Đơn thuốc điều trị gout cấp và thông tin cần biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Đơn thuốc điều trị gout cấp được chỉ định bởi bác sĩ chuyên môn theo phác đồ của Bộ Y tế. Các loại thuốc phổ biến bao gồm thuốc giảm đau, điều trị các triệu chứng và giảm acid uric máu.

Đơn thuốc điều trị gout cấp
Tìm hiểu thông tin cơ bản về đơn thuốc điều trị gout cấp

Nguyên tắc điều trị bệnh gout

Gout là một dạng viêm khớp phức tạp, phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bất cứ đối tượng nào. Đặc trưng của bệnh bao gồm xuất hiện các cơn đau đớn, sưng đỏ đột ngột, dữ dội ở một hoặc nhiều khớp, nhưng thường phổ biến ở ngón chân cái.

Hiện tại không có thuốc hoặc phương pháp điều trị dứt điểm bệnh gout. Tuy nhiên có nhiều loại thuốc có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh. Thuốc có hai tác dụng chính, bao gồm giảm đau ở các cơn gout cấp và giảm khả năng tích tụ acid uric dẫn đến bệnh gout.

Khi điều trị bệnh gout, nguyên tắc chung thường bao gồm:

  • Kê đơn thuốc điều trị gout cấp;
  • Điều trị dự phòng các cơn gout tái phát, dự phòng lắng đọng acid uric trong khớp hoặc các mô mềm và dự phòng các biến chứng của bệnh gout hoặc các phương pháp điều trị;
  • Kiểm soát nồng độ acid uric trong máu dưới 360  360 µmol/l (60 mg/l) với bệnh gout cấp tính, chưa hình thành hạt tophi;
  • Giữ nồng độ acid uric trong máu dưới 320 µmol/l (50 mg/l) khi bệnh gout đã có hạt tophi.

Cơn đau do bệnh gout cấp thường kéo dài trong 3 – 10 ngày, tuy nhiên người bệnh có thể cảm thấy tốt hơn nếu được điều trị phù hợp. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng của bệnh gout cấp, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc liên hệ với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

Ngoài ra, tác dụng của đơn thuốc điều trị gout cấp phụ thuộc vào hoạt động của thận. Do đó, các loại thuốc cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên môn để tránh các vấn đề về thận hoặc các tác dụng phụ khác.

Đơn thuốc điều trị gout cấp theo Bộ Y tế

Đơn thuốc điều trị gout cấp có hai loại chính và tập trung cải thiện hai vấn đề khác nhau. Loại thuốc đầu tiên là thuốc chống viêm, thường được sử dụng để điều trị bệnh gout cấp, giảm viêm và giảm đau. Loại thuốc thứ hai là thuốc ngăn ngừa các tác dụng phụ và biến chứng liên quan đến các cơn gout cấp, bằng cách hạ thấp nồng độ acid uric trong máu.

Loại thuốc và đơn thuốc điều trị gout cấp phụ thuộc vào tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ. Cụ thể như sau:

1. Thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm là thuốc được sử dụng để điều trị các cơn gout cấp và ngăn ngừa nguy cơ bùng phát cơn gout trong tương lai. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

+ Colchicin:

Colchicin được sử dụng với mục đích giảm đau trong các cơn gout cấp hoặc các đợt gout bùng phát mạn tính. Thuốc nên được sử dụng càng sớm càng tốt (trong khoảng 12 giờ đầu tiên sau khi bùng phát cơn gout cấp) với liều lượng 1 mg / ngày. Ngoài ra, theo khuyến cáo, không nên sử dụng Colchicin với liều lượng cao để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Thuốc Colchicin
Thuốc Colchicin là loại thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị các cơn gout cấp

Bên cạnh đó, có thể sử dụng Colchicin phối hợp với một số loại thuốc chống viêm không steroid (nếu không có chống chỉ định với thuốc chống viêm không steroid) để đạt hiệu quả cắt cơn gout cấp tốt hơn.

Trong trường hợp người bệnh có chống chỉ định với thuốc chống viêm không steroid, chỉ định sử dụng Colchicin với liều lượng 1 mg / lần x 3 lần / ngày trong ngày đầu tiên (hoặc có thể chỉ định 0.5 mg cách nhau 2 giờ / lần nhưng không quá 4 mg / ngày). Trong ngày thứ hai sử dụng 1 mg / lần x 2 lần / ngày và 1 mg / ngày từ ngày thứ ba trở đi. Trong hầu hết các trường hợp, sử dụng Colchicin trong 24 – 48 giờ có thể kiểm soát nhanh các triệu chứng gout cấp.

Kiểm tra nồng độ colchicin:

Trong hai ngày đầu, sử dụng thuốc với liều lượng 1 mg x 3 lần ngày, triệu chứng tại khớp có thể giảm nhanh chóng sau 48 giờ. Tuy nhiên, sau 48 giờ người bệnh có thể bị tiêu chảy. Lúc này có thể kết hợp với một số loại thuốc, chẳng hạn như Loperamid 2 mg với liều lượng 02 viên / ngày, chia thành 2 lần để kiểm soát các triệu chứng bệnh.

Liều lượng dự phòng tái phát:

Sử dụng 0.5 – 1.2 mg / lần x 1 – 2 lần / ngày, trung bình là 1 mg / ngày, kéo dài trong ít nhất 6 tháng. Ở bệnh nhân bệnh thận mạn tính, người cao tuổi (trên 70 tuổi) cần chú ý gia giảm liều lượng thích hợp.

Trong trường hợp không điều trị dự phòng bằng Colchicin, có thể chỉ định dự phòng bằng các loại thuốc chống viêm không steroid liều thấp (đối với bệnh nhân không có chống chỉ định với steroid).

+ Thuốc kháng viêm không steroid:

Thuốc kháng viêm không steroid được dử dụng để giảm viêm, sưng và hỗ trợ giảm đau trong các cơn gout cấp. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Indometacin;
  • Naproxen;
  • Ibuprofen;
  • Piroxicam;
  • Diclofena;
  • Ketoprofen;

Các nhóm thuốc ức chế chọn lọc COX-2 (chẳng hạn như meloxicam, celecoxib, etoricoxib…).

Lưu ý các chống chỉ định của thuốc kháng viêm không steroid, chẳng hạn như viêm loét dạ dày tá tràng hoặc suy thận. Ngoài ra, có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với Colchicin.

+ Corticoid:

Các loại thuốc Corticoid trong đơn thuốc điều trị gout cấp nhằm mục đích kiểm soát tình trạng viêm và đau liên quan đến bệnh gout cấp. Thuốc có thể được sử dụng dưới dạng thuốc viên hoặc có thể được tiêm vào khớp để cải thiện các triệu chứng. Đường tiêm tại chỗ (tiêm corticoid trực tiếp vào khớp viêm) phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp sau khi loại trừ viêm khớp nhiễm khuẩn.

Phác đồ điều trị gout cấp
Tiêm Corticoid vào khớp được chỉ định khi các loại thuốc khác không mang lại hiệu quả điều trị

Các tác dụng phụ của corticosteroid bao gồm:

  • Thay đổi tâm trạng;
  • Tăng lượng đường trong máu;
  • Tăng huyết áp.

Thuốc Corticoid toàn thân thường được chỉ định khi các loại thuốc khác trong đơn thuốc điều trị gout cấp không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, thuốc có nhiều chống chỉ định, do đó cần sử dụng hạn chế và không sử dụng trong thời gian dài.

2. Thuốc giảm acid uric máu

Thuốc giảm acid uric máu được chỉ định sau khi cơn gout cấp đã được cải thiện để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát. Thuốc cũng có thể được chỉ định khi người bệnh có nhiều hơn vài cơn gout mỗi năm.

+ Nhóm thuốc ức chế khả năng tổng hợp acid uric:

Allopurinol:

Allopurinolb không nên được chỉ định trong đơn thuốc điều trị gout cấp mà nên được chỉ định khi tình trạng viêm khớp đã giảm hoặc sau 1 – 2 tuần sử dụng Colchicin.

Liều lượng sử dụng hàng ngày phụ thuộc vào nồng độ acid uric trong máu. Tuy nhiên có thể tham khảo liều sau:

  • Sử dụng Allopurinol 100 mg / ngày trong vòng 1 tuần và tăng 200 – 300 mg / ngày trong thời gian sau đó;
  • Sau khi nồng độ acid uric trở về bình thường, sử dụng với liều lượng 200 – 300 mg / ngày.

Các tác dụng phụ cần chú ý bao gồm:

  • Sốt;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Nổi ban đỏ trên da;
  • Dị ứng;
  • Đau đầu.

Cần chú ý theo dõi phản ứng của cơ thể trong những ngày đầu sau khi sử dụng thuốc, thậm chí là su 1 – 2 tuần. Nếu nhận thấy các tác dụng phụ không mong muốn, vui lòng liên hệ với bác sĩ để có kế hoạch chỉnh sửa phù hợp.

Febuxostat:

Febuxostat là một thuốc XO chọn lọc không purine được chỉ định để điều trị tình trạng tăng acid uric máu ở bệnh nhân gout. Tuy nhiên thuốc không được sử dụng để điều trị tình trạng tăng acid uric máu ở người bệnh không có triệu chứng.

Thuốc điều trị Gout Febuxostat
Febuxostat được sử dụng để điều trị tình trạng tăng acid uric máu ở người bệnh gout

Febuxostat thường được chỉ định khi người bệnh dị ứng hoặc không dung nạp allopurinol. Tuy nhiên, khi sử dụng cần thận trọng đối với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.

Liều lượng sử dụng phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ chuyên môn.

Thuốc Febuxostat được hấp thụ và xử lý chủ yếu qua gan, do đó dùng được với bệnh nhân suy giảm chức năng thận.

Topiroxostat:

Topiroxostat là thuốc ức chế XO chọn lọc không purin được sử dụng để kiểm soát nồng độ acid uric trong máu. Thuốc được điều chế với hàm lượng 20, 40, 60 mg và được khuyến cáo sử dụng liều khởi đầu là 20 mg / lần x 2 lần/ngày và liều tối đa là 80 mg / lần x 2 lần/ngày.

+ Nhóm thuốc tăng thải acid uric:

Nhóm thuốc tăng thải acid uric được chỉ định để cải thiện khả năng loại bỏ acid uric của thận. Điều này làm giảm nồng độ acid uric trong máu và ngăn ngừa nguy cơ bùng phát các cơn gout cấp.

Nhóm thuốc tăng thải acid uric phổ biến bao gồm:

  • Probenecid (250 mg – 3 g / ngày);
  • Sunfinpyrazol (100 – 800 mg / ngày);
  • Benzbriodaron (100 mg / ngày);
  • Benzbromaron (100 mg / ngày).

Khi chỉ định sử dụng nhóm thuốc này cần thực hiện xét nghiệm acid uric niệu.  Chống chỉ định sử dụng khi acid uric niệu trên 600 mg / 24 giờ. Ngoài ra, thuốc cũng chống chỉ định với người bệnh suy thận, sỏi thận, người cao tuổi, gút mạn có hạt tophi.

Các tác dụng phụ bao gồm:

  • Phát ban ngoài da;
  • Đau dạ dày;
  • Sỏi thận.

Đôi khi có thể dùng phối hợp allopurinol với một loại thuốc tăng đào thải acid uric trong máu. Cả hai nhóm thuốc này đều nên chỉ định đơn thuốc điều trị gout cấp.

Việc sử dụng đơn thuốc điều trị gout cấp nên tuân thủ chặt chẽ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Không tự ý sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều lượng thuốc mà không trao đổi với bác sĩ chuyên môn để tránh các tác dụng phụ và biến chứng không mong muốn.

Lưu ý khi sử dụng đơn thuốc điều trị gout cấp

Sử dụng các loại thuốc điều trị gout cấp theo hướng dẫn của bác sĩ có chuyên môn. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc nên tuân thủ một số quy tắc, chẳng hạn như:

Thuốc trị gout của pháp
Sử dụng thuốc trị gout cấp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn
  • Nắm được các loại thuốc đang sử dụng, cách dùng và bảo quản thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Sử dụng thuốc đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc thay đổi loại thuốc mà không trao đổi với bác sĩ.
  • Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, vitamin và thảo dược bổ sung. Bởi vì một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ hoặc các vấn đề nghiêm trọng hơn khi sử dụng kết hợp.
  • Không sử dụng thuốc hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu hư hỏng, móp méo. Ngoài ra, không đưa thuốc cho bất cứ ai, kể cả người bệnh có các dấu hiệu tương tự.

Phòng ngừa các cơn gout cấp

Bên cạnh việc sử dụng đơn thuốc điều trị gout cấp theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể kết hợp nhiều biện pháp phòng ngừa để ngăn ngừa tình trạng tích tụ acid uric trong máu. Cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh áp dụng một số biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như:

phòng ngừa bệnh gout
Thay đổi chế độ ăn uống phù hợp để phòng ngừa bệnh gout
  • Tránh hoặc hạn chế rượu: Rượu có thể ức chế khả năng bài tiết acid uric của cơ thể, làm tăng acid uric máu và gây ra cơn gout cấp. Do đó, người bệnh nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ hoàn toàn rượu, đặc biệt là bia, để phòng ngừa các cơn gout cấp.
  • Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý: Đạt được và duy trì cân nặng hợp lý có thể giảm nguy cơ bùng phát các cơn gout cấp. Tuy nhiên giảm cân quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ bệnh gout trong một thời gian ngắn. Do đó, người bệnh nên có kế hoạch giảm cân an toàn thông qua chế độ ăn uống phù hợp và tập thể dục điều độ.
  • Uống nhiều nước: Tăng cường lượng nước trong cơ thể có thể hỗ trợ chức năng thận và đào thải acid uric ra khỏi cơ thể. Lượng nước tiêu thụ hàng ngày phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng, giới tính và các yếu tố khác.
  • Tránh các loại thực phẩm có thể làm bùng phát bệnh gout: Người bệnh gout có thể ngăn ngừa sự tích tụ axit uric trong máu bằng cách tránh một số loại thực phẩm, bao gồm chẳng hạn như thịt nội tạng, cá cơm, hải sản đồ uống và thực phẩm có đường.
  • Bổ sung các loại thực phẩm chống lại bệnh gout: Chế độ ăn phù hợp cho người bệnh gout bao gồm nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu. Ngoài ra, các sản phẩm sữa ít béo và anh đào được cho là có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh gout.
  • Tránh sử dụng thuốc gây ra bệnh gout: Các loại thuốc chẳng hạn như thuốc lợi tiểu có thể làm tăng axit uric máu và dẫn đến cơn gout cấp. Do đó, người cần sử dụng các loại thuốc này nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc thay thế hoặc các phương pháp điều trị khác.
  • Uống thuốc: Sử dụng đơn thuốc điều trị gout cấp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Người bệnh nên sử dụng đơn thuốc điều trị gout cấp theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các cơn gout cấp bùng phát. Ngoài ra, người bệnh có thể thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout và các chứng thoái hóa khớp liên quan đến bệnh gout.

Trao đổi với bác sĩ nếu cần được hướng dẫn về đơn thuốc điều trị gout cấp hoặc các biện pháp phòng ngừa tại nhà.

Thông tin thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua