Đau xương mu ở nam giới là bị gì? Nguy hiểm không?

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Phương Mai | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau xương mu ở nam giới là cơn đau tập trung ở khu vực xương chậu, quanh bụng dưới và mông. Tình trạng này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý, bao gồm các bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị y tế ngay lập tức.

Cách làm giảm đau xương chậu
Đau xương mu ở nam giới có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân, bao gồm các nguyên nhân nghiêm trọng

Đặc điểm đau xương mu ở nam giới

Xương mu là phần xương hướng về phía trước trong ba xương chính tạo nên khung xương chậu. Mỗi bên xương mu được tạo thành từ ba phần, là phần trên, phần thân và phần dưới. Đau xương mu là cơn đau tập trung ở khu vực xương mu, bụng dưới hoặc mông. Cơn đau xuất hiện đột ngột, có thể là dấu hiệu của sỏi thận, cơ bị kéo căng, viêm tuyến tiền liệt hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm thoát vị bẹn, nhiễm trùng bàng quang hoặc các vấn đề về hệ thống tiêu hóa.

Đau xương mu ở nam giới có thể có nhiều đặc điểm khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Cơn đau có thể khu trú hoặc lan rộng trên diện rộng. Một số người bệnh có cơn đau âm ỉ, đau buốt hoặc đau nhói, trong khi một số khác thường có cảm giác như áp lực, đau liên tục hoặc kèm theo một số dấu hiệu khác.

Nếu bị đau xương mu, điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp. Đôi khi cơn đau xương mu có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng, thậm chí là dẫn đến các biến chứng lâu dài (chẳng hạn như vô sinh). Do đó, người bệnh chẩn đoán sớm và có kế hoạch điều trị thích hợp.

Đau xương mu ở nam giới là bị gì?

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đau xương mu ở nam giới, chẳng hạn như:

1. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Đường tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Hệ thống này có nhiệm vụ tạo ra nước tiểu và loại bỏ khỏi cơ thể.

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi có một lượng vi khuẩn lớn bên trong bất cứ bộ phận nào của đường tiết niệu. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu gây ảnh hưởng đến bàng quang và dẫn đến viêm bàng quang.

Đau vùng mu nam giới là bị gì
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây đau vùng mu nam giới

Đau xương mu và đau khu vực xương chậu là dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:

  • Đau thắt lưng hoặc đau bụng dưới;
  • Có áp lực lên vùng chậu;
  • Thường xuyên đi tiểu;
  • Có máu trong nước tiểu;
  • Đau khi đi tiểu.

Hầu hết các trường hợp, nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn gây ra. Bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh để cải thiện các triệu chứng. Trong một số trường hợp, khi nhiễm trùng liên quan đến nấm hoặc virus, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng virus hoặc chống nấm. Do đó xác định được nguyên nhân là điều quan trọng và cần thiết trong việc điều trị viêm tuyến tiền liệt.

2. Viêm tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là tuyến tạo ra chất lỏng của tinh dịch. Viêm tuyến tiền liệt xảy ra khi tuyến tiền liệt bị nhiễm trùng và viêm. Nguyên nhân phổ biến của tình trạng này có thể là do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc tổn thương dây thần kinh ở đường tiết niệu dưới gây ra.

Viêm tuyến tiền liệt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau xương mu ở nam giới. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau bộ phận sinh dục, bao gồm dương vật và tinh hoàn;
  • Đau thắt lưng hoặc đau bụng dưới;
  • Đau giữa bìu và trực tràng;
  • Có máu trong nước tiểu;
  • Đi tiểu thường xuyên hơn;
  • Xuất tinh đau đớn;
  • Có các triệu chứng như cúm.

Điều trị viêm tuyến tiền liệt phụ thuộc vào tình trạng viêm, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể phòng ngừa nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

3. Phì đại tuyến tiền liệt

Phì đại tuyến tiền liệt có thể là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính hoặc liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đau xương mu, đau vùng chậu hoặc các vấn đề về tiết niệu, bàng quang.

Hầu hết các trường hợp phì đại tuyến tiền liệt xảy ra ở nam giới lớn tuổi. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này là do sự thay đổi của nồng độ hormone testosterone trong cơ thể ở nam giới lớn tuổi.

Tuyến tiền liệt nằm ngay bên dưới bàng quang đi vào niệu đạo. Do đó, phì đại tuyến tiền liệt thường gây cản trở dòng chảy của nước tiểu và dẫn đến một số dấu hiệu như:

  • Đi tiểu thường xuyên;
  • Có nhu cầu đi tiểu ngay lập tức;
  • Có nhu cầu đi tiểu nhiều lần trong đêm;
  • Khó bắt đầu dòng nước tiểu hoặc mất nhiều thời gian để tiểu.

Đau xương mu ở nam giới cũng có thể là dấu hiệu liên quan đến phì đại tuyến tiền liệt, bao gồm nguy cơ ung thư. Do đó, nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.

4. Nhiễm trùng qua đường tình dục

Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như bệnh chlamydia hoặc bệnh lậu, có thể là nguyên nhân gây đau xương mu ở nam giới. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:

  • Tiết dịch ở đầu dương vật;
  • Đau đớn khi đi tiểu;
  • Đau tinh hoàn.

Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục cần được điều trị để tránh gây lây nhiễm cho bạn tình và biến chứng nghiêm trọng khác. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp xử lý phù hợp.

5. Thoát vị bẹn

Đau xương mu ở nam giới có thể là dấu hiệu của tình trạng thoát vị bẹn. Thoát vị bẹn thường phổ biến ở nam giới, xảy ra khi mô ruột bị đẩy qua cơ bụng. Nếu bị thoát vị, người bệnh có thể nhận thấy một khối ở vùng bụng dưới hoặc ở bẹn. Khối u thường biến mất khi người bệnh nằm xuống hoặc khi được đẩy về vị trí cũ.

Thoát vị bẹn dẫn đến đau âm ỉ ở xương mu và vùng chậu. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:

  • Khu vực háng yếu;
  • Đau nghiêm trọng hơn khi cười, ho hoặc cúi người xuống;
  • Có cảm giác no.

Điều quan trọng là người bệnh cần nhận biết các dấu hiệu thoát vị bẹn và đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp. Thoát vị không thể tự khỏi nếu không được điều trị. Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng thoát vị và đề nghị phương pháp điều trị phù hợp nhất.

6. Hội chứng đau vùng chậu mãn tính ở nam giới

Hội chứng đau vùng chậu mãn tính ở nam giới có thể liên quan đến tình trạng viêm vùng chậu hoặc tiêm tuyến tiền liệt, dẫn đến các cơn đau kéo dài. Tình trạng này có thể xảy ra ngay cả khi không có nguyên nhân cụ thể.

Hội chứng đau vùng chậu mãn tính ở nam giới thường rất khó xác định. Bác sĩ có thể loại trừ các nguyên nhân liên quan dẫn đến đau xương mu ở nam giới trước khi kết luận hội chứng đau vùng chậu mãn tính nam và có kế hoạch điều trị phù hợp.

7. Chèn ép dây thần kinh mông

Dây thần kinh mông là dây thần kinh chính của xương chậu, cung cấp cảm giác cho các khu vực xung quanh, bao gồm cả mông và dương vật. Căng hoặc chèn ép dây thần kinh mông có thể dẫn đến đau lưng dưới, đau xương mu và đau vùng chậu ở nam giới. Đôi khi cơn đau cơ thể lan đến hông và chân, tương tự như đau thần kinh tọa.

Đau vùng lông mu ở nam giới
Đau vùng xương mu ở nam giới có thể là dấu hiệu bị chèn ép các dây thần kinh mông

Triệu chứng chính của tình trạng này là đau xương mu liên tục và có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi ngồi xuống. Cơn đau có thể được cảm nhận như:

  • Đau rát;
  • Châm chích;
  • Đau như dao đâm.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Tăng nhạy cảm ở xương chậu;
  • Thường xuyên có nhu cầu đi tiểu;
  • Đi tiểu đột ngột;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Rối loạn cương dương.

8. Xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn có thể dẫn đến đau xương mu nghiêm trọng ở nam giới. Tình trạng này thường không phổ biến những cần điều trị y tế khẩn cấp để tránh các rủi ro liên quan. Người bệnh có thể cần phẫu thuật và nếu điều trị chậm trễ có thể làm mất tinh hoàn bị ảnh hưởng.

9. Các nguyên nhân khác

Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến kể trên, có một số nguyên nhân khác có thể gây đau xương mu ở nam giới, chẳng hạn như:

  • Căng cơ;
  • Có vấn đề về hệ thống tiêu hóa, chẳng hạn như Hội chứng ruột kích thích;
  • Viêm ruột thừa;
  • Sỏi thận;
  • Ung thư xương chậu hoặc ung thư di căn xương.

Đau xương mu ở nam giới có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các nguyên nhân nghiêm trọng. Do đó, nếu nhận thấy các cơn đau ở xương mu, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.

Đau xương mu ở nam giới có nguy hiểm không?

Nếu người bệnh mắc các bệnh lý mãn tính, chẳng hạn như Hội chứng ruột kích thích hoặc táo bón mãn tính, tình trạng đau xương mu có thể xảy ra khi các triệu chứng bệnh tái phát. Trong các trường hợp này, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc để cải thiện các triệu chứng.

Nếu cơn đau xương mu xuất hiện đột ngột, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp. Cơn đau xương mu có thể liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện nếu nhận thấy các dấu hiệu nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Sốt;
  • Thường xuyên có nhu cầu đi tiểu, đặc biệt là vào ban đêm;
  • Có nhu cầu đi tiểu khẩn cấp;
  • Đau hoặc có cảm giác nóng rát khi đi tiểu;
  • Phình khung xương chậu, bẹn, tinh hoàn hoặc bụng dưới;
  • Phát ban hoặc tiết dịch ở dương vật;
  • Khó đi tiểu, chẳng hạn như rò rỉ nước tiểu hoặc không thể tiểu khi có nhu cầu;
  • Đau bụng dưới;
  • Khó đi đại tiện;
  • Có máu trong phân.

Nếu người bệnh bị đau xương mu dữ dội, hãy đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Chẩn đoán đau xương mu ở nam giới

Để chẩn đoán tình trạng đau xương mu ở nam giới, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như:

  • Kiểm tra thể chất: Bác sĩ tiến hành khám lâm sàng xung quanh khu vực xương chậu, xương mu và bụng dưới để xác định các vết sưng hoặc đau đớn.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra công thức máu của người bệnh để xác định dấu hiệu nhiễm trùng hoặc chức năng thận của người bệnh.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu được đề nghị nếu bác sĩ có nghi ngờ người bệnh có vấn đề về đường tiết niệu.
  • Các xét nghiệm hình ảnh: Bác sĩ có thể yêu cầu siêu âm, chụp CT hoặc chụp MRI để quan sát các mô và cơ quan bên trong vùng chậu.

Đau xương mu ở nam giới phải làm sao?

Việc kiểm soát và điều trị tình trạng đau xương mu ở nam giới phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Chẳng hạn như nhiễm trùng có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh, các triệu chứng viêm khớp được điều trị bằng thuốc giảm đau, sỏi thận có thể cải thiện bằng cách uống nhiều nước, tán sỏi hoặc phẫu thuật cắt bỏ sỏi nếu cần thiết. Các khối u có thể cần được phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.

Vật lý trị liệu có thể được chỉ định để kiểm soát các nguyên nhân dẫn đến đau xương mu ở nam giới, bao gồm Hội chứng đau vùng chậu mãn tính hoặc đau đớn sau khi cắt bỏ tuyến tiền liệt.

Đau xương mu ở nam giới
Sử dụng thuốc điều trị tình trạng đau xương mu theo hướng dẫn của bác sĩ

Các phương pháp điều trị phổ biến để kiểm soát các cơn đau vùng chậu bao gồm:

  • Thuốc giảm đau tác dụng ngắn, chẳng hạn như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
  • Thuốc chống trầm cảm có thể được chỉ định để kiểm soát cơn đau xương mu, chẳng hạn như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI);
  • Sử dụng thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt, chẳng hạn như Flomax;
  • Các loại thuốc tiêm điều trị co cứng cơ bàng quang.

Các phương pháp điều trị khác có thể được chỉ định để kiểm soát các cơn đau xương mu mãn tính, chẳng hạn như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và liệu pháp sóng xung động.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng. Phẫu thuật thường được chỉ định cho các trường hợp như:

  • Sỏi thận;
  • Thoát vị bẹn;
  • Viêm ruột thừa;
  • Xoắn tinh hoàn.

Phòng ngừa đau xương mu ở nam giới

Đôi khi người bệnh có thể phòng ngừa nguy cơ đau xương mu ở nam giới với một số lưu ý, chẳng hạn như:

  • Thực hiện tình dục an toàn: Bởi vì các bệnh lý lây qua đường tình dục có thể dẫn đến đau xương mu ở nam giới, do đó thực hành tình dục an toàn có thể hạn chế các rủi ro gây đau xương mu.
  • Uống nhiều nước: Mất nước có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận và nhiễm trùng bàng quang, dẫn đến đau xương mu. Cả hai tình trạng này có thể được ngăn ngừa bằng cách uống nhiều nước và bổ sung chất lỏng cần thiết.
  • Quản lý các vấn đề về hệ thống tiêu hóa: Táo bón và Hội chứng ruột kích thích có thể dẫn đến đau xương mu ở nam giới. Do đó, nếu gặp các vấn đề về hệ thống tiêu hóa, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc và thay đổi chế độ ăn uống để cải thiện các triệu chứng.
  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Người bệnh nên thực hiện sàng lọc ung thư ruột kết và ung thư tuyến tiền liệt. Các bệnh lý này có thể gây đau xương mu và gây nguy hiểm đến tính mạng, do đó phát hiện và điều trị sớm là điều cần thiết.

Đau xương mu ở nam giới có thể xuất phát từ các vấn đề tiết niệu, sinh sản hoặc đường ruột. Tùy thuộc vào nguyên nhân, cơn đau có thể là đau nhẹ, khó chịu hoặc đau đớn dữ dội. Đôi khi cơn đau có thể liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro liên quan.

Nếu cơn đau xương mu xuất hiện đột ngột hoặc nếu bị sốt, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp. Các triệu chứng này có thể liên quan đến một tình trạng nghiêm trọng hơn.

Tham khảo thêm: Đau xương mu khi mang thai: Nguyên nhân và cách giảm đau

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua