Đau Lưng Vùng Xương Chậu Là Bị Gì? Nguy Hiểm Không?

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Đau lưng vùng xương chậu do nhiều nguyên nhân. Ở nữ giới, cơn đau thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt và các bệnh phụ khoa như u xơ, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu… Trong nhiều trường hợp khác, cơn đau phát triển do các vấn đề về đường ruột, sỏi thận, vấn đề về tuyến tiền liệt.

Đau lưng vùng xương chậu khởi phát do nhiều nguyên nhân
Đau lưng vùng xương chậu khởi phát do nhiều nguyên nhân

Đau lưng vùng xương chậu là bị gì?

Xương chậu nằm ở phần dưới của thân người (giữa bụng và đùi), kết nối với xương hông và đầu xương đùi. Khung xương chậu là nơi có nhiều cấu trúc và cơ quan quan trọng. Cụ thể như cấu trúc bàng quang và tiết niệu, cơ quan sinh sản, ruột và trực tràng, mạch máu, dây thần kinh… Khi một trong những cơ quan này có vấn đề, người bệnh sẽ bị đau lưng vùng xương chậu.

Tùy thuộc vào tình trạng, cơn đau có thể khởi phát đột ngột ở khung xương chậu và đau lưng dưới hoặc đau trong khung chậu và lan rộng từ từ. Có nhiều nguyên nhân gây đau lưng vùng xương chậu, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

1. Các vấn đề về đường ruột

Táo bón lâu ngày là nguyên nhân gây đau lưng vùng xương chậu phổ biến. Đau do táo bón quặn thành từng cơn kèm theo cảm giác co thắt. Tuy nhiên cơn đau thường biến mất khi có nhu động ruột.

Ngoài ra cơn đau cũng có thể khởi phát từ một số vấn đề khác ở đường ruột, bao gồm:

  • Viêm loét đại tràng
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Viêm túi thừa

Hầu hết đau lưng vùng xương chậu do vấn đề đường ruột đi kèm với những triệu chứng sau:

  • Cảm giác nặng bụng
  • Bụng đầy hơi
  • Trung tiện nhiều
  • Mất ngủ
  • Cảm giác chưa đi hết phân.
Táo bón lâu ngày
Táo bón lâu ngày gây đau quặn thành từng cơn kèm theo cảm giác co thắt

2. Chấn thương

Một cú va chạm mạnh hoặc té ngã có thể làm căng cơ lưng, tổn thương xương và mô mềm dẫn đến đau lưng vùng xương chậu. Tình trạng này thường nhẹ, cơn đau có thể thuyên giảm khi chườm lạnh hoặc thuốc giảm đau không kê đơn.

Đau lưng gần xương chậu do chấn thương thường kèm theo vết bầm tím, sưng tấy ở vùng tổn thương. Điều này khiến người bệnh khó uốn cong lưng hay thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

3. U xơ

U xơ tử cung là sự tăng trưởng lành tính, hiếm khi gây ung thư. Tuy nhiên chúng có thể tạo cảm giác đau đớn ở lưng dưới và khớp xương chậu. Ở những bệnh nhân có u xơ lớn, chúng có thể làm thay đổi cấu trúc và kích thước của tử cung. Ngoài ra u xơ lớn còn chèn ép/ tăng áp lực lên bàng quang hoặc trực tràng. Điều này khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn.

Một số triệu chứng khác:

  • Táo bón
  • Đau khi quan hệ
  • Đau, tức hoặc chường bụng dưới
  • Đau bụng kinh nhiều, chảy nhiều máu kinh

4. Lạc nội mạc tử cung

Đau lưng vùng xương chậu có thể là dấu hiệu nhận biết lạc nội mạc tử cung. Đây là một bệnh phụ khoa nguy hiểm, xảy ra khi một hoặc nhiều mô (tương tự như mô niêm mạc tử cung) phát triển mạnh bên ngoài tử cung.

Phần lớn lạc nội mạc tử cung phát triển ở vùng chậu như ống dẫn trứng, buồng trứng, mặt sau của tử cung, bàng quang hoặc đường tiêu hóa dưới, trên mô nâng đỡ tử cung.

Bệnh nhân bị lạc nội mạc tử cung thường có cảm giác đau đớn ở vùng chậu (đặc biệt là trung tâm bụng dưới) lan rộng ra sau lưng. Vị trí đau và tần suất có thể thay đổi dựa vào vị trí lạc nội mạc tử cung. Bệnh nhân có thể bị đau trong giai đoạn hành kinh, đau khi đi tiểu hoặc di chuyển, đau khi giao hợp.

Ngoài cảm giác đau đớn, người bệnh còn gặp một vài triệu chứng nghiêm trọng sau:

  • Chảy máu ồ ạt giữa những chu kỳ hành kinh hoặc khi hành kinh
  • Vô sinh
  • Tiêu chảy hay táo bón, cơ thể mệt mỏi, buồn nôn trong suốt đợi hành kinh.

Lạc nội mạc tử cung cần được điều trị y tế sớm để tránh gây vô sinh và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung gây đau trong giai đoạn hành kinh, đau khi giao hợp, đi tiểu hoặc di chuyển

5. Đau lưng vùng xương chậu khi rụng trứng

Đau lưng vùng xương chậu khi rụng trứng là một tình trạng thường gặp, còn được gọi là hội chứng mittelschmerz. Ở hội chứng này, bệnh nhân có cảm giác khó chịu và đau trong giai đoạn giữa chu kỳ kinh nguyệt. Cơn đau có thể nhẹ hoặc trung bình, kéo dài từ vài phút đến vài ngày.

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bị đau đột ngột và quặn thắt, đau như chuột rút khiến cơ thể mệt mỏi, xanh xao, ăn uống kém và giảm tập trung. Tuy nhiên đây không phải là dấu hiệu của bệnh lý tiềm ẩn.

6. Bệnh viêm vùng chậu (PID)

Viêm vùng chậu (PID) là thuật ngữ được dùng để chỉ tình trạng viêm và nhiễm trùng ở những cơ quan sinh sản của nữ giới. Bệnh chủ yếu xảy ra do vệ sinh không sạch sẽ khiến vi khuẩn từ âm đạo lây lan và nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.

Nhiễm trùng vùng chậu khiến người bệnh có cảm giác đau thắt lưng hoặc/ và đau đớn ở vùng chậu, dịch tiết âm đạo bất thường, ngứa vùng kín, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.

7. Mô sẹo

Mô sẹo có thể là nguyên nhân làm khởi phát cơn đau ở vùng chậu và lan ra sau lưng. Tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật hoặc nhiễm trùng gây bám dính trong khung chậu hay hình thành mô sẹo. Phần lớn loại mô sẹo này gây đau vùng chậu mãn tính.

8. Chuột rút kinh nguyệt

Phần lớn nữ giới bị chuột rút kinh nguyệt trước giai đoạn hành kinh và ngày đầu tiên hành kinh. Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở phần dưới của khung chậu khiến nữ giới có cảm giác co thắt và đau đớn khó chịu. Trong nhiều trường hợp đau lan sang vùng thắt lưng và xuống chân.

Chuột rút kinh nguyệt thường chỉ là một biểu hiện thông thường, xảy ra theo chu kỳ hành kinh. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, chuột rút gây đau đớn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn, cần được điều trị y tế. Cụ thể như bệnh tuyến cơ tử cung, lạc nội mạc tử cung. Do đó người bệnh cần thăm khám bác sĩ nếu bị đau nhiều kèm theo nhiều biểu hiện nghiêm trọng khác.

Chuột rút kinh nguyệt
Chuột rút kinh nguyệt gây co thắt và đau đớn khó chịu ở phần dưới của khung chậu lan ra sau lưng

9. Bệnh tuyến cơ tử cung (Adenomyosis)

Bệnh tuyến cơ tử cung (Adenomyosis) là sự phát triển bất thường của mô nội mạc tử cung. Bệnh xảy ra khi một hoặc nhiều mô nội mạc tử cung phát triển sâu và bám vào cơ tử cung. Điều này khiến người bệnh đau đớn nghiêm trọng.

10. Viêm ruột thừa

Ruột thừa là một đoạn nhỏ của ruột nằm ở phía bên phải của bụng dưới. Khi bị viêm, ruột thừa sưng to, chứa đầy mủ và tấy đỏ kèm theo cảm giác đau nhiều ở hố chậu, bụng dưới bên phải và đau thắt lưng. Ngoài ra khối viêm có thể đè vào đại tràng. Nếu không nhanh chóng xử lý, ruột thừa bị viêm có thể vỡ và đe dọa đến tính mạng.

11. Co thắt cơ sàn chậu

Xương chậu được hỗ trợ và ổn định bởi một số cơ hỗ trợ bàng quang, ruột và cơ quan sinh sản. Khi có yếu tố tác động (như đột ngột xoay hoặc cúi gập người, tẽ ngã…), cơ sàn chậu có thể bị co thắt. Từ đó gây ra cảm giác đau đớn.

12. Khối u trong buồng trứng

Nếu một khối u phát triển trong buồng trứng, người bệnh có thể bị đau lưngđau xương chậu. Đối với khối u nhỏ (bao gồm cả u buồng trứng lành tính, u nang buồng trứng và ung thư buồng trứng), người bệnh hầu như không có triệu chứng.

Tuy nhiên khi u phát triển chèn ép vào mô và các dây thần kinh của buồng trứng, người bệnh sẽ có cảm giác đau đớn nghiêm trọng. Ngoài ra ở những trường hợp bị u nang và ung thư buồng trứng, người bệnh còn có những biểu hiện sau:

  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu khó
  • Buồn nôn, nôn
  • Đau nhức vú hoặc căng tức ngực
  • Tăng/ giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Khó chịu ở vùng bụng trên hoặc dưới
  • Chán ăn.
Khối u trong buồng trứng
Khối u bất thường trong buồng trứng có thể là nguyên nhân gây đau lưng vùng xương chậu

13. Sỏi thận

Sỏi thận là một khối rắn, cứng phát triển do muối axit hoặc khoáng chất kết tinh trong nước tiểu. Sau khi hình thành, sỏi thận di chuyển đến niệu quản hoặc nằm yên trong thận. Nếu sỏi nhỏ, chúng có thể di chuyển ra ngoài theo đường tiểu. Nếu sỏi lớn, bệnh nhân phẫu thuật lấy sỏi.

Quá trình di chuyển của sỏi và sự phát triển về kích thức khiến người bệnh bị đau ở khung chậu dưới và lưng dưới kèm theo nhiều triệu chứng sau:

  • Nước tiểu đục hoặc lẫn máu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Buồn nôn hoặc nôn do thận đang bị tắc nghẽn
  • Tiểu rắt
  • Đau, rát khi đi tiểu
  • Sốt và ớn lạnh
  • Vô niệu.

14. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5 S1

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5 S1 xảy ra khi đĩa đệm ở lưng dưới bị vỡ hoặc bao xơ bị đứt/ rách khiến nhân nhầy bên trong tràn ra ngoài, đồng thời tạo thành khối thoái vị. Khối này có khả năng chèn ép vào mạch máu và rễ thần kinh dẫn đến đau đớn. Trong nhiều trường hợp bệnh nhân bị hẹp ống sống và chèn ép tủy.

Đau do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường nghiêm trọng. Trong thời gian đầu, đau khu trú ở lưng dưới. Khi bệnh phát triển, đau lan rộng khắp vùng xương chậu và chân kèm theo cảm giác tê bì, châm chích. Điều này khiến bệnh nhân khó chịu và hạn chế khả năng vận động.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5 S1
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L5 S1 gây đau lưng dưới lan rộng khắp vùng xương chậu và chân

15. Nguyên nhân khác

Ngoài chấn thương và những bệnh lý nêu trên, người bệnh có thể bị đau lưng vùng xương chậu do những nguyên nhân dưới đây:

  • Thoái hóa khớp háng
  • Thoát vị
  • Viêm khớp xương chậu
  • Mang thai ngoài tử cung
  • Sẩy thai
  • Nhiễm trùng lây qua đường tình dục
  • Viêm bàng quang kẽ
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tắc ruột
  • Thoái hóa
  • Tổn thương dây thần kinh vùng xương chậu
  • Áp xe vùng chậu
  • Mang thai
  • Vấn đề về tuyến tiên liệt (phì đại tuyến tiền liệt, viêm hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt).

Đau lưng vùng xương chậu có nguy hiểm không?

Đau lưng vùng xương chậu có thể khởi phát do chấn thương nhẹ, táo bón hoặc hội chứng hội chứng mittelschmerz. Tình trạng này thường không quá nguy hiểm, có thể tự thuyên giảm trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, đau lưng vùng xương chậu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm. Nhiều trường hợp không chữa trị có thể tăng nguy cơ ung thư, vô sinh, đau mãn tính và giảm khả năng vận động.

Vì thế người bệnh cần thăm khám khi bị đau nhiều và đau thường xuyên, cơn đau quặn thắt làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Ngoài ra bệnh nhân cũng cần điều trị y tế sớm khi đau kèm theo nhiều triệu chứng khác. Bao gồm:

  • Nước tiểu đục hoặc lẫn máu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Buồn nôn, nôn
  • Tiểu rắt
  • Đau, rát khi đi tiểu, quan hệ tình dục, đi lại hay vận động
  • Cơ thể mệt mỏi, xanh xao
  • Ăn uống kém và giảm tập trung
  • Sốt và ớn lạnh
  • Xuất huyết âm đạo
  • Tiêu chảy hoặc táo bón liên tục.
Đau lưng vùng xương chậu cần được điều trị khi kèm theo nhiều biểu hiện khác
Đau lưng vùng xương chậu cần được khám và điều trị khi kèm theo nhiều biểu hiện khác như đi tiểu nhiều lần

Chẩn đoán đau lưng vùng xương chậu

Trong quá trình thăm khám, người bệnh cần mô tả cơn đau (vị trí, tần suất, thời gian đau, đặc điểm đau như quặn thắt hay âm ỉ) và các triệu chứng đi kèm. Ngoài ra bác sĩ có thể ấn vào vùng đau nhằm xác định cơ quan tổn thương. Điều này giúp chẩn đoán sơ nét về tình trạng và đề xuất các xét nghiệm cần thiết.

Một số xét nghiệm thường được chỉ định trong chẩn đoán nguyên nhân gây đau lưng vùng xương chậu:

  • Chụp X-quang: Người bệnh được chụp X-quang cột sống và xương chậu để chắc chắn rằng cơn đau không phát sinh từ tổn thương xương.
  • Chụp CT hoặc chụp MRI: Nếu nghi ngờ đau do sự phát triển bất thường của các tế bào làm tổn thương mô mềm hoặc thoát vị nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định chụp MRI hoặc CT để rõ hơn về cơ quan và mức độ tổn thương. Cả hai kỹ thuật này đều có khả năng tạo ra hình ảnh chi tiết và phát hiện những tổn thương tiềm ẩn.
  • Khám phụ khoa: Người bệnh được kiểm tra âm đạo, bộ phận sinh dục ngoài và tử cung khi kiểm tra vùng chậu. Điều này giúp đánh giá các cơ quan bên trong.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kết quả phân tích nước tiểu có thể xác định tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra xét nghiệm tế bào trong nước tiểu cũng được thực hiện để loại bỏ tế bào ung thư.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể loại bỏ nguy cơ đau lưng vùng xương chậu do bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Siêu âm: Siêu âm đầu dò hoặc siêu âm ổ bụng được thực hiện nếu có nghi ngờ đau do lạc nội mạc tử cung, mang thai ngoài tử cung, u xơ và nhiều bệnh phụ khoa khác. Hình ảnh thu được từ kỹ thuật này giúp phát hiện sự phát triển bất thường của các mô.
  • Sinh thiết: Sinh thiết được chỉ định cho những trường hợp nặng, có nghi ngờ ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung hoặc nhiễm trùng nặng nề. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ phẫu thuật mở để lấy mô của buồng trứng hoặc khối u. Sau đó xử lý và quan sát những tế bào này dưới kính hiển vi. Từ đó phát hiện tế bào ung thư. Nếu nghi ngờ ung thư buồng trứng, toàn bộ buồng trứng sẽ bị cắt bỏ khi sinh thiết. Điều này giúp ngăn chặn tế bào ung thư di căn đến những cơ quan khác trong cơ thể.

Điều trị đau lưng vùng xương chậu

Sau khi chẩn đoán phân biệt nguyên nhân gây đau lưng vùng xương chậu, người bệnh được yêu cầu điều trị y tế với thuốc/ phẫu thuật kết hợp với các biện pháp giảm đau đơn giản tại nhà.

1. Biện pháp chăm sóc và giảm đau tại nhà

Trong nhiều trường hợp, biện pháp chăm sóc tại nhà có thể khắc phục cơn đau. Cụ thể:

  • Nghỉ ngơi và nâng cao chân: Khi bị đau lưng vùng xương chậu, người bệnh nên nghỉ ngơi và nâng cao hai châu. Điều này giúp thúc đẩy lưu thông máu về khung xương chậu và xoa dịu cảm giác đau đớn.
  • Chườm ấm lên vùng chậu và lưng dưới: Đây là một trong những biện pháp giảm đau hữu hiệu. Biện pháp này có tác dụng tăng lưu thông máu về vùng tổn thương, thư giãn xương khớp và các cơ quan trong khung xương chậu. Đồng thời giảm cứng khớp và giảm đau nhanh chóng.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn: Nếu đau lưng vùng xương chậu kéo dài hoặc/ và nặng nề, người bệnh có thể dùng Ibuprofen hoặc Acetaminophen để cải thiện tình trạng. Acetaminophen mang đến hiệu quả giảm đau nhanh cho trường hợp nhẹ. Ibuprofen có khả năng giảm đau và kháng viêm cho những trường hợp bị đau ở mức trung bình.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Khi cơn đau thuyên giảm, người bệnh có thể tập thể dục nhẹ nhàng để kiểm soát tình trạng. Một số động tác kéo giãn cơ bản có tác dụng thư giãn xương khớp và các mô, tăng lưu thông máu và sự dẻo dai. Đồng thời hạn chế đau nhức tái diễn.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Tập thể dục nhẹ nhàng giúp thư giãn xương khớp và các mô, giảm đau, tăng lưu thông máu và tính dẻo dai

2. Điều trị y tế

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau lưng vùng xương chậu, người bệnh có thể dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc/ và phẫu thuật.

  • Thuốc: Dựa vào nguyên nhân, bệnh nhân có thể được dùng thuốc giảm đau Paracetamol kết hợp với thuốc kháng viêm hoặc thuốc kháng sinh. Những loại thuốc này có khả năng loại trừ căn nguyên và kiểm soát cơn đau hiệu quả. Ở trường hợp đau nặng Paracetamol có thể được dùng kết hợp với thuốc giảm đau nhóm opioid (chẳng hạn như tramadol) để tăng hiệu quả giảm đau.
  • Vật lý trị liệu: Nếu đau lưng vùng xương chậu liên quan đến cơ xương khớp, người bệnh cần vật lý trị liệu theo hướng dẫn của chuyên gia. Trong vật lý trị liệu, một số bài tập kéo giãn cơ bản có thể giúp tăng cường sức cơ, giảm đau, hỗ trợ chữa phồng đĩa đệm và cải thiện khả năng vận động. Trong nhiều trường hợp khác, bệnh nhân có thể được massage trị liệu, nhiệt trị liệu hoặc điện trị liệu.
  • Phẫu thuật: Nếu không đáp ứng với điều trị bảo tồn, người bệnh được chỉ định phẫu thuật điều trị để cải thiện tình trạng. Trong nhiều trường hợp khác, bệnh nhân được phẫu thuật khẩn cấp để tránh phát sinh rủi ro đe dọa đến tính mạng. Chẳng hạn như viêm ruột thừa, sỏi thận lớn, lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng…

Phòng ngừa đau lưng vùng xương chậu

Để giảm nguy cơ đau lưng vùng xương chậu, một số biện pháp dưới đây nên được áp dụng:

  • Loại bỏ nguy cơ té ngã, va đập để tránh chấn thương xương khớp.
  • Giữ gìn vệ sinh vùng kín, quan hệ tình dục an toàn.
  • Ăn chín uống sôi.
  • Sinh hoạt khoa học (ngủ đủ giấc, uống 2 lít nước/ ngày, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động nặng nhọc…)
  • Kiểm soát tâm trạng, giữ trạng thái vui vẻ, lạc quan và suy nghĩ tích cực. Bởi căng thẳng quá mức kéo dài cũng là một trong những yếu tố kích thích sự phát triển bất thường của các mô trong cơ thể, dẫn đến đau nhức.
  • Xây dựng thói quen tập thể dục và chơi thể thao. Điều này giúp nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch, duy trì xương khớp chắc khỏe, tăng cường sự dẻo dai và tính linh hoạt. Những bộ môn tốt và phù hợp gồm yoga, bơi lội, đi bộ, chạy bộ, đạp xe…
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin D, vitamin C, omega-3, magie, protein, chất chống oxy hóa… để nâng cao sức khỏe tổng thể, xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Đồng thời duy trì xương khớp chắc khỏe, giảm nguy cơ viêm nhiễm dẫn đến đau lưng vùng xương chậu.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa đau lưng vùng xương chậu

Đau lưng vùng xương chậu khởi phát do nhiều nguyên nhân. Phần lớn là những nguyên nhân nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản. Vì thế khi bị đau nhiều, thường xuyên tái diễn hoặc/ và đau kèm theo nhiều triệu chứng khác, người bệnh cần đến bệnh viện để được khám, xác định nguyên nhân gây đau. Từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp nhất, tránh gây nguy hiểm.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua