Bệnh Gai Mâm Chày Khớp Gối: Dấu Hiệu Nhận Biết và Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Trần Thị Hương Lan | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Gai mâm chày khớp gối ngoài gây đau đớn, cứng khớp thì còn hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Cần sớm phát hiện, tìm hiểu rõ nguyên nhân và có cách can thiệp điều trị đúng đắn, kịp thời.

gai mâm chày khớp gối
Gai mâm chày khớp gối là tình trạng phổ biến gây đau nhức rất khó chịu

Gai mâm chày khớp gối là gì?

Mâm chày là phần xương xốp nằm ở đầu trên xương chày khớp gối nối với lồi cầu của xương đùi. Phần xương này có nhiệm vụ rất quan trọng, chịu lực tốt, giúp khớp gối chuyển động nhẹ nhàng hơn trong sinh hoạt thường ngày. Cụ thể như thực hiện các cử động gập gối khi ngồi hay duỗi gối khi đi.

Gai mâm chày khớp gối là một trong những bệnh cơ xương khớp tương đối phổ biến hiện nay. Đặc trưng của bệnh là sự hình thành các phần xương mọc dư thừa ngay trên bề mặt mâm chày khớp gối do lắng đọng canxi.

Người bệnh thường sẽ bị đau đớn, khó chịu, nhất là khi vận động khớp gối có thể phát ra tiếng kêu. Nhiều trường hợp còn bị cứng khớp gối khiến việc chuyển động khớp trở nên khó khăn. Cần có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách để hạn chế mức độ ảnh hưởng tới chức năng vận động.

Nguyên nhân gây gai mâm chày khớp gối

Thông qua kết quả của nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, phần đa các trường hợp bị gai mâm chày đều có liên quan tới tình trạng thoái hóa khớp gối. Tình trạng thoái hóa khiến cho sụn bị mất dần đi, các đầu xương sẽ ma sát mạnh với nhau khi chuyển động.

Lúc này, cơ thể sẽ kích hoạt cơ chế tự bù đắp. Tức là một lượng canxi sẽ được chuyển đến vị trí tổn thương để thúc đẩy tốc độ chữa lành. Tuy nhiên trong quá trình chữa lành tổn thương, canxi có thể sẽ không được chuyển hóa hết mà bị lắng đọng tại khớp. Từ đó làm hình thành các gai xương trên mâm chày.

Ngoài ra, sự xuất hiện của bệnh còn có thể liên quan đến một số yếu tố khác. Bao gồm:

– Chấn thương mâm chày:

Chấn thương đầu gối là vấn đề rất dễ bắt gặp trong cuộc sống thường ngày. Có thể do tai nạn giao thông, lao động hay vui chơi thể thao. Nhiều trường hợp chấn thương có thể xảy ra ở mâm chày khiến vị trí này cần nhiều canxi và dưỡng chất hơn để chữa lành. Trong trường hợp canxi di chuyển đến nhưng không được hấp thụ hết sẽ lắng đọng và hình thành gai xương.

nguyên nhân gây gai mâm chày khớp gối
Chấn thương mâm chày có thể làm tăng nguy cơ hình thành gai xương

– Vấn đề tuổi tác:

Thực tế, tuổi tác càng lớn thì quá trình lão hóa chung của cơ thể sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Điều này khiến cho xương khớp bị suy yếu dần và làm tăng nguy cơ mắc bệnh gai mâm chày đầu gối.

– Thừa cân- béo phì:

Cân nặng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của toàn hệ thống xương khớp. Trong đó, khớp gối và cột sống là bị ảnh hưởng nhiều nhất do phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể. Đây là lý do khiến cho bệnh gai mâm chày phổ biến hơn ở những người có cân nặng vượt mức cho phép.

– Thiếu hụt dưỡng chất:

Một số nghiên cứu cho thấy rằng, việc duy trì chế độ ăn uống không đảm bảo, bị thiếu hụt dinh dưỡng gây ra nhiều tác động xấu tới sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe xương khớp nói riêng. Đây được cho là yếu tố thúc đẩy nguy cơ hình thành gai xương tại mâm chày khớp đầu gối.

– Thói quen sinh hoạt:

Thường xuyên quỳ hay ngồi xổm có thể làm tăng khả năng bào mòn sụn tại khớp gối và gây hình thành gai xương. Ngoài ra, việc di chuyển nhiều, mang vác nặng thường xuyên cũng có liên quan tới sự phát triển gai xương tại mâm chày đầu gối.

Dấu hiệu nhận biết gai mâm chày khớp gối

Triệu chứng bệnh gai mâm chày khớp gối rất dễ bị nhầm lẫn với một số tổn thương khác ở khớp gối. Người bệnh có thể nhận biết thông qua một số biểu hiện sau:

1. Đau khớp gối

Sự hình thành của các gai xương ở mâm chày thường liên quan đến tổn thương ở khớp gối. Người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức ở khu vực này. Cơn đau thường kích hoạt và trở nên dữ dội hơn khi vận động mạnh, đi cầu thang, co gập khớp gối đột ngột.

Trường hợp gai xương phát triển có thể chèn ép lên mô mềm và rễ dây thần kinh. Điều này khiến cho cơn đau càng thêm nghiêm trọng. Lâu dần triệu chứng đau nhức có thể lan tỏa trên diện rộng khiến người bệnh đứng không vững hay đi lại khập khiễng.

2. Sưng khớp gối

Trong một số trường hợp, người bệnh gai mâm chày có thể bị sưng khớp gối. Nguyên nhân được lý giải là do các gai xương phát triển chọc vào mô mềm. Ngoài khiến khớp gối sưng to thì còn đi kèm với tình trạng đau nhức dữ dội.

dấu hiệu gai mâm chày
Khớp gối có thể sưng lên do gai xương phát triển châm vào mô mềm

3. Cứng khớp gối

Mô sụn bị tổn thương cũng có thể khiến khớp gối bị co cứng và hạn chế khả năng vận động. Người bệnh thường gặp khó khăn khi thực hiện các động tác co gập khớp gối, đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang. Tình trạng cứng khớp gối thường xuất hiện phổ biến nhất vào buổi sáng khi vừa ngủ dậy.

4. Khớp phát ra tiếng kêu

Gai xương ở mâm chày có thể cọ xát vào nhau hay ma sát mạnh với các vùng xương khác. Đây chính là nguyên nhân khiến cho khớp gối phát ra tiếng kêu lạ khi người bệnh di chuyển.

Gai mâm chày khớp gối có nguy hiểm không?

Các chuyên gia cho biết, các gai xương có xu hướng phát triển nhiều lên khi phần sụn trong mâm chày bị mài mòn theo thời gian. Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt có thể gây đau đớn dữ dội. Đồng thời khiến khả năng vận động của khớp gối bị giảm đáng kể.

Hơn nữa, gai xương phát triển còn gây chèn ép lên phần mô mềm và các rễ dây thần kinh. Từ đó khiến cho khớp gối bị sưng nhức và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.

Với những người mắc bệnh nặng thì có thể bị mất sức mạnh ở cơ tứ đầu và gân kheo, gây rối loạn chức năng khớp gối. Tình trạng này kéo dài có thể gây mất khả năng vận động, thậm chí dẫn tới tại liệt hay tàn phế vĩnh viễn.

Chẩn đoán gai mâm chày khớp gối

Trường hợp khớp gối có biểu hiện đau nhức, cứng khớp gây khó khăn trong vận động, người bệnh nên chủ động tới bệnh viện để kiểm tra. Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán và đưa ra cách điều trị phù hợp.

Để xác định tình trạng gai xương mâm chày khớp gối, bác sĩ thường sẽ đề nghị một số kiểm tra sau:

1. Kiểm tra lịch sử y tế

Trước hết, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, yêu cầu người bệnh thực hiện vài cử động nhằm kiểm tra phạm vi chuyển động của khớp gối. Đồng thời đánh giá sức mạnh của cơ bắp.

Sau đó, một số câu hỏi về triệu chứng hay tiền sử bệnh lý cũng sẽ được thực hiện. Điều này giúp xác định nguyên nhân cũng như mức độ nghiêm trọng của gai xương.

2. Xét nghiệm hình ảnh

Ngoài các kiểm tra lâm sàng thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh. Phổ biến như:

  • Chụp X-quang đầu gối: Mục đích của xét nghiệm này là để xác định sự hình thành của các gai xương cũng như dấu hiệu thoái hóa ở mâm chày khớp gối. Ngoài ra, hình ảnh X-quang còn giúp xác định xác định xem có cần yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh xác không.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Hình ảnh MRI cho phép bác sĩ phát hiện nếu có các tổn thương xuất hiện ở cả mô mềm. Điển hình như tổn thương dây chằng, rễ thần kinh, gân, sụn hay cơ.
chẩn đoán gai mâm chày khớp gối
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang khớp gối để xác định mức độ tổn thương

Trong các trường hợp gai xương không gây đau đớn hay triệu chứng khác thì chúng vẫn có thể được hiển thị trên các xét nghiệm hình ảnh được đề cập. Ngoài ra, chụp X-quang hay MRI còn giúp bác sĩ phát hiện ra các vấn đề khác ở khớp gối để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Cách điều trị gai mâm chày khớp gối

Gai mâm chày khớp gối là bệnh lý ngoài gây đau đớn thì còn hạn chế rất lớn đến chức năng vận động. Chính vì vậy người bệnh cần sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp điều trị đúng đắn.

Theo các chuyên gia, mục tiêu chính của việc điều trị là khắc phục triệu chứng và kiểm soát sự phát triển của các gai xương. Từ đó hạn chế ảnh hưởng đến chức năng vận động và làm tăng chất lượng cuộc sống.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị có thể được áp dụng với bệnh gai mâm chày khớp gối:

1. Điều trị bằng thuốc

Trên thực tế, việc dùng thuốc có thể giúp làm giảm nhanh các triệu chứng đau nhức và sưng viêm mà bệnh gây ra. Từ đó khiến người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, tăng khả năng vận động khớp, tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.

Bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc sau:

– Thuốc giảm đau:

Có tác dụng nhanh chóng với các cơn đau cấp tính có mức độ từ nhẹ cho tới trung bình. Một số loại được dùng phổ biến bao gồm:

  • Paracetamol
  • Efferangan codein

– Thuốc chống viêm không steroid:

Nhóm thuốc này cũng có tác dụng nhanh trong việc làm giảm tình trạng sưng viêm và đau nhức ở khớp gối. Một số loại thường được kê toa bao gồm:

  • Aspirin
  • Naproxen
  • Diclofenac
  • Ibuprofen
thuốc chữa gai mâm chày khớp gối
Việc dùng các loại thuốc giảm đau và kháng viêm có thể giúp làm giảm triệu chứng

Cả 2 nhóm thuốc này đều có tác dụng nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cần dùng theo chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không được lạm dụng, dùng kéo dài, nhất là với liều cao.

– Các thuốc khác:

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định dùng các thuốc chống thoái hóa khớp như:

  • Thuốc có tác dụng bổ trợ khớp gối: glucosamin sulfat, chondroitin sulfat…
  • Thuốc làm chậm quá trình tổn thương khớp: diacerein, piascledine…

Các thuốc này thường được dùng kết hợp với thuốc giảm đau và kháng viêm trong giai đoạn đầu, người bệnh bị đau nhiều. Trong trường hợp gai mâm chày do thoái hóa khớp nặng, bác sĩ có thể yêu cầu tiêm thuốc giảm đau chứa corticoid. Hoặc cũng có thể tiêm thay thế dịch khớp để bôi trơn và nuôi dưỡng sụn khớp.

2. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu cũng là phương pháp được áp dụng rất phổ biến trong điều trị gai mâm chày khớp gối. Các liệu pháp từ vật lý trị liệu sẽ giúp làm giảm đau, giảm co cứng khớp và cải thiện chức năng vận động hiệu quả.

Một số liệu pháp được áp dụng phổ biến bao gồm:

– Chườm nóng:

Chườm nóng sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu tới khớp để cung cấp oxy và dưỡng chất thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương. Ngoài ra, nhiệt độ nóng còn giúp thư giãn gân cơ, làm giảm mức độ chèn ép của gai xương lên mô mềm và các rễ dây thần kinh. Từ đó giúp người bệnh giảm đau và cảm thấy dễ chịu hơn.

– Sóng vi ba:

Đây là liệu pháp sử dụng tia bức xạ có tần số cao nhằm tăng cường lưu thông máu, giảm đau và giảm viêm. Ngoài ra, sóng vi ba còn tác động trực tiếp lên phần xương và sụn khớp bị tổn thương. Từ đó sẽ thúc đẩy tốc độ chữa lành tổn thương, tăng khả năng vận động cho khớp gối.

– Chiếu tia hồng ngoại:

Phương pháp này đem lại hiệu quả rất tốt trong việc khắc phục các triệu chứng của bệnh gai mâm chày khớp gối. Tia hồng ngoại phát ra sức nóng phù hợp giúp kháng khuẩn và cải thiện tuần hoàn máu. Nhờ đó mà người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu, tình trạng đau nhức và co cứng khớp thuyên giảm đáng kể.

– Vận động trị liệu:

Đây là một giải pháp đơn giản được khuyến khích áp dụng khi bị gai mâm chày khớp gối. Với trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể hoạt động thể chất với các bộ môn vận động nhẹ như đi bộ, bơi lội, yoga. Còn nếu bệnh tiến triển nặng thì cần gặp bác sĩ vật lý trị liệu để được hướng dẫn bài tập cùng cách tập luyện phù hợp.

điều trị gai mâm chày khớp gối
Vật lý trị liệu đem lại hiệu quả tốt trong điều trị gai mâm chày khớp gối

3. Can thiệp phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị gai mâm chày khớp gối được bác sĩ chỉ định nếu các phương pháp điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả. Phẫu thuật loại bỏ gai xương cũng có thể được thự hiện khi người bệnh đau đớn dữ hỗi hay mất chức năng khớp gối.

Dưới đây là 2 phương pháp phẫu thuật có thể được thực hiện:

– Phẫu thuật cắt bỏ gai xương:

Việc cắt bỏ gai xương thường được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ tiến hành rạch một vết nhỏ tại khớp gối, sau đó đưa các dụng cụ y tế cần thiết vào để cắt bỏ gai xương. Tuy nhiên các gai xương vẫn có nguy cơ mọc lại sau phẫu thuật nếu người bệnh không chú ý chăm sóc tốt. Do đó đây chỉ là phương pháp điều trị mang tính chất tạm thời.

– Phẫu thuật thay thế một phần hay toàn bộ khớp gối:

Trường hợp bệnh tiến triển nặng, gai xương phát triển dài và lan rộng đe dọa tới chức năng vận động thì bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện phẫu thuật thay khớp gối. Biện pháp này giúp phục hồi chức năng khớp hiệu quả. Tuy nhiên sau phẫu thuật, người bệnh cần rất nhiều thời gian để hồi phục hoàn toàn.

Việc phẫu thuật có thể giúp người bệnh khắc phục triệu chứng và hỗ trợ phục hồi chức năng. Tuy nhiên phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phổ biến nhất là nhiễm trùng. Chính vì vậy người bệnh cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ về lợi ích và rủi ro trước khi tiến hành phẫu thuật.

Biện pháp phòng ngừa gai mâm chày khớp gối

Không có biện pháp cụ thể giúp phòng ngừa hiệu quả bệnh gai mâm chày khớp gối. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh.

phòng bệnh gai mâm chày khớp gối
Ăn uống lành mạnh, đủ chất giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh gai mâm chày khớp gối

Cần chú ý đến một số vấn đề sau:

  • Điều chỉnh và duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất, nhất là vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
  • Duy trì cân nặng ở mức độ phù hợp. Nếu đang bị thừa cân – béo phì thì nên sớm có kế hoạch giảm cân an toàn. Có thể tìm gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn nhiều hơn.
  • Giữ tư thế tốt cả trong sinh hoạt, vui chơi thể thao và khi làm việc. Đặc biệt nên hạn chế di chuyển quá nhiều hay thường xuyên mang vác vật nặng.
  • Ngăn ngừa tình trạng chấn thương đầu gối bằng cách kéo giãn gân cơ và áp dụng các kỹ thuật tập thể dục an toàn.
  • Thường xuyên dành thời gian cho hoạt động thể chất, lựa chọn bài tập phù hợp để rèn luyện mỗi ngày. Ngoài giúp cải thiện sức mạnh xương khớp thì còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể.

Gai mâm chày khớp gối là tình trạng tương đối phổ biến, có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua