Đau xương chậu là bệnh gì? Cách nhận biết, điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Phương Mai | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau xương chậu là tình trạng đau nhức ở xương chậu và phần thấp nhất của bụng, dưới rốn. Cơn đau phát sinh do nhiều nhân. Tuy nhiên phần lớn là do các vấn đề sức khỏe cần được điều trị y tế. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể bị đau nhói hoặc đau âm ỉ ở bên trái, bên phải hoặc cả hai bên vùng chậu. Nguy cơ đau vùng chậu ở nữ giới cao hơn nam.

Đau xương chậu
Tìm hiểu đau xương chậu là bệnh gì? Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị

Đau xương chậu là bệnh gì?

Đau xương chậu là tình trạng đau nhức ở xương chậu và phần thấp nhất của bụng. Tình trạng này có thể gặp ở cả nam và nữ giới do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên phần lớn đau vùng chậu phát sinh từ các nguyên nhân bệnh lý cần được can thiệp y tế sớm. Một số trường hợp không thể xác định được nguyên nhân gây đau.

Đau vùng chậu được phân thành hai dạng, gồm đau:

  • Cấp tính (dưới 6 tháng): Đau bất ngờ và đột ngột, đau nhói, quặn thành từng cơn và khó kiểm soát.
  • Đau mãn tính (trên 6 tháng): Đau vùng chậu lâu dài, thường đau âm ỉ dai dẳng, đôi khi đau quặn thành từng cơn khiến người bệnh khó chịu.

Thông thường để điều trị, người bệnh sẽ được yêu cầu dùng thuốc hoặc phẫu thuật nhằm loại bỏ nguyên nhân và cắt giảm cơn đau.

Triệu chứng đau xương chậu

Thông thường đau xương chậu gây ra những triệu chứng sau:

Triệu chứng chung

  • Đau ở xương chậu và phần thấp nhất của bụng
  • Đau nhói, đau quặn thành từng cơn hoặc đau âm ỉ
  • Mức độ đau không thay đổi, khó kiểm soát hoặc đau không liên tục
  • Cơn đau có thể nhẹ, vừa hoặc nặng tùy theo nguyên nhân
  • Đau vùng chậu có thể lan rộng sang một số vị trí khác như đau lưng dưới, mông và đùi
  • Đau giảm nhẹ hoặc không khởi phát khi nghỉ ngơi
  • Đau tăng hoặc đau đột ngột khi hoạt động tình dục, ngồi lâu hoặc đi tiểu
  • Chuột rút
  • Có cảm giác nặng nề và tăng áp lực sâu trong xương chậu

Triệu chứng cấp tính

  • Cơn đau đột ngột xuất hiện
  • Đau mạnh, khó kiểm soát
  • Đau ngắn hạn

Triệu chứng mãn tính

  • Đau âm ỉ, liên tục và không giảm hoặc đau ngắt quãng
  • Đau lâu dài
  • Cơn đau đã xuất hiện từ 6 tháng trở lên
Triệu chứng đau xương chậu
Đau vùng chậu có thể âm ỉ hoặc quặn từng cơn, đau lan rộng sang một số vị trí khác như đau lưng dưới, mông và đùi

Nguyên nhân gây đau xương chậu

Nguyên nhân gây đau vùng xương chậu được chia thành hai nhóm, bao gồm”

1. Nguyên nhân gây đau vùng chậu cấp tính

Đau vùng chậu cấp tính xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Mang thai

Đau xương chậu khi mang thai là tình trạng phổ biến, thường kéo dài từ tháng thứ 3 của thai kỳ đến thời điểm sau sinh. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm hormone relaxin được sản sinh làm nới lỏng khung xương chậu và dây chằng xung quanh, tăng cân, thai nhi phát triển, thiếu canxi và vitamin D.

Cơn đau có xu hướng nghiêm trọng và thường xuyên hơn vào những tháng cuối của thai kỳ do thai nhi phát triển lớn và chèn ép lên khung xương chậu.

  • Sinh nở

Xương chậu mở rộng do hormone relaxin và quá trình sinh con bằng đường âm đạo khiến nữ giới đau và khó chịu ở xương chậu. Cơn đau thường tự khỏi sau khi cơ thể phục hồi.

  • U nang buồng trứng

U nang buồng trứng là nguyên nhân phổ biến gây đau xương chậu ở phụ nữ. Đây là một khối u rắn, bên trong chứa dịch, hình thành ở một bên của buồng trứng. U nang buồng trứng phát triển theo thời gian. Khi chúng trở nên xoắn hoặc vỡ sẽ gây đau xương chậu bên trái hoặc bên phải.

  • Đau bụng kinh

Trước và trong kỳ kinh, nữ giới thường có cảm giác đau âm ỉ, đôi khi đau quặn và không thuyên giảm ở xương chậu. Điều này xảy ra là do quá trình co bóp của tử cung và do nồng độ hormone thay đổi. Đau bụng kinh thường tự khỏi sau 24 giờ đầu có kinh.

  • Viêm vùng chậu cấp tính

Viêm vùng chậu cấp tính là một bệnh nhiễm trùng các cơ quan tại vùng chậu, bao gồm buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung. Bệnh lý này thường xảy ra do vi khuẩn xâm nhập từ âm đạo và lây lan. Đặc biệt viêm vùng chậu cấp tính sẽ xảy ra sau khi nữ giới mắc bệnh lậu hoặc nhiễm trùng chlamydia .

Bệnh nhân bị viêm vùng chậu cấp tính cần được thăm khám và tiến hành điều trị y tế ngay lập tức. Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu điều trị bằng thuốc kháng sinh.

  •  Viêm phúc mạc

Viêm phúc mạc là tình trạng viêm tại lớp mô mỏng lót bên trong trong bụng, bao phủ các cơ quan nội tạng như ruột, gan, thận. Tình trạng này khiến người bệnh đột ngột đau ở bụng. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn theo thời gian và kèm theo một số triệu chứng khác như sốt cao liên tục, buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, ăn không ngon, lượng nước tiểu ít…

Viêm phúc mạc cần được điều trị y tế ngay lập tức để tránh phát sinh những rủi ro không mong muốn.

  • Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa thể hiện cho tình trạng sưng và đau ở ruột thừa (đoạn nối với ruột già, có hình túi giống như ngón tay). Bệnh gây đau dữ dội ở bên phải vùng bụng dưới, đau quặn thành từng cơn và không thể kiểm soát bằng các biện pháp thông thường.

Ruột thừa viêm cần được phẫu thuật loại bỏ ngay lập tức để tránh vỡ ruột thừa dẫn đến tiết dịch và tử vong.

Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa khiến bệnh nhân đau dữ dội ở bên phải vùng bụng dưới và không giảm bằng các biện pháp thông thường
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs)

Nhiễm trùng đường tiết niệu là nguyên nhân phổ biến gây đau xương chậu ở nam giới. Tình trạng nhiễm trùng khiến nam giới có cảm giác bỏng rát hoặc đau buốt khi đi tiểu, thường xuyên buồn tiểu, đau ngay dưới xương sườn, đau lưng hoặc bụng dưới.

  • Áp xe vùng chậu

Nhiễm trùng vùng chậu không được điều trị có thể dẫn đến áp xe vùng chậu (tụ mủ giữa âm đạo và tử cung). Lúc này người bệnh sẽ có cảm giác đau quặn, không thể đứng vững và cần được điều trị khẩn cấp.

  • Co thắt ruột hoặc táo bón

Co thắt ruột hoặc táo bón lâu ngày sẽ làm phát sinh cơn đau tại vùng xương chậu nhưng thường ngắn hạn. Tình trạng này thường xảy ra do dùng thuốc, chế độ ăn uống, tắc ruột, hội chứng ruột kích thích.

  • Sảy thai

Đau vùng chậu ở phụ nữ mang thai có thể xảy da do sảy thai hoặc thai chết trong tử cung. Tình trạng này thường bắt đầu trước tuần thứ 20 của thai kỳ.

2. Nguyên nhân gây đau vùng chậu mãn tính

Một số nguyên nhân gây đau vùng chậu mãn tính gồm:

  • Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là hiện tượng các tế bào nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung của phụ nữ. Bệnh làm tổn thương ống dẫn trứng và vòi trứng, cản trở nhu động ống dẫn trứng, đồng thời gây rối loạn sự phóng noãn và dẫn đến vô sinh.

Đau vùng chậu mãn tính là triệu chứng thường gặp nhất của lạc nội mạc tử cung. Đặc biệt đau nhiều hơn vào trước và trong chu kỳ kinh nguyệt, khi đi tiểu và quan hệ tình dục.

Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung gây đau vùng chậu mãn tính, đau nhiều hơn trong chu kỳ kinh nguyệt, khi đi tiểu và quan hệ tình dục
  • Bệnh viêm vùng chậu mãn tính

Bệnh viêm vùng chậu mãn tính xảy ra khi tình trạng viêm nhiễm vùng chậu cấp tính không được điều trị khiến vi khuẩn lan rộng, gây ảnh hưởng nặng nề đến buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung. Từ đó tạo ra những cơn đau mãn tính.

  • Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích là một tổn thương lâu dài của hệ tiêu hóa dẫn đến đau vùng chậu, tiêu chảy, táo bón, đầy hơi và co thắt dạ dày.

  • U nang buồng trứng tái phát

Đau vùng chậu mãn tính có thể xảy ra do u nang buồng trứng tái phát nhiều lần. Tình trạng này thường khó điều trị, có thể phát triển thành ung thư và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

  • Sa tử cung

Sa tử cung còn được gọi là sa thành âm đạo, sa dạ con, sa sinh dục. Bệnh lý này thể hiện cho hiện tượng tử cung tụt xuống, nằm trong ống âm đạo hoặc lộ ra ngoài. Sa tử cung thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh, gây đau âm ỉ vùng tử cung kèm theo một số triệu chứng khác như xuất huyết trong ổ bụng.

  • U xơ tử cung

U xơ tử cung là khối u phát triển trong hoặc xung quanh tử cung nhưng không phải là ung thư. Người bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu.Tuy nhiên khi khối u phát triển, có kích thước lớn hoặc xoắn lại, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhiều ở vùng chậu.

U xơ tử cung
U xơ tử cung khiến nữ giới đau nhiều ở vùng chậu khi khối u phát triển mạnh, có kích thước lớn hoặc xoắn lại
  • Viêm bàng quang kẽ mãn tính

Viêm bàng quang kẽ mãn tính xảy ra khi bàng quang bị viêm lâu dài và không được điều trị. Bệnh lý này gây đau vùng chậu ở cả nam và nữ giới.

  • Thoát vị

Thoát vị là tình trạng một bộ phận bên trong của cơ thể gặp bất thường, đẩy qua thành mô xung quanh hoặc điểm yếu của cơ. Tình trạng này thường phát triển giữa hông và ngực. Thoát vị ít gây triệu chứng đau trong thời gian đầu. Tuy nhiên có thể âm ỉ kéo dài sau một thời gian phát triển.

Ngoài ra vùng bụng hoặc bẹn có thể nổi cục hoặc sưng. Khối u thường rõ rệt hơn khi căng thẳng hoặc ho, biến mất hoặc đẩy vào trong khi nằm xuống.

  • Tổn thương dây thần kinh vùng xương chậu

Các dây thần kinh ở vùng xương chậu bị tổn thương hoặc mắc kẹt có thể tạo ra những cơn đau buốt kèm theo tê và yếu chi. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn khi vận động hoặc đi lại.

  • Adenomyosis

Adenomyosis xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở thành tử cung. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến cơ tử cung, làm phát sinh những cơn đau và khiến kinh nguyệt ra nhiều hơn so với bình thường.

  • Ung thư ruột kết

Ung thư ruột kết là hiện tượng khối u ác tính phát triển ở ruột kết (ruột già), thường xảy ra ở người lớn tuổi. Khối u thường bắt đầu từ những khối tế bào nhỏ hình thành bên trong ruột kết được gọi là polyp (u lành tính, không phải ung thư). Tuy nhiên việc không điều trị có thể khiến một số polyp lớn dần và trở thành ung thư.

Ở giai đoạn đầu, ung thư ruột kết thường ít hoặc không có triệu chứng. Vì thế người bệnh cần tầm soát thường xuyên để sớm phát hiện bệnh. Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể nhận thấy đau nhiều ở vùng xương chậu.

  • Nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, đau vùng chậu còn xảy ra phổ biến do những nguyên nhân dưới đây:

  • Mang thai ngoài tử cung
  • Vulvodynia
  • Đau cơ xơ hóa
  • Tắc ruột
  • Sỏi thận
  • Co thắt cơ sàn chậu
  • Thoát vị bẹn
  • Viêm loét đại tràng
  • Viêm tuyến tiền liệt (đau xương chậu ở nam)
  • Quan hệ tình dục hoặc lạm dụng thể chất quá mức
  • Bệnh Crohn
  • Thoái hóa
  • Viêm khớp xương chậu
Viêm khớp xương chậu
Viêm khớp xương chậu, thoát vị bẹn, co thắt cơ sàn chậu, quan hệ tình dục quá mức… là những nguyên nhân gây đau xương chậu

Đau xương chậu có nguy hiểm không?

Phần lớn các trường hợp đau xương chậu xảy ra do những nguyên nhân nghiêm trọng và cần được điều trị y tế ngay lập tức. Việc không sớm điều trị có thể gây ra một số vấn đề nguy hiểm sau:

  • Vô sinh
  • Nhiễm trùng lan rộng
  • Áp xe
  • Ung thư
  • Yếu chi
  • Liệt
  • Tử vong

Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau vùng chậu xảy ra do những biến đổi tự nhiên của cơ thể (đặc biệt là phụ nữ), điển hình như mang thai, dấu hiệu có kinh, đau bụng kinh…

Bệnh nhân bị đau xương chậu nên đến bệnh viện khi:

  • Đau nghiêm trọng, đau quặn thành từng cơn và rất khó kiểm soát
  • Đau liên tục 6 – 10 tiếng đồ hồ
  • Đau ngắn quãng, kéo dài trên 3 ngày
  • Đau xương chậu kèm theo nhiều biểu hiện bất thường khác, bao gồm:
    • Buồn nôn và nôn ói
    • Chóng mặt
    • Không thể đứng dậy hoặc không thể ngủ
    • Tiêu chảy
    • Ăn không ngon
    • Sốt ra
    • Xuất huyết âm đạo bất thường
    • Cơ thể mệt mỏi, xanh xao
    • Sờ thấy khối u hoặc sưng bụng
    • Tiểu rát
    • Có máu trong nước tiểu…

Chẩn đoán đau xương chậu

Đầu tiên người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử bệnh và yêu cầu mô tả triệu chứng để chẩn đoán đau xương chậu. Ngoài ra trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể quan sát hoặc ấn vào vùng xương chậu nhằm tìm vị trí đau, xác định cơ quan tổn thương và các yếu tố làm tăng mức độ đau.

Ngoài ra người bệnh sẽ được chỉ định một số kỹ thuật nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng và hướng điều trị.

  • Xét nghiệm máu hoặc dịch tiết: Kỹ thuật này giúp kiểm tra các bệnh nhiễm trùng làm ảnh hưởng đến vùng chậu. Đồng thời xác định loại vi khuẩn và hướng điều trị.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra và đánh giá nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung: Tìm tế bào ung thư.
  • Siêu âm: Đối với kỹ thuật này bác sĩ sẽ tạo ra hình ảnh chính xác về cấu trúc trong cơ bằng sóng âm thanh tần số cao. Từ đó tìm kiếm những bất thường.
  • Nội soi: Kiểm tra cơ quan vùng chậu, dấu hiệu nhiễm trùng và các mô bất thường. Điều này giúp tìm kiếm nguyên nhân gây đau vùng chậu, điển hình như viêm vùng chậu mãn tính và lạc nội mạc tử cung.
  • Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể được thực hiện để kiểm tra những vấn đề liên quan đến xương chậu.
  • Chụp CT hoặc MRI vùng chậu: Kiểm tra cấu xương chậu và những mô mềm xung quanh. Từ đó xác định chính xác nguyên nhân gây đau và các phương pháp điều trị thích hợp.
Chẩn đoán đau xương chậu
Chẩn đoán nguyên nhân gây đau xương chậu dựa trên triệu chứng lâm sàng và kết quả chẩn đoán của một số kỹ thuật

Điều trị đau xương chậu

Dựa vào kết quả chẩn đoán, người bệnh sẽ được yêu cầu điều trị đau xương chậu bằng những phương pháp sau:

1. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh nhân bị đau xương chậu. Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:

  • Thuốc kháng sinh: Được dùng cho những trường hợp bị viêm và nhiễm trùng do vi khuẩn. Loại thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động và diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tuy nhiên thuốc không có tác dụng giảm đau nên thường được sử dụng kết hợp với các loại thuốc khác. Biseptol, Ciprofloxacin… là những loại kháng sinh thường được dùng.
  • Acetaminophen: Acetaminophen (Tylenol) là thuốc giảm đau thông thường, thường được sử dụng cho những trường hợp bị đau xương chậu từ nhẹ đến trung bình. Thuốc này giúp giảm đau và hạ sốt, có thể được dùng với kháng sinh để loại trừ các triệu chứng do nhiễm trùng.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Aspirin, Ibuprofen và một số loại thuốc chống viêm không steroid khác có thể được dùng để thay thế cho Acetaminophen. Thuốc này có tác dụng giảm viêm và đau ở mức trung bình.
  • Thuốc giảm đau gây nghiện: Một số loại thuốc giảm đau gây nghiện như Codein và Morphin được dùng cho trường hợp nặng và không có đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường. Tuy nhiên nhóm thuốc này chỉ được dùng trong thời gian ngắn để tránh gây tác dụng phụ.
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số thuốc chống trầm cảm ba vòng như Nortriptyline (Pam Bachelor), Amitriptyline… được sử dụng cho những trường hợp đau mãn tính làm ảnh hưởng đến tâm lý và giấc ngủ. Nhóm thuốc này có tác dụng chính gồm an thần, giảm đau và cải thiện giấc ngủ.
  • Thuốc tránh thai: Nếu đau vùng chậu xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt, người bệnh có thể cân nhắc sử dụng thuốc tránh thai hoặc một số thuốc nội tiết tố khác để giảm đau, khắc phục nguyên nhân. Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp điều trị nội tiết tố cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng thuốc tránh thai
Sử dụng thuốc tránh thai nếu đau vùng chậu xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt

2. Vật lý trị liệu

Để giảm đau xương chậu mãn tính, người bệnh sẽ được hướng dẫn vật lý trị liệu với các bài tập kéo giãn, dùng kỹ thuật thư giãn hoặc xoa bóp. Biện pháp này có tác dụng tăng tính ổn định của cột sống và xương chậu, kích thích lưu thông máu, giảm căng cơ, thư giãn khớp xương và giảm đau. Từ đó giúp hạn chế đau xương chậu tái phát.

Ngoài ra người bệnh có thể được kích thích tủy sống để giảm truyền tín hiệu đau đến não. Đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một số thiết bị cấy ghép chặn đường dẫn truyền của dây thần kinh

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp bị đau vùng chậu cho các tình trạng khẩn cấp cần được điều trị y tế ngay lập tức. Cụ thể như:

  • Viêm ruột thừa
  • U nang buồng trứng
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Sỏi thận
  • Ung thư
  • U xơ buồng trứng
  • Áp xe vùng chậu
  • Ung thư ruột kết
  • Sa tử cung
  • Tắc ruột
Phẫu thuật
Phẫu thuật khi đau vùng xương chậu xảy ra do viêm ruột thừa, u nang buồng trứng, mang thai ngoài tử cung, sa tử cung…

Đau xương chậu thường xảy ra do mang thai, rối loạn hormone trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, đau vùng xương chậu phát sinh từ những bệnh lý nghiêm trọng, cần được điều trị y tế. Vì thế nếu bị đau nặng, đau kéo dài kèm theo sốt, xuất huyết bất thường, cơ thể mệt mỏi, xanh xao, buồn nôn, tiểu buốt… người bệnh cần nhanh chóng di chuyển đến cơ sở y tế để sớm được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua