không gian ống sống

4. Biến dạng bẩm sinh

Những biến dạng bẩm sinh ở vùng cổ (như cổ bị gù…) có thể làm thay đổi không gian trong ống sống. Từ đó làm khởi phát các triệu chứng của hẹp ống sống cổ.

Yếu tố nguy cơ

Hẹp đốt sống cổ thường gặp ở những người từ 50 – 60 tuổi do quá trình thoái hóa tự nhiên. Tình trạng này dễ xuất hiện ở phụ nữ, thiếu vận động, thường xuyên cúi gập cổ. Ngoài ra vận động nặng hoặc thường xuyên mang vật nặng trên cổ vai cũng là một yếu tố nguy cơ.

Hẹp đốt sống cổ có nguy hiểm không?

So với hẹp ống ống ở những vị trí khác, hẹp đốt sống cổ được đánh giá là nguy hiểm nhất. Bởi bệnh lý này thường gây ra những thương tổn và triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân dễ bị mất khả năng giữ thăng bằng (do tổn thương tủy), khó vận động, suy nhược cơ thể.

Ngoài ra quá trình điều trị chậm trễ hoặc không đúng cách có thể dẫn đến nhiều vấn đề sau:

  • Đau mãn tính
  • Tổn thương tủy
  • Tê liệt, liệt chi trên hoặc thân trên.

Chẩn đoán hẹp đốt sống cổ như thế nào?

Bác sĩ có thể chẩn đoán hẹp đốt sống cổ thông quá trình thăm khám lâm sàng. Trong quá trình này, bệnh nhân sẽ được kiểm tra bệnh sử, chấn thương gần nhất và những triệu chứng như đau nhức, tê yếu, khó vận động, châm chích… Điều này giúp kiểm tra thần kinh và thể chất.

Ngoài ra người bệnh được yêu cầu thực hiện động tác Spurling (vặn cổ) hoặc cúi cổ để đánh giá các triệu chứng; đi lại, thực hiện các bài tập thăng bằng, nâng vật… để kiểm tra sức mạnh, khả năng vận động, tính linh hoạt và khả năng giữ thăng bằng.

Để xác định chẩn đoán, những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang vùng cổ tạo ra hình ảnh chi tiết về các xương. Từ đó cho thấy những thay đổi về cấu trúc, chẳng hạn như gai xương, thoái hóa đốt sống và mất chiều cao đĩa đệm.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính để thu về hình ảnh cắt ngang của cột sống. Điều này giúp phát hiện những tổn thương hay vấn đề tiềm ẩn trong cấu trúc xương. Từ đó đánh giá mức độ nghiêm trọng và xác định nguyên nhan gây hẹp đốt sống cổ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ có thể cần thiết cho những bệnh nhân bị hẹp ống sống cổ. Kỹ thuật này giúp đánh giá tổn thương ở mô mềm (tủy sống, dây thần kinh, mạch máu, dây chằng…), kiểm tra không gian ống sống. Từ đó giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Chụp MRI chẩn đoán hẹp đốt sống cổ
Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp kiểm tra ống sống, đánh giá tổn thương ở mô mềm

Phương pháp điều trị hẹp đốt sống cổ

Hẹp đốt sống cổ có thể được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn, chẳng hạn như dùng thuốc, vật lý trị liệu cho cổ, nghỉ ngơi… Những trường hợp nặng hơn, có tổn thương thần kinh do chèn ép nên phẫu thuật điều trị.

1. Điều trị không phẫu thuật

Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) được ưu tiên cho những bệnh nhân bị hẹp đốt sống cổ để giảm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ giải nén. Đối với những trường hợp nhẹ, không có tổn thương dây thần kinh và tủy sống, điều trị bảo tồn tích cực có thể giúp khắc phục bệnh.

Những phương pháp dưới đây nên được sử dụng kết hợp để tăng hiệu quả điều trị:

  • Thuốc

Những loại thuốc được sử dụng trong điều trị đau do hẹp đốt sống cổ:

    • Thuốc giảm đau thông thường: Những trường hợp nhẹ có thể sử dụng Acetaminophen để giảm nhẹ cơn đau ở cổ, vai và cánh tay. Thuốc có tác dụng điều trị các cơn đau và hạ sốt. Trong một số trường hợp, Acetaminophen có thể được sử dụng với Ibuprofen (thuốc nhóm NSAID) để tăng hiệu quả điều trị.
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID được dùng để ngăn ngừa viêm và giảm những cơn đau vừa. Thuốc có tác giảm đau, trị viêm, giảm sốt không đặc hiệu và chống kết tập tiểu cầu. Ibuprofen và Naproxen là những loại thuốc kháng viêm không steroid thường được dùng trong điều trị hẹp đốt sống cổ.
    • Opioid: Thuốc giảm đau nhóm opioid (thuốc giảm đau gây nghiện) được dùng cho những trường hợp đau nặng. Thuốc giúp giảm đau nhanh và hiệu quả, mang đến cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên do có khả năng gây nghiện nên thuốc này chỉ được dùng ở liều thấp và dùng ngắn hạn theo chỉ định của bác sĩ.
  • Lối sống và biện pháp khác phục tại nhà

Những biện pháp dưới đây có thể giúp ngăn ngừa hẹp đốt sống cổ tiến triển và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

    • Tập thể dục: Một số bài tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng của hẹp đốt sống cổ. Đặc biệt người bệnh được khuyên thực hiện những bài tập kéo giãn, tập thể dục nhịp điệu để đạt được sức khỏe tổng thể tốt. Những bài tập này còn giúp rèn luyện các cơ hỗ trợ cột sống ở lưng và cổ, tăng cường cốt lõi, giảm đau và điều chỉnh tư thế.
    • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: Dùng khăn ấm hoặc túi đá lạnh áp lên cổ có thể giúp giảm nhẹ cơn đau. Chườm nóng giúp thư giãn, giảm co thắt, đau và cứng cổ. Đồng thời tăng lưu thông máu, giảm tê bì và cải thiện vận động. Trong khi chườm lạnh giúp giảm sưng và đau hiệu quả. Những liệu pháp này nên được thực hiện mỗi ngày vài lần, mỗi lần 15 phút.
    • Giảm cân: Giảm cân, ngăn thừa cân béo phì giúp làm chậm sự tiến triển của chứng hẹp ống sống. Đồng thời giảm nhẹ cơn đau và các triệu chứng khác.

Trong quá trình vật lý trị liệu, người bệnh sẽ được hướng dẫn tự chăm sóc, cách để hoạt động mà không bị đau hay tổn thương vùng cổ. Ngoài ra người bệnh được hướng dẫn những bài tập tăng cường sức mạnh và kéo căng. Những bài tập này có thể giúp giảm nhẹ cảm giác đau đớn, cải thiện sức cơ, chức năng vận động và khả năng giữ thăng bằng.

Ngoài ra vật lý trị liệu với những bài tập thích hợp còn giúp tăng cường lưu thông máu, giảm tê bì, cải thiện đường cong cột sống, xây dựng sức mạnh cho cổ. Từ đó giúp hỗ trợ giải nén dây thần kinh và cải thiện các triệu chứng.

Vật lý trị liệu chữa hẹp đốt sống cổ
Vật lý trị liệu vùng cổ giúp tăng cường các cơ, cải thiện khả năng giữ thăng bằng và vận động, giảm đau đớn

Liệu pháp xoa bóp có thể được áp dụng để giảm đau, thư giãn và tăng cường lưu thông máu. Đồng thời giúp hạn chế tình trạng co cứng và cải thiện vận động. Tuy nhiên liệu pháp này cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn.

Trong liệu pháp châm cứu, những cây kim nhỏ và mảnh sẽ được châm vào một số huyệt đạo thích hợp trên cơ thể. Liệu pháp này giúp đả thông kinh mạch, giảm đau nhức và thư giãn.

2. Điều trị phẫu thuật

Ở những trường hợp hẹp đốt sống cổ, điều trị phẫu thuật được chỉ định khi:

  • Điều trị phẫu thuật không hiệu quả hoặc những triệu chứng trở nên xấu đi
  • Đau và tê yếu tăng dần theo thời gian
  • Đau nhức nghiêm trọng hoặc kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và đời sống của bệnh nhân
  • Không thể giải nén dây thần kinh
  • Tổn thương tủy sống
  • Có nguy cơ tàn tật

Đôi khi phẫu thuật là phương pháp điều trị đầu tiên cho những bệnh nhân bị hẹp đốt sống cổ do các vấn đề sau:

  • Thoát vị đĩa đệm cấp tính
  • Gãy xương
  • Xuất hiện bệnh lý tủy cổ.

Những lựa chọn phẫu thuật:

  • Laminotomy

Laminotomy là phương pháp loại bỏ một phần lamina (phần sau của đốt sống) để tăng không gian chứa tủy và dây thần kinh. Trong kỹ thuật này, những thiết bị chuyên dụng sẽ được sử dụng để khắc một lỗ vừa đủ lớn trên đốt sống. Từ đó giúp tăng không gian ống sống, điều trị hẹp đốt sống cổ.

  • Cắt bỏ laminectomy

Đôi khi Laminotomy không thể tạo đủ không gian cho ống sống của bạn. Đối với trường hợp này, người bệnh có thể được chỉ định cắt bỏ laminectomy để tăng thêm hiệu quả giảm áp.

Cắt bỏ laminectomy
Cắt bỏ laminectomy giúp tăng không gian cho tủy sống và thần kinh, điều trị hẹp đốt sống cổ hiệu quả

Cắt bỏ laminectomy (phẫu thuật giảm áp) là một kỹ thuật loại bỏ toàn bộ phần sau của một hoặc nhiều đốt sống (lamina) bị ảnh hưởng. Phương pháp này giúp tạo thêm không gian cho tủy sống và dây thần kinh. Từ đó giảm áp lực lên những mô mềm và khắc phục cơn đau.

Sau khi cắt bỏ lamina, những đốt sống ảnh hưởng có thể cần được liên kết với nhau bằng thanh kim loại hoặc ghép xương. Điều này được gọi là hợp nhất đốt sống, nó giúp duy trì sức mạnh và ổn định cột sống.

  • Phẫu thuật tạo hình

Những bệnh nhân bị hẹp đốt sống cổ thường được phẫu thuật tạo hình để điều trị. Kỹ thuật này tạo ra một bản lề trên lamina để mở ra không gian bên trong ống sống. Trong đó thanh kim loại được dùng để bắc cầu giữa những khoảng trống trong phần mở của cột sống.

Phẫu thuật hẹp đốt sống cổ là một phương pháp điều trị hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này có thể tiềm ẩn một số rủi ro. Chúng thường bao gồm:

  • Suy giảm thần kinh
  • Xuất hiện cục máu đông trong tĩnh mạch
  • Rách màng bao bọc tủy sống
  • Nhiễm trùng
  • Cứng cổ
  • Chảy máu
  • Phản ứng với thuốc mê
  • Đau dai dẳng
  • Tổn thương mô hoặc dây thần kinh lân cận

Thông thường những rủi ro sẽ được ngăn ngừa trước, trong và sau quá trình phẫu thuật. Phục hồi chức năng sớm có thể giúp hạn chế biến chứng hiệu quả.

Phục hồi chức năng

Sau phẫu thuật điều trị hẹp đốt sống cổ, bệnh nhân được theo dõi tại bệnh viện từ 3 – 5 ngày hoặc lâu hơn. Trong thời gian này, bệnh nhân được chăm sóc vết thương kỹ lưỡng, đánh giá tốc độ phục hồi, phòng ngừa biến chứng sau mổ.

Khoảng vài giờ sau phẫu thuật, bệnh nhân được hướng dẫn cử động cổ nhẹ nhàng, đi lại để thư giãn, thúc đẩy quá trình hồi phục. Ngoài ra bệnh nhân được mang giá đỡ hoặc nẹp cổ để cố định các đốt sống bị thương. Đồng thời hỗ trợ vùng cổ, tạo điều kiện cho các vết thương lành lại nhanh chóng.

Sau vài ngày, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu cho vùng cổ. Những bài tập thích hợp sẽ được thực hiện để tăng cường các cơ xung quanh, cải thiện chức năng vận động và tính linh hoạt cho vùng cổ. Đồng thời giữ cho cột sống cổ ổn định và khỏe mạnh.

Hẹp đốt sống cổ bao lâu hồi phục?

Hẹp đốt sống cổ phổ biến và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Theo thời gian, bệnh có thể gây yếu cơ và dẫn đến những cơn đau mãn tính. Ngoài ra bệnh nhân còn mất khả năng giữ thăng bằng và đi lại khó khăn. Trong khi một số bệnh nhân có triệu chứng cải thiện theo thời gian thì phần lớn các trường hợp có hẹp đốt sống cổ tiến triển dẫn đến tàn tật.

Để ngăn ngừa, quá trình điều trị cần diễn ra sớm và tích cực. Những phương pháp thích hợp có thể giúp khắc phục nhanh các triệu chứng của bệnh, tăng không gian cho thần kinh và tủy sống. Đồng thời ngăn ngừa các biến chứng.

Nếu điều trị tốt, hẹp đốt sống cổ có thể được khắc phục nhanh, bệnh nhân trở lại các hoạt động sau 3 – 6 tháng điều trị và phục hồi. Sau khoảng 2 năm, bệnh nhân có thể phục hồi chức năng hoàn toàn.

Bệnh nhân trở lại các hoạt động sau 3 - 6 tháng điều trị hẹp đốt sống cổ
Bệnh nhân trở lại các hoạt động sau 3 – 6 tháng điều trị hẹp đốt sống cổ và phục hồi chức năng tích cực

Phòng ngừa hẹp đốt sống cổ

Để giảm nguy cơ hẹp đốt sống cổ, những biện pháp dưới đây nên được thực hiện:

  • Ngăn ngừa chấn thương trong mọi hoạt động.
  • Tránh mang vác vật nặng trên vai và cổ.
  • Không vặn hay bẻ cổ, không đột ngột xoay cổ sang một bên hoặc gập cổ quá mức.
  • Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, canxi và vitamin D. Những thành phần dinh dưỡng này giúp làm chậm quá trình lão hóa, xây dựng hệ xương khớp chắc khỏe. Đồng thời đảm bảo các khớp xương linh hoạt, bền bỉ và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Điều trị tích cực những chấn thương và bệnh lý có thể gây hẹp đốt sống cổ.
  • Tránh giữ cổ ở một tư thế trong thời gian dài.
  • Thường xuyên cử động và thực hiện những bài tập tốt cho cột sống cổ (chẳng hạn như các bài tập kéo giãn). Điều này giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ, cải thiện sức khỏe xương khớp, giảm nguy cơ thoái hóa cột sống. Đồng thời nâng cao sự dẻo dai và sức mạnh, giảm nguy cơ chấn thương.

Hẹp đốt sống cổ là bệnh lý nguy hiểm, cần điều trị sớm để ngăn bại liệt. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và phục hồi chức năng tích cực để sớm trở về với đời sống bình thường.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua