Đau xương chậu khi mang thai là gì? Cách giảm đau hay

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Phương Mai | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau xương chậu khi mang thai là tình trạng phổ biến xảy ra do nồng độ hormone thay đổi, dây chằng giãn ra và các cơ quan đang dịch chuyển để tạo không gian cho tử cung phát triển. Trường hợp này không nghiêm trọng và có thể được kiểm soát tại nhà. Tuy nhiên cơn đau có thể bắt đầu từ những tình trạng nguy hiểm hơn. Vì thế thai phụ cần lưu ý để được điều trị y tế sớm.

Đau xương chậu khi mang thai
Tìm hiểu đau xương chậu khi mang thai là gì? Nguyên nhân và cách giảm đau hiệu quả

Đau xương chậu khi mang thai là gì?

Đau xương chậu khi mang thai là hiện tượng đau mỏi ở xương chậu (phía trước, sau hoặc hai bên) và vùng thấp nhất của bụng. Cơn đau có xu hướng lan rộng sang một số vị trí khác như lưng, hông và đùi… Tùy thuộc vào tình trạng, cơn đau có thể nhẹ, âm ỉ và ngắt quãng hoặc đau dữ dội, liên tục làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của thai phụ.

Bà bầu bị đau xương chậu thường không nguy hiểm. Bởi hầu hết các trường hợp đều do sự thay đổi của dây chằng, cơ quan nội tạng và các khớp xương để phù hợp cho quá trình phát triển của thai nhi.

Tuy nhiên trong các trường hợp khác, đau xương chậu ở bà bầu có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị ngay lập tức. Cụ thể như mang thai ngoài tử cung, viêm nhiễm, sảy thai…

Triệu chứng đau vùng chậu khi mang thai

Thông thường, triệu chứng đau vùng chậu khi mang thai xuất hiện từ tháng thứ 3 của thai kỳ. Các triệu chứng thường tăng dần mức độ nghiêm trọng và tần suất theo thời gian.

Những triệu chứng thường gặp:

  • Đau ở khớp cùng chậu, khớp mu
  • Thường đau âm ỉ, đôi khi đau nhói hoặc quặn thành từng cơn (nguyên nhân bệnh lý)
  • Đau ngắn quảng hoặc liên tục, tần suất và mức độ có xu hướng tăng lên theo thời gian
  • Đau từ trước ra sau (thắt lưng), đau từ vùng hông lan xuống đùi
  • Đau ngắt quãng hoặc giảm nhẹ khi nằm nghỉ
  • Đau nghiêm trọng hơn vào ban đêm, đi lại, lên xuống cầu thang, thay đổi tư thế đột ngột
  • Hạn chế khả năng vận động
  • Khó ngủ

Triệu chứng khác:

  • Có cảm giác cứng ở bụng
  • Xuất huyết âm đạo bất thường
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Suy nhược
Thường đau âm ỉ, đôi khi đau nhói hoặc quặn thành từng cơn
Mẹ bầu thường bị đau âm ỉ, đôi khi đau nhói hoặc quặn ở khớp cùng chậu và khớp mu

Nguyên nhân gây đau xương chậu khi mang thai

Đau xương chậu khi mang thai xảy ra do một số nguyên nhân dưới đây:

  • Thay đổi nội tiết tố

Cơ thể sản xuất hormone ralaxin trong thời kỳ mang thai. Hormone này có chức năng làm mềm và làm giãn các cơ vùng chậu, đồng thời nới lỏng các khớp để tạo không gian phù hợp cho thai nhi phát triển. Tuy nhiên điều này làm mất tính ổn định của các khớp ở khung chậu do chuyển động không đồng đều. Từ đó gây ra tình trạng mất cân bằng và làm phát sinh cơn đau.

Đau xương chậu khi mang thai do thay đổi nội tiết thường bắt đầu từ tháng thứ 3 của thai kỳ, kéo dài đến vài tuần sau sinh nở.

  • Thay đổi tư thế đi đứng

Sự chèn ép và gia tăng kích thước của thai nhi khiến thai phụ thay đổi tư thế đi đứng. Cụ thể như ưỡn người ra phía sau, vẹo lưng sang một bên… Điều này khiến cơ thể mất đối xứng, các khớp xương bị chèn ép dẫn đến đau vùng chậu và đau lưng khi mang thai.

  • Tăng cân

Trong thời kỳ mang thai, cân nặng thường tăng cao do thai nhi phát triển, cơ thể tích nước và chế độ ăn uống dư thừa chất dinh dưỡng. Điều này làm tăng gánh nặng lên các khớp ở khung xương chậu và dẫn đến đau mỏi.

Cơn đau thường nghiêm trọng hơn ở những người thừa cân – béo phì trước và trong thời kỳ mang thai.

  • Thiếu dinh dưỡng

Canxi và vitamin D là hai thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của thai nhi và sức khỏe hệ xương của mẹ bầu. Thiếu canxi khiến cơ thể lấy canxi từ xương của mẹ vận chuyển đến thai nhi để đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này khiến các khớp xương suy yếu và phát sinh cơn đau.

  • Mở rộng tử cung

Mẹ bầu thường bị đau như sắp có kinh và chuột rút từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 12 của thai kỳ. Điều này xảy ra do sự mở rộng của tử cung khiến các tế bào căng giãn quá mức. Lưu ý mở rộng tử cung gây đau nhưng không kèm theo biểu hiện ra máu.

Đau khung chậu do mở rộng tử cung thường phổ biến ở những lần mang thai tiếp theo so với lần đầu.

  • Thai nhi phát triển

Sự gia tăng kích thước của thai nhi làm tăng áp lực lên khung xương chậu và gây đau. Tình trạng này thường phổ biến hơn trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Sự gia tăng kích thước của thai nhi làm tăng áp lực lên khung xương chậu và gây đau
Sự gia tăng kích thước của thai nhi khiến khung xương chậu chịu nhiều áp lực và dẫn đến đau nhức
  • Đau dây chằng tròn

Đau dây chằng tròn thường bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai, đau nặng ở hông và lan rộng sang một số khu vực khác. Nguyên nhân là do trong thời gian thai nhi phát triển, các dây chằng xuất phát từ đỉnh tử cung xuống háng bị căng giãn quá mức.

Đau do căng dây chằng tròn thường rõ ràng hơn khi đứng dậy khỏi ghế và đang đi bộ. Vì lúc này tử cung nghiêng và kéo căng dây chằng. Việc nằm xuống có thể khiến cơn đau thuyên giảm và biến mất tạm thời. Đau dây chằng tròn sẽ biến mất hoàn toàn trong khoảng 24 tuần.

  • Phân tách cơ thẳng bụng (Diastasis recti)

Phân tách cơ thẳng bụng (Diastasis recti) có thể là nguyên nhân gây đau xương chậu khi mang thai. Tình trạng này xảy ra khi cơ abdominis trực tràng tách ra trong giai đoạn mang thai.

Nếu cơn đau kéo dài sau sinh nở, nữ giới sẽ được hướng dẫn luyện tập với một số bài tập đơn giản và thích hợp. Ở những trường hợp nặng, người bệnh có thể được yêu cầu phẫu thuật để cải thiện tình trạng.

  • U nang buồng trứng

U nang buồng trứng phát triển từ những thay đổi liên quan đến cách buồng trứng phóng thích hoặc tạo ra trứng. Mặc dù không phải là ung thư nhưng u nang có xu hướng phát triển lớn hơn trong thời gian mang thai. Điều này làm tăng áp lực lên tử cung và tạo ra những cơn đau dai dẳng.

Trong trường hợp u nang bị vỡ, đau vùng chậu khi mang thai có thể đột ngột nghiêm trọng hơn và phát sinh ra những rủi ro không mong muốn. Nếu u nang bị xoắn, cơn đau có thể rất dữ dội và liên tục kèm theo nôn mửa, buồn nôn và đổ nhiều mồ hôi.

Vì thế nếu có tiền sử u nang buồng trứng hoặc chắc chắn rằng u nang đang phát triển trong khi mang, bạn cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa để được siêu âm và có hướng điều trị thích hợp nhất.

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI)

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) thường xảy ra vào một thời điểm nào đó trong thai kỳ. Nhiễm trùng khiến một số thai phụ bị đau vùng dưới rốn kèm theo nóng rát khi đi tiểu, đột ngột muốn đi tiểu, tiểu ra máu…

Nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai cần được điều trị sớm bởi nhiễm trùng tiểu có thể tiến triển thành nhiễm trùng thận và tăng nguy cơ sinh non.

  • Táo bón

Táo bón thường xảy ra trong thời kỳ mang thai do chế độ dinh dưỡng, chất bổ sung sắt và hormone làm chậm đường tiêu hóa. Bệnh khiến thai phụ rặn nhiều và tăng áp lực lên khung chậu. Từ đó tạo cảm giác khó chịu và đau ở vùng chậu.

Táo bón
Rặn nhiều do táo bón làm tăng áp lực lên khung chậu, tạo cảm giác khó chịu và đau ở vùng chậu
  • Vulvodynia

Vulvodynia làm phát sinh những cơn đau mãn tính ở âm đạo và âm hộ nhưng không rõ nguyên nhân. Cơn đau thường nghiêm trọng và khiến nữ giới suy nhược trong thời kỳ mang thai.

  • Sảy thai

Sảy thai khiến mẹ bầu đau nhiều ở vùng bụng dưới kèm theo xuất huyết bất thường. Tình trạng này thường gặp trước tháng thứ 5 của thai kỳ.

  • Mang thai ngoài tử cung

Mang thai ngoài tử cung là hiện tượng trứng làm tổ và phát triển ở một vị trí nào đó khác tử cung, thường là trong ống dẫn trứng. Đối với trường hợp này, thai phụ bị đau nhiều ở vùng chậu kèm theo xuất huyết dữ dội do ống dẫn trứng bị căng ra. Các triệu chứng thường bắt đầu từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 10 của thai kỳ.

  • Chuyển dạ sinh non

Nếu tăng áp lực lên vùng chậu kèm theo đau lưng (ngắt quãng) trước tuần thứ 37, thai phụ có thể đang chuyển dạ sinh non. Vì thế thai phụ cần đến bệnh viện ngay khi có trên bốn cơn co thắt trong một giờ và co thắt tiếp tục trong hai giờ.

  • Nhau bong non

Nhau thai nằm cao trên thành tử cung để cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi. Chúng sẽ không tách ra cho đến khi thai phụ sinh xong. Tuy nhiên do một số nguyên nhân, nhau thai có thể đột ngột tách ra khỏi thành tử cung dẫn đến đau bụng dưới dữ dội và liên tục kèm theo chảy máu đỏ sẫm, tử cung cứng như đá khi ấn vào, không có cục máu đông. Nhau bong non là tình trạng nguy hiểm cần được cấp cứu ngay lập tức.

  • U xơ tử cung

U xơ tử cung là một khối u lành tính, không phải ung thư. Tuy nhiên khối u này có thể phát triển nhanh hơn khi mang thai. Đồng thời gây đau và làm chậm sự phát triển của thai nhi. Để cho phép thai nhi tiếp tục, thai phụ cần phẫu thuật cắt bỏ.

  • Nguyên nhân khác

Ngoài những tình trạng nêu trên, đau xương chậu khi mang thai còn xảy ra do một số nguyên nhân khác, bao gồm:

    • Vỡ tử cung (thường gặp ở người có vết sẹo mổ lấy thai trước đó)
    • Xoắn buồng trứng
    • Tiền sản giật
    • Viêm ruột thừa
    • Sỏi thận
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là một trong những nguyên nhân ít gặp khiến thai phụ bị đau vùng chậu khi mang thai

Yếu tố nguy cơ

Đau xương chậu xảy ra ở hầu hết phụ nữ mang thai. Tuy nhiên nguy cơ và mức độ nghiêm trọng thường cao hơn ở những người có các yếu tố sau:

  • Viêm vùng chậu
  • Có tiền sử chấn thương vùng chậu, u nang buồng trứng
  • Có tiền sử mắc một số bệnh xương khớp liên quan đến vùng chậu, điển hình như trật khớp, viêm khớp cùng chậu, nứt xương…
  • Thừa cân / béo phì trước khi mang thai
  • Thường xuyên mang giày cao gót trước và trong khi mang thai

Đau xương chậu khi mang thai có nguy hiểm không?

Phần lớn các trường hợp bị đau xương chậu khi mang thai không nguy hiểm do phát sinh từ những thay đổi tự nhiên cùng chế độ ăn uống kém lành mạnh và tư thế sinh hoạt xấu. Cơn đau thường giảm khi nghỉ ngơi và có các biện pháp chăm sóc phù hợp. Ngoài ra, đau do hormone relaxin sẽ tự khỏi sau vài tuần sinh nở.

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, đau vùng xương chậu là dấu hiệu cảnh báo của nhiều tình trạng nguy hiểm. Cụ thể như mang thai ngoài tử cung, sảy thai, u nang buồng trứng, nhiễm trùng…

Vì thế thai phụ cần đến bệnh viện khi bị đau xương chậu kèm theo những triệu chứng sau:

  • Xuất huyết âm đạo
  • Sốt
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Tiểu ra máu hoặc tiểu rát
  • Thường xuyên buồn tiểu
  • Buồn nôn và nôn mửa
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Đau đầu dữ dội
  • Xuất hiện các cơn đau co thắt hoặc chuột rút
  • Có bốn cơn co thắt trong một giờ…

Cách giảm đau xương chậu khi mang thai

Nếu đau xương chậu khi mang thai xảy ra do những nguyên nhân thông thường, người bệnh có thể giảm đau bằng việc áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:

  • Ăn uống khoa học

Trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần tăng cường bổ sung canxi và vitamin D thông qua một số loại thực phẩm như trứng, thịt, sữa, cá, hạnh nhân, các loại đậu, hạt, nấm, hải sản… Đây đều là những thành phần thiết yếu có khả năng đảm bảo sự phát triển của thai nhi và duy trì sức khỏe xương khớp của thai phụ. Từ đó giúp giảm nguy cơ yếu xương và đau xương chậu.

Ngoài ra thai phụ cũng cần bổ sung thêm các loại trái cây và rau quả giàu chất xơ, vitamin C, đồng thời uống nhiều nước để tăng khả năng chống táo bón, giảm viêm và làm dịu cơn đau xương chậu khi mang thai.

Một số thành phần dinh dưỡng khác nên bổ sung để giúp xương và thai kỳ khỏe mạnh:

    • Kali
    • Magie
    • Protein
    • Chất sắt
    • Phốt pho
    • Vitamin A, vitamin nhóm B
    • Axit béo omega-3
Ăn uống khoa học
Ăn uống khoa học, đủ canxi và vitamin D giúp duy trì sức khỏe xương khớp của sản phụ, hạn chế đau xương chậu
  • Nghỉ ngơi

Nếu đau nhiều kèm theo mệt mỏi và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt, thai phụ nên nằm nghỉ, không cố gắng đi lại hoặc vận động. Điều này sẽ làm giảm áp lực lên các khớp, thư giãn dây chằng và cải thiện cơn đau.

Ngoài ra nghỉ ngơi hợp lý còn giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và chống mệt mỏi. Trong khi đó căng thẳng là một trong những yếu tố làm tăng mức độ nghiêm trọng của cơn đau.

  • Massage nhẹ nhàng

Trong thời gian nghỉ ngơi, thai phụ nên được massage nhẹ nhàng để tăng tốc độ giảm đau và giảm stress hiệu quả. Massage có tác dụng giảm căng cơ, thư giãn dây chằng và các khớp xương. Từ đó mang đến cảm giác dễ chịu và làm dịu cơn đau.

Bên cạnh đó thường xuyên massage còn giúp thai phụ thư giãn mạch máu, tăng lưu thông khí huyết và hỗ trợ tăng tính ổn định các khớp xương. Tuy nhiên thai phụ cần lưu ý không nên nắn hoặc bóp mạnh, không massage trên 15 phút mỗi lần vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến thai nhi.

  •  Chườm ấm

Thai phụ có thể chườm ấm lên vùng thắt lưng và hông để giảm đau và kích thích lưu thông máu. Bởi nhiệt độ cao từ biện pháp này có thể giúp giãn mạch, thư giãn các khớp xương và dây thần kinh. Ngoài ra chườm ấm còn có tác dụng giảm sưng, hạn chế cứng khớp, hỗ trợ giảm viêm và tăng khả năng vận động cho thai phụ.

Tuy nhiên thai phụ không nên chườm ấm lên vùng bụng dưới. Bởi điều này có thể kích thích cổ tử cung giãn nở và tăng nguy cơ sảy thai. Ngoài chườm ấm, tắm với nước ấm cũng mang đến hiệu quả giảm đau và kích thích lưu thông máu tốt.

  • Thay đổi tư thế

Để giảm áp lực lên vùng xương chậu và giảm đau, thai phụ nên thay đổi tư thế đi đứng và nằm. Cụ thể:

Tư thế đứng

Đứng thẳng lưng, giữ cho vai và cổ thẳng, hai chân chạm sàn và đi nhẹ nhàng. Thai phụ cần tránh đứng trên một chân vì điều này sẽ làm mất tính đối xứng, tăng nguy cơ đèn nén vào các khớp và dẫn đến đau mỏi.

Ngoài ra thai phụ cần tránh thay quần khi đứng. Bạn nên ngồi trên ghế hoặc ngồi trên giường, sau đó cho hai chân vào quần rồi mới nhẹ nhàng đứng dậy và kéo lên.

Tư thế ngồi

Ngồi trên ghế mềm và có lưng tựa, hai chân đặt xuống sàn, không bắt chéo chân. Nếu muốn đứng dậy, cần hướng người về phía trước và từ từ đứng lên.

Tư thế nằm

Tốt nhất thai phụ nên nằm nghiêng khi ngủ hoặc khi nghỉ ngơi, đặc biệt là nằm nghiêng sang trái. Bởi tư thế này hỗ trợ tăng lưu thông khí huyết vào tử cung từ động mạch chủ, giúp cung cấp đủ oxy cho bé. Ngoài ra nằm nghiêng còn giúp giảm áp lực lên các khớp thuộc khung xương chậu.

Thai phụ có thể sử dụng thêm gối ôm, kẹt giữa hai đầu gối và dọc theo thân người để cân bằng cơ thể và tạo cảm giác thoải mái nhất.

Nằm nghiêng khi ngủ hoặc khi nghỉ ngơi
Nằm nghiêng khi ngủ hoặc khi nghỉ ngơi giúp giảm áp lực lên các khớp, hạn chế và giảm đau xương chậu hiệu quả
  • Vận động nhẹ nhàng

Thai phụ nên đi lại và vận động nhẹ nhàng bằng cách bơi lội hoặc thực hiện một số bài tập nhẹ trong thời kỳ mang thai. Không nên đứng hoặc ngồi lâu một chỗ. Biện pháp này có tác dụng làm giảm nguy cơ cứng khớp, tăng khả năng vận động linh hoạt, hạn chế và giảm phát sinh cơn đau ở các khớp.

Ngoài ra đi lại và vận động còn giúp máu huyết lưu thông, giảm nguy cơ ứ huyết, tăng cường sức đề kháng và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên thai phụ không nên vận động mạnh hoặc đi lại nhiều để tránh làm ảnh hưởng đến thai nhi và tăng mức độ đau nhức.

  • Sử dụng đai hỗ trợ

Sử dụng đai hỗ trợ cũng là một trong những cách hạn chế đau xương chậu khi mang thai hiệu quả. Bởi khi sử dụng, phần bụng của thai phụ sẽ được nâng đỡ, giảm đè nén và áp lực từ trọng lượng của thai nhi. Từ đó giúp hạn chế và giảm đau xương chậu hiệu quả.

  • Tập yoga

Tập yoga được đánh giá là một trong những cách giảm đau xương chậu hiệu quả, tăng độ dẻo dai và tăng cường sức khỏe xương khớp. Vì thế để giảm đau xương chậu khi mang thai, bà bầu có thể áp dụng một số bài tập dưới đây:

Bài tập yoga tư thế chó chim

Bài tập yoga tư thế chó chim có tác dụng ổn định khung xương chậu, cột sống và xương cụt, tăng cường sức cơ ở vùng lưng và hông. Đồng thời hạn chế đau xương chậu khi mang thai.

    • Quỳ gối và chống hai tay lên sàn, thẳng lưng, cổ và khuỷu tay
    • Duỗi thẳng tay phải về phía trước, đồng thời duỗi thẳng chân trái hướng ra sau sao cho lưng tay và chân thẳng hàng
    • Giữ nguyên tư thế từ 10 đến 30 giây
    • Hít thở đều, thả lỏng cơ thể và trở về tư thế ban đầu
    • Lặp lại tương tự với bên còn lại
    • Thực hiện 5 lần mỗi bên.
Bài tập yoga tư thế chó chim
Bài tập yoga tư thế chó chim giúp tăng cường sức cơ, ổn định khung xương chậu, cột sống và xương cụt

Bài tập nghiêng chậu (Pelvic Tilt)

Bài tập nghiêng chậu có tác dụng tăng tính ổn định của các khớp thuộc khung xương chậu, tăng cường sức cơ, giảm căng thẳng cho vùng hông và thắt lưng. Bài tập nghiêng chậu khi nằm ngửa có thể được thực hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên. Trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba có thể thực hiện bài tập này khi đứng.

Nằm nghiêng

    • Nằm ngửa trên sàn, tay thả lỏng, đầu gối cong, hai bàn chân đặt lên sàn
    • Co cơ bụng và từ từ xoay xương chậu lên trên khi thở ra
    • Giữ nguyên tư thế từ 3 đến 5 giây, hít thở đều
    • Thư giãn và trở về tư thế ban đầu
    • Lặp lại động tác 10 lần.
Bài tập nghiêng chậu (Pelvic Tilt)
Bài tập nghiêng chậu (Pelvic Tilt) tư thế nằm phù hợp với mẹ bầu trong tam cá nguyệt đầu tiên

Đứng

    • Đứng thẳng trên sàn, hai bàn chân cách nhau một khoảng rộng bằng hông. Lưu ý phân bố đều trọng lượng cơ thể qua hai bàn chân
    • Khi thở ra, thực hiện co cơ bụng và từ từ xoay xương chậu lên trên
    • Giữ nguyên tư thế từ 3 đến 5 giây, kết hợp hít thở đều
    • Thư giãn và trở về tư thế ban đầu
    • Lặp lại động tác 10 lần.
Bài tập nghiêng chậu (Pelvic Tilt)
Bài tập nghiêng chậu (Pelvic Tilt) tư thế đứng phù hợp với mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba

Bài tập Squat

Bài tập Squat giúp tăng cường sức mạnh cho các chi, ổn định chuyển động cho phần hông và đầu gối. Ngoài ra bài tập này còn có tác dụng cải thiện tính đối xứng cho khung xương chậu và giảm đau.

    • Đứng thẳng trên sàn, hai bàn chân cách nhau một khoảng rộng bằng vai
    • Từ từ gập đầu gối, đồng thời di chuyển hông về phía sau tương tự như đang ngồi trên ghế
    • Chỉ uốn cong ở mức thích hợp và cảm thấy thoải mái
    • Hít thở đều
    • Trở lại tư thế bắt đầu
    • Lặp lại động tác 10 lần.
Bài tập Squat
Bài tập Squat có tác dụng tăng cường sức mạnh, ổn định chuyển động cho phần hông và đầu gối

Bài tập yoga tư thế mèo – bò

Bài tập yoga tư thế mèo – bò có tác dụng thư giãn các khớp xương, kéo dài cột sống, giảm áp lực và giảm đau vùng xương chậu.

    • Quỳ gối và chống hai tay lên sàn, thẳng lưng, cổ và khuỷu tay
    • Cong lưng và hướng xuống dưới hết mức có thể, đồng thời vai cuộn lại và hạ xuống
    • Giữ nguyên tư thế từ 5 đến 10 giây
    • Vòng lưng sao cho lưng cong hướng lên trên
    • Giữ nguyên tư thế từ 5 đến 10 giây
    • Cong lưng và vòng lưng liên tục 10 lần.
Bài tập yoga tư thế mèo - bò
Bài tập yoga tư thế mèo – bò giúp giảm áp lực và giảm đau vùng xương chậu, thư giãn các khớp xương, kéo dài cột sống

Bài tập nâng chân tư thế nằm nghiêng

Bài tập nâng chân tư thế nằm nghiêng giúp mở rộng hông và khung xương chậu, tăng tính ổn định, kích thích lưu thông máu, thư giãn cơ và giảm đau.

    • Nằm nghiêng bên trái. Mắt cá chân, hông và vai tạo thành một đường thẳng
    • Kể một chiếc gối nhỏ bên dưới để cột sống được giữ thẳng
    • Từ từ nâng chân phải lên một góc 45 độ hoặc hơn (trong phạm vi chuyển động không gây đau)
    • Giữ tư thế trong 3 giây
    • Từ từ hạ chân xuống
    • Lặp lại động tác 10 lần
    • Thực hiện tương tự với bên chân còn lại.
Bài tập nâng chân tư thế nằm nghiêng
Bài tập nâng chân tư thế nằm nghiêng có tác dụng làm tăng tính ổn định của hông và xương chậu, kích thích lưu thông máu

Đau xương chậu khi mang thai là tình trạng phổ biến nhưng ít gây nguy hiểm. Hầu hết cơn đau có thể tự khỏi sau khi sinh hoặc giảm nhanh khi áp dụng các biện pháp không dùng thuốc. Tuy nhiên cơn đau cũng có thể xảy ra do các tình trạng nguy hiểm hơn. Vì thế thai phụ cần đến bệnh viện khi đau nhiều ở xương chậu kèm theo xuất huyết, sốt hoặc có các triệu chứng khác.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua