Cứng khớp gối: Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Phương Mai | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Cứng khớp gối là tình trạng co cứng, khó đi lại và khó vận động ở khớp gối. Tình trạng này chủ yếu xảy ra sau một chấn thương hoặc thiếu vận động, có thể tự khỏi sau một thời gian. Đôi khi cứng ở đầu gối bắt nguồn từ những bệnh lý nghiêm trọng, thường gặp gồm thoái hóa khớp, viêm khớp…

Cứng khớp gối
Tìm hiểu cứng khớp gối là gì? Nguyên nhân, cách chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Cứng khớp gối là gì?

Cứng khớp là một tình trạng thường gặp, xảy ra ở những khớp bị chấn thương hoặc có bệnh lý tác động. Trong đó có khớp gối (chiếm phần lớn các trường hợp).

Cứng khớp gối thể hiện cho tình trạng khớp gối co cứng, mất phạm vi cử động (gập – duỗi) hoặc khó cử động làm ảnh hưởng đến khả năng đi lại và các hoạt động sinh hoạt. Tình trạng này thường xuất hiện đồng thời với nhiều triệu chứng khác, điển hình như sưng, đau, đỏ da quanh khớp và viêm khớp.

Tình trạng co cứng khớp gối có thể bắt đầu từ thói quen lười vận động khiến dịch khớp suy giảm dẫn đến khô khớp gối. Hoặc xảy ra sau chấn thương ở đầu gối. Ngoài ra tình trạng này cũng có thể phát triển từ một số bệnh lý. Trong đó thường gặp gồm thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gout.

Những trường hợp bị cứng khớp gối cần tích cực vận động và áp dụng thêm các phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh chậm trễ. Bở việc chậm trễ trong quá trình điều trị có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, tăng nguy cơ tàn phế.

Dấu hiệu nhận biết cứng khớp gối

Tình trạng cứng khớp gối có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên khớp gối. Khi xuất hiện, tình trạng này thường gây ra những triệu chứng sau:

  • Khó gập – duỗi, hạn chế cử động khớp. Đặc biệt là vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy
  • Mất phạm vi cử động khớp
  • Khó đi lại và thực hiện các hoạt động ở khớp gối
  • Đau khi cố gắng gập – duỗi khớp, đi lại và vận động.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, một số triệu chứng đi kèm có thể xuất hiện, bao gồm:

  • Đỏ vùng da quanh khớp
  • Sưng nề
  • Đau đớn kéo dài
  • Cơ thể mệt mỏi
Cứng khớp gối khiến bệnh nhân khó gập - duỗi, hạn chế cử động khớp
Cứng khớp gối khiến bệnh nhân khó gập – duỗi, hạn chế cử động khớp, đau nhức, khó đi lại

Nguyên nhân gây cứng khớp gối

Cứng khớp gối thường xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Thiếu vận động: Cứng khớp gối dễ xảy ra ở những người thiếu vận động, ngồi lâu một chỗ, bất động khớp do mang nẹp sau phẫu thuật hoặc bó bột… Nguyên nhân là do thiếu vận động làm ảnh hưởng đến khả năng tiết dịch nhờn ở khớp gối, sụn khớp bị mài mòn và không còn trơn tru khi chuyển động. Ngoài ra bất động lâu ngày còn gây ra tình trạng co rút dây chằng dẫn đến cứng khớp.
  • Chấn thương: Cứng khớp gối thường phát triển sau một chấn thương ở đầu gối dẫn đến vỡ mặt xương, đứt/ giãn dây chằng đầu gối, vỡ sụn chêm… Chấn thương có thể xảy ra do té ngã, va đập mạnh, chơi thể thao hoặc vận động mạnh gây xoắn vặn khớp gối…
  • Thoái hóa: Thoái hóa khớp gối thường gặp ở những người lớn tuổi do quá trình lão hóa cơ thể theo thời gian. Bệnh lý này khiến sụn và các xương bên dưới bị hao mòn và tổn thương. Đồng thời hình thành gai xương dẫn đến cứng khớp gối, sưng và đau khớp kéo dài.
  • Bệnh gout: Các triệu chứng của bệnh gout (gút) thường làm ảnh hưởng đến hai đầu gối, khiến khớp sưng to, đau nhức, nóng đỏ và co cứng khó vận động. Bệnh lý này xảy ra khi quá trình chuyển hóa nhân purin bị rối loạn làm ảnh hưởng đến khả năng đào thải acid uric khiến chúng tăng cao trong máu. Lâu ngày gây ra tình trạng tích tụ các tinh thể muối urat natri trong ổ khớp (tại mô sụn). Từ đó dẫn đến tình trạng viêm, đau và cứng khớp.
  • Viêm khớp dạng thấp: Cứng khớp gối có thể là triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Bệnh lý này xảy ra khi hệ miễn dịch và chức năng bị rối loạn dẫn đến nhầm lẫn, liên tục tấn công vào các mô khỏe mạnh. Từ đó gây ra những tổn thương ở khớp, khiến khớp viêm, sưng, đau nhức và co cứng. Viêm khớp dạng thấp có diễn biến phức tạp. Ngoài khớp, bệnh còn làm tổn thương nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
  • Ung thư xương: Trong một số trường hợp hiếm gặp, cứng khớp gối là một trong những dẫu hiệu cảnh báo bệnh ung thư xương. Khối u xương gần khớp gối có thể làm tăng độ nhạy cảm, khớp sưng, cứng và thường xuyên đau nhức. Đối với bệnh lý này, bệnh nhân cần liên hệ sớm với bác sĩ để được điều trị, ngăn ung thư di căn.
Ung thư xương
Ung thư xương là một trong những nguyên nhân làm tăng độ nhạy cảm và gây cứng khớp gối

Cứng khớp gối có nguy hiểm không?

Cứng khớp gối xảy ra do chấn thương hoặc thói quen lười vận động thường không nguy hiểm, có thể dễ dàng khắc phục bằng thuốc và một số biện pháp chăm sóc. Những trường hợp bị cứng khớp do bệnh lý thường nặng hơn. Tuy nhiên nếu được điều trị sớm và tích cực, tình trạng này có thể được kiểm soát trong thời gian ngắn.

Những trường hợp chậm trễ hoặc không tích cực trong điều trị, cứng khớp gối kéo dài có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng sau:

  • Mất khả năng vận động
  • Teo cơ chân
  • Tăng nguy cơ bại liệt
  • Khớp gối bị phá hủy

Kỹ thuật chẩn đoán cứng khớp gối

Thông thường người bệnh được kiểm tra các biểu hiện bên ngoài để xác định tình trạng cứng khớp gối. Cụ thể:

  • Quan sát, kiểm tra biểu hiện sưng, nóng đỏ. Đồng thời yêu cầu bệnh nhân mô tả đặc điểm của cơn đau nếu có.
  • Bệnh nhân được yêu cầu đi lại và thực hiện các động tác như gập gối, duỗi gối, nâng cao chân… để đánh giá khả năng vận động, phạm vị chuyển động và sức cơ.

Ngoài ra để chẩn đoán nguyên nhân gây cứng khớp gối, một số xét nghiệm sẽ được chỉ định. Cụ thể:

  • Xét nghiệm máu: Lấy một lượng nhỏ máu để kiểm tra yếu tố dạng thấp, nồng độ axit uric trong máu, loại vi khuẩn đang hoạt động… Kỹ thuật này cho phép nhận diện các dạng viêm khớp dẫn đến cứng khớp.
  • Chụp X-quang: Kỹ thuật này thường được dùng cho những bệnh nhân có chấn thương đầu gối hoặc cứng khớp gối liên quan đến tổn thương xương. Hình ảnh X-quang cho phép kiểm tra các xương dài và những đầu xương tại ổ khớp. Từ đó xác định tình trạng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ chủ yếu được sử dụng để kiểm tra cấu trúc ổ khớp, sụn tổn thương, mạch máu… Kỹ thuật này có khả năng tiềm kiếm các bệnh lý tiềm ẩn, xác định chính xác nguyên nhân gây cứng khớp.
Kỹ thuật chẩn đoán cứng khớp gối
Cứng khớp gối được chẩn đoán bằng cách kiểm tra triệu chứng, xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh

Điều trị cứng khớp gối

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng, cứng khớp gối được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp.

1. Chăm sóc tại nhà

Đối với những trường hợp cứng khớp gối do lười vận động hoặc chấn thương nhẹ, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp điều trị và chăm sóc tại nhà.

  • Nghỉ ngơi

Nếu cứng khớp kèm theo đau nhiều ở đầu gối, người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh cố gắng gập – duỗi khớp gối hoặc đi lại. Biện pháp này giúp giảm trọng lượng lên khớp tổn thương. Đồng thời thiết lập thời gian giúp khớp phục hồi.

  • Chườm nóng

Nhiệt độ cao có tác dụng thư giãn các khớp, và dây chằng, tăng tuần hoàn máu, giảm đau, giảm cứng khớp và cải thiện khả năng vận động.

Thực hiện: Dùng chai nước nóng hoặc miếng đệm sưởi đặt lên khớp gối trong 20 phút để cải thiện tình trạng.

  • Chườm lạnh

Chườm lạnh phù hợp với những bệnh nhân bị cứng khớp gối do chấn thương. Khi áp dụng, nhiệt độ thấp từ biện pháp này có thể giúp giảm sưng, viêm và đau nhức, tăng tầm vận động cho khớp.

Thực hiện: Dùng một túi đá chườm lên khớp gối trong 15 phút.

Chườm lạnh phù hợp với những bệnh nhân bị cứng khớ gối do chấn thương
Chườm lạnh thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị cứng khớp gối do chấn thương
  • Ăn nhiều hạt lanh và dầu cá

Những người bị cứng khớp gối được khuyên ăn nhiều hạt lanh và các món ăn chứa dầu cá. Bởi đây đều là nguồn bổ sung axit béo omega-3. Loại axit này có khả năng kích thích tăng tiết dịch nhờn bôi trơn, chống khô khớp và cứng khớp, đồng thời giảm nguy cơ thoái hóa.

Ngoài ra axit béo omage-3 (trong hạt lanh được gọi là axit alpha-linolenic – ALA) mang đến hiệu quả cao trong việc giảm viêm và giảm đau nhức.

  • Bổ sung Glucosamine

Nên dùng viên uống Glucosamine 1500mg để bổ sung hàm lượng Glucosamine cần thiết cho quá trình tái tạo sụn khớp, đặc biệt là người lớn tuổi. Chất này có tác dụng tái tạo và nuôi dưỡng sụn, kích thích tăng tiết dịch nhờn, giảm đau. Từ đó giảm nguy cơ cứng khớp gối, thoái hóa khớp và khô khớp.

Tuy nhiên trước khi bổ sung Glucosamine, người bệnh cần hỏi bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng. Thông thường người bệnh có thể bổ sung từ 300 – 2000mg/ ngày tùy thuộc vào độ tuổi.

  • Duy trì vận động

Bệnh nhân bị cứng khớp cần duy trì thói quen vận động, tập thể dục đều đặn mỗi ngày 30 – 60 phút để phòng ngừa và cải thiện cứng khớp gối. Khi vận động, khớp gối cùng các cơ và dây chằng sẽ được thư giãn, tăng độ dẻo dai và duy trì chức năng.

Ngoài ra vận động mỗi ngày còn giúp tăng tiết dịch khớp, giảm nguy cơ thoái hóa sụn và xương, duy trì khả năng vận động, đẩy lùi tình trạng cứng khớp.

Một số bộ môn giúp thư giãn khớp xương và điều trị cứng khớp hiệu quả:

    • Đạp xe
    • Đi bộ
    • Chạy bộ
    • Bơi lội

Một số bài tập yoga trị cứng khớp gối:

Bài tập giãn gân kheo

    • Nằm ngửa, dùng một tấm thảm đệm phía dưới lưng
    • Duỗi thẳng hai chân, tay thả lỏng theo thân người
    • Nâng cao một chân khỏi sàn
    • Đặt hai tay ra sau đùi, dùng lực kéo đầu gối về phía ngực để tạo cảm giác căng nhưng không gây đau đớn
    • Giữ nguyên tư thế trong 30 giây
    • Đổi chân
    • Lặp lại 2 lần mỗi bên.
Bài tập giãn gân kheo
Bài tập giãn gân kheo

Bài tập duỗi cơ tứ đầu

    • Đứng cạnh tường, hai chân dang rộng bằng vai
    • Cong và gập gối ra phía sau, bàn chân hướng về mông
    • Dùng tay giữ mắt cá chân, nhẹ nhàng kéo về phía mông hết mức có thể
    • Giữ nguyên tư thế trong 30 giây
    • Đổi chân
    • Lặp lại 2 lần mỗi bên.

Bài tập nâng mở rộng chân

    • Ngồi trên ghế, đặt hai bàn chân lên sàn, mở rộng hai chân ngang hông
    • Co cơ đùi, đồng thời nâng cao một chân hết mức có thể
    • Giữ nguyên tư thế trong 5 giây
    • Đổi chân
    • Lặp lại 20 lần mỗi chân.

Bài tập nhón chân

    • Đứng thẳng trên sàn, hai chân rộng bằng vai
    • Từ từ nhón chân để hai gót chân được nhấc lên khỏi mặt đất
    • Giữ nguyên tư thế trong 15 giây
    • Từ từ hạ gót chân xuống
    • Lặp lại động tác 10 lượt/ lần, mỗi ngày 2 lần.

Bài tập nửa ngồi xổm

    • Đứng thẳng, hai chân dang rộng bằng vai, mắt nhìn thẳng
    • Từ từ ngồi xổm xuống đến khoảng 10 inch thì ngưng. Đồng thời nâng cao tay và đặt trước mặt
    • Giữ nguyên tư thế từ 3 – 5 giây
    • Lặp lại động tác 10 lượt/ lần, mỗi ngày 2 – 3 lần.
Bài tập nửa ngồi xổm
Bài tập nửa ngồi xổm

2. Sử dụng thuốc

Dựa vào nguyên nhân bệnh lý và các triệu chứng đi kèm, bệnh nhân bị cứng khớp gối có thể được điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid hoặc tiêm Steroid. Một số trường hợp có thể cần tiêm dịch khớp.

  • Thuốc chống viêm không steroid

Aspirin, Ibuprofen, Naproxen hoặc một loại thuốc chống viêm không steroid sẽ được sử dụng trong điều trị khô khớp gối. Thuốc này có tác dụng giảm viêm và đau, giảm nhẹ triệu chứng cứng khớp và tăng khả năng vận động.

Mặc dù là thuốc không kê đơn nhưng các thuốc chống viêm không steroid cần được dùng theo hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ. Ngoài ra cần hạn chế dùng thuốc trên 7 ngày.

  • Tiêm Steroid

Tiêm Steroid thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị cứng khớp do sưng và viêm khớp (không dùng trong khi viêm khớp tiến triển). Thuốc có tác dụng chống viêm mạnh, đồng thời giảm đau, sưng và cứng khớp gối.

Steroid mang đến hiệu quả nhanh nhưng thường ngắn hạn. Một số triệu chứng có thể tái phát. Vì thế bệnh nhân có thể được yêu cầu tiêm nhắc lại.

  • Tiêm dịch khớp

Đối với những trường hợp nặng, tiêm dịch khớp có thể được chỉ định. Phương pháp này giúp bổ sung một lượng chất nhờn vừa đủ để phục vụ cho các chuyển động ở đầu gối, giúp khớp gối tru, không bị co cứng và không có cảm giác đau đớn khi di chuyển.

Ngoài ra bổ sung dịch khớp còn giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị viêm khớp, thoái hóa khớp và một số bệnh lý liên quan. Tuy nhiên phương pháp điều trị này cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc cho những bệnh nhân bị cứng khớp gối nặng, phát sinh từ các bệnh lý nghiêm trọng

3. Vật lý trị liệu

Thông thường bệnh nhân sẽ được yêu cầu vật lý trị liệu đơn lẻ hoặc kết hợp dùng thuốc điều trị cứng khớp gối ở trường hợp nặng. Hầu hết bệnh nhân được yêu cầu tập trị liệu.

Quy trình điều trị thường bắt đầu từ những bài tập gập – duỗi gối bị động, có trợ giúp của chuyên gia. Những bài tập này có tác dụng giảm đau, tăng tầm vận động, giảm cảm giác co cứng ở khớp gối và giảm nguy cơ teo cơ.

Sau 3 – 7 ngày thích nghi, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn luyện tập với một số bài tập có cường độ cao, tập chủ động. Những bài tập này chủ yếu được thực hiện với mục đích loại bỏ chứng cứng khớp, tăng cường sức cơ, bệnh nhân vận động và đi lại dễ dàng.

Biện pháp phòng ngừa cứng khớp gối

Một số biện pháp dưới đây có thể giúp phòng ngừa cứng khớp gối hiệu quả:

  • Duy trì thói quen tập thể dục và vận động mỗi ngày (khoảng 30 – 60 phút/ ngày, 4 – 6 buổi/ tuần). Nên thực hiện các bài tập kéo giãn hoặc các bộ môn tốt cho khớp gối. Cụ thể như yoga, đạp xe, chạy bộ, đi bộ…
  • Nên tập thể dục nhịp điệu để tăng độ dẻo dai của dây chằng, căng cơ và khớp. Các nghiên cứu cho thấy, bộ môn này giúp cơ thể vận động theo nhịp điệu, thích nghi với sự tăng dần, vận động khớp và tăng cường sức cơ đúng cách. Từ đó nâng cao sức khỏe xương khớp, cải thiện độ linh hoạt và dẻo dai, phòng ngừa cứng khớp hiệu quả.
  • Không lạm dụng khớp gối, lặp đi lặp lại một chuyển động làm tăng áp lực lên khớp gối (nhảy cao, nhảy xa…) để phòng ngừa chấn thương dẫn đến cứng khớp gối.
  • Tránh ngồi lâu một chỗ hay bất động lâu ngày. Những người có công việc cần ngồi lâu nên thường xuyên co duỗi khớp gối, đi lại và vận động nhẹ mỗi 60 phút/ lần.
  • Kiểm soát cân nặng, tránh để trọng lượng dư thừa làm ảnh hưởng đến khớp gối.
  • Điều trị tích cực các bệnh lý liên quan đến khớp gối.
  • Thường xuyên xoa bóp và chườm ấm để thư giãn ổ khớp, tăng tiết dịch nhờn.
  • Thiết lập chế độ ăn uống chứa các thực phẩm giàu vitamin D, canxi và axit béo omega-3. Cụ thể như cá hồi, cá mòi, cá trích, trứng cá muối, dầu gan cá tuyết, sữa, phô mai, sữa chua, các loại rau xanh, tôm, cua, bông cải xanh, hạnh nhân, hạt vừng, quả óc chó… Bởi canxi và vitamin D có khả năng duy trì hệ xương khớp chắc khỏe, ngăn thoái hóa khớp và loãng xương. Omega-3 có tác dụng tăng tiết dịch nhờn ổ khớp, chống viêm, giảm đau, ngăn ngừa khô khớp và cứng khớp.
Duy trì thói quen tập thể dục và vận động mỗi ngày
Duy trì thói quen tập thể dục và vận động mỗi ngày là biện pháp phòng ngừa cứng khớp gối hiệu quả

Cứng khớp gối xảy ra do nhiều nguyên nhân. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh do thiếu vận động, bất động lâu ngày và chấn thương. Một số trường hợp khác xảy ra do bệnh lý. Cứng khớp thường nhẹ, điều trị tích cực có thể sớm phục hồi chức năng vận động, khắc phục triệu chứng. Ngược lại không được điều trị đúng cách hoặc không tích cực có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua