Co Giật Cơ Bắp: Nguyên Nhân, Cách Chẩn Đoán và Điều Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vũ Phương Ngọc
Theo dõi IHR trên goole news

Co giật cơ bắp là hiện tượng cơ bắp đột ngột bị co cứng, tự phát và chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Phần lớn các trường hợp không gặp nguy hiểm, có triệu chứng nhẹ, khởi phát do vận động quá mức và một số nguyên nhân đơn giản khác. Tuy nhiên hiện tượng cơ bắp co cứng cũng có thể khởi phát từ một số bệnh lý nghiêm trọng, cần được điều trị y tế.

Co giật cơ bắp
Tìm hiểu co giật cơ bắp là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết, cách chẩn đoán và chữa trị

Co giật cơ bắp là gì?

Co giật cơ bắp là hiện tượng cơ bắp đột ngột bị co cứng. Tình trạng này thường tự phát và chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Sau khi các triệu chứng được xoa dịu, cơ bắp sẽ trở lại bình thường.

Phần lớn bệnh nhân bị co giật cơ bắp do tiêu thụ nhiều caffeine từ thực phẩm, vận động quá mức, chạy đường dài và một số nguyên nhân đơn giản khác. Đối với trường hợp này, người bệnh hầu như không gặp nguy hiểm, các triệu chứng chỉ gây khó chịu và tự biến mất ngay sau đó (khoảng vài giây đến vài phút).

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, co giật cơ bắp khởi phát từ những bệnh lý nghiêm trọng. Điều này khiến các triệu chứng khởi phát nhiều lần và nặng nề hơn so với thông thường.

Triệu chứng co giật cơ bắp

Co giật cơ bắp gây ra những biểu hiện sau:

  • Rung giật bó cơ. Triệu chứng này có thể được nhìn thấy và cảm nhận rõ rệt.
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Đau nhức
  • Mau mệt cơ khi vận động
  • Mất ý thức khi cơ co giật nghiêm trọng.

Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và sự tác động từ các triệu chứng đến cơ thể không giống nhau.

Triệu chứng co giật cơ bắp
Co giật cơ bắp gây rung giật bó cơ, đau nhức cơ, cơ thể mệt mỏi, mất ý thức khi cơ co giật nghiêm trọng…

Nguyên nhân gây co giật cơ bắp

Các nguyên nhân gây co giật cơ bắp được chia thành hai nhóm, bao gồm nguyên nhân đơn giản và nguyên bệnh lý.

1. Nguyên nhân đơn giản

Phần lớn bệnh nhân bị co giật cơ bắp do những nguyên nhân dưới đây:

  • Căng thẳng, stress: Căng thẳng, stress kéo dài là nguyên nhân phổ biến khiến cơ bắp đột ngột bị co cứng. Để phòng ngừa và cải thiện, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, thư giãn và kiểm soát tâm trạng.
  • Tiêu thụ nhiều sản phẩm chứa caffeine: Rối loạn tâm thần và co giật cơ bắp thường xảy ra sau khi tiêu thụ một lượng lớn caffeine thông qua các loại thực phẩm hoặc sản phẩm. Ngoài ra uống nhiều rượu bia cũng có thể là nguyên nhân làm phát sinh tình trạng này.
  • Hút thuốc lá: Hàm lượng nicotine trong thuốc lá có thể kích thích cơ bắp và gây ra hiện tượng co cứng.
  • Sử dụng thuốc: Co giật cơ bắp có thể là tác dụng phụ từ việc sử dụng một số loại thuốc như corticoid, estrogen, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần… Vì thế cần thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.

2. Nguyên nhân bệnh lý

Một số nguyên nhân bệnh lý khiến bệnh nhân bị co giật cơ bắp gồm:

  • Hội chứng đau cơ xơ hóa 

Hội chứng đau cơ xơ hóa là một tình trạng đau mãn tính trong cơ, gân, dây chằng cùng những tổ chức phần mềm của cơ thể. Bệnh lý này không gây tổn thương thực thể tại cơ, xương, khớp nhưng kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng.

Các triệu chứng thường bao gồm: Xuất hiện cảm giác mệt mỏi, bệnh nhân trầm cảm và mất ngủ, đau co thắt, đau sâu trong cơ, đau lan tỏa toàn bộ cơ thể, đau rát bỏng hoặc đau như cắt ở cơ, gân hoặc tổn chức mềm quanh khớp, rối loạn chức năng vận động, đau đầu mạn tính không rõ nguyên nhân.

Ngoài ra yếu cơ và co giật cơ bắp thường gặp ở những bệnh nhân bị hội chứng đau cơ xơ hóa. Để điều trị bệnh nhân cần duy trì thói quen tập thể dục, kéo giãn và sử dụng thuốc.

Co giật cơ bắp thường xảy ra ở những bệnh nhân bị loạn dưỡng cơ. Đây là một nhóm các bệnh lý di truyền khiến cơ bị suy yếu và gây mất khối lượng cơ theo thời gian. Nguyên nhân là do các gen đột biến khiến quá trình sản xuất dystrophin (một loại protein cần thiết cho quá trình phát triển và đảm bảo cho chức năng bình thường của cơ) bị ảnh hưởng. Điều này khiến bệnh nhân khó di chuyển, mất khối lượng và sự phối hợp cơ.

Loạn dưỡng cơ thường gặp ở trẻ em (đặc biệt là trẻ em trai) với nhiều loại và triệu chứng đa dạng. Bệnh có xu hướng tiến triển theo thời gian và không có phương pháp điều trị dứt điểm. Các phương pháp được áp dụng chỉ nhằm vào mục đích kiểm soát triệu chứng và hạn chế sự tiến triển của bệnh.

Loạn dưỡng cơ
Loạn dưỡng cơ là một trong những nguyên nhân gây chứng co giật cơ bắp thường gặp
  • Xơ cứng teo cơ một bên (ALS)

Xơ cứng teo cơ một bên (ALS) là một trong những nguyên nhân gây co giật cơ bắp. Đây là một bệnh thần kinh chủ yếu gây ra những ảnh hưởng xấu đến tủy sống, các dây thần kinh trong thân não và vỏ não của não. Bệnh tiến triển khiến tủy sống và các dây thần kinh chết dần, cuối cùng bệnh nhân bị tàn tật và tử vong.

Hiện tại nguyên nhân chính xác gây xơ cứng teo cơ một bên vẫn chưa được xác định. Các triệu chứng thường bao gồm co giật cơ, yếu cơ, không thể di chuyển chân hoặc tay, khó thở do các cơ bắp chịu trách nhiệm cho quá trình hô hấp ngừng làm việc.

  • Một số bệnh lý khác

Trong một số trường hợp, chứng co giật cơ bắp xảy ra do một số bệnh lý dưới đây:

    • Hội chứng Isaac
    • Hội chứng chân không yên
    • Bệnh teo cơ tủy sống

Co giật cơ bắp có nguy hiểm không?

Co giật cơ bắp thường không gây nguy hiểm, các triệu chứng nhẹ, chỉ gây khó chịu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên ở những bệnh nhân bị co giật cơ bắp do bệnh lý, người bệnh cần được thăm khám và điều trị đúng cách. Bởi việc không điều trị sớm và đúng cách có thể làm ảnh hưởng đến khả năng vận động và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Cụ thể như:

  • Co cứng các gân xung quanh khớp
  • Cơ ngắn
  • Tàn tật…

Chẩn đoán co giật cơ bắp

Thông thường co giật cơ bắp sẽ được chẩn đoán bằng cách kiểm tra thời điểm và mức độ nghiêm trọng của tình trạng co cứng cơ. Đồng thời xác định những biểu hiện đi kèm, tiền sử bệnh và những yếu tố rủi ro (vận động gắng sức, hút thuốc, dùng chất kích thích, uống rượu bia, thường xuyên căng thẳng, stress, kéo dài…).

Ngoài ra người bệnh sẽ được thực hiện một số kỹ thuật dưới đây để chẩn đoán nguyên nhân gây co giật cơ bắp:

  • Xét nghiệm máu
  • Sinh thiết cơ
  • Đo điện cơ và nghiên cứu dẫn truyền thần kinh
  • Chụp X-quang
  • Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính)
  • Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ)
  • Xét nghiệm di truyền
  • Điện tâm đồ

Sau khi xác định nguyên nhân gây co giật cơ bắp, người bệnh sẽ được hướng dẫn điều trị với những phương pháp thích hợp.

Chẩn đoán co giật cơ bắp
Chẩn đoán co giật cơ bắp bằng cách kiểm tra triệu chứng, tiền sử bệnh, những yếu tố rủi ro và kỹ thuật kiểm tra hình ảnh

Phương pháp điều trị co giật cơ bắp

Phần lớn bệnh nhân bị co giật cơ bắp được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc tại nhà. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể được chỉ định dùng thuốc, hầu như không can thiệp ngoại khoa.

1. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Để cải thiện chứng co giật cơ bắp và hạn chế nguy cơ tái phát trong tương lai, người bệnh có thể áp dụng những biện pháp chăm sóc tại nhà. Cụ thể:

  • Nghỉ ngơi: Bệnh nhân bị co giật cơ bắp được khuyên nghỉ ngơi hợp lý, tránh vận động gắng sức hay thực hiện những hoạt động mạnh khiến cơ bắp chịu nhiều áp lực dẫn đến co thắt. Khi nghỉ ngơi, bạn cần nâng cao chi để chi tổn thương được thư giãn.
  • Duy trì vận động: Khi đợt co giật cơ bắp qua đi, người bệnh nên duy trì vận động với những bài tập nhẹ nhàng để tránh tình trạng yếu cơ và suy giảm khối lượng cơ. Những bộ môn phù hợp với bệnh nhân bị co thắt cơ gồm đi bộ, yoga, thiền định, tập dưỡng sinh…
  • Xoa bóp: Xoa bóp nhẹ nhàng có thể cải thiện nhanh tình trạng co giật cơ bắp, giảm co cứng và cảm giác đau mỏi khó chịu. Khi xoa bóp, người bệnh cần dùng hai bàn tay với lực tác động vừa phải, ấn và xoa theo chiều kim đồng hồ trong 1 phút. Sau đó day và bóp từ trên xuống, từ bên này sang bên kia trong 5 phút, lặp lại 2 lần sẽ thấy các triệu chứng thuyên giảm đáng kể.
  • Thiết lập chế độ sinh hoạt lành mạnh: Để cắt giảm tình trạng co giật cơ bắp, người bệnh cần thiết lập và xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh, đảm bảo cơ thể cùng các cơ luôn được thư giãn. Cụ thể:
    • Ngủ đủ giấc và ngủ sớm
    • Không sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia) trong chế độ ăn uống.
    • Hạn chế uống cà phê.
    • Không liên tục lặp đi lặp lại những hoạt động làm tăng áp lực lên cơ bắp như nhảy, chạy nước rút, đi bộ đường dài…
    • Tập thể dục nhiều hơn.
    • Khởi động trước khi tập thể dục.
  • Ăn uống đủ chất: Bệnh nhân bị co giật cơ bắp được khuyên ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều này tăng cường sức cơ, duy trì khối lượng cơ hợp lý và giảm nguy cơ co cứng khó chịu. Khẩu phần ăn mỗi ngày nên chứa nhiều rau xanh, các loại đậu, hạt, thịt, cá, trái cây tươi… Bởi đây là nguồn cung cấp vitamin, omega-3 cùng những khoáng chất cần thiết. Ngoài ra người bệnh cần đảm bảo bổ sung đủ protein trong một khẩu phần ăn. Bởi thành phần dinh dưỡng này có khả năng cung cấp năng lượng, tăng cường khối lượng và sức cơ.
Ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng
Ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng để kiểm soát triệu chứng, tăng cường sức cơ, duy trì khối lượng cơ hợp lý

2. Sử dụng thuốc

Nếu các triệu chứng kéo dài, nghiêm trọng hoặc thường xuyên tái phát, bệnh nhân bị co giật cơ bắp có thể được chỉ định một số loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc chống co giật: Một số loại thuốc chống co giật được sử dụng trong điều trị động kinh có thể giúp cải thiện các triệu chứng liên quan đến co giật cơ bắp. Thông thường loại thuốc và liều lượng sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên đánh giá mức độ nghiêm trọng và tần suất tái phát.
  • Tiêm Botox: Trong một số trường hợp, tiêm Botox sẽ được khuyến nghị. Các nghiên cứu cho thấy, phương pháp điều trị này có thể giúp cơ bắp thư giãn, cắt giảm các cơn giật cơ.

Phòng ngừa co giật cơ bắp

Để giảm nguy cơ co giật cơ bắp trong tương lai, bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống. Cụ thể:

  • Thiết lập và duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng và lành mạnh. Đặc biệt nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại thịt, cá, trứng, hạt và đậu để đảm bảo bổ sung đủ vitamin, khoáng chất, protein và các loại axit béo lành mạnh.
  • Hạn chế uống cà phê và tiêu thụ những loại thực phẩm có chứa caffeine.
  • Loại bỏ thói quen hút thuốc lá.
  • Không nên thêm rượu bia vào chế độ ăn uống.
  • Ngủ sớm và ngủ đủ giấc, đảm bảo ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm để thư giãn cơ bắp và phục hồi chức năng của hệ thần kinh.
  • Kiểm soát tâm trạng. Tránh stress và căng thẳng kéo dài bằng cách suy nghĩ tích cực, dành thời gian nghỉ ngơi, ngồi thiền, tập thái cực dưỡng sinh hoặc yoga…
  • Tránh vận động mạnh hoặc vận động gắng sức, không nên lặp đi lặp lại một động tác khiến cơ bắp bị căng thẳng.
  • Khởi động kỹ trước khi chạy đường dài, nhảy hoặc thực hiện những động tác cần dùng sức cơ.
  • Duy trì thói quen tập thể dục và hoạt động thể chất từ 5 – 6 buổi/ tuần, 30 – 60 phút/ buổi. Điều này giúp luyện tập, tăng sức bền và độ dẻo dai cho các cơ, dây chằng, gân. Đồng thời tăng cường sức khỏe tổng thể và độ chắc khỏe của hệ xương khớp.
Phòng ngừa co giật cơ bắp
Phòng ngừa co giật cơ bắp bằng cách duy trì thói quen tập thể dục và hoạt động thể chất từ 5 – 6 buổi/ tuần

Co giật cơ bắp là tình trạng thường gặp, xảy ra do nhiều nguyên nhân. Phần lớn bệnh nhân có những biểu hiện nhẹ, tự khỏi và không gặp nguy hiểm. Một số trường hợp khác có triệu chứng kéo dài, phát sinh từ nguyên nhân bệnh lý và cần được điều trị y tế. Do đó nếu co thắt cơ thường xuyên tái phát, triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và chỉ định điều trị đúng cách.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua