Gãy Xương Hở: Nguyên Nhân, Phân Loại Và Cách Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Gãy xương hở là một dạng gãy xương có sự thông thương trực tiếp giữa xương với môi trường bên ngoài. Chấn thương này đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế bệnh nhân cần được đánh giá tính chất và kích thước vết thương, điều trị ngoại khoa khẩn cấp.

Gãy xương hở
Gãy xương hở có xương gãy đâm xuyên qua da tạo thành vết thương lớn, tăng nguy cơ nhiễm trùng

Gãy xương hở là gì?

Gãy xương hở (còn được gọi là gãy xương phức hợp) là một dạng gãy xương nghiêm trọng, thể hiện cho sự thông thương trực tiếp giữa xương gãy với môi trường bên ngoài.

Tình trạng này thường do chấn thương năng lượng cao gây ra. Sau chấn thương, xương gãy đâm xuyên qua da tạo thành một vết thương lớn hoặc vết thương ngoài da sâu đến xương.

Do có sự đứt gãy liên tục của da nên những trường hợp gãy hở thường bị nhiễm trùng và gặp nhiều biến chứng khác. Chính vì thế mà chấn thương cần được đánh giá và điều trị ngoại khoa ngay lập tức.

Khác với gãy xương kín, gãy xương hở chủ yếu được phẫu thuật điều trị kết hợp sử dụng thuốc kháng sinh giúp chống nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây gãy xương hở

Chấn thương năng lượng cao là nguyên nhân gây gãy xương hở phổ biến. Tình trạng này xảy ra thứ phát sau chấn thương. Trong đó xương gãy (một hoặc cả hai đầu xương gãy) di lệch và đâm xuyên qua da tạo thành một vết cắt lớn.

Một số chấn thương năng lượng cao:

  • Tai nạn xe
  • Ngã từ một độ cao
  • Một vụ bắn súng. Đường đạn có tốc độ cao có thể gây gãy xương và tạo một vết thương lớn khi qua mô.
tai nạn xe gây gãy xương hở
Chấn thương năng lượng cao như tai nạn xe là nguyên nhân gây gãy xương hở phổ biến

Trong một số trường hợp khác, gãy xương hở xảy ra do một số chấn thương năng lượng thấp hơn. Cụ thể:

  • Té ngã từ tư thế đứng
  • Chấn thương xoắn
  • Chấn thương khi chơi thể thao

Ngoài ra nguyên nhân gây gãy xương hở được phân thành hai nhóm dựa vào cơ chế chấn thương.

  • Gãy xương hở từ ngoài vào: Cơ chế trực tiếp. Lực chấn thương gây gãy xương và gây vết thương (xảy ra đồng thời). Những trường hợp này thường bị nhiễm khuẩn do tổn thương phần mềm nặng. Cụ thể gãy hở từ ngoài vào có thể khiến xương gãy thành nhiều mảnh, phần mềm dập nát và có đất cát.
  • Gãy xương hở từ trong ra: Cơ chế gián tiếp. Lực chấn thương khiến xương gãy hoàn toàn, đầu xương làm tổn thương mô mềm (cơ, mạch máu, dây thần kinh) và chọc thủng da. Những trường hợp này không có ô nhiễm nhiều tại phần mềm và vết thương, phần mềm ít dập nát hơn.

Yếu tố nguy cơ

Nguy cơ gãy xương hở thường cao hơn ở những người có các tình trạng y tế làm ảnh hưởng đến chất lượng xương. Chẳng hạn như:

Ngoài ra gãy hở còn thường gặp ở vận động viên, người có độ tuổi từ 30 – 45 tuổi.

Dấu hiệu nhận biết gãy xương hở

Gãy xương hở dễ dàng được nhận biết thông qua các triệu chứng lâm sàng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, gãy xương hở gây ra những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:

Triệu chứng tại chỗ

+ Triệu chứng chung

  • Đau đớn, sưng tấy
  • Một vết thương lớn làm mất da, xương nhô ra thông qua vết thương. Trong nhiều trường hợp khác, vết thương không lớn hơn vết thủng
  • Vết thương sâu rộng
  • Nhiều tổ chức phần mềm bị dập nát
  • Nhiều dị vật và ngóc ngách
  • Ổ gãy xương di lệch lớn, thường có nhiều mảnh
  • Chảy máu
  • Tổn thương mô mềm xung quanh. Bao gồm cơ, dây chằng, động/ tĩnh mạch, dây thần kinh…
  • Chảy nhiều máu và tê yếu chi nếu dây thần kinh và mạch máu bị tổn thương.

+ Gãy hở từ ngoài vào

  • Xương gãy thành nhiều mảnh
  • Phần mềm dập nát và có đất cát

+ Gãy hở từ trong ra

  • Có ô nhiễm nhiều tại phần mềm và vết thương
  • phần mềm ít dập nát hơn

Triệu chứng toàn thân

Gãy xương hở thường kèm theo triệu chứng toàn thân, bao gồm:

  • Sốc
  • Da xanh xao, niêm mạc nhợt
  • Giảm hoặc mất ý thức
  • Tay chân lạnh
  • Trán vã nhiều mồ hôi
  • Mạch nhanh nhỏ, dưới 120 lần/ phút
  • Huyết áp dưới 90 mmHg

Phân loại gãy xương hở

Gãy xương hở được phân loại dựa trên mức độ nghiêm trọng.

1. Phân loại Gustilo

Phân loại Gustilo thường được sử dụng để làm thước đo mức độ nghiêm trọng của gãy xương hở. Bảng phân loại này chủ yếu dựa trên vết thương ở mô và xương, khả năng nhiễm trùng và thời gian lành dự kiến.

Phân loại gãy xương hở theo Gustilo
Phân loại gãy xương hở theo Gustilo dựa trên vết thương, khả năng nhiễm trùng và thời gian lành dự kiến

Loại I

  • Chấn thương năng lượng thấp
  • Vết thương ≤1 cm
  • Tổn thương cơ tối thiểu, cơ dập ít
  • Gãy xương tối thiểu
  • Không tước màng xương
  • Mạch máu thần kinh bình thường
  • Nhiễm bẩn tối thiểu, vết thương sạch
  • Đường gãy xương đơn giản, có thể gãy chéo ngắn hoặc gãy ngang
  • Thường gãy hở từ trong ra

Loại II

  • Chấn thương năng lượng vừa
  • Vết thương có kích thước từ 1 đến 10 cm
  • Tổn thương mô mềm ở mức vừa phải, cơ dập nhẹ hoặc vừa
  • Nhiễm trùng ở mức vừa phải
  • Gãy xương vừa phải
  • Không tước màng xương
  • Không có tổn thương mạch máu và thần kinh
  • Tróc hẳn vạt da hoặc tróc da còn cuống
  • Chèn ép khoang ở một số trường hợp
  • Đường gãy xương đơn giản, có thể gãy chéo ngắn hoặc gãy ngang kèm theo mảnh rời nhỏ

Loại III

Gãy xương hở loại III có mức độ nghiêm trọng nhất. Ở phân loại này, xương gãy nghiêm trọng, tổn thương nhiều mô và có nhiễm bẩn. Nhiều trường hợp còn bị chèn ép dữ dội.

+ Loại IIIA

  • Chấn thương năng lượng cao
  • Vết thương thường > 10cm
  • Tổn thương mô mềm sâu và rộng nhưng đủ mô để che phủ
  • Gãy xương dữ dội có kèm theo tước màng xương, đầu xương gãy bị lộ ra ngoài
  • Mạch máu và dây thần kinh bình thường.

+ Loại IIIB

  • Chấn thương năng lượng cao
  • Vết thương thường > 10cm
  • Tổn thương mô mềm sâu và rộng, không đủ che phủ xương gãy
  • Gãy xương dữ dội, tước màng xương
  • Đầu xương gãy bị lộ ra ngoài
  • Vết thương xoay hoặc vạt tự do
  • Mạch máu và dây thần kinh bình thường
  • Vùng gãy xương bị nhiễm bẩn nhiều.

+ Loại IIIC

  • Chấn thương năng lượng cao
  • Vết thương thường > 10cm
  • Tổn thương mô mềm sâu và rộng, vết thương dập nát nhiều
  • Gãy xương dữ dội và phức tạp, tước màng xương
  • Gãy xương gây tổn thương mạch máu cần sửa chữa
  • Hoại tử xương nếu điều trị chậm trễ và bị thiếu máu hơn 6 giờ. Những trường hợp này cần cắt cụt chi để bảo vệ những mô khác.

2. Phân loại Oestern và Tscherne

Phân loại Oestern và Tscherne cho bệnh nhân gãy xương hở dựa vào mức độ ô nhiễm, kích thước vết thương và kiểu gãy.

Phân loại Oestern và Tscherne
Phân loại Oestern và Tscherne dựa trên mức độ ô nhiễm, kích thước vết thương và kiểu gãy

Cấp I

  • Một vết thương thủng nhỏ
  • Không có nhiễm bẩn hoặc ô nhiễm vi khuẩn không đáng kể
  • Đứt gãy năng lượng thấp.

Cấp II

  • Tổn thương da có kích thước nhỏ
  • Tổn thương mô mềm ở mức vừa phải
  • Kiểu đứt gãy thay đổi.

Cấp III

  • Nhiễm bẩn nặng
  • Tổn thương mô mềm sâu và rộng
  • Thường có tổn thương dây thần kinh hoặc động mạch liên quan.

Cấp IV

  • Tổn thương mô mềm sâu và rộng, dập nát
  • Chảy nhiều máu tăng nguy cơ hoại tử, cần cắt cụt chi không hoàn toàn hoặc hoàn toàn.

Gãy xương hở có nguy hiểm không?

Những yếu tố dưới đây có thể giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của gãy xương hở:

  • Kích thước xương gãy, số lượng mảnh gãy
  • Mức độ tổn thương mô mềm xung quanh
  • Mức độ chảy máu
  • Vị trí vết thương và khả năng cung cấp máu đến mô mềm

Hầu hết các trường hợp gãy xương hở cần dược đánh giá để điều trị ngoại khoa khẩn cấp. Bởi tổn thương có thể dẫn đến nhiễm trùng và hoại tử.

1. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng có thể xảy ra ngay sau khi bị gãy xương hở. Nguy cơ nhiễm trùng càng cao khi tổn thương và mô mềm càng lớn, dập nát và nhiễm bẩn. Biến chứng này được điều trị bằng kháng sinh. Nhiều trường hợp bị nhiễm trùng xương dai dẳng, cần phẫu thuật và dùng thuốc lâu dài.

2. Xương gãy không lành

Mô và xương tổn thương do gãy xương hở có thể không lành. Nguyên nhân là do mạch máu bị tổn thương tại thời điểm chấn thương làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu. Những trường hợp này cần được phẫu thuật thêm để sửa chữa. Những lựa chọn thường bao gồm:

  • Cố định lại bên trong
  • Ghép xương vào vị trí gãy

3. Hội chứng khoang

Khi chi bị thương sưng lên và tăng áp lực tích tụ trong cơ, hội chứng khoang sẽ xuất hiện dẫn đến đau đớn kéo dài. Những trường hợp này cần được phẫu thuật ngay lập tức để giải phóng áp lực.

Hội chứng khoang không được điều trị kịp thời có thể làm khởi phát thêm những vấn đề sau:

4. Hoại tử chi

Hoại tử chi xảy ra ở những người chảy nhiều máu do tổn thương mạch máu và không được xử lý kịp thời. Chi bị thưởng sẽ bị hoại tử nếu bị thiếu máu hơn 6 giờ. Để bảo vệ những mô khác, bệnh nhân cần tiến hành cắt cụt chi.

5. Biến chứng khác

Một số biến chứng khác từ gãy hở:

  • Không liên hiệp (không dính vào nhau)
  • Giảm hoặc mất khả năng vận động ở chi ảnh hưởng
  • Hội chứng tắc mạch máu do mỡ
  • Tổn thương mạch máu và dây thần kinh thứ phát
  • Mất toàn chi

Chẩn đoán gãy xương hở

Thông thường chấn thương được kiểm tra ngay trong phòng cấp cứu để kịp thời xử lý. Gãy xương hở được phát hiện thông qua tổn thương mô sâu, thủng da và gãy xương. Tuy nhiên cần kiểm tra kỹ lưỡng kết hợp xét nghiệm hình ảnh để phân độ (đánh giá mức độ nghiêm trọng) và có phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Chẩn đoán gãy xương hở
Chẩn đoán và đánh giá gãy xương hở dựa trên mức độ tổn thương xương- mô trên lâm sàng và X-quang

1. Kiểm tra lâm sàng

Kiểm tra lâm sàng ở bệnh nhân gãy xương hở bao gồm:

  • Kiểm tra cơ chế chấn thương, thời gian bị thương và vị trị vết rách
  • Kiểm tra vết thương
    • Kiểm tra và đánh giá tổn thương mô mềm
    • Bản chất và kích thước của vết thương. Một số trường hợp không thể đánh giá tổn thương sâu bên trong thông qua tổn thương bên ngoài
    • Kiểm tra xương gãy
    • Kiểm tra mạch máu và dây thần kinh bằng cách kiểm tra chỉ số ở mắt cá chân (ABI)
      • Bình thường: ABI > 0,9
      • Bất thường: ABI < 0,9. Trường hợp này nên chụp mạch và phẫu thuật mạch máu.

Thông qua kiểm tra lâm sàng cần tìm những dấu hiệu cho thấy:

  • Gãy xương và có vết thương
  • Vết thương thông vào ổ gãy
    • Chảy máu có váng mỡ
    • Nhìn thấy xương gãy
    • Đường đi của lực tác động dẫn đến chấn thương thông qua ổ gãy

2. Kiểm tra cận lâm sàng

Sau kiểm tra lâm sàng, bệnh nhân được chỉ định một vài xét nghiệm hình ảnh để xác định tính chất và mức độ tổn thương.

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang khớp trên và dưới chỗ gãy để kiểm tra mức độ gãy xương. Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh chi tiết của xương. Từ đó xác định số lượng xương gãy, tình trạng di lệch giữa những mảnh xương, gãy xương kèm theo trật khớp.
  • Xét nghiệm máu/ nước tiểu: Xét nghiệm máu/ nước tiểu kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, nhóm máu, thời gian máu chảy và đông máu, các thông số nước tiểu… Điều này giúp xác định các cách xử lý nếu có bất thường.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp CT hoặc MRI kiểm tra tổn thương mô mềm (cơ dập, mạch máu, dây thần kinh…). Kỹ thuật này cũng được sử dụng để xác định những tổn thương đi kèm.

Phương pháp điều trị gãy xương hở

Gãy xương hở cần được điều trị y tế khẩn cấp để phòng ngừa nhiễm trùng và các biến chứng lâu dài (mất chi và hoại tử). Xử lý vết thương và dùng kháng sinh được thực hiện trong phòng cấp cứu. Sau đó phẫu thuật, cố định và nhiều phương pháp chuyên sâu khác sẽ được áp dụng.

1. Cấp cứu ban đầu

Điều trị ban đầu tại phòng cấp cứu thường bao gồm những bước dưới đây:

  • Tưới tiêu trị liệu và gỡ vết thương

Người bệnh được tưới tiêu trị liệu (tưới hoặc rửa vết thương) để làm sạch vùng bị thương. Dùng kiềm vô khuẩn gấp dị vật lớn nếu có. Trong quá trình tẩy rửa vết thương, các mô bị nhiễm bẩn và không thể sống được (xương, cơ, da và mỡ dưới da) sẽ bị loại bỏ.

Khả năng tồn tại của mô mềm và xương được xác định cách kiểm tra khả năng chảy máu. Khả năng tồn tại của các cơ được xác định bởi khả năng co bóp, màu sách, khả năng chảy máu và tính nhất quán của chúng.

Nếu vết thương nhỏ, bác sĩ có thể tiến hành mở rộng vết thương để dễ dàng tiếp cận mô mềm và xương ở vùng bị ảnh hưởng. Sau đó sử dụng vài lít dung dịch nước muối để tưới hoặc rửa sạch vết thương.

Tưới tiêu trị liệu gãy xương hở
Tưới tiêu trị liệu và gỡ vết thương trong phòng cấp cứu để ngăn ngừa nhiễm trùng
  • Băng bó vết thương

Sau khi vết thương đã được làm sạch, băng vết thương bằng băng gạc vô khuẩn khô hoặc tẩm Povidone-iodine. Điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng hiệu quả.

Thời gian băng bó và đóng vết thương tối ưu phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết thương.

  • Chụp ảnh vết thương

Sau khi làm sạch, vết thương được đánh giá bằng X-quang chi bị thương. Điều này giúp định hướng các phương pháp điều trị tiếp theo. Đồng thời chẩn đoán nhanh chóng, giảm thiểu việc phải khám nhiều lần dẫn đến đau đớn.

  • Ổn định gãy xương tạm thời

Sử dụng một thanh nẹp có đệm tốt để bất động ổ gãy qua hai khớp. Lưu ý trục ở đoạn chi gãy được giữ thẳng. Phần lớn bệnh nhân gãy xương hở năng lượng cao ở chân được cố định bên ngoài.

Nếu gãy xương kèm theo trật khớp (sai khớp), khớp trật được nắn lại trước khi cố định xương gãy.

  • Dự phòng uốn ván

Tiêm phòng uốn ván để ngăn nhiễm trùng ở vết thương hở. Trong nhiều trường hợp, huyết thanh kháng độc tố uốn ván sẽ được tiêm cho những người có vết thương nặng.

Tiêm uốn ván có thể không cần thiết đối với những bệnh nhân đã tiêm 3 liều VAT trong vòng 10 năm trở lại đây.

Thời gian tiêm: Bắt đầu trong phòng cấp cứu

Hình thức dự phòng: Có hai hình thức bao gồm

    • Toxoid: Dùng liều 0,5ml cho mọi độ tuổi.
    • Globulin miễn dịch (Immunoglobulin):
      • Dưới 5 tuổi: Tiêm liều 75 U
      • Từ 5 – 10 tuổi: Tiêm liều 125 U
      • Trên 10 tuổi: Tiêm liều 250 U

Immunoglobulin và Toxoid nên được tiêm vào cơ thể bằng hai ống tiêm khác nhau ở hai vị trí khác nhau.

  • Dùng kháng sinh

Kháng sinh cần được sử dụng càng sớm càng tốt. Một số nghiên cứu cho thấy, dùng kháng sinh chậm hơn 3 giờ từ thời điểm bị thương sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Sau bị thương 24 giờ, tiếp tục sử dụng kháng sinh nếu vết thương có thể lành lại.

Nếu vết thương không được đóng lại sau phẫu thuật ban đầu, tiếp tục sử dụng thuốc kháng sinh trong vòng 24 giờ sau khi vết thương cuối cùng được đóng lại, 48 giờ đối với gãy xương hở loại III.

Thuốc kháng sinh điều trị gãy xương hở
Thuốc kháng sinh cần được sử dụng sớm và liên tục để giảm nguy cơ nhiễm trùng

Những loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng (theo phân loại Gustilo):

+ Gãy xương hở độ I và II

    • Dùng Cephalosporin thế hệ I hoặc thế hệ III (kháng sinh phổ rộng). Tiêm tĩnh mạch với liều từ 1 – 2g, tăng liều mỗi 8 giờ (tăng 1g)
    • Nếu có dị ứng, sử dụng kháng sinh Vancomycin hoặc Clindamycin.

+ Gãy xương hở độ III

    • Dùng Cephalosporin thế hệ 1 kết hợp Aminoglycoside với liều 3 – 5mg/ kg trọng lượng/ ngày. Liều dùng Aminoglycoside cần được chia đều mỗi 8 giờ.
    • Vancomycin + Cefepime có thể được sử dụng cho một số trường hợp khác.

+ Nếu bị nhiễm bẩn nặng

    • Bao phủ vi khuẩn kỵ khí bằng cách sử dụng thêm kháng sinh Penicillin liều cao (4 – 5 triệu UI mỗi 6 giờ)
  • Bao phủ mô mềm

Bao phủ mô mềm hoặc đóng vết thương nên được thực hiện sớm. Đối với gãy xương chày hở, thời gian che phủ vạt cho vết thương < 7 ngày. Bao phủ sau 7 ngày có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Cụ thể tăng 16% tỉ lệ lây nhiễm mỗi ngày sau ngày thứ 7.

Kỹ thuật:

    • Ghép xương sau khi vết thương được làm sạch và liền miệng.
    • Liệu pháp vết thương áp lực âm được sử dụng vào giai đoạn khử trùng cho đến khi có độ che phủ hoàn toàn. Kỹ thuật này không được khuyến cáo cho những người có vết thương lớn. Bởi nhiễm trùng xảy ra nếu để hở trên 7 ngày.

2. Phẫu thuật và cố định gãy xương hở

Đối với gãy xương hở, cần phẫu thuật và cố định sớm. Phương pháp này giúp ngăn tổn thương thêm, xương lành đúng cách và đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương.

Đặc biệt phẫu thuật và cố định cần được thực hiện sớm hơn ở những người gãy xương gần khớp. Cố định sớm có thể giúp phục hồi khả năng vận động, hạn chế tình trạng cứng khớp.

Dựa vào kết quả đánh giá, gãy xương hở được điều trị bằng cách cố định bên trong hoặc cố định bên ngoài.

  • Cố định bên trong

Thông thường cố định bên trong sẽ được chỉ định cho những trường hợp sau:

    • Những mảnh xương gãy có thể liên kết tốt
    • Tổn thương mô hoặc da tối thiểu
    • Vết thương sạch
Cố định bên trong
Cố định bên trong cho những bệnh nhân có tổn thương mô hoặc da tối thiểu, vết thương sạch

Trong thủ thuật này, xương gãy được đưa về vị trí đúng. Sau đó một số thiết bị bằng kim loại (như vít, que, đĩa) sẽ được cấy ghép. Những thiết bị này giúp cố định xương gãy ở vị trí đúng và giữ yên những mảnh gãy trong khi chúng lành lại.

Tùy thuộc vào tình trạng, phẫu thuật cố định bên trong có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị ban đầu hoặc trì hoãn nếu có nhiều mô mềm bị thương và cần chữa lành.

Sau khi cố định bên trong, chi bị thương được băng bó và nẹp cho đến khi vết gãy lành lại. Ngoài ra kháng sinh được chỉ định để ngăn nhiễm trùng.

  • Cố định bên ngoài

Những trường hợp được chỉ định cố định ngoài:

    • Gãy xương hở nghiêm trọng
    • Chưa thể cấy ghép vĩnh viễn cho xương gãy và vết thương
    • Mô mềm dập nát cần thời gian chữa lành

Thông thường gãy xương hở nghiêm trọng được cố định bên ngoài trong vòng 72 giờ để ổn định. Phương pháp này giúp ổn định xương gãy, tránh di lệch thêm trong khi chăm sóc vết thương. Đồng thời tạo điều kiện cho mô mềm lành lại, không tạo thêm vết thương lớn.

Trong khi thực hiện thủ thuật, ghim hoặc vít kim loại sẽ được chèn vào xương ở trên và dưới vị trí của vết gãy. Đinh vít và chốt nhô ra khỏi da sẽ được gắn vào những sợi carbon hoặc các thanh kim loại.

Cố định bên ngoài
Cố định ngoài cho trường hợp gãy hở nghiêm trọng để ổn định xương gãy trong khi chăm sóc vết thương

Ở những trường hợp nặng, bác sĩ có thể tiến hành ghép mô và da để che phủ phần xương bị thương hoặc vết thương được mài mòn thêm. Sau khi cố định, người bệnh có thể ra khỏi giường và đi lại.

Tùy thuộc vào tình trạng, cố định bên ngoài thường được giữ tại chỗ cho đến khi đủ điều kiện để cố định bên trong hoặc cho đến khi mô lành lại hoàn toàn. Khi vết thương được chữa lành, thiết bị ngoài sẽ được lấy ra trong quy trình thứ hai.

3. Điều trị vết thương phức tạp

Gãy xương hở với những vết thương quá lớn và mất nhiều mô mềm thường khó có thể khép lại. Những trường hợp này sẽ được cấy ghép mô và da hoặc được băng bó tạm thời sau khi làm sạch ổ gãy. Từ đó thúc đẩy quá trình lành lại và giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Sau một thời gian, bệnh nhân được phẫu thuật che vết thương vĩnh viễn để che phủ vết thương hoàn toàn.

Cụ thể các phương pháp được dùng trong điều trị vết thương phức tạp:

  • Băng bó tạm thời: Băng bán thấm có thể được sử dụng để che phủ vết thương tạm thời. Vết thương thường được băng kín cho đến khi lành và có thể đóng lại. Trước khi băng kín, hạt kháng sinh có hàm lượng kháng sinh cao thường được đặt trực tiếp vào vết thương.
  • Ghép da: Một phần da khác trên cơ thể sẽ được lấy để cấy vào vị trí mất da. Phương pháp này giúp che phủ xương và thu nhỏ kích thước của vết thương.
  • Vạt cục bộ: Mô cơ được lấy từ vùng lân cận trên cùng một chi để xoay vào vết thương, che đoạn xương hở. Sau đó đặt lên vạt một mảnh da phù hợp.
  • Vạt tự do: Mô được lấy từ bụng, lưng hoặc một phần khác của cơ thể để chuyển vào vị trí bị thương. Sau đó thiết lập lưu thông máu đến vạt.

Phục hồi chức năng gãy xương hở

Cần phục hồi chức năng tích cực sau điều trị gãy xương hở. Phương pháp này có thể giúp phục hồi chức năng hoàn toàn và ngăn biến chứng ở chi bị thương.

Trong và sau quá trình điều trị, một số bài tập dưới đây có thể được thực hiện:

  • Bài tập kéo giãn
  • Vận động thụ động
  • Vận động chủ động
  • Tập gấp duỗi khớp
  • Tập chống chân và tập đi
  • Tập cơ…

Những bài tập này giúp chuyển động khớp dễ dàng, tăng tính linh hoạt và xây dựng các cơ ở chi bị thương. Từ đó giúp ngăn ngừa cứng khớp, phục hồi sức mạnh cơ bắp và chức năng vận động.

Gãy xương hở bao lâu lành lại?

Thông thường, mất 3 – 4 tháng để xương liền lại sau quá trình điều trị. Từ tháng thứ 6 có thể trở lại các hoạt động và tập thể dục. Tuy nhiên có thể mất đến 2 năm để chi lành lại hoàn toàn.

Người bệnh có thể trở lại các hoạt động sinh hoạt và tập thể dục sau 6 tháng
Người bệnh có thể trở lại các hoạt động sinh hoạt và tập thể dục sau 6 tháng

Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến thời gian lành lại của xương. Chẳng hạn như mức độ nghiêm trọng của chấn thương, những thương tổn ở mô và xương.

Thông thường gãy xương chày hở mất nhiều thời gian để chữa lành hơn so với gãy thân xương đùigãy tay. Bởi xương đùixương cánh tay có nhiều mô mềm bao phủ hơn. Ngoài ra bệnh mạch máu ngoại vi, tiểu đường và một số bệnh lý khác có thể kéo dài thời gian chữa lành.

Trong vài tháng đầu sau chấn thương, chi thường yếu, cứng và khó chịu. Vì thế không nên thực hiện những hoạt động cần nhiều sức lực.

Phòng ngừa gãy xương hở như thế nào?

Thận trọng, loại bỏ nguy cơ té ngã và tai nạn là cách tốt nhất để ngăn gãy xương hở. Ngoài ra không nên nhảy và tiếp đất từ một độ cao. Ăn uống lành mạnh, giàu canxi và vitamin D có thể tăng chất lượng xương và giúp xương chắc khỏe. Từ đó giảm nguy cơ gãy xương hở.

Gãy xương hở là một chấn thương nghiêm trọng, cần được điều trị cấp cứu để ngăn nhiễm trùng và nhiều biến chứng khác. Vì thế những trường hợp này cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để được đánh giá tổn thương và xử lý đúng cách.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua