Cứng Khớp Ngón Tay Do Đâu? Cách Chữa Trị Hiệu Quả

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Phương Mai | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Cứng khớp ngón tay xảy ra do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là những điều kiện tác động đến mô liên kết và các khớp ở tay. Ngoài ra tình trạng co cứng cũng có thể xảy ra sau chấn thương và phẫu thuật. Dựa vào nguyên nhân, người bệnh sẽ được hướng dẫn điều trị với những phương pháp thích hợp.

Cứng khớp ngón tay thường là kết quả của một chấn thương hoặc các bệnh lý
Cứng khớp ngón tay thường là kết quả của một chấn thương hoặc các bệnh lý như viêm khớp, chứng co cứng Dupuytren…

Cứng khớp ngón tay là gì?

Cứng khớp ngón tay là cảm giác co cứng, hạn chế phạm vi chuyển động hoặc khó cử động ở các khớp ngón tay. Tình trạng này khiến người bệnh khó thực hiện các hoạt động hàng này như cầm nắm, thay quần áo…

Ngón tay bị cứng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Phần lớn các trường hợp xảy ra do những điều kiện y tế tác động đến mô liên kết và các khớp ở tay. Trong nhiều trường hợp khác, bệnh nhân bị cứng khớp sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật điều trị.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, cứng khớp thường đi kèm với những biểu hiện khác như viêm, đau, sưng tấy, ửng đỏ, tê yếu, nóng rát khu vực bị ảnh hưởng… Để điều trị, người bệnh thường được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu hoặc/ và dùng thuốc. Một số trường hợp khác có thể can thiệp phẫu thuật.

Cứng khớp ngón tay do đâu?

Cứng khớp ngón tay xảy ra do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

1. Viêm khớp

Bất kỳ khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm khớp, bao gồm cả khớp ngón tay. Hầu hết khớp viêm đều có biểu hiện sưng, cứng và đau khớp. Ngón tay thường bị ảnh hưởng bởi các dạng viêm khớp dưới đây:

Viêm xương khớp (OA)

Đây là một trong những loại viêm khớp phổ biến nhất, có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp ngón tay. Bệnh lý này xảy ra khi sụn khớp bị hao mòn bởi quá trình lão hóa tự nhiên, chấn thương hoặc sử dụng khớp quá mức. Ở bàn tay, các khớp thường bị ảnh hưởng bởi viêm xương khớp gồm:

  • Nơi ngón cái và cổ tay gặp nhau
  • Giữa ngón tay
  • Gần đầu ngón tay nhất

Các dấu hiệu nhận biết viêm xương khớp ở ngón tay:

  • Cứng khớp ngón tay
  • Sưng tấy
  • Đau đớn
  • Khó cử động tay, giảm phạm vi chuyển động
  • Đỏ quanh khớp
  • Giảm sức mạnh
  • Khó cầm nắm đồ vật
  • Phát ra tiếng kêu lụp cụp khi di chuyển các ngón

Viêm khớp dạng thấp (RA)

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn trong đó hệ thống miễn dịch bị rối loạn và liên tục tấn công vào các mô khớp. Bệnh lý này thường bắt đầu ở những khớp nhỏ của cơ thể, trong đó có các khớp ngón tay. Do đặc tính đối xứng nên bệnh viêm khớp dạng thấp thường làm ảnh hưởng đến cả hai bàn tay.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp gồm:

  • Cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng, đặc biệt là khi vừa ngủ dậy
  • Sưng khớp
  • Đỏ, sờ thấy ấm da
  • Đau đớn nghiêm trọng ở các khớp bị ảnh hưởng
  • Xuất hiện nốt thấp

Ngoài khớp, bệnh còn tác động xấu lên các cơ quan quan trọng. Do đó hầu hết bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có những triệu chứng toàn thân như cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, nhức mỏi toàn thân, sụt cân, vấn đề ở mắt, viêm ngoài màng tim và viêm ngoài màng phổi.

Viêm khớp dạng thấp (RA)
Viêm khớp dạng thấp (RA) khiến các khớp tổn thương sưng tấy, co cứng, đau nhức và biến dạng

Viêm khớp vảy nến (PsA)

Tương tự như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến cũng là một bệnh tự miễn. Viêm khớp thường xảy ra sau khi bệnh vảy nến tiến triển trong một thời gian ngắn. Ở những bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến, người bệnh sẽ có các dấu hiệu gồm:

  • Sưng các ngón tay và ngón chân
  • Cứng khớp ngón tay vào buổi sáng
  • Biến dạng ở bàn tay và bàn chân
  • Đau tại những dây chằng và điểm gân gắn vào xương
  • Đau lưng dưới
  • Bong tróc da đầu
  • Móng tay rỗ, bị tách khỏi phần thịt bên dưới
  • Đỏ mắt
  • Xuất hiện các mảng da có vảy. Triệu chứng này thường nghiêm trọng hơn trong thời gian cơn đau xuất hiện ở các khớp.

2. Viêm bao gân gấp ngón tay

Viêm bao gân gấp ngón tay (viêm bao gân chảy máu, ngón tay cò súng, ngón tay lò xo) thể hiện cho tình trạng viêm xảy ra ở lớp vỏ bọc bên ngoài của gân gấp ngón tay. Điều này khiến ngón tay bị giữ ở tư thế uốn cong hoặc bật ra đột ngột như cò súng.

Bệnh viêm bao gân xảy ra ở gân gấp ngón tay thường ảnh hưởng đến ngón tay giữa, ngón tay trỏ và ngón tay cái. Tuy nhiên các triệu chứng có thể xảy ra ở bất kỳ ngón tay nào.

Khi viêm bao gân tiến triển, không gian giữa gân gấp và đường hầm (lớp vỏ bọc bên ngoài gân) bị thu hẹp. Điều này khiến gân không thể chuyển động trơn tru, hình thành nốt u. Từ đó cản trở hoạt động của ngón tay, các ngón tay thường bị kẹt ở hình dạng uốn cong hoặc bật đột ngột.

Viêm bao gân gấp ngón tay có thể được nhận biết thông qua những triệu chứng dưới đây:

  • Cứng khớp ngón tay
  • Di chuyển ngón tay thấy có cảm giác bật hoặc nhấp
  • Teo cơ ngón cái
  • Sưng dạng nốt sần ở gốc ngón tay tổn thương
  • Ngón tay bị khóa ở tư thể uốn cong. Đôi khi có thể đột ngột bật ra
  • Duỗi thẳng hoặc uốn cong ngón tay có thể tạo tiếng tách kèm theo cảm giác đau đớn nghiêm trọng.
Viêm bao gân gấp ngón tay
Viêm bao gân gấp ngón tay là viêm xảy ra ở lớp vỏ bọc bên ngoài của gân gấp ngón tay dẫn đến cứng khớp

3. Hội chứng đau vùng phức hợp (CRPS)

Hội chứng đau vùng phức hợp (CRPS) là một tình trạng đau mãn tính ở cánh tay và chân. Hội chứng này thường phát triển sau một cuộc phẫu thuật, sau chấn thương, một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Đau do hội chứng đau vùng phức hợp không tương xứng với mức độ nghiêm trọng và những ảnh hưởng của chấn thương ban đầu.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đau vùng phức hợp gồm:

  • Đau nhói liên tục hoặc đau rát ở bàn tay, cánh tay, bàn chân và chân
  • Sưng tấy vùng đau
  • Tăng độ nhạy cảm khi lạnh hoặc khi chạm
  • Thay đổi nhiệt độ da
  • Cứng khớp (bao gồm cả khớp ngón tay), tổn thương và sưng khớp
  • Yếu, run, co thắt và teo cơ
  • Giảm khả năng cử động
  • Thay đổi kết cấu da, có thể mỏng, mềm hoặc bóng ở vùng bị ảnh hưởng

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Để đặt hiệu quả cao, người bệnh cần được điều trị ngay khi các triệu chứng bắt đầu.

4. Chứng co cứng Dupuytren

Chứng co cứng Dupuytren xảy ra khi mô dưới da lòng bàn tay và ngón tay dày lên. Điều này khiến một hoặc nhiều ngón tay gập xuống về phía lòng bàn tay. Chứng co cứng Dupuytren thường làm ảnh hưởng đến ngón tay đeo nhẫn và ngón tay út.

Bệnh thường nhẹ và có diễn tiến chậm. Tuy nhiên khi phát triển đến giai đoạn nặng, người bệnh hầu như không thể duỗi thẳng bất kỳ ngón tay nào bị ảnh hưởng. Nguyên nhân gây bệnh không được xác định rõ. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng, bệnh xảy ra do di truyền.

Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng của chứng co cứng Dupuytren:

  • Cứng khớp ngón tay, không thể đặt bàn tay bằng phẳng trên mặt bàn
  • Xuất hiện nhiều nốt mềm có kích thước nhỏ trong lòng bàn tay
  • Đau đớn nhưng thường giảm theo thời gian
  • Các nốt có thể dày lên và thắt lại tạo ra những dải mô dày dưới da
  • Xuất hiện các vết rãnh hoặc vết rỗ do ngón tay co cứng nén lại
  • Tay không hoạt động được
  • Các ngón tay được kéo về phía trước.
Chứng co cứng Dupuytren
Cứng khớp ngón tay có thể là dấu hiệu nhận biết của chứng co cứng Dupuytren

5. Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường tiến triển trong nhiều năm có thể khiến các ngón tay và bàn tay bị tê cứng. Nguyên nhân là do các chất có trong bệnh lý này tích tụ trong mô mềm khắp cơ thể. Điều này gây ra tình trạng cứng khớp.

6. Sẹo

Sự hình thành sẹo sau phẫu thuật hoặc sau bất kỳ chấn thương nào có thể làm ảnh hưởng đến những chuyển động của bàn tay và ngón tay. Cứng các ngón tay thường phổ biến hơn ở những người có các sẹo da hoặc những mô sâu hơn.

7. Bỏng

Trong nhiều trường hợp, tình trạng bỏng làm ảnh hưởng đến các mô sâu hơn da. Điều này dẫn đến sự hư hỏng của mô và gây ra tình trạng cứng khớp.

8. Cố định lâu ngày

Cứng ngón tay có thể xảy ra do cố định khớp bằng nẹp hay bó bột sau phẫu thuật hoặc chấn thương ngón tay. Bởi việc cố định lâu ngày những bộ phận của ngón tay (dây chằng, niêm mạc khớp, da) có thể khiến các mô bị thay đổi. Điều này dẫn đến sự rút ngắn và làm giảm tính linh hoạt bình thường.

Ngoài ra khi những ngón tay được đưa vào quá trình điều trị, các mô ở ngón tay đó có thể thay đổi kèm theo tình trạng cứng khớp ngay cả khi chúng không bị thương.

Cố định lâu ngày
Cố định và bất động khớp lâu ngày khiến các mô thay đổi, rút ngắn và làm giảm tính linh hoạt bình thường

9. Chấn thương

Cứng khớp ngón tay thường xảy ra sau khi các tổn thương ở tay xuất hiện, thường do té ngã, đòn hoặc va chạm mạnh trong khi chơi thể thao dẫn đến sai khớp, gãy xương. Ngoài ra những thương tổn ở tay cũng có thể xảy ra do tổn thương, sẹo hoặc viêm gân và dây chằng.

Những triệu chứng của chấn thương tay thường bao gồm:

  • Cứng khớp
  • Đau đớn
  • Sưng tấy
  • Bầm tím
  • Đỏ và ấm quanh vùng tổn thương

Dấu hiệu nhận biết cứng khớp ngón tay

Cứng khớp ngón tay có thể được nhận biết thông qua những dấu hiệu dưới đâu:

  • Có cảm giác co cứng ở ngón tay bị ảnh hưởng
  • Đau khi cử động
  • Hạn chế cử động khớp
  • Mất phạm vi chuyển động khớp
  • Mỏi khớp
Có cảm giác co cứng ở ngón tay bị ảnh hưởng
Có cảm giác co cứng ở ngón tay bị ảnh hưởng, đau khi cử động là dấu hiệu nhận biết cứng khớp

Cứng khớp ngón tay có nghiêm trọng không?

Hầu hết nguyên nhân gây cứng khớp ngón tay là những vấn đề nghiêm trọng, cần được xử lý sớm và đúng cách để hạn chế biến chứng. Mặt khác cứng khớp không được điều trị có thể làm mất khả năng chuyển động của các ngón, bệnh nhân không thể thực hiện các hoạt động thường ngày như thay quần áo, cầm nắm đồ vật…

Trong nhiều trường hợp, cứng khớp kèm theo những đợt đau nhức nghiêm trọng, khớp sưng to và tấy đỏ. Việc không sớm khám và điều trị có thể dẫn đến những vấn đề sau:

  • Đau khớp mãn tính
  • Biến dạng khớp vĩnh viễn
  • Liệt bàn tay
  • Teo cơ
  • Rối loạn cảm giác
  • Đứt gân, dây chằng…

Chính vì thế người bệnh cần thăm khám ngay khi có biểu hiện cứng khớp ngón tay. Đồng thời điều trị theo chỉ định để tránh phát sinh nhiều vấn đề không mong muốn.

Chẩn đoán nguyên nhân gây cứng khớp ngón tay

Để đánh giá tình trạng cứng khớp ngón tay, người bệnh sẽ được đặt một số câu hỏi liên quan đến những vấn đề sau:

  • Mức độ cứng khớp, phạm vi chuyển động các ngón tay
  • Các triệu chứng đi kèm như sưng, đau, đỏ, bầm tím…
  • Mức độ hoạt động
  • Số lượng khớp bị ảnh hưởng
  • Tiền sử bản thân, tiền sử gia đình
  • Những chấn thương và các phương pháp điều trị trước đó

Sau khi đánh giá các triệu chứng và kiểm tra phạm vi chuyển động, bệnh nhân thường được chỉ định một số xét nghiệm hình ảnh. Điều này có thể giúp tìm kiếm những nguyên nhân gây cứng khớp.

  • Chụp X-quang: X-quang là một phần trong quy trình chẩn đoán. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ kiểm tra những tổn thương xương và bề mặt khớp. Từ đó sớm phát hiện những bất thường như biến dạng khớp do viêm khớp dạng thấp, gãy xương, viêm xương khớp…
  • Chụp CT hoặc chụp MRI: Để xem xét kỹ hơn về cấu trúc của bàn tay, chụp MRI hoặc/ và CT có thể được chỉ định. Cả hai kỹ thuật này đều có khả năng tìm kiếm những tổn thương sâu và không rõ ràng của xương. Đồng thời giúp kiểm tra bất thường ở các mô như gân, dây chằng…
  • Xét nghiệm máu: Nếu có nghi ngờ mắc bệnh tự miễn hoặc bệnh tiểu đường, người bệnh có thể được yêu cầu xét nghiệm máu để xác định chẩn đoán. Từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Chụp X-quang
Chụp X-quang có thể xác định được những tổn thương và bất thường ở xương và bề mặt khớp

Điều trị cứng khớp ngón tay

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, cứng khớp ngón tay có thể được khắc phục bằng nhiều phương pháp. Đối với những trường hợp nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà như sử dụng nhiệt, dùng thuốc không kê đơn… Đối với những trường hợp nặng, tiêm steroid hoặc phẫu thuật có thể được chỉ định.

1. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Cứng khớp ngón tay có thể được giảm nhẹ khi áp dụng những biện pháp dưới đây:

+ Chườm nóng

Khi có cảm giác co cứng do bệnh lý ở các ngón tay, người bệnh có thể dùng túi chườm, khăn ấm hoặc chai thủy tinh chứa nước ấm đặt lên các ngón tay và bàn tay. Nhiệt độ cao có thể giúp các mạch giãn nở, máu huyết lưu thông. Điều này cho phép các tổn thương mô được tái tạo theo tự nhiên.

Ngoài ra chườm nóng còn giúp thư giãn các khớp xương, gân và dây chằng xung quanh, xoa dịu cảm giác đau đớn va hạn chế tình trạng cứng khớp ngón tay hiệu quả. Người bệnh được khuyên chườm nóng tối đa 20 phút, lặp lại 3 lần mỗi ngày, đặc biệt là khi cảm giác co cứng bắt đầu.

+ Chườm lạnh

Nếu co cứng ngón tay xảy ra do chấn thương cơ xương, gân hoặc dây chằng, người bệnh có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh để cải thiện. Biện pháp này giúp giảm tình trạng căng giãn quá mức của gân/ cơ/ dây chằng. Đồng thời giúp giảm đau và sưng hiệu quả.

Chườm lạnh nên được thực hiện từ 10 – 20 phút, mỗi 4 tiếng 1 lần, liên tục trong 72 giờ sau chấn thương. Lưu ý không áp đá lạnh lên da để tránh tổn thương. Đá lạnh nên được cho vào túi chườm hoặc khăn bông.

+ Xoa bóp ngón tay

Thường xuyên xoa bóp nhẹ nhàng có thể giúp các ngón tay thư giãn, giảm nhẹ cơn đau và tình trạng cứng khớp. Đồng thời tăng lưu thông máu về khớp xương. Biện pháp này nên được thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc khi có cảm giác co cứng để đạt hiệu quả cao nhất.

Xoa bóp ngón tay
Xoa bóp ngón tay giúp thư giãn các ngón tay, giảm nhẹ cơn đau và tình trạng cứng khớp

+ Sử dụng thuốc không kê đơn

Một số loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm nhanh tình trạng cứng khớp và các biểu hiện đi kèm như sưng, đau, đỏ khớp. Dưới đây là những loại thuốc thường được sử dụng:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Aspirin, Naproxen (Aleve), Ibuprofen (Advil, Motrin) là những thuốc chống viêm không steroid thường được dùng trong điều trị đau và cứng khớp do viêm. Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau, chống viêm, giảm cứng, sưng và những triệu chứng khác liên quan đến viêm khớp.
  • Acetaminophen (Tylenol): Thuốc Acetaminophen (Tylenol) được dùng để giảm đau và cứng khớp ở mức độ nhẹ. Thuốc thường mang đến hiệu quả nhanh nhưng không có khả năng trị viêm.

Mặc dù là thuốc không kê đơn nhưng việc sử dụng Acetaminophen hay NSAID đều cần có hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý dùng thuốc (đặc biệt là NSAID) để tránh phát sinh ra những phản ứng phụ.

2. Bài tập cứng khớp ngón tay

Các bài tập kéo giãn có thể giúp ngăn ngừa và giảm bớt tình trạng cứng khớp ngón tay. Bởi những bài tập này có khả năng thúc đẩy toàn bộ phạm vi chuyển động và chức năng của bàn tay.

Các nghiên cứu cho thấy, việc tuân thủ các bài tập kéo căng là điều quan trọng trong phục hồi chức năng của tay (bao gồm cả các ngón tay). Đồng thời giúp ngăn ngừa tình trạng co cứng mặc dù có thể rất khó để luyện tập.

Co duỗi các ngón tay và bàn tay không phải là phương pháp điều trị thay thế. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, các phương pháp có thể bổ sung cho nhau để khắc phục tốt bệnh lý. Thông thường bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân để chỉ định những bài tập cụ thể. Dưới đây là những bài tập thường được áp dụng:

Nắm tay nhẹ nhàng

Chuyển động của bàn tay và các ngón có thể được thúc đẩy khi thực hành nắm tay mềm. Khi thực hiện, người bệnh sẽ có cảm giác thoải mái, các ngón tay dễ di chuyển hơn mà không gây đau.

  • Mở rộng bàn tay, đồng thời xòe những ngón tay ra xa nhất có thể
  • Nắm tay nhẹ nhàng, ngón tay cái nằm trên các ngón tay còn lại
  • Thư giãn tay, không nắm quá chặt
  • Giữ tư thế trong 45 giây
  • Mở rộng bàn tay. Lặp lại 5 lần mỗi ngày.
Nắm tay nhẹ nhàng
Nắm tay nhẹ nhàng giúp tăng chuyển động của bàn tay và các ngón

Uốn cong ngón tay

Bài tập uốn cong ngón tay giúp các gân và cơ được thư giãn, tăng khả năng chuyển động linh hoạt.

  • Đặt cánh tay và bàn tay phẳng trên bàn, hướng lòng bàn tay lên trên, giữ cổ tay thẳng
  • Từ từ uốn cong các ngón tay về phía lòng bàn tay
  • Nhẹ nhàng thả các ngón tay để trở về tư thế bắt đầu
  • Lặp lại động tác 10 lần.

Duỗi ngón tay

Bài tập duỗi ngón tay giúp các ngón tay được kéo giãn cùng một lúc. Từ đó cải thiện phạm vi chuyển động, khắc phục tình trạng cứng khớp ngón tay.

  • Đặt cánh tay lên bàn, lòng bàn tay hướng xuống
  • Nhẹ nhàng ấn bàn tay để các ngón tay phẳng nhất có thể nhưng không gây đau hay khó chịu
  • Giữ nguyên tư thế này trong 60 giây
  • Lặp lại bài tập 5 lần mỗi ngày.

Duỗi đầu ngón tay

Duỗi đầu ngón tay cho phép người bệnh thúc đẩy một loạt chuyển động và chức năng ở các đầu ngón tay.

  • Đặt bàn tay theo chiều dọc, lòng bàn tay hướng về phía cơ thể
  • Từ từ đưa các đầu ngón tay hướng xuống cho đến khi chạm vào phần trên của lòng bàn tay
  • Giữ nguyên tư thế này trong 30 giây
  • Thư giãn và thả lỏng
  • Lặp lại bài tập 5 lần mỗi ngày.

Chạm ngón tay

Bài tập chạm ngón tay mang đến nhiều lợi ích cho ngón tay cái. Cụ thể bài tập này thúc đẩy một loạt chuyển động ở ngón tay. Chạm ngón tay phù hợp với bệnh nhân bị cứng khớp ngón tay cái.

  • Lòng bàn tay hướng lên, các ngón tay thẳng lên
  • Gập ngón cái ngang lòng bàn tay đến khi đầu ngón tay chạm vào gốc của ngón út
  • Giữ nguyên tư thế này trong 5 giây
  • Di chuyển ngón tay cái để trở lại vị trí bình thường
  • Lặp lại động tác, lần lượt chạm vào gốc ngón tay của những ngón tay khác. Thực hiện 5 lần cho một vị trí.
Chạm ngón tay
Bài tập chạm ngón tay có tác dụng thúc đẩy một loạt chuyển động ở ngón tay

Bài tập tăng cường với dụng cụ

Bài tập tăng cường với các dụng cụ như kẹp lò xo, quả bóng mềm… có thể giúp tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt cho các ngón tay. Bởi những dụng cụ này có thể tạo ra lực cản khi véo hoặc bóp chúng.

  • Bóp dụng cụ càng mạnh càng tốt nhưng không gây đau
  • Giữ nguyên tư thế này trong 30 giây
  • Thư giãn. Lặp lại 15 lần mỗi ngày
  • Nên tập luân phiên các tay vào các ngày khác nhau để mỗi tay có thể được nghỉ ngơi.

3. Điều trị y tế

Dựa trên nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của tình trạng cứng khớp ngón tay, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc nhiều phương pháp điều trị dưới đây:

+ Thuốc kê đơn

Nếu viêm khớp dạng thấp và viêm khớp vảy nến là nguyên nhân gây cứng khớp ngón tay, người bệnh có thể được kê một đơn thuốc chống viêm và ức chế miễn dịch. Điều này giúp ngăn ngừa các rối loạn trong cơ thể, ngăn tổn thương tiến triển và giảm các triệu chứng. Cụ thể như sưng, đau, đỏ, cứng khớp.

Thông thường thuốc Corticoid đường uống sẽ được chỉ định. Thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch và giảm viêm toàn thân. Thuốc thường mang đến hiệu quả điều trị nhanh chóng. Tuy Nhiên Corticoid cần được đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh phản ứng phụ.

+ Nẹp

Bó bột hoặc nẹp khớp tổn thương có thể giúp ổn định khớp và mang đến lợi ích cho các khớp cứng. Phương pháp này thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị chấn thương, sử dụng khớp quá mức hoặc phẫu thuật. Sau tháo nẹp/ bột, người bệnh được yêu cầu thực hiện các bài tập tay để tăng tính linh hoạt cho các ngón.

+ Tiêm steroid

Nếu không đạt hiệu quả cao sau giảm viêm toàn thân, tiêm steroid có thể được chỉ định. Hầu hết bệnh nhân được tiêm Corticoid vào khớp hoặc gân để giảm viêm tại chỗ và kiểm soát tốt các triệu chứng gồm sưng, đau và cứng khớp. Đồng thời ngăn các biến dạng tiến triển.

Tiêm steroid thường mang đến hiệu quả tức thì và kéo dài từ vài tuần đến một năm. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, các triệu chứng có thể tái phát và cần tiêm nhắc lại sau 3 – 6 tháng. Tiêm steroid có thể gây tác dụng phụ tiềm ẩn và nghiêm trọng, trong đó có sự suy yếu của dây chằng và gân. Vì thế phương pháp này chỉ được dùng khi cần thiết.

Tiêm steroid
Tiêm steroid được chỉ định cho những bệnh nhân bị cứng khớp do viêm khớp ngón tay nghiêm trọng

+ Tiêm enzym

Một loại enzym có tên là collagenase sẽ được tiêm vào bàn tay để điều trị chứng co cứng Dupuytren. Phương pháp này giúp làm yếu và làm mềm các mô dày ở tay. Sau khi gây tê để giảm đau, một số động tác khác nhau sẽ được thực hiện để phá vỡ các mô dày.

+ Phẫu thuật

Bác sĩ thường đề nghị phẫu thuật khi những phương pháp điều trị bảo tồn không giúp giảm bớt tình trạng cứng khớp. Ngoài ra phương pháp này cũng được chỉ định khi nguyên nhân gây cứng khớp ngón tay là các bệnh lý nghiêm trọng hay ngón tay bị biến dạng rõ rệt.

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây cứng khớp, bệnh nhân có thể được phẫu thuật nội soi, phẫu thuật tái tạo mô hoặc thay khớp. Lợi ích và các hạn chế sẽ được thảo luân trong khi tư vấn phẫu thuật với bác sĩ.

Sau phẫu thuật điều trị, người bệnh được bó bột hoặc đeo nẹp để bất động bàn tay trong khi nó lành lại. Khi tháo bột, người bệnh được hướng dẫn những bài tập thích hợp để phục hồi phạm vi chuyển động và sức mạnh của tay bị ảnh hưởng.

Biện pháp phòng ngừa cứng khớp ngón tay

Không thể ngăn ngừa tất cả nguyên nhân gây cứng khớp ngón tay. Tuy nhiên nguy cơ cứng khớp có thể giảm khi áp dụng một số biện pháp dưới đây:

  • Tránh té ngã, va chạm mạnh để giảm nguy cơ chấn thương.
  • Đảm bảo chấn thương và các bệnh lý ở khớp được chữa lành đúng cách. Đồng thời tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt là sau chấn thương và phẫu thuật.
  • Thường xuyên chườm nóng hoặc xoa bóp bàn tay.
  • Không bất động bàn tay và các ngón trong thời gian dài.
  • Bổ sung đủ dinh dưỡng từ các thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa… Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, vitamin D, omega-3, protein, chất chống oxy hóa để duy trì xương khớp chắc khỏe, chống viêm và ngăn lão hóa sớm.
  • Duy trì thói quen tập thể dục, ưu tiên những bài tập giúp các ngón tay và bàn tay chuyển động linh hoạt. Điều này giúp phòng ngừa tình trạng cứng khớp ngón tay nhanh và hiệu quả.
Duy trì thói quen tập thể dục, thực hiện bài tập thư giãn các ngón tay và bàn tay
Duy trì thói quen luyện tập với các bài tập thư giãn các ngón tay và bàn tay để tăng tính linh hoạt, phòng ngừa cứng khớp

Nhìn chung cứng khớp ngón tay xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có các tình trạng viêm và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Việc không điều trị có thể khiến ngón tay co cứng kéo dài, tăng nguy cơ liệt và teo cơ. Vì thế ngay khi cứng khớp ngón tay và các biểu hiện khác (như sưng, đau…) xuất hiện, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn khác và khắc phục đúng cách.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua