Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát và cách điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát là tình trạng tổn thương và đau dây thần kinh liên sườn do vận động quá mức, vận động sai tư thế hoặc do thời tiết lạnh. Tình trạng này khiến bệnh nhân có cảm giác đau nhói hoặc âm ỉ cả ngày ở vùng liên sống – bả vai hoặc vùng cạnh sống. Để cải thiện, người bệnh cần dùng thuốc kết hợp biện pháp luyện tập và chăm sóc.

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát
Thông tin cơ bản về đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, nguyên nhân và cách điều trị

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát là gì?

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát là bệnh thường gặp, thể hiện cho tình trạng tổn thương và đau dây thần kinh liên sườn do vận động quá mức/ sai tư thế hoặc do thời tiết lạnh. Đôi khi cơn đau cũng có thể bắt nguồn từ một số tình trạng trong cơ thể như nhiễm độc.

Khi dây thần kinh liên sườn bị tổn thương, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhói hoặc âm ỉ cả ngày ở vùng liên sống – bả vai hoặc vùng cạnh sống. Cơn đau có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên khung xương sườn, đau lan rộng làm ảnh hưởng khả năng vận động của cánh tay, vai và những bộ phận lân cận khác.

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát không quá nghiêm trọng. Người bệnh thường được yêu cầu tập thể dục, chăm sóc và sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng. Tuy nhiên cần tránh chủ quan vì những trường hợp không điều trị có thể gây đau mạn tính.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn tiên phát

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Nhiệt độ lạnh: Nhiệt độ xuống thấp làm tăng độ nhạy cảm của dây thần kinh liên sườn, khiến dây thần kinh dễ tổn thương và đau nhức. Ngoài ra nhiệt độ thấp còn làm co mạch, giảm lưu thông máu. Đồng thời giảm chức năng chi phối dây thần kinh của mạch máu. Vì thế ở trường hợp này, người bệnh thường có cảm giác đau nhức kèm theo tê bì ở những khu vực có dây thần kinh liên sườn đi qua.
  • Vận động quá mức hoặc sai tư thế: Đột ngột thay đổi/ vận động sai tư thế hoặc quá mức cũng là nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn tiên phát thường gặp. Nguyên nhân là do khi vận động sai, cột sống, khớp và xương sườn sẽ giảm hoặc mất tính ổn định, tăng áp lực lên dây thần kinh và dây chằng. Từ đó làm phát sinh đồng thời đau dây thần kinh liên sườn và giãn dây chằng.
  • Nhiễm độc: Mặc dù ít gặp nhưng đau dây thần kinh liên sườn tiên phát cũng có thể bắt nguồn từ một số tình trạng trong cơ thể. Điển hình như nhiễm độc.
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn tiên phát
Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát chủ yếu xảy ra do thời tiết lạnh, vận động sai tư thế hoặc quá mức

Dấu hiệu nhận biết đau dây thần kinh liên sườn tiên phát

Đau nhức do tổn thương và đau dây thần kinh liên sườn tiên phát thường xuất hiện đột ngột kèm theo những đặc tính sau:

  • Đau nhói hoặc âm ỉ cả ngày và đêm tùy theo mức độ nặng nhẹ
  • Đau ở vùng liên sống – bả vai hoặc vùng cạnh sống. Cơn đau có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên
  • Cơn đau có xu hướng lan rộng từ vị trí tổn thương thần kinh theo khoang liên sườn ra phía trước
  • Cơn đau thường bắt đầu hoặc nghiêm trọng hơn khi thay đổi tư thế, hít thở sâu, hắt hơi, ho, cười nói to
  • Cảm thấy đau tức khi dùng tay ấn vùng cạnh sống
  • Trong nhiều trường hợp, cơn đau lan rộng và tiến triển nặng theo đường đi của dây thần kinh sườn

Đối với đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, da tại vùng bệnh không có biểu hiện tổn thương. Tuy nhiên tùy vào nguyên nhân, cơn đau có thể kèm theo một số triệu chứng khác, bao gồm:

  • Tê hoặc/ và ngứa ran, châm chích khó chịu
  • Nếu có giãn dây chằng, đau kèm theo cảm giác nặng nề hoặc siết chặt từ ngực trước ra sau
  • Hạn chế phạm vi mở rộng ngực
  • Giảm khả năng vận động của những bộ phận liên quan như vai, cánh tay, lưng

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát có nguy hiểm không?

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát thường nhẹ, ít gây rủi ro. Phần lớn các trường hợp có thể tự thuyên giảm hoặc giảm nhanh bằng cách chườm ấm, tập thể dục và kéo giãn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cơn đau kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều này có thể xảy ra do vận động sai tư thế khiến các khớp xương mất tính cân bằng và chèn ép vào dây thần kinh. Ngoài ra khí lạnh cũng có thể tích tụ và gây đau nhức kéo dài.

Đối với trường hợp đau nhiều và kéo dài, người bệnh cần dùng thuốc kết hợp các biện pháp chăm sóc và luyện tập. Điều này giúp khắc phục tình trạng và hạn chế rủi ro. Đối với những trường hợp chủ quan không điều trị, người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều vấn đề dưới đây:

  • Đau dây thần kinh mãn tính
  • Giảm khả năng vận động
  • Teo cơ
  • Tê yếu
Đau dây thần kinh mãn tính
Nếu không được điều trị, đau dây thần kinh liên sườn tiên phát có thể gây đau mãn tính, teo cơ, tê yếu…

Chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn tiên phát

Để chẩn đoán đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, người bệnh được đặt một vài câu hỏi liên quan đến nguyên nhân gây đau, vị trí và mức độ đau nhói khi ấn hoặc cử động. Bên cạnh đó, người bệnh được kiểm tra các biểu hiện ngoài da (quanh khu vực có dây thần kinh liên sườn). Đồng thời mô tả những triệu chứng đi kèm như tê, ngứa ran.

Để chắc chắn đau dây thần kinh liên sườn không do nguyên nhân bệnh lý hoặc đau thứ phát, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số kỹ thuật giúp kiểm tra xương, mô mềm. Đồng thời kiểm tra dây thần kinh để đánh giá mức độ tổn thương.

Một số kỹ thuật thường được áp dụng gồm:

Điều trị đau dây thần kinh liên sườn tiên phát

Thông thường người bệnh sẽ được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc và luyện tập để giảm đau dây thần kinh liên sườn tiên phát. Đối với những cơn đau nặng hoặc kéo dài, bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc với liều dùng phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

1. Điều trị tại nhà

Cơn đau có thể nhanh chóng thuyên giảm khi áp dụng một số biện pháp chăm sóc và luyện tập dưới đây:

+ Nghỉ ngơi tại chỗ

Nếu đột ngột bị đau dây thần kinh liên sườn và đau nhói, người bệnh nên nằm nghỉ ngơi để cơn đau được xoa dịu. Biện pháp này giúp giảm áp lực lên dây thần kinh, hạn chế tổn thương tiến triển và giảm đau.

Khi nghỉ ngơi cần nằm nghiêng sang bên không bị đau, hai tay thả lỏng, chân thẳng hoặc hơi cong, đặt một chiếc gối ở giữa bụng và giữa hai đầu gối để cân bằng trọng tâm của cơ thể.

Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi hợp lý giúp giảm áp lực và hạn chế tổn thương dây thần kinh tiến triển, giảm đau nhức hiệu quả

+ Chườm ấm

Chườm ấm phù hợp với những bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn tiên phát do lạnh. Biện pháp này có tác dụng làm ấm khu vực tổn thương, giãn mạch, điều hòa khí huyết, thư giãn dây thần kinh và giúp giảm đau hiệu quả.

Ngoài ra việc sử dụng nhiệt độ thấp còn giúp làm dịu cảm giác tê buốt, hạn chế căng cơ và co cứng, tăng tính linh hoạt, khả năng vận động và phạm vi mở rộng vùng ngực.

  • Cách chườm ấm: Để chườm ấm, người bệnh cần sử dụng túi chườm hoặc rót nước ấm vào chai thủy tinh, áp lên vùng bị đau. Giữ nguyên trong 20 phút, lặp lại 3 lần/ ngày.

+ Tắm nước ấm

Tắm nước ấm cũng là một biện pháp thư giãn và giảm đau dây thần kinh liên sườn tiên phát do thời tiết lạnh. Biện pháp này có tác dụng thư giãn dây thần kinh, mạch máu và xương khớp, hạn chế đau nhức, tăng vận động và cải thiện lưu lượng máu lưu thông.

Ngoài ra thường xuyên tắm nước ấm còn giúp cải thiện tâm trạng, hỗ trợ giấc ngủ và kiểm soát căng thẳng. Trong khi đó căng thẳng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh cơn đau cấp tính.

Tắm nước ấm
Tắm nước ấm mỗi ngày 1 lần giúp thư giãn và giảm đau dây thần kinh liên sườn tiên phát do thời tiết lạnh

+ Giữ ấm cơ thể

Người bệnh cần giữ ấm cơ thể để phòng ngừa và giảm đau dây thần kinh liên sườn. Khi nhiệt độ trong cơ thể ở mức cân bằng, cơn đau sẽ nhanh chóng biến mất.

+ Xoa bóp

Để giảm đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, người bệnh có thể xoa bóp 1 – 2 lần/ ngày, mỗi ngày 20 phút. Biện pháp này có tác dụng giảm đau và giảm mức độ nhạy cảm của dây thần kinh liên sườn. Đồng thời kích thích tuần hoàn máu, giảm tê buốt và co cứng khó chịu.

Ngoài ra thường xuyên xoa bóp còn giúp thư giãn các khớp xương, tăng tính ổn định của cột sống, cải thiện khả năng vận động và tính linh hoạt.

Để xoa bóp giảm đau, bạn cần thực hiện ba động tác cơ bản gồm day ấn, vuốt đều tay theo khung sườn và xoa theo chuyển động vòng tròn.

+ Vận động và tập kéo giãn

Khi cơn đau đã thuyên giảm, người bệnh nên duy trì vận động và thực hiện một số bài tập kéo giãn. Biện pháp này giúp hạn chế tình trạng cứng khớp, teo cơ do ít vận động. Đồng thời giảm đau, thư giãn và tăng tính linh hoạt của các khớp xương.

Ngoài ra việc duy trì thói quen vận động còn giúp cải thiện lưu thông máu, ổn định tính linh hoạt và chức năng của cột sống, hạn chế tình trạng chèn ép làm tổn thương dây thần kinh liên sườn.

Một số bài tập kéo giãn giảm đau dây thần kinh liên sườn tiên phát thường được thực hiện:

Bài tập kéo giãn sang hai bên

Bài tập kéo giãn sang hai bên có tác dụng giảm đau, hạn chế chèn ép dây thần kinh và giúp kéo căng các cơ liên sườn.

  • Đứng thẳng bằng hai đầu gối, giữ lưng thẳng, tay thả lỏng dọc theo thân người
  • Mở rộng chân phải, duỗi thẳng đầu gối, bàn chân cố định dưới sàn, mũi bàn chân hướng về phía trước
  • Mở rộng hai cánh tay sang hai bên
  • Uốn cong người về bên phải hết mức có thể
  • Tay phải duỗi thẳng và đặt lên chân phải. Tay trái vươn cao và uốn cong theo thân người. Lúc này có thể cảm thấy căng ở sườn bên trái
  • Giữ nguyên tư thế từ 15 – 30 giây
  • Trở về tư thế bắt đầu
  • Thực hiện tương tự với bên còn lại
  • Lặp lại 5 – 8 lần ở mỗi bên.
Bài tập kéo giãn sang hai bên
Bài tập kéo giãn sang hai bên giúp giảm chèn ép và giảm đau dây thần kinh liên sườn hiệu quả

Bài tập kéo giãn về phía trước

Bài tập kéo giãn về phía trước giúp mở rộng ngực và thư giãn dây thần kinh liên sườn.

  • Ngồi trên sàn, duỗi thẳng hai chân trước mặt
  • Hai cánh tay mở rộng và hướng theo chân
  • Từ từ vươn người về phía trước, hai lòng bàn tay chạm mũi bàn chân hoặc đặt xuống sàn
  • Giữ nguyên tư thế từ 15 – 30 giây
  • Trở về tư thế bắt đầu
  • Lặp lại 5 – 8 lần.
Bài tập kéo giãn về phía trước
Bài tập kéo giãn về phía trước có tác dụng mở rộng ngực và thư giãn dây thần kinh liên sườn

2. Điều trị y tế

Nếu đau dây thần kinh liên sườn tiên phát kéo dài hoặc đau nặng và không thuyên giảm bằng các biện pháp chăm sóc, người bệnh nên tiến hành điều trị y tế. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ đau thần kinh, bệnh nhân có thể được yêu cầu dùng thuốc, châm cứu hoặc/ và vật lý trị liệu.

+ Sử dụng thuốc

Những loại thuốc thường được dùng trong điều trị đau dây thần kinh liên sườn tiên phát:

  • Paraceramol: Paraceramol có tác dụng giảm đau (bao gồm cả đau dây thần kinh) và hạ sốt. Thuốc này mang đến hiệu quả giảm đau nhanh, phù hợp với những bệnh nhân bị đau nhẹ.
  • Capsaicin: Đây là một loại thuốc bôi ngoài được dùng phổ biến trong điều trị đau dây thần kinh và đau nhức xương khớp. Thuốc này có tác dụng giảm đau và viêm. Để chữa bệnh, cần lấy một lượng nhỏ thuốc Capsaicin bôi đều lên những vùng bị đau.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nếu đau nặng nề hơn hoặc không giảm khi dùng Paraceramol, thuốc chống viêm không steroid (Ibuprofen, Naproxen) sẽ được chỉ định. Thuốc này giúp giảm đau nhanh, phù hợp với những cơn đau ở mức trung bình. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng phòng ngừa và trị viêm hiệu quả.
  • Gabapentin: Gabapentin thuộc nhóm thuốc giảm đau dây thần kinh. Thuốc này chuyên điều trị những cơn đau phát sinh từ dây thần kinh bị tổn thương, chống co giật (động kinh). Ngoài ra thuốc Gabapentin còn có tác dụng điều trị hội chứng chân không yên.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Đây là một trong các thuốc điều trị đau dây thần kinh liên sườn được sử dụng phổ biến. Thuốc có tác dụng giảm đau thần kinh, an thần, cải thiện giấc ngủ. Thuốc chống trầm cảm ba vòng phù hợp với những bệnh nhân có tổn thương dây thần kinh dẫn đến đau nhiều vào ban đêm.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng khi tổn thương dây thần kinh gây đau nhiều vào ban đêm, ảnh hưởng giấc ngủ

+ Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu thường được chỉ định cho bệnh nhân bị đau dây thần kinh liên sườn tiên phát do vận động mạnh hoặc sai tư thế. Biện pháp này có tác dụng duy trì tính linh hoạt và khả năng vận động, tăng độ dẻo dai cho dây chằng, giảm đau nhức, thư giãn và hạn chế dây thần kinh liên sườn bị chèn ép.

Ngoài ra vật lý trị liệu còn giúp ổn định cột sống và các khớp xương thuộc vùng xương sườn, kích thích tuần hoàn máu, giảm tê buốt và hạn chế đau dây thần kinh liên sườn tái phát.

Dựa trên tình trạng, người bệnh sẽ được thiết lập và hướng dẫn một chương trình vật lý trị liệu thích hợp.

+ Châm cứu 

Châm cứu trị đau dây thần kinh liên sườn được áp dụng phổ biến, bao gồm cả đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, đau do bệnh lý và nhiều nguyên nhân khác. Phương pháp này sử dụng kim châm nhỏ tác động vào hệ thống kinh lạc, các huyệt và mạch máu chi phối dây thần kinh. Từ đó giảm đau dây thần kinh, kích thích tuần hoàn máu, giải phóng cơ và rễ thần kinh.

Ngoài ra liệu pháp châm cứu còn có tác dụng kích thích cơ thể tạo ra hormone giảm đau, tăng cơ chế tự phục hồi, giảm căng thẳng và lo âu. Tuy nhiên liệu pháp này cần được thực hiện bởi những chuyên gia nhiều kinh nghiệm để đảm bảo an toàn và chữa bệnh đúng cách.

Châm cứu 
Liệu pháp châm cứu có tác dụng giải phóng cơ và rễ thần kinh, giảm đau dây thần kinh, kích thích tuần hoàn máu

Biện pháp phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn tiên phát

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát hoàn toàn có thể được phòng ngừa. Các biện pháp phòng ngừa thường được áp dụng gồm:

  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh.
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Không vận động gắng sức hoặc vận động mạnh.
  • Cần duy trì tư thế đúng trong vận động và sinh hoạt. Cụ thể như giữ lưng thẳng khi đứng/ ngồi, cân bằng lực ở cả hai cánh tay khi nâng đồ vật…
  • Không đột ngột thay đổi tư thế.
  • Tránh vặn vẹo hoặc uốn thân người sang một bên.
  • Tăng cường bổ sung vitamin B1, B6, B9, B12 trong các loại rau xanh, trái cây, thịt, cá, đậu, hạt… Nhóm vitamin này có khả năng chữa lành dây thần kinh tổn thương, duy trì và tái tạo vỏ myelin (lớp vỏ bảo vệ dây thần kinh). Từ đó phòng ngừa tổn thương và giảm đau dây thần kinh liên sườn tiên phát.

Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát chủ yếu xảy ra do thời tiết lạnh, vận động sai tư thế hoặc quá mức. Trường hợp này thường nhẹ, có thể tự khỏi hoặc giảm nhanh bằng các biện pháp luyện tập và chăm sóc. Tuy nhiên nếu đau nhiều và kéo dài, người bệnh nên điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua