Gãy Xương Cẳng Chân Bao Lâu Thì Lành? Xử Lý, Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Gãy xương cẳng chân là tình trạng gãy một hoặc cả hai xương thuộc cẳng chân, thường xảy ra sau té ngã, va đập hoặc có một lực tác động cực mạnh lên chân. Sau chấn thương, bệnh nhân có thể bị gãy kín hoặc gãy hở. Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ sẽ tiến hành sơ cứu và điều trị gãy xương với những phương pháp thích hợp nhất.

Gãy xương cẳng chân
Tìm hiểu gãy xương cẳng chân bao lâu thì lành? Nguyên nhân, dấu hiệu, cách xử lý và điều trị

Gãy xương cẳng chân là gì?

Cẳng chân có hai xương, bao gồm xương mác và xương chày. Trong đó xương chày là một trong những xương lớn, dài và khỏe nhất của cơ thể, nằm trước và bên trong của cẳng chân. Xương mác là xương dài, thon, nằm phía sau xương chày và bên ngoài cẳng chân.

Cẳng chân có bốn khoang, thành khoang chắc nhưng cấu tạo khoang hẹp. Do đó nếu có gãy xương gây phù nề kèm theo chảy máu trong khoang, bệnh nhân sẽ dễ mắc hội chứng chèn ép khoang và tăng nguy cơ cụt chân.

Gãy xương cẳng chân là tình trạng một hoặc cả hai xương của cẳng chân có vết nứt/ gãy. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp chỉ có một xương gãy (gãy xương mác/ gãy xương chày).

Tùy thuộc vào vị trí và lực tác động, bệnh nhân có thể bị gãy xương kín hoặc gãy xương hở, có chèn ép khoang hoặc không. Thông thường gãy thấp dễ dẫn đến gãy hở, gãy cao dễ dẫn đến chèn ép khoang.

Gãy xương cẳng chân cần được sơ cứu, điều trị kịp thời và đúng cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng, sốc và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.

Nguyên nhân gây gãy xương cẳng chân

Gãy xương cẳng chân thường xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

  • Ngã: Một hoặc cả hai xương cẳng chân có thể bị gãy sau một cú ngã đơn giản.
  • Chấn thương trong thể thao: Sự va chạm mạnh trong khi chơi những bộ môn thể thao tiếp xúc (điển hình như va chạm với cơ thể đối thủ hoặc gậy khúc côn cầu) có thể gây gãy xương cẳng chân.
  • Tai nạn xe: Gãy xương thường xảy ra khi cẳng chân tiếp đất trong tư thế xoắn/ vặn hoặc chân bị kẹt vào bảng điều khiển khi tai nạn xe cơ giới.
  • Gãy xương do căng thẳng: Những vết nứt nhỏ có thể hình thành và phát triển ở xương mác hoặc/ và xương chày do các xương chịu lực tác động lặp đi lặp lại hoặc được sử dụng quá mức, điển hình như nhảy liên tiếp hoặc chạy đường dài.
  • Bệnh lý: Một vài tình trạng sức khỏe khiến xương khớp suy yếu như loãng xương, ung thư xương… có thể gây gãy xương cẳng chân ngay cảm khi không có va chạm mạnh.
Nguyên nhân gây gãy xương cẳng chân
Gãy xương cẳng chân thường xảy ra sau khi ngã, chấn thương trong thể thao

Cơ chế gãy xương cẳng chân

Gãy xương cẳng chân có hai cơ chế:

  • Cơ chế chấn thương gián tiếp: Bệnh nhân có xương gãy chéo, xoắn.
  • Cơ chế chấn thương trực tiếp: Phần lớn bệnh nhân bị gãy xương hở do chấn thương trực tiếp.

So với chấn thương gián tiếp, chấn thương trực tiếp gây ra những tổn thương phần mềm với mức độ nghiêm trọng hơn.

Triệu chứng của gãy xương cẳng chân

Gãy xương cẳng chân thường có mức độ phức tạp cao. Sau khi xương gãy, người bệnh sẽ nhận thấy những triệu chứng nghiêm trọng sau:

  • Phát ra tiếng kêu răng rắc khi xương gãy
  • Đau nhức dữ dội kèm theo cảm giác nhói sâu tận bên trong
  • Cơn đau nghiêm trọng hơn khi cử động hoặc cố gắng dồn lực lên chân (đứng dậy, đi lại…)
  • Biến dạng rõ ràng ở cẳng chân. Đầu xương gãy đâm xuyên qua da, ổ gãy xương và môi trường bên ngoài thông thương với nhau khi bị gãy xương hở
  • Chân tổn thương bị rút ngắn
  • Sưng tấy
  • Bầm tím quanh khu vực tổn thương
  • Ấn nhẹ thấy mềm
  • Cảm thấy yếu chi và mất tính ổn định
  • Không có khả năng dồn trọng lượng hay đi lại
  • Trẻ dừng bước đi và khóc không rõ nguyên nhân là dấu hiệu nhận biết trẻ mới biết đi bị gãy chân.

Phân loại gãy xương gãy chân

Có nhiều cách phân loại gãy xương cẳng chân, cụ thể:

1. Phân loại theo vị trí

  • 1/3 trên
  • 1/3 dưới
  • 1/3 giữa

2. Phân loại theo đường gãy

  • Đường gãy ngang
  • Đường gãy chéo
  • Gãy xoắn
  • Gãy phức tạp hai tầng hay nhiều tầng
  • Gãy xương có mảnh vỡ

3. Phân loại theo tính chất di lệch

  • Gập góc
  • Di lệch xa
  • Chồng ngắn

4. Phân loại theo cơ chế

  • Chấn thương trực tiếp
  • Chấn thương gián tiếp
  • Gãy do di căng
  • Gãy mệt
  • Gãy do bướu xương

5. Phân loại gãy xương kín

Phân loại gãy xương kín cẳng chân theo A.O:

Độ A: Gãy đơn giản

  • A1: Gãy chéo xoắn
  • A2: Gãy chéo vát dài (≥ 30°)
  • A3: Gãy ngang chéo vát ngắn (≤ 30°)

Độ B: Gãy có mảnh rời

  • B1: Gãy hình chêm chéo xoắn
  • B2: Gãy hình chêm chéo vát
  • B3: Gãy hình chêm có mảnh rời nhỏ

Độ C: Gãy phức tạp

  • C1: Gãy phức tạp chéo xoắn
  • C2: Gãy phức tạp ba đoạn
  • C3: Gãy phức tạp nhiều mảnh rời

Gãy xương mác

  • 1: Xương mác nguyên vẹn
  • 2: Xương mác gãy khác mức
  • 3: Xương mác gãy cùng mức.

6. Phân loại gãy xương hở

Theo Gustilo và Anderson (1984), gãy xương hở được chia thành ba mức độ. Cụ thể:

  • Độ I: Bệnh nhân bị gãy xương do chấn thương năng lượng thấp, vết gãy chéo hoặc gãy ngang. Đầu xương gãy tạo ra vết thương rách ở da kích thước nhỏ hơn 1cm, mức độ nhiễm khuẩn thấp, hoàn toàn sạch do gãy hở từ trong ra. Đụng dập cơ tối thiểu.
  • Độ II: Chấn thương mạnh gây gãy xương hở. Xương gãy với đường gãy chéo ngắn kèm mảnh nhỏ hoặc gãy ngang đơn giản. Tổn thương phần mềm rộng, vết rách da lớn hơn 1cm, tróc hẳn vạt da hoặc tróc da còn cuống, cơ đụng dập ở mức độ nhẹ đến vừa, chèn ép khoang có thể xảy ra.
  • Độ III: Đầu xương gãy gây tổn thương mô mềm rộng, trong đó có da, cấu trúc thần kinh mạch máu và cơ. Dập nát phần mềm và có dấu hiệu hợp thành dẫn đến chèn ép dữ dội do tốc độ tổn thương cao.
    •  Đội IIIA: Tổn thương phần mềm rộng sau gãy xương tương ứng với vết thương trong tầm đạn bắn gần hoặc vùng xương gãy.
    • Độ IIIB: Tổn thương phần mềm rộng, mất da, mất tổ chức phần mềm, tróc màng xương rộng, lộ xương. Đối với trường hợp này, cần tiến hành che phủ xương bằng cách chuyển vạt cơ, da.
    • Độ IIIC: Xương gãy phức tạp, vết thương dập nát, có tổn thương mạch máu dẫn đến xuất huyết cần phải phục hồi.
Phân loại gãy xương hở và gãy xương kín ở bệnh nhân bị gãy xương gãy chân
Phân loại gãy xương hở và gãy xương kín ở bệnh nhân bị gãy xương gãy chân

Biến chứng của gãy xương cẳng chân

Gãy xương cẳng chân (đặc biệt là gãy thân xương chày) thường nguy hiểm và có biến chứng nghiêm trọng hơn so với những trường hợp gãy xương khác. Dưới đây là những biến chứng có thể gặp:

1. Biến chứng sớm

Những biến chứng có thể xảy ra ngay khi xương gãy:

  • Choáng chấn thương: Xảy ra phổ biến hơn ở gãy đầu trên và dưới xương cẳng chân, ít khi gặp ở trường hợp gãy thân xương cẳng chân.
  • Tắc mạch máu do mỡ: Phổ biến.
  • Chèn ép khoang: Thường chèn ép khoang trước. Phổ biến ở bệnh nhân gãy 1/3 trên xương cẳng chân, gãy xoắn, gãy nhiều mảnh. Ít gặp hơn khi gãy 1/3 giữa. Xuất hiện ở những trường hợp có di lệch hoặc không.
  • Gãy xương hở: Gãy xương kín thành gãy xương hở do vết thương loét da. Thường gặp ở những bệnh nhân bị gãy kín thân xương chày.
  • Tổn thương thần kinh: Gãy cổ xương mác hoặc do chèn ép bột, sự ảnh hưởng từ sự sưng nề dẫn đến tổn thương thần kinh mác chung.
  • Tổn thương mạch máu: Chấn thương năng lượng cao gây di lệch hoàn toàn hoặc gãy nét dẫn đến tổn thương mạch máu. Thường gặp ở những bệnh nhân bị gãy 1/3 trên.

2. Biến chứng muộn

Những biến chứng dưới đây có thể xuất hiện muộn hơn, khoảng trong và sau thời gian điều trị gãy xương cẳng chân:

  • Can lệch và ngắn chi: Nếu vết gãy đi qua một đĩa tăng trưởng, chi tổn thương có thể trở nên dài hơn hoặc ngắn hơn so với chi còn lại.
  • Cứng khớp: Sau điều trị, bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân có thể bị cứng khớp gối, khớp dưới sên và khớp cổ chân. Khoảng 20 – 30% trường hợp cứng khớp cổ chân sau một thời gian điều trị bảo tồn gãy thân xương chày (theo Sarmiento). 27% bệnh nhân điều trị bảo tồn không thể chạy do cứng khớp dưới sên và cứng khớp cổ chân (theo Digby và cộng sự).
  • Rối loạn dinh dưỡng: Xảy ra ở những bệnh nhân bó bột bất động lâu dài, không vận động và không tập đi sớm. Dấu hiệu nhận biết: Đau, sưng, teo cơ tiến triển, xơ hóa khớp, loãng xương, rối loạn vận mạch.
  • Ngón chân vuốt: Thường do thiếu tập luyện vận động, tổn thương thần kinh, các cơ ở khoang sau thiếu máu cục bộ.
  • Gãy lại: Gãy lại thường gặp ở những bệnh nhân có xương khớp suy yếu và vết gãy chưa lành hẳn.
  • Nhiễm trùng xương (viêm tủy xương): Thường gặp ở những bệnh nhân gãy xương hở.
  • Viêm khớp sau chấn thương: Tỉ lệ viêm khớp sau chấn thương ở khớp gối là 8% và 22% ở khớp cổ chân (theo Merchant và Dietz).
Viêm khớp sau chấn thương
Viêm khớp sau chấn thương có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân có biến dạng

Xử lý và cố định tạm thời gãy xương cẳng chân

Ngay khi bị gãy xương cẳng chân, người bệnh cần giữ bình tĩnh. Sau đó thực hiện những bước xử lý và cố định tạm thời gãy xương. Điều này giúp hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng, gãy xương thêm di lệch và tổn thương phần mềm.

1. Cách xử lý

Người bệnh cần giữ bình tĩnh và thực hiện những bước xử lý dưới đây sau khi té ngã/ va đập gây gãy xương cẳng chân.

  • Thả lỏng cơ thể, ngồi hoặc nằm với tư thế thoải mái để giảm trọng lượng lên chân. Không cố gắng đi lại, đứng lên hay chuyển động chân gãy. Hít thở đều.
  • Gọi cấp cứu y tế.
  • Đánh giá tình trạng
    • Mức độ nghiêm trọng của tổn thương (xương gãy, phần mềm).
    • Kiểm tra tuần hoàn và đường thở.
  • Cầm máu bằng bông băng sạch nếu bị xuất huyết.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc chống sốc nếu cần thiết (thường áp dụng cho trường hợp gãy xương hở và cần có hướng dẫn của chuyên viên y tế).
  • Băng kín vết thương và cố định tạm thời gãy xương.

2. Cố định tạm thời gãy xương

Những bước cơ bản trong cố định tạm thời gãy xương cẳng chân:

Chuẩn bị

  • Hai nẹp có chiều dài 80cm – 130cm, rộng từ 8cm – 10cm
  • Bông mỡ và gạc y tế
  • 3 – 5 băng cuộn

Tư thế bệnh nhân

  • Nằm trên sàn với tư thế thoải mái, thở đều
  • Để lộ cẳng chân tổn thương. Khi cần có thể cắt quần theo đường chỉ, tránh chạm vào vết thương.

Đặt nẹp và đệm lót

  • Nẹp trong: Đặt một nẹp ở mặt trong của cẳng chân sao cho đầu dưới quá gan chân 1cm, đầu trên ở giữa đùi.
  • Nẹp ngoài: Đặt một nẹp ở mặt ngoài của cẳng chân sao cho đầu dưới quá gan chân 1cm, đầu trên ở giữa đùi.
  • Đệm lót: Dùng vải mỏng hoặc băng gạc lót vào hai mắt cá chân, hai lồi cầu xương đùi, chỏm xương mác và bốn đầu nẹp.

Cố định nẹp

  • Băng vết thương mu chân: Kiểu băng số 8 với đường băng tại cổ và bàn chân.
  • Băng vết thương vùng khoeo: Kiểu băng số 8 với đường băng tại đầu gối.
  • Băng ở đùi: Kiểu băng tròn với đường băng giữa đùi để hai nẹp được giữ và cố định vào đùi.

Hỗ trợ chân gãy

  • Dùng vòng băng tròn quấn quanh hai cổ chân để giữ và cố định hai cẳng chân vào nhau, hỗ trợ chân gãy.

Chẩn đoán gãy xương cẳng chân

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng bị ảnh hưởng. Sau đó đánh giá mức độ nghiêm trọng dựa trên những yếu tố sau:

  • Sốc do đau và xuất huyết
  • Triệu chứng
    • Đau, sưng, bầm tím
    • Biến dạng cẳng chân
    • Vết thương hở
    • Gập góc ở cẳng chân
  • Mất cơ năng của cẳng chân
  • Cẳng chân cử động bất thường hoặc xoay đổ ra mặt giường
  • Có tiếng lạo xạo xương
  • Sờ thấy đầu xương gãy di lệch dưới da

Ngoài ra người bệnh sẽ được chụp X-quang để xác định chính xác loại gãy xương, vị trí của vết gãy và mức độ tổn thương của các khớp lân cận. Nếu gãy xương hở gây tổn thương phần mềm nhiều, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số kỹ thuật chẩn đoán chi tiết hơn. Cụ thể như chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT).

Chẩn đoán gãy xương cẳng chân
Xác định loại gãy xương, mức độ nghiêm trọng và vị trí vết gãy bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Phương pháp điều trị gãy xương cẳng chân

Tùy thuộc vào vị trí xương gãy và loại gãy xương, phương pháp điều trị gãy xương cẳng chân không giống nhau ở mỗi đối tượng. Những phương pháp thường được áp dụng:

1. Nghỉ ngơi và bất động

Nghỉ ngơi và bất động ngắn hạn được áp dụng cho những bệnh nhân bị gãy xương do căng thẳng. Biện pháp này có tác dụng tạo điều kiện và thời gian cho xương gãy tự lành, giảm áp lực và ngăn những tác động bên ngoài làm nặng thêm vết nứt, hạn chế phát sinh cơn đau.

Sau một thời gian nghỉ ngơi và bất động, người bệnh nên đi bộ và duy trì vận động với những bài tập nhẹ nhàng. Hạn chế tối đa việc lạm dụng và tăng áp lực lên bàn chân.

2. Bó bột

Bó bột điều trị gãy xương cẳng chân được áp dụng cho những trường hợp gãy di lệch ít hoặc không di lệch. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành bó bột đùi, cẳng chân và bàn chân có rạch dọc. Bệnh nhân ngồi với tư thế gối hơi gấp bàn chân 90° trong khi bó bột.

Bệnh nhân được hướng dẫn nghỉ ngơi và hạn chế vận động tạm thời. Sau 7 – 10 ngày hoặc khi dấu hiệu sưng nề thuyên giảm, người bệnh có thể được thay bột khác hoặc quấn thêm bột kín nếu bột quá lỏng.

Trong 3 tuần đầu, bệnh nhân được hướng dẫn dạng, khép và đưa cao cẳng chân. Trong những tuần tiếp theo, tập đi với nạng và tập chống chân bệnh để phục hồi vận động và hạn chế rối loạn dinh dưỡng. Sau 8 – 10 tuần có thể cắt bột.

Ngoài ra bó bột cũng được áp dụng cho những bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân đã nắn chỉnh hoặc điều trị phẫu thuật. Đối với những trường hợp này, bó bột nhằm vào mục đích giữ cho xương gãy nằm yên, không bị di lệch trong quá trình lành lại.

Bó bột
Bó bột điều trị gãy xương cẳng chân giúp giữ xương gãy nằm yên, không bị di lệch trong thời gian lành lại

3. Nắn và kéo chân

Đối với những bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân có di lệch nhiều, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê ổ gãy và nắn/ kéo xương ngay khi chẩn đoán xong. Thông thường người bệnh được nắn xương trên khung kéo với kiểu Boehler, dùng tạ 7 – 14kg để kéo. Thời gian thực hiện từ 10 – 20 phút.

Mục đích:

  • Hết xoay cẳng chân
  • Hết ngắn chi
  • Di lệch ngang được nắn sửa
  • Không có bất thường trên hình ảnh X-quang.

Sau nắn và kéo chỉnh xương, bác sĩ tiến hành bó bột đùi, cẳng chân và bàn chân để giữ cho các đầu xương gãy ở vị trí đúng, không di lệch. Nếu còn di lệch ít (kiểm tra trên hình ảnh X-quang), người bệnh được hướng dẫn nằm trên giường với tư thế kê cao chân từ 3 – 4 ngày. Ngoài ra kê cao chân trong vài ngày cũng giúp phòng ngừa rối loạn dinh dưỡng.

Sau 3 tuần bó bột, tập đi với nạng và tập chống chân bệnh. Có thể cắt bột sau 6 – 8 tuần nếu còn bất thường. Trong trường hợp còn bất thường (di lệch trong bột) khi kiểm tra X-quang, nên kéo tạ trên bột trên giàn Braun trong 3 tuần.

4. Kéo tạ

Kéo tạ được áp dụng cho những bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân di lệch nhiều, gãy không vững. Phương pháp này có tác dụng khắc phục tình trạng xoay ngoài, nắn chỉnh di lệch chồng ngắn và những phần di lệch ngang.

Khi tiến hành kéo tạ, đinh Kirschner hoặc đinh Steimann có kích thước lớn được gắn xuyên qua xương gót để liên tục kéo xương trên giàn Braun. Trong lần đầu tiên, tạ kéo được sử dụng có trọng lượng bằng 1/10 trọng lượng cơ thể. Tăng dần trọng lượng của tạ kéo sau mỗi giờ.

Sau khi có can lâm sàng, người bệnh được băng bột để cố định xương gãy và thu ngắn thời gian nằm trên giường.

5. Phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật được áp dụng cho các trường hợp:

  • Nghi do phần mềm chèn vào khiến gãy chéo xoắn nắn không vào
  • Gãy đơn thuần xương chày ở người lớn
  • Gãy phức tạp, gãy hai ổ có đoạn giữa dài

Tùy thuộc vào phân loại gãy xương và mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân được phẫu thuật điều trị với những phương pháp sau:

  • Đóng đinh nội tủy

Đóng đinh nội tủy được áp dụng cho phần lớn các trường hợp gãy chân nói chung và gãy xương cẳng chân nói riêng. Đặc biệt là những trường hợp có cơ chế chấn thương trực tiếp gây gãy xương và bầm dập nhiều phần mềm, gãy 1/3 dưới hoặc 1/3 giữa thân xương chày.

Không được chỉ định cho bệnh nhân gãy 1/3 trên xương chày. Tuy nhiên bác sĩ có thể chỉ định mở rộng cho bệnh nhân gãy cao 1/3 trên để chống di lệch xoay bằng đinh có chốt.

Trong khi điều trị phẫu thuật và đóng đinh nội tủy, bác sĩ chuyên khoa có thể mở ổ gãy hoặc đóng kín, sắp xếp hai đầu xương gãy về vị trí cũ để khắc phục tình trạng di lệch. Cuối cùng đóng đinh nội tủy để giữ xương gãy và giúp xương lành đúng hướng.

Sau khi đóng đinh nội tủy, bó bột sẽ được chỉ định để hỗ trợ giữ xương gãy và hạn chế tác động từ bên ngoài lên vết thương.

Đóng đinh nội tủy
Đóng đinh nội tủy là phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng cho người bị gãy xương cẳng chân
  • Kết hợp xương nẹp vít

Những bệnh nhân bị gãy xương có mảnh rời (gãy nhiều mảnh hoặc gãy chéo xoắn có mảnh thứ 3), gãy cao xương chày sẽ được phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít để điều trị. Phương pháp này được thực hiện tương tự như đóng đinh nội tủy. Tuy nhiên cần dùng thêm nẹp vít để cố định đồng thời các mảnh xương gãy, tránh di lệch hoặc rơi rớt.

Tùy thuộc vào tình trạng và mục đích điều trị, nẹp vít và đinh nội tủy sẽ được lấy ra sau một năm.

  • Cố định ngoài

Cố định ngoài được chỉ định cho những bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân với tổn thương phần mềm nhiều, gãy phức tạp, gãy hở độ II và độ III. Phương pháp này có tác dụng cố định xương hiệu quả nhưng không làm ảnh hưởng đến phần mềm đang tổn thương.

Khi cố đinh ngoài, những đầu xương gãy sẽ được sắp xếp lại. Đinh và vít kim loại được đặt ở phía dưới và ở trên vết nứt để các đầu xương luôn được giữ ở vị trí thẳng hàng. Những dụng cụ này sẽ được kết nối với một thanh kim loại đặt ngoài da. Từ đó hình thành một khung cố định xương gãy vững chắc.

Thông thường tổn thương mô mềm và xương sẽ được chữa lành đồng thời. Khi ổ gãy có can, cố định ngoài sẽ được lấy bỏ.

6. Sử dụng thuốc

Những loại thuốc dưới đây có thể được sử dụng trước và trong khi điều trị:

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh thường được dùng sau khi gãy xương xảy ra và sau phẫu thuật điều trị. Loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng cho những trường hợp gãy xương hở.
  • Thuốc giảm đau và viêm: Một số loại thuốc giảm đau và viêm như Ibuprofen (Advil, Motrin IB) hoặc/ và Acetaminophen (Tylenol) sẽ được chỉ định để làm dịu cảm giác đau nhức và hạn chế viêm cho bệnh nhân. Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn gây đau nhức dữ dội, bệnh nhân sẽ được chỉ định một loại thuốc giảm đau mạnh hơn.
  • Một số loại thuốc khác: Thuốc chống sốc, thuốc tiêm chống uốn ván… có thể được dùng trong sơ cứu gãy xương cẳng chân.
Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để giảm đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng và chống sốc

7. Vật lý trị liệu

Thông thường sau phẫu thuật điều trị gãy xương cẳng chân, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nghỉ ngơi trên giường với tư thế nâng cao chân để hạn chế phù nề.

Sau phẫu thuật vài ngày, vật lý trị liệu sẽ được áp dụng để phục hồi chức năng vận động, phòng ngừa các biến chứng sau gãy chân (rối loạn dinh dưỡng, ngón chân vuốt, cứng khớp).

Trong thời gian đầu, bệnh nhân được luyện tập cơ nhẹ nhàng. Những bài tập này thường không đau, có tác dụng hạn chế biến chứng, chống teo cơ và làm quen với các tư thế cơ bản.

Những tuần tiếp theo, bệnh nhân được tập đi với nạng, tập chống chân bệnh và thực hiện những bài tập có cường độ cao hơn. Điều này giúp chân bị thương sớm phục hồi chức năng và khả năng vận động.

Tham khảo thêm: Hướng Dẫn Phục Hồi Chức Năng Sau Gãy Xương Cẳng Chân

Gãy xương cẳng chân bao lâu thì lành?

Do có nhiều yếu tố tác động nên quá trình liền xương gãy không giống nhau ở mỗi người. Thông thường bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân cần mất 3 – 4 tháng để xương liền vững, sau 8 – 10 tuần có thể tháo bột và mất từ 6 – 12 tháng để phục hồi hoàn toàn.

Phòng ngừa gãy xương cẳng chân

Có thể giảm nguy cơ gãy xương cẳng chân bằng những biện pháp sau:

  • Hoạt động xen kẽ: Những hoạt động xen kẽ (nghỉ ngơi và co duỗi chân khi chạy đường dài, xoay vòng giữa đi xe đạp, chạy và bơi lội) có thể ngăn tác động lực lặp đi lặp lại. Từ đó hạn chế gãy xương do căng thẳng.
  • Mang giày thể thao thích hợp: Nên mang giày phù hợp, có lót đệm và đế gai khi tham gia vào các hoạt động thể chất hoặc chơi thể thao. Điều này giúp hỗ trợ cẳng chân, hạn chế tăng áp lực hoặc té ngã dẫn đến gãy xương.
  • Xây dựng xương khớp chắc khỏe: Bổ sung nhiều canxi và vitamin D thông qua các loại thực phẩm lành mạnh như cá hồi, cá trích, tôm, sữa, sữa chua, rau lá xanh, các loại hạt, hạnh nhân, các loại đậu, trứng… Điều này giúp tăng cường mật độ xương và giữ cho xương chắc khỏe. Từ đó giảm nguy cơ gãy xương trong tương lai.
Bổ sung nhiều canxi và vitamin D
Bổ sung nhiều canxi và vitamin D từ thực phẩm để xây dựng xương khớp chắc khỏe, giảm nguy cơ gãy xương cẳng chân

Nhìn chung gãy xương cẳng chân là một tình trạng nghiêm trọng, dễ phát sinh biến chứng nên cần được điều trị sớm và đúng cách. Vì thế người bệnh cần nhanh chóng gọi cấp cứu y tế, đánh giá tình trạng, sơ cứu kịp thời và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra sau điều trị, bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng để sớm trở về với đời sống bình thường.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua