Đau dây thần kinh vai gáy là gì? Cách điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Đau dây thần kinh vai gáy thường xảy ra do sự chèn ép lên các dây thần kinh ở vùng vai gáy. Ngoài do tác động cơ học thì đây còn là hệ quả của một số bệnh lý cơ xương khớp. Cần theo dõi biểu hiện để xác định rõ nguyên nhân và có cách xử lý phù hợp.

đau dây thần kinh vai gáy
Đau dây thần kinh vai gáy thường xảy ra do chèn ép hoặc tổn thương các dây thần kinh

Đau dây thần kinh vai gáy là gì?

Đau dây thần kinh vai gáy đề cập đến những cơn đau xảy ra do chèn ép hoặc tổn thương các dây thần kinh ở vùng cổ vai gáy. Cơn đau có thể lan tỏa từ vùng cổ xuống vai, xương bả vai, cánh tay hay bàn tay. Yếu là thiếu sự phối hợp giữa cánh tay và bàn tay cũng là triệu chứng có thể đi kèm.

Số liệu thống kê cho thấy, tình trạng này có thể xảy ra ở khoảng 85 trong số 100.000 người. Phổ biến nhất là ở những người trong độ tuổi 50. Cơn đau thường phát triển do kích ứng lặp đi lặp lại hơn là do một chấn thương đơn lẻ.

Tình trạng đau thần kinh vai gáy thường xảy ra ở những người lao động nặng nhọc, vận động viên, công nhân sử dụng máy móc rung lắc. Ngoài ra những người duy trì tư thế tĩnh lâu, bị viêm khớp hay mắc các bệnh cơ xương khớp khác cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các dấu hiệu đau dây thần kinh vai gáy có thể bao gồm:

  • Cơn đau được mô tả là như kim châm ở vùng cổ
  • Đau ở cổ, gáy, xương bả vai, ngực trên hoặc cánh tay
  • Cơn đau có thể ảnh hưởng đến các ngón tay theo đường đi của rễ thần kinh liên quan
  • Đau âm ỉ, tê, ngứa ran hoặc có cảm giác như điện giật
  • Yếu vai, cánh tay và bàn tay
  • Đau trầm trọng hơn khi thực hiện một số cử động cổ nhất định
  • Thường xuyên nhìn lên trần nhà hay nhìn qua vai có thể gây ra hoặc khiến đau tăng
  • Các triệu chứng có thể giảm bớt khi cánh tay được nâng qua đầu

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh vai gáy

Đau dây thần kinh vai gáy thường liên quan đến sự chèn ép và tổn thương. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Ngoài liên quan tới các yếu tố cơ học thì còn là hệ quả của nhiều bệnh lý về cơ xương khớp, đặc biệt và bệnh về cột sống cổ.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây đau dây thần kinh vai gáy thường gặp:

1. Duy trì tư thế tĩnh quá lâu

Thông thường, việc duy trì các tư thế tĩnh khoảng 2 tiếng trở nên là cơ thể đã bắt đầu khó chịu và nhức mỏi. Tình trạng này kéo dài càng lâu thì sẽ gây ra càng nhiều tác hại.

Thực tế việc duy trì tư thế tĩnh, ngồi lâu 1 chỗ có thể gây co cứng các cơ ở vùng cổ vai gáy. Đồng thời làm căng thẳng các rễ dây thần kinh ở khu vực này và gây ra đau nhức. Ngoài ra, tình trạng này còn ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu và tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh lý.

nguyên nhân gây đau thần kinh vai gáy
Duy trì tư thế tĩnh quá lâu có thể gây căng thẳng và đau dây thần kinh vai gáy

2. Đột ngột đổi tư thế

Đột ngột thay đổi tư thế hay uốn vặn cổ mạnh cũng là nguyên nhân gây ra cơn đau dây thần kinh vai gáy. Nguyên nhân được lý giải là do khi thay đổi tư thế một cách đột ngột thì hệ thống gân cơ và xương khớp có thể gây chèn ép lên các rễ thần kinh.

3. Thường xuyên mang vác nặng

Thường xuyên mang vác nặng là nguyên nhân phổ biến gây đau vai gáy. Cơn đau ngoài liên quan tới tình trạng căng cơ, tổn thương xương khớp thì còn có thể do chèn ép và tổn thương dây thần kinh. Bởi mang vác vật nặng có thể làm cản trở quá trình lưu thông máu và căng thẳng rễ dây thần kinh ở vùng vai gáy.

4. Chấn thương

Chấn thương có thể xảy ra do tai nạn giao thông, tai nạn thể thao hay tai nạn lao động. Các chấn thương ở vùng cổ vai gáy dù nặng hay nhẹ cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các rễ dây thần kinh. Từ đó làm kích hoạt cơn đau.

Một số chấn thương có thể gây đau dây thần kinh vai gáy bao gồm:

  • Bong gân cổ
  • Trật khớp vai
  • Gãy đốt sống cổ
  • Chấn thương tủy sống
  • Giãn dây chằng

5. Thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ là bệnh xương khớp mãn tính xảy ra khi các đĩa đệm ở cột sống cổ bị hao mòn. Tình trạng này thường diễn ra do tuổi tác, ít vận động hay sai tư thế kéo dài.

Trong một số trường hợp, tình trạng thoái hóa làm tăng nguy cơ phát triển bất thường của các tế bào xương trên thân đốt sống. Từ đó hình thành gai xương gây chèn ép rễ thần kinh và mô mềm.

Đây được cho là nguyên nhân phổ biến gây đau dây thần kinh vai gáy. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau cổ vai gáy, cứng cổ, hạn chế vận động, sưng viêm…

nguyên nhân gây đau dây thần kinh vai gáy
Đau dây thần kinh vai gáy có thể là hệ quả của bệnh thoái hóa cột sống cổ hình thành gai xương

6. Hẹp ống sống cổ

Hẹp ống sống mô tả tình trạng ống sống bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến vùng cột sống cổ.

Trên thực tế, hẹp ống sống cổ gây ra rất nhiều sự chèn ép lên tủy sống và các rễ dây thần kinh. Từ đó kích hoạt các cơn đau dây thần kinh ở vùng vai gáy và ảnh hưởng tới cả cánh tay.

Cơn đau do hẹp ống sống cổ có xu hướng diễn ra thường xuyên với mức độ nhẹ và âm ỉ. Khi bệnh tiến triển nặng thì cơn đau sẽ trở nên dữ dội, đau nhiều gây mệt mỏi. Tình trạng đau nhức lan xuống hai cánh tay và cảm giác tê ngứa cũng dần mở rộng.

Đi kèm với đó là tình trạng yếu một hay cả hai cánh tay. Người bệnh thường cảm thấy khó cầm nắm đồ vật. Tình trạng này rất rõ ràng khi viết chữ, gắp đồ ăn hay cầm nắm các đồ vật nhỏ. Bệnh tiến triển nặng hơn nữa có thể dẫn tới liệt tứ chi và tàn phế.

7. Thoát vị đĩa đệm cổ

Thoát vị đĩa đệm cổ cũng là bệnh lý thường gặp có liên quan tới tình trạng đau dây thần kinh vai gáy. Bệnh lý này xảy ra khi bao xơ của đĩa đệm bị nứt, rách hay vỡ tạo điều kiện cho phần nhân mềm bên trong thoát ra ngoài. Từ đó gây chèn ép vào các dây thần kinh và tủy sống.

Nhiều trường hợp, áp lực của đĩa đệm thoát vị có thể khiến dây thần kinh bị sưng viêm. Điều này gây ra các triệu chứng đau nhức dữ dội và khó chịu tại khu vực bị tổn thương.

Ngoài ra, bệnh thoát vị đĩa đệm cổ còn gây ra nhiều triệu chứng đi kèm khác. Cụ thể như tình trạng cứng cổ, co thắt cơ, cảm giác tê bì và ngứa ran ở cánh tay.

Đau dây thần kinh vai gáy có nguy hiểm không?

Đau dây thần kinh vai gáy có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Có thể chỉ là những cơn đau âm ỉ, râm ran tuy nhiên cũng có thể đau dữ dội kèm theo tê cứng và hạn chế vận động.

đau dây thần kinh vai gáy nguy hiểm không
Cơn đau dây thần kinh vai gáy có thể ảnh hưởng rộng gây hạn chế vận động

Đánh giá đau dây thần kinh vai gáy có nguy hiểm không cần căn cứ vào yếu tố nguyên nhân. Nếu chỉ là do tư thế xấu, hoạt động quá mức, mang vác nặng thì không đáng quan ngại. Triệu chứng và sự chèn ép sẽ thuyên giảm nhanh khi được nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà.

Tuy nhiên cơn đau cũng có thể liên quan đến các vấn đề nghiêm trọng hơn. Điển hình như do chấn thương hay liên quan đến các bệnh lý về cơ xương khớp. Lúc này nếu không được điều trị kịp thời thì các biến chứng nguy hiểm rất dễ xảy ra. Thậm chí người bệnh đứng trước nguy cơ bị mất chức năng vận động hay tàn phế vĩnh viễn.

Chẩn đoán đau dây thần kinh vai gáy

Để chẩn đoán nguyên nhân và mức độ đau dây thần kinh vai gáy, bác sĩ cần thực hiện kiểm tra thể chất và một số kiểm tra khác. Cụ thể như sau:

1. Kiểm tra thể chất

Sau khi thảo luận về tiền sử bệnh lý và sức khỏe tổng quát của người bệnh bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng. Sau đó tiến hành kiểm tra cổ, vai, gáy, cánh tay và bàn tay. Điều này giúp tìm kiếm sự yếu cơ, mất cảm giác hay bất cứ thay đổi nào trong phản xạ của người bệnh.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số cử động cổ và cánh tay nht định. Những cố gắng này nhằm tái tạo hoặc làm giảm các triệu chứng nếu có thể.

2. Thăm khám cận lâm sàng

Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán. Bao gồm:

– Chụp X-quang:

Xét nghiệm này giúp cung cấp hình ảnh của các cấu trúc dày đặc. Điển hình nhất là cấu trúc xương. Hình ảnh X-quang cho phép bác sĩ nhìn thấy sự liên kết của các xương dọc theo cổ. Nó cũng có thể tiết lộ nếu có sự thu hẹp của các ống sống và thiệt hại cho các đĩa.

chẩn đoán nguyên nhân gây đau dây thần kinh vai gáy
Chụp X-quang vai gáy là cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân gây đau

– Chụp cắt lớp vi tính (CT scan):

Chụp CT sẽ cho hình ảnh chi tiết hơn là chụp X-quang thông thường. Hình ảnh CT giúp bác sĩ xác định liệu có sự phát triển gai xương ở vùng cổ vai gáy hay không?

– Chụp cộng hưởng từ (MRI):

Chụp cộng hưởng từ cho hình ảnh tốt hơn về các mô mềm. Chụp MRI cổ sẽ giúp bác sĩ biết được đau dây thần kinh vai gáy có phải là do tổn thương mô mềm gây chèn ép hay không. Nó cũng giúp xác định nếu có bất cứ tổn thương nào với tủy sống và rễ dây thần kinh.

– Điện cơ (EMG):

Điện cơ đo các xung điện của các cơ trong trạng thái nghỉ và trong quá trình co thắt. Các nghiên cứu về dẫn truyền thần kinh có thể được thực hiện cùng với điện cơ nhằm xác định xem 1 dây thần kinh có hoạt động bình thường hay không.

Kết quả của các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định xem triệu chứng đau dây thần kinh vai gáy là do chèn ép, tổn thương dây thần kinh hay do một tình trạng khác gây ra.

Điều trị đau dây thần kinh vai gáy

Một số trường hợp, đau dây thần kinh vai gáy có thể tự hết theo thời gian mà không cần điều trị. Ở một số người bệnh, cơn đau có thể biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên với những người khác, có thể mất nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên với các trường hợp bị đau nhức nghiêm trọng gây cản trở đến vận động và sinh hoạt thì cần sớm can thiệp. Bên cạnh các mẹo giảm đau tại nhà thì điều trị y tế là rất cần thiết.

1. Giảm đau tại nhà

Áp dụng một số mẹo giảm đau tại nhà có thể giúp thư giãn và hạn chế sự chèn ép lên dây thần kinh. Ngoài tác dụng giảm đau thì còn cải thiện vận động và giảm mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Lựa chọn áp dụng một số mẹo giảm đau tại nhà dưới đây:

– Chườm nóng:

Hơi nóng từ túi chườm có tác dụng làm giãn mô cơ và cải thiện tuần hoàn máu. Đặc biệt là giúp thư giãn và giải phóng các rễ dây thần kinh ở vùng cổ vai gáy bị chèn ép. Giải pháp này ngoài mang lại kết quả khả quan thì còn rất dễ thực hiện.

  • Chuẩn bị nước ấm khoảng 70 độ cho vào túi chườm
  • Chườm trực tiếp lên vùng vai gáy bị đau nhức
  • Thực hiện 15 – 20 phút/ lần và đều đặn 2 lần/ ngày
  • Không dùng nước quá nóng bởi có thể gây bỏng hay kích ứng vùng da bên ngoài
mẹo giảm đau dây thần kinh vai gáy
Chườm nóng giúp thư giãn và giải phóng sự chèn ép lên các dây thần kinh ở cổ vai gáy

– Xoa bóp:

Ngoài chườm nóng thì xoa bóp cũng là cách giúp thư giãn và giảm đau dây thần kinh vai gáy hiệu quả. Tác dụng lực vừa đủ giúp làm nóng mô cơ, giải phóng sự chèn ép, ứ trệ và tăng cường lưu thông máu.

  • Xoa 2 lòng bàn tay lại với nhau cho tới khi nóng lên
  • Massage lên vùng vai gáy đang bị đau theo chuyển động tròn
  • Trước khi massage có thể thoa lên 1 chút tinh dầu
  • Kết hợp các động tác day, miết, lăn, ấn sẽ làm tăng hiệu quả
  • Thực hiện khoảng 15 phút vào buổi tối trước khi ngủ

– Vận động nhẹ nhàng:

Trong một số trường hợp, đau dây thần kinh vai gáy có thể kèm theo cứng cổ. Lúc này nên vận động nhẹ nhàng để cải thiện phạm vi chuyển động và giải phóng sự chèn ép.

Có thể tập một vài bài tập tác động thấp. Ví dụ như cúi ngửa cổ, nghiêng cổ sang 2 bên hay xoay cổ theo chuyển động tròn. Cần tập chậm rãi để tránh khiến cho triệu chứng tồi tệ thêm.

– Điều chỉnh tư thế.

Để cải thiện sự chèn ép và tổn thương dây thần kinh vai gáy thì bạn cần sớm điều chỉnh các tư thế xấu. Cố gắng giữ cho cột sống được thẳng tự nhiên ở bất cứ tư thế nào.

Tuyệt đối không duy trì các tư thế tĩnh quá lâu. Thỉnh thoảng nên thay đổi tư thế, đứng dậy đi lại khi ngồi lâu hay thực hiện một số động tác thư giãn vùng cổ.

2. Điều trị y tế

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau và mức độ đau thần kinh vai gáy mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Trong đó, điều trị ban đầu cho bệnh nhân luôn là không phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ được cân nhắc trong các trường hợp thật sự cần thiết.

+ Điều trị không phẫu thuật:

– Vòng đệm quấn cổ:

Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh sử dụng một vòng đệm quấn quanh cổ được cố định bằng Velcro. Mục đích của việc đeo vòng đệm là để hạn chế cử động cổ giúp các cơ ở cổ được nghỉ ngơi.

Điều này sẽ giúp làm giảm sự chèn ép của các dây thần kinh đi kèm với cử động cổ. Tuy nhiên chỉ nên đeo vòng đệm quấn cổ trong thời gian ngắn. Bởi đeo quá lâu có thể sẽ làm mất sức mạnh của các cơ ở cổ.

– Vật lý trị liệu:

Các bài tập cụ thể có thể sẽ giúp giảm đau, tăng cường cơ cổ cũng như cải thiện phạm vi chuyển động. Trong một số trường hợp, lực kéo có thể được dùng để kéo căng nhẹ các khớp và cơ ở cổ. Bác sĩ thường sẽ yêu cầu bạn điều trị với một chuyên gia vật lý trị liệu.

điều trị đau dây thần kinh vai gáy
Bác sĩ có thể yêu cầu tập vật lý trị liệu để giảm đau và cải thiện phạm vi chuyển động

– Thuốc uống:

Trong nhiều trường hợp, sử dụng thuốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Bác sĩ thường yêu cầu dùng một số loại thuốc sau:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nhóm thuốc này có thể bao gồm aspirin, ibuprofen và naproxen. Mục đích chính là giảm đau trong trường hợp bị viêm hoặc kích ứng dây thần kinh vai gáy.
  • Corticosteroid đường uống: Một đợt uống Corticosteroid ngắn hạn cũng có thể giúp giảm đau bằng cách giảm sưng và viêm ở quanh dây thần kinh.

– Tiêm steroid:

Trong thủ thuật này, steroid sẽ được tiêm ở gần dây thần kinh bị ảnh hưởng với mục đích làm giảm viêm tại chỗ. Thuốc tiêm có thể được bác sĩ đặt ở giữa màng cứng, trong màng cứng hay vào mặt khớp.

Việc tiêm steroid không thể làm giảm áp lực lên dây thần kinh do đĩa đệm bị phồng, thoát vị hay do lỗ thông hẹp. Tuy nhiên chứng có thể làm giảm sưng và giảm đau đủ lâu để các dây thần kinh được phục hồi.

– Morphine:

Những loại thuốc này được dành riêng cho những người bị đau dây thần kinh vai gáy dữ dội mà các lựa chọn điều trị khác không thuyên giảm. Tuy nhiên thuốc gây nghiện thường chỉ được kê toa trong một thời gian nhất định.

Phòng ngừa chứng đau dây thần kinh vai gáy

Tình trạng đau dây thần kinh vai gáy gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống thường ngày. Nhiều trường hợp, nó bắt nguồn từ chính những thói quen xấu nên hoàn toàn có thể phòng ngừa.

phòng ngừa đau thần kinh vai gáy
Ngồi thiền giúp kiểm soát căng thẳng và thư giãn các rễ dây thần kinh

Dưới đây là một số biện pháp giúp ngăn ngừa đau dây thần kinh vai gáy:

  • Luôn thực hành các tư thế tốt cả khi nằm, ngồi, đứng, di chuyển hay nâng đồ vật. Tuyệt đối không duy trì tư thế tĩnh quá lâu.
  • Thường xuyên thực hiện các bài tập kéo giãn cơ cổ để hạn chế sự chèn ép. Đồng thời tăng tính linh hoạt và làm mạnh xương khớp.
  • Thận trọng trong bất cứ hoạt động nào để ngăn ngừa chấn thương xảy ra. Đặc biệt là khi hoạt động thể chất hay bắt đầu 1 môn thể thao mới hãy làm quen từ từ. Tuyệt đối không được thao tác quá nhanh hay quá mạnh.
  • Dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày ít nhất 30 – 45 phút. Nên lựa chọn các bài tập phù hợp và tập luyện vừa sức.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể, ăn uống lành mạnh và đủ chất để đảm bảo sự khỏe mạnh của xương khớp.
  • Sinh hoạt điều độ, ngủ đúng giờ đủ giấc. Đặc biệt là cần kiểm soát tốt tình trạng căng thẳng.

Đau dây thần kinh cổ liên quan đến nhiều nguyên nhân, bao gồm cả yếu tố cơ học và vấn đề bệnh lý. Nếu các giải pháp tại nhà không giúp cơn đau thuyên giảm hãy sớm thăm khám bác sĩ. Chăm sóc y tế là rất cần thiết để hạn chế các vấn đề ảnh hưởng.

Tham khảo thêm: Đau nhức bả vai lan xuống cánh tay phải – trái là bị gì?

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua