Đau Hạ Sườn Phải Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không?

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Phương Mai | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau hạ sườn phải thường do đau dây thần kinh liên sườn. Tuy nhiên đây cũng là dấu hiệu cảnh báo của những vấn đề về phổi, thận, rối loạn đường ruột hay thậm chí là bệnh về gan. Để khắc phục, việc thăm khám và điều trị theo chỉ định là điều cần thiết.

Đau hạ sườn phải
Đau hạ sườn phải có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng, cần điều trị sớm

Tình trạng đau hạ sườn phải

Có 24 xương sườn tạo thành một khung xương sườn (lồng ngực) ở mỗi người. Trong đó 12 xương sườn trái và 12 xương sườn phải tạo thành mạn sườn trái và mạn sườn phải. Chúng có chức năng bao bọc, chứa và bảo vệ các cơ quan bên trong.

Có nhiều cơ quan nằm trong lồng ngực. Ở mạn sườn phải có thận, túi mật, gan… Những cơ quan này có thể bị tổn thương khi có lực tác động làm đến mạn sườn phải (điển hình như gãy xương sườn). Ngược lại, bất kỳ cơ quan nào bị tổn thương cũng có thể gây đau ở hạ sườn phải.

Đôi khi đau hạ sườn phải có thể bắt nguồn từ dây thần kinh liên sườn tổn thương. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói bên trong như dao đâm. Ngoài ra đau có xu hướng lan rộng, dai dẳng, kèm theo nhiều triệu chứng khác.

Đau hạ sườn phải là bệnh gì?

Hầu hết nguyên nhân gây đau hạ sườn phải là các bệnh lý nghiêm trọng, cần được điều trị y tế. Cụ thể:

1. Bệnh túi mật

Túi mật nằm bên dưới gan, bên phải của cơ thể. Nó là nơi dự trữ và chứa đựng dịch mật do gan bài tiết và tổng hợp. Khi túi mật bị tổn thương (do sỏi mật, viêm túi mật…), người bệnh sẽ có cảm giác đau hạ sườn phải. Đau có thể âm ỉ kéo dài hoặc đau thành từng cơn và dữ dội. Đau thường xuyên và nhiều hơn vào ban đêm.

Nếu bị viêm túi mật cấp, bệnh nhân bị đau dưới xương sườn phải và bụng kéo dài trên 3 giờ kèm theo những biểu hiện sau:

  • Bụng mềm
  • Buồn nôn
  • Nôn liên tục
  • Sốt
  • Vàng da

Những trường hợp bị viêm túi mật cần được cấp cứu kịp thời và điều trị tích cực để tránh gặp nguy hiểm.

Viêm túi mật
Viêm túi mật gây đau dưới xương sườn phải và bụng kéo dài trên 3 giờ kèm theo nôn, sốt cao…

2. Bệnh lý ở gan

Đau hạ sườn phải có thể là dấu hiệu giúp nhận biết các bệnh lý ở gan. Cụ thể:

  • Viêm gan
  • Nhiễm virus
  • Sỏi đường mật trong gan
  • Gan nhiễm mỡ
  • Áp xe gan
  • Khối u lành tính hoặc ác tính ở gan

Đau do các bệnh ở gan thường nặng nề, tăng dần tần suất và mức độ nghiêm trọng theo thời gian. Bệnh nhân đau nhiều ở bụng, ngay dưới xương sườn bên phải. Tùy thuộc vào tình trạng gan, cơn đau có thể xuất hiện đồng thời với các biểu hiện sau:

  • Cơ thể mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Ăn không ngon miệng
  • Nước tiểu vàng
  • Buồn nôn và nôn
  • Chướng bụng, đầy hơi, đầy bụng
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Vàng da, vàng mắt
  • Sút cân
  • Sốt

3. Rối loạn đường ruột

Tổn thương và rối loạn đường ruột làm phát sinh những cơn đau khu trú. Tuy nhiên cơn đau cũng có thể lan đến vùng hạ sườn bên phải. Đặc biệt là những trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn đường ruột
  • Bệnh Crohn
  • Viêm loét đại tràng
  • Viêm ruột thừa

Hầu hết bệnh nhân có biểu hiện đau quặn và co thắt, khởi phát ở bụng dưới hoặc hố chậu bên phải, sau đó lan rộng. Một số triệu chứng khác:

  • Tiêu chảy (thường gặp)
  • Chán ăn
  • Sốt
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Thành bụng co cứng
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Buồn nôn kéo dài
  • Bụng cồn cào
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là một trong những nguyên nhân gây đau vùng hạ sườn bên phải

4. Bệnh về thận

Thận là cơ quan bài tiết chính trong hệ tiết niệu, nằm trong khoang bụng. Hai quả thận đối xứng nhau qua cột sống, sau phúc mạc, ngang đốt sống ngực T11 đến L3 – đốt sống thắt lưng. Khi thận phải bị tổn thương, người bệnh sẽ bị đau hạ sườn phải và đau thắt lưng. Đau do tổn thương thận có xu hướng lan rộng xuống thân dưới của cơ thể.

  • Sỏi thận: Sỏi thận có kích thước lớn ngăn nước tiểu từ thận chảy ra ngoài. Tình trạng tắc nghẽn gây ra tại ổ viêm ở thận và đường tiểu. Từ đó dẫn đến cảm giác đau tức ở hạ sường phải.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng thận phải: Nhiễm trùng gây đau vùng bụng dưới rốn và đau hông bên phải. Đau thường kèm theo sốt cao, cơ thể mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên, buồn nôn và nôn mửa, rét run, có cảm giác cần đi tiểu gấp.
  • Viêm tụy: Đau bụng khởi phát đột ngột và dữ dội (sau khi tiêu thụ nhiều đạm hay dầu mỡ), đau lan rộng sang hai bên hạ sườn hoặc ra sau lưng, đau từng cơn hoặc kéo dài. Viêm tụy thường so sỏi mật gây ra.

5. Bệnh lý ở phổi

Bệnh phổi gây đau hạ sườn phải do phổi phải và cơ hoành nằm ngay phía trên vùng hạ sườn phải. Khi cơn đau bắt đầu, nó có xu hướng nghiêm trọng và lan rộng xuống hạ sườn phải. Ngoài cảm giác đau đớn, người bệnh còn bị ho nhiều, có cảm giác nặng ngực. Không kèm theo tình trạng khó tiêu hay đầy chướng bụng.

Đau hạ sườn phổ biến hơn ở những người bị tổn thương phổi phải do viêm màng phổi, viêm phổi ở thùy dưới phổi phải.

Bệnh lý ở phổi
Viêm màng phổi và viêm ở thùy dưới phổi phải có thể gây đau hạ sườn bên phải

6. Đau dây thần kinh liên sườn

Tương tự như đau hạ sườn trái, đau hạ sườn phải cũng thường xảy ra ở những bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng đau do viêm hay tổn thương dây thần kinh liên sườn.

Đau dây thần kinh liên sườn thường bắt đầu ở một điểm nhất định. Sau đó lan rộng theo đường đi của dây thần kinh, dẫn đến đau bụng bên phải và đau khung xương sườn. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn khi hắt hơi, ho, cười, vặn người hoặc thực hiện những chuyển động liên quan.

Do liên quan đến dây thần kinh nên đau hạ sườn thường kèm theo cảm giác châm chích, tê bì, ngứa ran và yếu. So với những bệnh lý nêu trên, đau dây thần kinh liên sườn it nghiêm trọng hơn.

7. Chấn thương xương sườn

Đau hạ sườn phải thường xảy ra sau khi xương sườn bị chấn thương, có thể do tai nạn, va đập mạnh khi chơi thể thao, té ngã hay có một cú đánh mạnh. Phần lớn bệnh nhân bị chấn thương nhẹ, đau kèm theo bầm tím, có thể tự khỏi sau một thời gian.

Đôi khi bệnh nhân bị gãy xương sườn dẫn đến đau nhức nghiêm trọng, không thể cử động, sưng và có vết bầm lớn. Những trường hợp nặng có thể bị tổn thương da hoặc cơ quan nội tạng dẫn đến xuất huyết. Trường hợp này cần được cấp cứu và điều trị y tế khẩn cấp.

8. Mang thai

Đau hạ sườn phải khi mang thai thường nhẹ, có thể nghỉ ngơi và áp dụng các biện pháp chăm sóc để giảm đau. Tình trạng này xảy ra khi thai nhi có kích thước lớn làm mở rộng khu vực dưới cơ hoành và chèn ép lên khoang ngực. Từ đó đè nén dây thần kinh liên sườn dẫn đến đau đớn.

Ngoài ra trọng lượng tăng cao khi mang thai có thể làm tăng áp lực lên các khớp xương. Điều này dẫn đến đau lưng và đau hạ sườn.

Mang thai
Mang thai gây đau do thai nhi có kích thước lớn chèn ép lên khoang ngực và khung xương

Đau hạ sườn phải có nguy hiểm không?

Hầu hết nguyên nhân gây đau hạ sườn phải là những bệnh lý nghiêm trọng, cần được khám và điều trị y tế khẩn cấp. Việc khắc phục kịp thời có thể ngăn tổn thương tiếp diễn và tránh biến chứng. Đặc biệt là các bệnh lý ở gan, thận, túi mật, phổi và viêm ruột thừa. Những trường hợp không được điều trị sớm và đúng cách có thể đe dọa đến tính mạng.

Đôi khi đau hạ sườn phải không quá nghiêm trọng, xảy ra do thai nhi lớn, chấn thương nhẹ hay đau do dây thần kinh liên sườn bị kích thích. Những trường hợp này có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc hoặc dùng thuốc không kê đơn để giảm đau.

Đau hạ sườn phải khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bị đau nhức nặng nề, đau như dao đâm và không giảm sau 24 giờ chăm sóc, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý. Ngoài ra người bệnh cần đến bênh viện ngay lập tức khi đau hạ sườn phải kèm theo những biểu hiện dưới đây:

  • Bụng mềm
  • Nôn liên tục
  • Sốt cao
  • Vàng da
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Ăn không ngon miệng
  • Nước tiểu vàng
  • Chướng bụng, đầy hơi, đầy bụng
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Vàng da, vàng mắt
  • Sút cân
  • Bụng cồn cào
  • Thành bụng co cứng
  • Co thắt
  • Thường xuyên buồn tiểu
  • Tiêu chảy
  • Rối loạn giấc ngủ

Thăm khám và điều trị kịp thời có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và khắc phục căn nguyên. Từ đó hạn chế rủi ro nguy hiểm.

Chẩn đoán đau hạ sườn phải

Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây đau hạ sườn phải bằng cách kiểm tra lâm sàng. Bác sĩ có thể ấn nhẹ để kiểm tra vị trí và cơ quan bị tổn thương. Đồng thời đề nghị bệnh nhân mô tả cơn đau và các triệu chứng đi kèm.

Ngoài ra bác sĩ có thể tìm kiếm tổn thương thực thể (sưng, bầm tím…) và chỉ định một số xét nghiệm để rõ hơn nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng.

  • Chụp X-quang: Người bệnh được chụp X-quang để kiểm tra tổn thương xương và phổi, xác định bất thường dẫn đến đau đớn.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu: Xét nghiệm máu và nước tiểu được chỉ định để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng và viêm (chẳng hạn như nhiễm trùng thận, viêm tụy…)
  • Nội soi: Bệnh nhân được chỉ định nội soi khi có nghi ngờ đau hạ sườn phải liên quan đến tổn thương và những rối loạn ở đường ruột. Để thực hiện, ống nội soi dài và dẹp (có gắn camera) được đưa vào trong thông qua miệng. Điều này giúp quan sát bên trong, xác định vị trí tổn thương. Đôi khi nội soi được thực hiện với xét nghiệm phân để kiểm tra niêm mạc dạ dày.
  • Chụp MRI hoặc chụp CT: Nếu nguyên nhân gây đau hạ sườn phải không rõ ràng hoặc có tế bào phát triển bất thường, người bệnh được yêu cầu chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) hoặc CT (chụp cắt lớp vi tính) để kiểm tra. Cả hai kỹ thuật này đều tạo ra hình ảnh chi tiết về mô, xương. Từ đó phát hiện những tổn thương tiềm ẩn và đánh giá tình trạng.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) được dùng khi đau do tế bào phát triển bất thường hoặc không rõ nguyên nhân

Biện pháp giảm đau hạ sườn phải tại nhà

Nếu chưa thể đến bệnh viện, người bệnh có thể giảm nhẹ cơn đau bằng một số biện pháp chăm sóc tại nhà. Những biện pháp này có thể giúp giảm đau tạm thời và mang đến sự thoải mái cho bạn. Đôi khi đau được kiểm soát hoàn toàn ở người bị đau do chấn thương nhẹ hoặc mang thai.

Dưới đây là những biện pháp phổ biến và hiệu quả nhất:

1. Nghỉ ngơi

Người bệnh nghỉ ngơi và thả lỏng cơ thể, nằm nghiêng sang bên không bị đau hoặc nằm ngửa. Đồng thời thử hít thở sâu và đều. Biện pháp này giúp xoa dịu cảm giác đau đớn, tạo điều kiện để xương và các cơ quan được ổn định, giảm áp lực lên dây thần kinh.

Không lặp lại những hoạt động hay động tác kích thích cơn đau, không cố gắng di chuyển hay làm việc gắng sức. Ngoài ra những chuyển động cần được thực hiện đúng tư thế để ngăn cơn đau tái diễn.

2. Chườm ấm

Chườm ấm có thể giúp giảm nhanh cảm giác co thắt và đau hạ sườn phải. Bởi nhiệt độ cao giúp thư giãn dây thần kinh, khớp xương và mô mềm, giảm chèn ép, tăng lưu thông máu và xoa dịu cơn đau.

Khi chườm ấm, đặt đệm sưởi hoặc chai thủy tinh chứa nước ấm lên vùng hạ sườn bên phải và bụng. Giữ yên trong 20 phút, lặp lại 3 lần đến khi cơn đau giảm hẳn. Lưu ý điều chỉnh nhiệt độ và không chườm trực tiếp lên da để tránh gây bỏng.

3. Ngâm mình trong nước muối Epsom

Muối Epsom chứa magie và sulphat. Loại muối này có tác dụng giảm sưng, kháng viêm, kích thích các enzyme giúp tuần hoàn máu. Ngoài ra hòa tan muối trong bồn nước ấm còn giúp thư giãn, giảm đau, hạn chế tình trạng cứng khớp, tránh đau và co thắt làm ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Hòa tan 2 cốc muối Epsom vào bồn nước ấm. Tắm và ngâm mình trong 20 phút, mỗi ngày 1 lần để giảm nhẹ các triệu chứng.

Ngâm mình trong nước muối Epsom
Ngâm mình trong nước muối Epsom giúp giảm đau, giảm sưng, kháng viêm, tuần hoàn máu tốt

4. Chườm đá

Nếu bị đau hạ sườn phải liên quan đến xương, liệu pháp chườm đá có thể giúp xoa dịu tình trạng. Nhiệt độ cao từ liệu pháp này giúp co mạch, giảm sưng và đau. Đồng thời ngăn vết bầm tím lan rộng.

Chườm đá nên được thực hiện từ 10 – 20 phút, 3 lần mỗi ngày trong 2 ngày đầu sau chấn thương. Khi thực hiện, bọc túi nước đá hoặc túi rau củ trong khăn, áp lên vùng bị đau. Sau đó có thể chuyển sang chườm ấm.

5. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Khi bị đau hạ sườn phải, người bệnh nên uống một cốc nước ấm để giảm đau, đặc biệt là những cơn đau phát sinh do rối loạn đường ruột. Có thể thêm một chút mật ong vào nước ấm để bổ sung dinh dưỡng, kháng viêm và tăng hiệu quả giảm đau.

Ngoài ra bệnh nhân bị đau hạ sườn cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng. Nên ăn đủ bữa mỗi ngày và bổ sung đủ thành phần cần thiết từ nguồn thực phẩm lành mạnh. Bao gồm các loại rau xanh, củ quả, trái cây tươi, các loại đậu, hạt, cá, thịt, trứng, sữa và các chế phẩm của sữa.

Đặc biệt, cần bổ sung những chất có khả năng kháng viêm, giảm đau, tăng đề kháng và sức khỏe tổng thể. Cụ thể như vitamin C, axit béo omega-3, vitamin A, vitamin nhóm B, protein, chất chống oxy hóa.

Ngoài ra magie, canxi và vitamin D cũng rất cần thiết cho quá trình phục hồi thể trạng, giảm đau và duy trì sức khỏe xương khớp. Chính vì thế, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp là cách hỗ trợ điều trị đau hạ sườn phải hiệu quả.

Điều trị y tế đau hạ sườn phải

Bên cạnh những cách giảm đau tại nhà, điều trị y tế là điều cần thiết trong điều trị các cơn đau ở vùng hạ sườn bên phải. Bởi phần lớn bệnh nhân bị đau do tổn thương cơ quan nội tạng, có khả năng gây rủi ro. Ngoài ra các biểu hiện ở trường hợp nặng thường không giảm nếu chỉ được chăm sóc.

1. Dùng thuốc

Thuốc được chỉ định dựa trên tình trạng (nguyên nhân gây đau hạ sườn phải, mức độ ảnh hưởng). Dưới đây là những loại thuốc cơ bản:

  • Thuốc Acetaminophen: Thuốc Acetaminophen có tác dụng hạ sốt và giảm đau hiệu quả, phù hợp với cơn đau nhẹ.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Thuốc này phù hợp với những cơn đau vừa, đau do viêm hoặc có triệu chứng viêm. Thuốc có tác dụng giảm đau và trị viêm nhanh chóng. Ibuprofen, Aspirin và Naproxen là những thuốc kháng viêm không steroid thường được sử dụng.
  • Tramadol + Paracetamol: Tramadol là thuốc giảm đau gây nghiện nhóm opioid. Thuốc giúp giảm đau nhanh, phù hợp với cơn đau vừa. Tuy nhiên khi dùng kết hợp với Paracetamol, Tramadol mang đến hiệu quả giảm đau cho trường hợp nặng. Đồng thời giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ. Tramadol + Paracetamol chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Thuốc kháng sinh: Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn gây đau hạ sườn phải, thuốc kháng sinh sẽ được chỉ định. Thuốc có tác dụng loại bỏ vi khuẩn, hỗ trợ tổn thương lành lại và giảm đau.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh được dùng khi nhiễm trùng do vi khuẩn gây đau hạ sườn phải

2. Phẫu thuật

Bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cho những trường hợp nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với điều trị bảo tồn. Phương pháp này có khả năng loại bỏ nguyên nhân gây đau và các mô bị tổn thương không thể phục hồi. Từ đó giúp khắc phục tình trạng.

Sau phẫu thuật điều trị, người bệnh được hướng dẫn cách chăm sóc và vận động nhẹ nhàng để phát sinh biến chứng. Cụ thể như nhiễm trùng, chảy máu và dịch, xuất hiện cục máu đông…

Phẫu thuật là một trong các phương pháp mang đến hiệu quả chữa bệnh cao nhất. Tuy nhiên do có khả năng phát sinh biến chứng nên phương pháp này chỉ được thực hiện khi thực sự cần thiết.

Biện pháp phòng ngừa đau hạ sườn phải

Không thể ngăn ngừa hoàn toàn những cơn đau hạ sườn phải. Tuy nhiên nguy cơ có thể giảm khi áp dụng những biện pháp sau:

  • Loại bỏ nguy cơ té ngã để tránh chấn thương vùng xương sườn và hạ sườn.
  • Mặc đồ bảo hộ khi chơi thể thao hoặc làm những công việc nguy hiểm.
  • Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và hoa quả tươi để tăng đào thải độc tố, cung cấp vitamin và khoáng chất giúp duy trì sức khỏe và chức năng của các cơ quan. Ngoài ra không quên thêm chất béo lành mạnh và protein vào món ăn.
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ, ăn chín uống sôi để tránh nhiễm trùng.
  • Uống đủ 2 lít mỗi ngày để tăng hấp thụ dinh dưỡng và đào thải độc tố.
  • Kiểm soát tâm trạng, luôn lạc quan và vui vẻ là cách tốt nhất để duy trì hoạt động của các cơ quan, ổn định sứ khỏe tổng thể và ngăn phát sinh cơn đau.
  • Chơi thể thao hoặc tập thể dục mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng, duy trì hoạt động của các cơ quan và cải thiện chất lượng xương. Bơi lội, đạp xe, đi bộ, yoga, thái cực quyền, chạy bộ, bài tập kéo giãn… đều là những bộ môn, bài tập tốt nhất.
Chơi thể thao mỗi ngày
Chơi thể thao mỗi ngày giúp rèn luyện sức khỏe, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng, phòng ngừa đau hạ sườn phải

Đôi khi đau hạ sườn phải xảy ra do một tình trạng không quá nghiêm trọng như chấn thương nhẹ, mang thai. Tuy nhiên cơn đau cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm, cơ quan nội tạng tổn thương cần được điều trị khẩn cấp.

Do đó người bệnh cần thăm khám khi đau nhiều, đau thường xuyên (tái phát nhiều lần), đau liên tục 24 giờ không hoặc có kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Thăm khám và điều trị sớm có thể khắc phục cơn đau và ngăn bệnh tiến triển.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua