Gãy Mỏm Khuỷu: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Gãy mỏm khuỷu là một dạng gãy nội khớp, trong đó đầu trên xương trụ và mỏm vẹt bị gãy. Tình trạng này liên quan đến một chấn thương mạnh và trực tiếp. Ngay khi chấn thương xảy ra, vùng khuỷu tay đau đớn kèm theo cảm giác co cứng hoặc thắt chặt bên trọng, không thể cử động, khuỷu tay sưng to và bầm tím.

Gãy mỏm khuỷu
Gãy mỏm khuỷu là tình trạng nứt gãy của đầu trên xương trụ và mỏm vẹt

Gãy mỏm khuỷu là gì?

Mỏm khuỷu tay nằm ở đầu trên xương trụ, kích thước lớn và chồi ra ở phía dưới da, xung quanh có hệ thống gân cơ tam đầu cánh tay bám tận. Ở phía trước, mỏm khuỷu và mỏm vẹt hình thành hố xích ma. Đây là điểm nối với ròng rọc xương cánh tay, giúp khuỷu tay gấp duỗi đúng cách và linh hoạt.

Gãy mỏm khuỷu (hay gãy mỏm khuỷu tay) là thuật ngữ y tế chỉ tình trạng nứt gãy của đầu trên xương trụ và mỏm vẹt. Đây là một dạng gãy nội khớp phức tạp, thường xảy ra sau một chấn thương trực tiếp.

Vì mỏm khuỷu chồi ra và là nơi bám tận của gân cơ tam đầu nên một cú va đập nhẹ cũng có thể khiến nó bị gãy và di lệch. Ngay sau chấn thương, bệnh nhân đau đớn đột ngột, hạn chế những cử động ở khuỷu tay. Ngoài ra khớp khuỷu còn bị sưng và bầm tím.

Phân loại gãy mỏm khuỷu

Phân loại gãy mỏm khuỷu chủ yếu dựa vào hình dạng của vết nứt và mức độ di lệch. Chấn thương này được phân thành những loại dưới đây:

Phân loại Schater

Phân loại Mayo

  • Độ 1: Gãy xương không di lệch và không có mảnh rời.
  • Độ 2: Gãy xương không di lệch nhưng có nhiều mảnh rời.
  • Độ 3: Gãy xương di lệch, không có mảnh rời.
  • Độ 4: Gãy xương di lệch và có nhiều mảnh rời.
  • Độ 5: Gãy xương không vững, không có mảnh rời.
  • Độ 6: Gãy xương không vững và có nhiều mảnh rời.

Dấu hiệu nhận biết gãy mỏm khuỷu

Tương tự như các dạng gãy xương gần khớp, bệnh nhân gãy mỏm khuỷu sẽ có những triệu chứng sau:

Dấu hiệu nhận biết gãy mỏm khuỷu
Đau khuỷu tay kèm theo sưng tấy, bầm tím và hạn chế vận động là dấu hiệu nhận biết gãy mỏm khuỷu
  • Đau khuỷu tay
    • Bệnh nhân đau đớn ngay mỏm khuỷu gãy (vùng khuỷu tay)
    • Đau đột ngột, thường đau ngay sau chấn thương
    • Đau tăng theo thời gian
    • Bất động và chườm lạnh có thể giảm nhẹ cơn đau
    • Đau như điện giật hoặc đau tăng khi cố gắng cử động khớp
  • Ba mốc xương thay đổi cấu trúc
  • Sưng tấy ở khuỷu tay
  • Bầm tím
  • Nếu có di lệch, xương gãy đâm qua da hoặc có vết thương sâu đến xương
  • Khó hoặc không thể gấp duỗi khuỷu tay
  • Khó xoay bàn tay và cẳng tay vào trong hoặc ra ngoài
  • Biến dạng ở khuỷu tay
  • Rối loạn cảm giác nếu có chèn ép hoặc tổn thương dây thần kinh. Một số biểu hiện gồm:
    • Tê bì, châm chích từ khuỷu tay lan rộng xuống bàn tay và ngón tay
    • Giảm hoặc mất cảm giác
    • Đau đớn lan rộng

Nguyên nhân gây gãy mỏm khuỷu

Chấn thương trực tiếp là nguyên nhân chính dẫn đến gãy mỏm khuỷu. Những vấn đề có thể dẫn đến tình trạng này:

  • Một cú đánh mạnh vào khuỷu tay
  • Tai nạn hoặc té ngã với khuỷu tay chống xuống nền cứng
  • Va chạm mạnh trong khi chơi thể thao

Ngoài ra gãy mỏm khuỷu còn do những nguyên nhân sau:

  • Ngã chống tay với khuỷu tay gấp và bàn tay duỗi. Khi đó cơ tam đầu co mạnh khiến mỏm khuỷu gãy và di lệch. Những trường hợp này có thể bị gãy ngang hoặc gãy chéo.
  • Tác động trực tiếp vào mỏm khuỷu và cơ co mạnh khiến mỏm khuỷu tay chịu nhiều áp lực dẫn đến gãy và di lệch. Những trường hợp này thường bị gãy mỏm khuỷu kèm theo trật khớp.
té ngã gây gãy mỏm khuỷu
Tai nạn hoặc té ngã với khuỷu tay chống xuống nền cứng là nguyên nhân gây gãy mỏm khuỷu

Gãy mỏm khuỷu có nguy hiểm không?

So với gãy xương ở những vị trí khác, gãy mỏm khuỷu thường nghiêm trọng và cần nhiều thời gian phục hồi hơn. Khi không được điều trị và phục hồi chức năng đúng cách, bệnh nhân bị hạn chế vận động ở khuỷu tay. Biến chứng này có thể gây ra một số vấn đề sau:

Chẩn đoán gãy mỏm khuỷu như thế nào?

Để chẩn đoán gãy mỏm khuỷu, người bệnh được kiểm tra cơ chế chấn thương, mức độ đau và tổn thương thực thể ở khuỷu tay (sưng, bầm tím, biến dạng khuỷu tay, vết thương hở…).

Ngoài ra bác sĩ có thể sờ, ấn nhẹ xác định sự di lệch hay bất thường ở khuỷu tay, yêu cầu bệnh nhân cử động khuỷu tay nhẹ nhàng. Điều này giúp xác định gãy mỏm khuỷu, đánh giá phạm vi chuyển động và mức độ bị thương.

Để chẩn đoán xác định, một số xét nghiệm hình ảnh (cận lâm sàng) sẽ được chỉ định. Cụ thể:

  • Chụp X-quang: Gãy mỏm khuỷu được xác định và đánh giá thông qua hình ảnh X-quang. Trong kỹ thuật này, tia X tạo ra hình ảnh chi tiết của xương, cho phép bác sĩ xác định vết nứt, các mảnh gãy, số lượng xương bị ảnh hưởng, mức độ di lệch và trật khớp.
  • Chụp MRI hoặc CT: Đôi khi chụp MRI hoặc CT được thực hiện để kiểm tra tổn thương ở mô mềm (bao gồm sụn, dây thần kinh, mạch máu, dây chằng cơ). Ngoài ra CT cũng giúp xác định những tổn thương nhỏ, khó nhìn thấy trên hình ảnh X-quang.
  • Chụp X-quang động mạch: Kỹ thuật này được chỉ định nếu có nghi ngờ tổn thương động mạch vùng khuỷu tay.

Phương pháp điều trị gãy mỏm khuỷu

Điều trị gãy mỏm khuỷu tay dựa trên mức độ nghiêm trọng. Những chỉ định thường bao gồm:

1. Bó bột

Bó bột cánh – cẳng bàn tay được chỉ định cho những trường hợp sau:

Gấp khuỷu nhẹ và bó bột cánh – cẳng bàn tay giúp giữ khuỷu tay bị thương ở tư thế thích hợp. Điều này cho phép xương và mô mềm lành lại nhanh chóng và đúng cách. Ngoài ra bó bột bất động còn giúp hạn chế những chuyển động bất lợi của khuỷu tay, tránh quay hay gập, giảm đau đớn.

Thông thường, gãy mỏm khuỷu tay được bó bột khoảng 4 tuần. Tập co cơ tĩnh và gồng cơ nhẹ nhàng trong khi mang bột để duy trì khối lượng cơ.

Ngoài ra băng bột được kiểm tra nhiều lần. Tránh sưng khuỷu tay trong bột dẫn đến hội chứng khoang, hội chứng volkmann, tổn thương thần kinh và mạch máu.

Bó bột điều trị gãy mỏm khuỷu
Gấp khuỷu nhẹ và bó bột cánh – cẳng bàn tay để mô mềm và xương gãy lành lại đúng cách

2. Phẫu thuật KHX

Phẫu thuật KHX được chỉ định cho những trường hợp gãy mỏm khuỷu phức tạp, cụ thể:

  • Gãy di lệch, có nhiều mảnh gãy
  • Gãy nát
  • Gãy xương kèm theo trật khớp
  • Gãy xương hở

Trong thủ thuật, các mảnh xương gãy được sắp xếp lại, phục hồi cấu trúc mỏm khuỷu và khớp khuỷu tay. Sau đó cố định xương gãy và làm sạch ổ gãy để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Các bước tiến hành:

  • Bệnh nhân nằm ngừa, ôm tay qua ngực, khuỷu tay vuông góc với thân người
  • Gây mê
  • Tạo vết mổ khoảng 10 – 20cm trên da, phía sáu xương trục và mỏm khuỷu để tiếp xúc với ổ gãy
  • Làm sạch ổ gãy
  • Sắp xếp lại các mảnh xương gãy, phục hồi khớp khuỷu tay và cấu trúc mỏm khuỷu
  • Cố định các mảnh gãy bằng đinh chỉ thép, nẹp khóa hoặc nẹp vít ôm mỏm khuỷu
  • Nếu có trật khớp, dùng kim Kirschner cố định khớp khuỷu và khớp quay trụ, giữ trong 304 tuần
  • Kiểm tra sự ổn định của ổ gãy
  • Vệ sinh vết thương và cầm máu
  • Khâu vết thương và băng vô khuẩn để hoàn thành phẫu thuật.

Một số biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật điều trị:

  • Nhiễm trùng
  • Kích ứng với kim loại
  • Xương không lành
  • Tổn thương mạch máu và dây thần kinh
  • Cứng khớp
  • Hội chứng khoang
  • Hội chứng volkmann
  • Hình thành cục máu đông

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được nẹp bột cánh – cẳng bàn tay hoặc treo tay với khuỷu tay gập góc 90 độ. Bất động trong 3 hoặc 4 tuần. Ngoài ra để phòng ngừa biến chứng, các biện pháp chăm sóc được áp dụng kết hợp tập phục hồi chức năng sớm.

3. Biện pháp chăm sóc

Sau phẫu thuật hoặc bó bột bất động, bệnh nhân được hướng dẫn chăm sóc vết thương, dùng thuốc và áp dụng các biện pháp giảm nhẹ sưng đau.

  • Chăm sóc vết thương

Vết mổ và băng bột cần được giữ khô ráo, sử dụng băng vô khuẩn phòng ngừa nhiễm trùng. Thường xuyên kiểm tra vết thương để tránh nhiễm trùng sau phẫu thuật.

Dấu hiệu nhiễm trùng:

    • Sưng tấy và ửng đỏ
    • Mưng mủ
    • Có mủ hoặc dịch bất thường chảy ra từ vết thương
    • Đau nhức
  • Chườm lạnh

Đặt túi lạnh hoặc túi đá lên khuỷu tay bị thương, giữ trong 20 phút để giảm sưng và đau, giảm lượng máu tụ lại ở vùng bị thương. Biện pháp này nên được thực hiện trong vài ngày đầu, 2 – 3 tiếng 1 lần.

Chườm lạnh điều trị gãy mõm khuỷu
Chườm lạnh lên vùng khuỷu tay vài lần mỗi ngày để giảm sưng và đau
  • Nâng cao

Nâng cánh tay bị thương cao hơn mức tim để giảm sưng.

  • Bất động

Bất động sau mổ và bó bột vài tuần theo chỉ định của bác sĩ. Tránh gấp duỗi khớp khuỷu, xoay cẳng tay và bàn tay hoặc thực hiện những hoạt động khác có thể làm ảnh hưởng đến quá trình liền lại của xương.

  • Dùng thuốc

Một số loại thuốc được chỉ định để giảm nhẹ cơn đau sau điều trị chuyên sâu. Những loại thuốc thường được chỉ định:

    • Acetaminophen: Dành cho cơn đau nhẹ.
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Dành cho cơn đau vừa. Các loại thường dùng gồm Naproxen và Ibuprofen.
    • Thuốc giảm đau nhóm Opioid: Dành cho cơn đau sâu và nặng. Dùng liều thấp và ngắn hạn.
    • Paracetamol + Tramadol: Dành cho cơn đau vừa và nặng.

Một số loại thuốc khác:

    • Thuốc kháng sinh: Sử dụng cho người có nguy cơ hoặc bị nhiễm trùng.
    • Thuốc chống đông máu: Sử dụng cho người có nguy cơ hình thành máu đông.
    • Tiêm ngừa uốn ván: Sử dụng cho những trường có xây xát da hoặc có vết thương hở.

Phục hồi chức năng

Phục hồi chức năng gãy mỏm khuỷu cần được thực hiện sớm để tăng cơ hội phục hồi hoàn toàn. Trong quá trình lành lại của xương, bệnh nhân được hướng dẫn gồng cơ và co cơ tĩnh trong bột. Điều này giúp kích thích quá trình liền xương, duy trì khối lượng cơ.

Sau tháo bột, vận động thụ động, chuyển động, gấp – duỗi khớp khuỷu nhẹ nhàng kết hợp vận động trị liệu các khớp khác. Những bài tập này giúp giảm đau, tránh cứng khớp, cải thiện phạm vi cho khớp khuỷu. Đồng thời tạo điều kiện phục hồi khuỷu tay hoàn toàn.

Sau tháo bột từ 2 – 3 tuần, vận động chủ động, tập khớp, tập kéo giãn gân cơ với cường độ tăng dần. Những bài tập này có thể giúp phục hồi sức mạnh, tính linh hoạt và chức năng vận động hoàn toàn.

Phục hồi chức năng gãy mõm khuỷu
Phục hồi chức năng tích cực để lấy lại sức mạnh, tính linh hoạt, phạm vi và khả năng vận động của khuỷu tay

Gãy mỏm khuỷu bao lâu lành?

Mỏm khuỷu gãy thường liền lại sau 4 tuần bất động. Sau 4 tháng, bệnh nhân có thể trở lại hầu hết hoạt động sinh hoạt thường ngày. Ít nhất 6 tháng đến 1 năm, khớp khuỷu tay phục hồi hoàn toàn.

Biện pháp phòng ngừa gãy mỏm khuỷu

Gãy mỏm khuỷu xảy ra khi có chấn thương trực tiếp. Vì thế tổn thương này có thể được phòng ngừa bằng những biện pháp sau:

  • Tránh ngã, tai nạn với khuỷu tay chống vào nền cứng.
  • Tránh va đập mạnh trong khi chơi thể thao.
  • Không đánh mạnh hoặc tác động lực lên vùng khuỷu tay.
  • Mặc đồ bảo hộ khi chơi các mô thể thao tiếp xúc, dễ va đập hoặc té ngã.
  • Tập thể dục thường xuyên để tăng cường sự ổn định cho khớp khuỷu tay, xây dựng các cơ và dây chẳng chắc khỏe để tránh chấn thương.

Gãy mỏm khuỷu là một chấn thương thường gặp, phức tạp, cần nhiều thời gian lành lại và phục hồi. Sau gãy xương, cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ kết hợp vật lý trị liệu – phục hồi chức năng tích cực. Điều này giúp đẩy nhanh tốc độ lành lại, tránh hạn chế vận động ở khuỷu tay.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua