Cong vẹo cột sống học đường là gì? Điều cần biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vũ Phương Ngọc
Theo dõi IHR trên goole news

Cong vẹo cột sống học đường là tình trạng cong vẹo cột sống xảy ra ở lứa tuổi học sinh, thường phát triển nhanh hơn ở những người có độ tuổi 8 – 14 tuổi. Tình trạng này khiến cột sống cong sang một bên, các đốt sống xoay tạo thành một đường cong bất thường. Nếu phát hiện sớm người bệnh sẽ được điều trị bằng các biện pháp đơn giản mà không cần phẫu thuật.

Cong vẹo cột sống học đường
Tìm hiểu cong vẹo cột sống học đường là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, phòng ngừa và điều trị

Cong vẹo cột sống học đường là gì?

Cong vẹo cột sống học đường thể hiện cho tình trạng cong vẹo cột sống xảy ra ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Tình trạng này khiến cột sống cong sang một bên, các đốt sống vẹo (xoay) hình thành một đường cong bất thường của lưng. Đôi khi cột sống cong sang hai bên tùy theo yếu tố tác động.

Bệnh xảy ra từ 6 – 20 tuổi. Tuy nhiên nam giới có độ tuổi từ 9 – 14 tuổi, nữ từ 8 – 13 tuổi (tuổi dậy thì) thường có đường cong cột sống phát triển nhất. Bởi trong thời gian này cột sống của trẻ đang trong giai đoạn phát triển nhanh.

Cong vẹo cột sống học đường chủ yếu xảy ra do sự sai lệch tư thế trong thời gian dài. So với vẹo cột sống bẩm sinh hay vẹo cột sống ở trẻ em do bệnh lý, tình trạng này ít nghiêm trọng, dễ điều chỉnh và phòng ngừa hơn.

Nguyên nhân gây cong vẹo cột sống học đường

Cong vẹo cột sống học đường thường tiến triển do sự sai lệch tư thế trong thời gian dài. Cụ thể:

  • Ngồi học với bàn ghế không phù hợp. Cụ thể như bàn quá cao hoặc quá thấp so với lứa tuổi học sinh
  • Ngồi học không ngay ngắn, không đúng tư thế. Trẻ thường xuyên nằm, quỳ hoặc nghiêng thân người khi học bài
  • Mang cặp sách quá nặng đè nén lên một bên vai và tay trong thời gian dài
  • Thường xuyên cúi đầu do ngồi đọc, viết do ánh sáng kém
  • Ngồi trên ghế bị yếu khiến phần mông võng xuống
Ngồi học không ngay ngắn, không đúng tư thế
Ngồi học không ngay ngắn, không đúng tư thế, nghiêng sang một bên là nguyên nhân gây cong vẹo cột sống học đường

Dấu hiệu nhận biết cong vẹo cột sống học đường

Để xác định tình trạng cong vẹo cột sống học đường, bạn có thể dựa vào những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết dưới đây:

  • Cột sống cong sang bên trái hoặc phải, đôi khi cong cả hai bên
  • Lưng mất cân đối, cột sống bị xoắn vặn tạo nên ụ lồi
  • Xương sườn lồi lên
  • Hai vai dốc không đều, một bên của bả vai cao hơn bên còn lại
  • Khoảng cách từ mỏm xương bả vai đến gai đốt sống của hai bên không đều nhau
  • Xương bả vai nhô ra
  • Phần hông (tam giác eo tạo ra từ thân và cánh tay) không đều nhau, bên cao bên thấp, bên rộng bên hẹp
  • Khung xương chậu không đều, mào chậu một bên cao hơn bên còn lại

Nếu lưng gù sẽ có thêm một số biểu hiện sau:

  • Nhìn nghiêng hoặc nhìn từ sau thấy lưng tròn
  • Bụng nhô
  • Vai thấp
  • Đầu ngã về phía trước

Một số biểu hiện nếu lưng bị ưỡn:

  • Bụng xệ xuống
  • Phần trên của thân người hơi ngả về phía sau
Dấu hiệu nhận biết cong vẹo cột sống học đường
Cong vẹo cột sống học đường khiến lưng mất cân đối, cột sống bị xoắn vặn tạo nên ụ lồi

Cong vẹo cột sống học đường có nguy hiểm không?

Phần lớn trường hợp cong vẹo cột sống học đường không nghiêm trọng. Đường cong cột sống có thể được điều chỉnh bằng một số phương pháp đơn giản, không cần can thiệp phẫu thuật.

Tuy nhiên việc thăm khám và điều trị cần được diễn ra sớm, ngay khi phát hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào. Bởi trường hợp vẹo cột sống nhẹ có thể nhanh chóng tiến triển đến mức độ nặng và rất nặng. Điều này khiến cột sống cong lệch nghiêm trọng. Đồng thời giảm hiệu quả của quá trình điều trị, gây ra dị tật vĩnh viễn và làm ảnh hưởng đến những cơ quan bên trong.

Chẩn đoán cong vẹo cột sống học đường

Trước khi đề xuất những phương pháp điều trị thích hợp, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám xác định rõ mức độ cong vẹo cột sống học đường.

Các bước kiểm tra:

  • Đầu tiên người bệnh sẽ được yêu cầu đứng thẳng để đánh giá độ ngang bằng của vai, hông, khung xương sườn. Đồng thời xác định tình trạng nhô ra của xương bả vai và ụ lồi do cột sống bị xoắn vặn tạo thành.
  • Trẻ được yêu cầu cúi người lên phía trước để xác định mức độ cong vẹo của cột sống.
  • Bác sĩ chỉ định chụp X-quang cột sống. Dựa vào hình ảnh X-quang, bác sĩ có thể đo và xác định được mức độ nghiêm trọng cũng như độ lớn của góc cong vẹo.

Khám lâm sàng và chụp X-quang sẽ được thực hiện vài tháng 1 lần để xác định khả năng và tốc độ tiến triển của đường cong cột sống. Từ đó lập ra phác đồ điều trị thích hợp.

Chẩn đoán cong vẹo cột sống học đường
Chẩn đoán cong vẹo cột sống học đường bằng cách quan sát đường cong cột sống và chụp X-quang

Phương pháp điều trị cong vẹo cột sống học đường

Tùy thuộc vào độ lớn, khả năng và tốc độ tiến triển của đường cong cột sống, bác sĩ chuyên khoa có thể đề nghị bệnh nhân mang áo nẹp hoặc thực hiện những bài tập phục hồi chức năng. Đối với những trường hợp nặng và có đường cong phát triển nhanh, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật chỉnh hình.

1. Nẹp lưng

Nẹp lưng là phương pháp thường được áp dụng trong điều trị cong vẹo cột sống học đường. Phương pháp này phù hợp với những người có bệnh lý nhẹ, đường cong cột sống (gốc COBB) không quá 45 độ.

Sử dụng áo nẹp cố định lưng 23 giờ mỗi ngày có thể ngăn đường cong cột sống tiến triển, không khiến nó trở nên tồi tệ hơn. Phần lớn các trường hợp sử dụng áo nẹp đều cho kết quả tốt.

Tuy nhiên phương pháp này không thể chỉnh sửa được đường cong. Vì thế đối với những trường hợp có đường cong cột sống dễ nhìn thấy và làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, người bệnh cần nẹp lưng kết hợp vận động trị liệu.

Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu mặc áo nẹp liên tục (23 giờ/ ngày) cho đến khi cột sống ngừng phát triển (khoảng 16 – 17 tuổi). Áo nẹp chỉ được tháo ra khi trẻ hoạt động thể chất, bơi lội và chơi những môn thể thao tiếp xúc.

2. Bài tập phục hồi chức năng

Một số bài tập phục hồi chức năng có thể khắc phục tình trạng cong vẹo cột sống học đường, điều chỉnh đường cong cột sống, giúp lưng thẳng, mềm dẻo và linh hoạt hơn.

Tập thở sâu chỉnh khung xương sườn

Với bài tập thở sâu, người bệnh có thể điều chỉnh khung xương sườn và cải thiện độ giãn nở của lồng ngực.

  • Ngồi thẳng lưng hoặc giữ tư thế nửa ngồi nửa nằm, hai tay đặt dưới cơ hoành
  • Từ từ hít sâu và nhẹ nhàng thở ra
  • Thực hiện liên tục, khoảng 10 lần.
Tập thở sâu chỉnh khung xương sườn
Tập thở sâu chỉnh khung xương sườn, tăng độ giãn nở của lồng ngực

Chỉnh đường cong cột sống bằng tư thế quỳ

Luyện tập với tư thế quỳ bốn điểm giúp điều chỉnh cột sống, giảm độ lớn của đường cong, tăng cường độ mềm dẻo và tính linh hoạt.

  • Bắt đầu với tư thế quỳ bốn điểm
  • Đưa tay bên lõm của đường cong lên phía trước, đồng thời đưa chân đối diện lên theo
  • Giữ nguyên vị trí thân mình
  • Duy trì tư thế này trong 10 giây
  • Lặp lại động tác liên tục 10 lần.

Chỉnh cong vẹo cột sống bằng tư thế ngồi xoay ngang

Bài tập này có tác dụng kéo giãn và tác động tích cực vào những nhóm cơ bên lõm của đường cong, cải thiện độ dẻo dai của cột sống.

  • Ngồi trên ghế, giữ thẳng lưng
  • Hai tay cầm vật, nâng cao và đưa ra trước mặt
  • Xác định bên lõm của cột sống và xoay thân người sang bên đối diện
  • Duy trì tư thế này trong 10 giây, hít thở đều
  • Lặp lại động tác liên tục 10 lần.

Chỉnh cong vẹo cột sống bằng tư thế ngồi nâng cao tay

Thường xuyên thực hiện tư thế ngồi nâng cao tay giúp điều chỉnh cột sống, kéo giãn các nhóm cơ bên lõm của đường cong. Đồng thời tăng phạm vi chuyển động và cải thiện độ dẻo dai của cột sống.

  • Ngồi trên ghế, giữ thẳng lưng
  • Giơ cao tay bên vai thấp, bàn tay hướng lên trần nhà. Tay đối diện bám vào mép ghế
  • Duy trì tư thế trong 10 giây
  • Hít thở đều và hạ thấp tay
  • Lặp lại động tác liên tục 10 lần.

Tăng tầm vận động với tư thế ngồi

Bài tập tăng tầm vận động khi ngồi có tác dụng kéo giãn nhóm cơ duỗi lưng, cải thiện tính mềm dẻo và khả năng vận động của cột sống.

  • Ngồi trên sàn, hai chân áp sát, duỗi thẳng và hướng ra phía trước
  • Nâng cao tay và giữ thẳng lưng
  • Từ từ cong người và hướng ra phía trước sao cho bàn tay chạm và ôm lấy bàn chân
  • Duy trì tư thế này trong 10 giây
  • Lặp lại động tác liên tục 10 lần.
Tăng tầm vận động với tư thế ngồi
Tăng tầm vận động với tư thế ngồi giúp cải thiện tính mềm dẻo và khả năng vận động của cột sống

Chỉnh cong vẹo cột sống với tư thế đứng

Chỉnh cong vẹo cột sống với tư thế đứng giúp kéo giãn và tác động tích cực vào nhóm cơ bên lõm của đường cong, cột sống linh hoạt và mềm dẻo hơn.

  • Đặt cao một thanh xà ngang
  • Đứng thẳng
  • Tay bên vai thấp nâng cao và bám lên xà ngang, sau đó dồn lực và kéo người
  • Hạ thấp vai đối diện
  • Giữ tư thế trong 10 giây
  • Hít thở đều và trở về vị trí ban đầu
  • Lặp lại động tác liên tục 10 lần.

3. Phẫu thuật

Hiếm khi cong vẹo cột sống học đường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật do phần lớn các trường hợp đều nhẹ. Phương pháp này chỉ cần thiết và được chỉ định khi:

  • Cong vẹo cột sống học đường ở mức độ nặng và có đường cong phát triển nhanh
  • Dùng áo nẹp và vận động trị liệu không mang đến hiệu quả
  • Góc COBB trên 45 độ

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và độ tuổi, trẻ nhỏ có thể được phẫu thuật ghép thanh nẹp điều chỉnh cột sống hoặc phẫu thuật hợp nhất các đốt sống.

  • Phẫu thuật ghép thanh nẹp: Phương pháp này được thực hiện với đường rạch lớn, cấy thanh nẹp kim loại vào trong và dọc theo cột sống. Mỗi vài tháng một lần, người bệnh được thực hiện thủ thuật nhỏ điều chỉnh độ dài của thanh nẹp để phù hợp với chiều dài của cột sống đang phát triển. Thủ thuật điều chỉnh sẽ được thực hiện nhiều lần cho đến khi thanh nẹp được lấy ra.
  • Phẫu thuật hợp nhất các đốt sống: Từ 2 – 3 đốt sống sẽ được cố định với nhau bằng đinh vít, thanh kim loại, dây hoặc/ và móc kèm theo ghép xương tự thân. Khi được cố định, cá đốt sống sẽ phát triển cùng nhau và cải thiện góc cong của cột sống.
  • Cắt bỏ đốt sống: Một số đốt sống lưng không cần thiết (ở góc cong cột sống) sẽ được loại bỏ. Sau đó dùng xương tự thân, thanh kim loại và đinh vít hợp nhất đốt sống để điều chỉnh từng phần của đường cong.

Sau phẫu thuật vẹo cột sống, người bệnh sẽ được sử dụng áo nẹp kết hợp vật lý trị liệu phục hồi chức năng để đảm bảo cột sống được điều chỉnh ở mức tối đa.

Phẫu thuật khi cong vẹo cột sống học đường nặng
Phẫu thuật khi cong vẹo cột sống học đường ở mức độ nặng và có đường cong phát triển nhanh

Biện pháp phòng ngừa cong vẹo cột sống học đường

Cong vẹo cột sống học đường có thể được phòng ngừa bằng nhiều phương pháp đơn giản, cụ thể:

  • Đảm bảo duy trì tư thế đúng khi ngồi học là cách phòng ngừa cong vẹo cột sống học đường hiệu quả. Cụ thể trong khi ngồi cần:
    • Giữ cho thân thẳng
    • Cổ và đầu hơi ngã về phía trước
    • Đặt hai bàn chân vững chắc và ngay ngắn trên sàn. Đồng thời giữ cho đùi và cẳng chân tạo thành một góc 90 độ hoặc dao động trong khoảng 75 đến 105 độ
    • Để hai tay ngay ngắn trên mặt bàn
    • Không ngồi khom lưng hoặc cong vẹo cột sống sang một bên; Cổ và đầu không ngã về phía trước hoặc cúi xuống quá nhiều.
  • Phòng học cần có ánh sáng chiếu tự nhiên, không lạm dụng đèn học cũng như đèn chiếu sáng nhân tạo.
  • Cần nghỉ giải lao giữa tiết học để cột sống và các khớp xương được thư giãn.
  • Khi ở nhà, ngay góc học tập trong phòng cần được trang bị đèn chiếu sáng để đảm bảo ánh sáng được tốt hơn.
  • Không nên mang cặp quá nặng. Tốt nhất trọng lượng cặp sách cần nhỏ hơn 15% so với trọng lượng cơ thể.
  • Ưu tiên cặp sách có hai quai để cả hai vai và vùng lưng cần được cân bằng khi mang cặp. Không nên mang cặp một quai để tránh vai và lưng lệch về một phía.
  • Ngủ sớm và ngủ đủ giấc. Tùy thuộc vào từng độ tuổi, thời gian ngủ nên dao động từ 8 – 9 giờ vào ban đêm và 30 – 60 phút vào ban ngày,
  • Duy trì thói quen chơi thể thao. Đặc biệt ưu tiên những bộ môn giúp kéo giãn cột sống và thân người, giúp cột sống phát triển theo hướng tích cực. Cụ thể như bơi lội, bóng rổ…
  • Đảm bảo thiết lập và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, chứa đa dạng các loại vitamin, khoáng chất, protein và nhiều thành phần thiết yếu khác. Đặc biệt cần ăn nhiều hải sản, rau lá xanh, hoa quả, sữa, phô mai, sữa chua, các loại hạt, thịt và cá để bổ sung canxi và vitamin D. Bởi đây là hai thành phần tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển hệ xương chắc khỏe. Ngoài ra canxi và vitamin D còn giúp hỗ trợ duy trì đường cong tự nhiên của cột sống trong giai đoạn phát triển.
  • Cần tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa những bệnh lý làm ảnh hưởng đến cột sống như bại liệt, bệnh lao…
  • Thường xuyên thăm khám để sớm phát hiện tình trạng cong vẹo cột sống học đường. Từ đó có những phương pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời, tránh để đường cong cột sống trở nên tồi tệ hơn.
Ngồi học đúng tư thế
Ngồi học đúng tư thế, giữ cho thân thẳng, để hai tay ngay ngắn là cách phòng ngừa cong vẹo cột sống học đường hiệu quả

Cong vẹo cột sống học đường là tình trạng thường gặp, chủ yếu xảy ra do những tư thế xấu khi ngồi học, mang cặp sách quá nặng và lệch sang một bên vai. Tình trạng này khiến cột sống mất đường cong tự nhiên, cong vẹo sang một bên ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, các cơ quan bên trong và sự phát triển toàn diện. Vì thế ngay khi có dấu hiệu bất thường, trẻ cần được thăm khám chuyên sâu và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua