Chấn Thương Tủy Sống Là Gì? Những Điều Bạn Cần Biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Phan Đình Long | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Chấn thương tủy sống là tình trạng tổn thương tủy sống hoặc những dây thần kinh nằm ở cuối ống sống. Điều này gây ra những rối loạn về cảm giác và vận động, giảm sức mạnh. Vì thế chấn thương cần được điều trị ngay lặp tức để ngăn các biến chứng trong tương lai.

Chấn thương tủy sống
Chấn thương tủy sống xảy ra khi tủy sống hoặc những dây thần kinh nằm ở cuối ống sống bị tổn thương

Chấn thương tủy sống là gì?

Chấn thương tủy sống thể hiện cho những thương tổn ở bất kỳ phần nào của tủy sống hoặc tổn thương dây thần kinh ở cuối ống sống (cauda equina). Đây là một chấn thương cực kỳ nghiêm trọng, có khả năng gây ra những thay đổi vĩnh viễn về cảm giác, sức mạnh, vận động và những chức năng khác của cơ thể (dưới vùng chấn thương).

Về giải phẫu học, những đốt sống của cột sống tạo thành ống sống, chứa và bảo vệ tủy sống – một bó dây thần kinh và các mô. Cột sống chứa rất nhiều dây thần kinh, chúng kéo dài từ trên não xuống dưới và kết thúc ở vị trí gần với mông.

Tủy sống đảm nhận các chức năng liên quan đến cảm giác và vận động. Tủy nhận thông điệp từ não và gửi đến tất cả bộ phận trong cơ thể, đồng thời gửi thông điệp từ cơ thể đến não. Nhờ những thông điệp được truyền tải qua tủy sống, con người có thể cử động tay chân và nhận biết cơn đau.

Chính vì thế mà tất cả hoặc một số xung động không thể vượt qua được khi tủy sống bị thương. Điều này làm mất khả năng vận động và cảm giác bên dưới chấn thương (mất hoàn toàn hoặc không hoàn toàn). Nếu chấn thương tủy sống xảy ra ở cổ, bệnh nhân sẽ bị tê liệt khắp một phần cơ thể.

Phân loại chấn thương tủy sống

Mức độ hoàn toàn là thuật ngữ được sử dụng để mô tả mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

  • Hoàn toàn: Chấn thương được gọi là hoàn toàn nếu tất cả khả năng kiểm soát chuyển động (chức năng vận động) và tất cả cảm giác (giác quan) bị mất dưới vị trí có chấn thương tủy sống.
  • Không hoàn toàn (một phần): Thuật ngữ không hoàn toàn được sử dụng khi chỉ có một số cảm giác hoặc chức năng vận động ở bên dưới khu vực tổn thương bị ảnh hưởng. Chấn thương tủy sống dưới dạng không hoàn toàn thường phổ biến hơn và có nhiều mức độ tổn thương khác nhau.
Chấn thương tủy sống có thể là chấn thương hoàn toàn hoặc không hoàn toàn
Chấn thương tủy sống có thể là chấn thương hoàn toàn hoặc không hoàn toàn

Đối với liệt do tủy sống tổn thương, nó có thể được gọi là liệt nửa người hoặc liệt hai chân.

  • Liệt nửa người: Ở những bệnh nhân bị liệt nửa người, chấn thương tủy sống làm ảnh hưởng đến bàn tay, cánh tay, thân mình cùng những cơ quan vùng chậu.
  • Liệt hai chân: Ở bệnh nhân bị liệt hai chân, tình trạng tê liệt làm ảnh hưởng đến một phần của thân, các cơ quan vùng chậu và chân hoặc ảnh hưởng tất cả.

Nguyên nhân gây chấn thương tủy sống

Chấn thương tủy sống xảy ra khi tủy sống bị tổn thương do những tác động gây đè, nén hoặc xoắn quá mức. Cụ thể:

  • Xoắn quá mức ở phần giữa của thân
  • Chuyển động quá mức về phía trước, lùi lại, xoắn (xoay) của đầu
  • Nén với lực dọc theo trục của cột sống hướng lên từ xương chậu hoặc hướng trước từ đầu
  • Kéo lệch các đốt sống
  • Chấn thương đụng dập
  • Chèn ép hoặc kéo căng quá mức

Chấn thương

Những chấn thương thực thể có thể làm tổn thương đầu, vùng lưng, cổ, vùng ngực hoặc vùng mặt dẫn đến chấn thương tủy sống:

  • Rơi từ một độ cao đáng kể
  • Tai nạn điện
  • Chấn thương cột sống hoặc chấn thương đầu trong những sự kiện thể thao
  • Chấn thương trong tai nạn xe hơi
  • Những dị tật bẩm sinh không có triệu chứng gây ra những dị tật lớn về thần kinh, cụ thể như liệt nửa người
  • Ngã. Những người sau 65 tuổi bị chấn thương tủy sống thường do ngã
  • Hành vi bạo lực, chẳng hạn như vết thương do đạn bắn hoặc dùng dao đâm

Nguyên nhân bệnh lý

Tổn thương tủy sống do bệnh lý:

Ung thư cột sống với khối u chèn ép vào tủy sống
Ung thư cột sống với khối u chèn ép hoặc hình thành trong tủy có thể gây tổn thương tủy sống

Yếu tố rủi ro

Chấn thương tủy sống có thể xảy ra với bất kỳ ai và thường do một tai nạn. Tuy nhiên nguy cơ tổn thương tủy sống có thể tăng cao do những yếu tố dưới đây:

  • Nam giới
  • Trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi và trên 65 tuổi
  • Sử dụng rượu
  • Đang mắc một số bệnh xương khớp
  • Tham gia vào những hành vi nguy cơ, chẳng hạn như chơi thể thao không mang thiết bị an toàn, lặn xuống vùng nước quá nông, tai nạn xe cơ giới.

Triệu chứng của chấn thương tủy sống

Chấn thương tủy sống gây ra những triệu chứng nghiêm trọng.

Triệu chứng thường gặp

  • Giảm hoặc mất hoàn khả năng kiểm soát tay chân. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng phụ thuộc vào hai yếu tố gồm: Mức độ nghiêm trọng của chấn thương và vị trí của tổn thương trên tủy sống
  • Mất cử động
  • Khó thở
  • Mất kiểm soát ruột và bàng quang
  • Thay đổi hoặc mất cảm giác. Bao gồm khả năng cảm thấy lạnh, nóng và xúc giác
  • Thay đổi chức năng tình dục và khả năng sinh sản, nhạy cảm tình dục
  • Co thắt hoặc hoạt động phản xạ quá mức
  • Cảm thấy châm chích hoặc đau dữ dội do tổn thương những sợi thần kinh trong tủy sống
  • Ngứa ran ở các chi hoặc có cảm giác tê lan truyền
  • Ho hoặc một số hoạt động làm đẩy chất tiết ra khỏi phổi
  • Có vấn đề về đi lại
  • Không có khả năng cử động tay hoặc chân
  • Cứng ở lưng hoặc cổ
  • Đầu được giữ ở vị trí không tự nhiên.

Dấu hiệu và triệu chứng khẩn cấp

Sau tai nạn, người bệnh cần được cấp cứu khẩn cấp nếu có những triệu chứng và dấu hiệu khẩn cấp dưới đây:

  • Có áp lực ở cổ, lưng hoặc đầu
  • Đau lưng hay đau cổ quá mức
  • Yếu, tê liệt ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể hoặc mất phối hợp
  • Mất cảm giác, tê hoặc ngứa ran hoặc ngón tay, bàn tay, bàn chân hoặc ngón chân
  • Khó đi bộ và khó giữ thăng bằng
  • Mất kiểm soát ruột và bàng quang
  • Khó thở, suy giảm hô hấp sau chấn thương
  • Bị vặn vẹo hoặc có vị trí kỳ lạ ở lưng hoặc cổ

Cách xử lý khi bị chấn thương tủy sống

Tổn thương tủy sống là một chấn thương cực kỳ nghiêm trọng, để lại những hậu quả nặng nề cho người bệnh. Chính vì thế cần xử lý đúng cách nếu nghi ngờ bị chấn thương ở cổ hoặc lưng.

Xử lý khi bị chấn thương tủy sống đúng cách
Xử lý khi bị chấn thương tủy sống đúng cách giúp ngăn ngừa chấn thương thêm

Cách xử lý đúng:

  • Không di chuyển cơ thể người bị thương. Bởi việc di chuyển không đúng cách có thể khiến bệnh nhân bị tê liệt vĩnh viễn hoặc gây ra những biến chứng nghiêm trọng khác
  • Gọi đến bệnh viện tại địa phương để được nhân viên hỗ trợ y tế khẩn cấp
  • Giữ yên bệnh nhân
  • Dùng khăn giữ đầu và cổ hoặc đặt khăn nặng ở hai bên đầu cổ cho đến khi bệnh nhân được cấp cứu
  • Thực hiện các bước sơ cứu cơ bản. Cụ thể: Cầm máu, giữ cho người bệnh luôn ở trong trạng thái tỉnh táo và thoải mái, tuyệt đối không cử động cổ hoặc đầu.

Biến chứng của chấn thương tủy sống

Ngay khi chấn thương tủy sống xảy ra, những triệu chứng nghiêm trọng có thể thay đổi cách thức hoạt động của cơ thể, các chức năng bị áp đảo và rối loạn, nhiều trường hợp không thể cử động.

Tuy nhiên nếu được xử lý đúng cách và phục hồi chức năng tích cực, những triệu chứng và rối loạn do chấn thương có thể được khắc phục. Ngoài ra người bệnh có thể phục hồi chức năng vận động và cảm giác, cải thiện chất lượng đời sống.

Ngược lại những trường hợp xử lý không đúng cách hoặc trì hoãn điều trị có thể gặp những biến chứng sau:

Vấn đề ở bàng quang

Tủy sống bị thương làm gián đoạn truyền tải thông điệp, bàng quang tiếp tục giữ nước tiều từ thận. Điều này có thể gây ra những vấn đề sau:

  • Mất kiểm soát bàng quang
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Nhiễm trùng thận
  • Sỏi thận

Vấn đề ở ruột

Bệnh nhân bị mất kiểm soát nhu động ruột. Có thể thực hiện chế độ ăn nhiều chất xơ và tập phục hồi chức năng để cải thiện.

Những chấn thương do áp lực

Mất tất cả hoặc một số cảm giác trên da. Điều này làm tăng nguy cơ bị lở loét do tì đè. Những thay đổi tư thế thường xuyên có thể ngăn được biến chứng này.

Vấn đề về tuần hoàn

Chấn thương tủy sống gây ra những vấn đề về tuần hoàn, gồm:

  • Rối loạn tuần hoàn
  • Hạ huyết áp thế đứng
  • Hình thành cục máu đông như thuyên tắc phổi hoặc huyết khối tĩnh mạch
  • Tăng huyết áp, rối loạn phản xạ tự động

Vấn đề về hô hấp

  • Ho và khó thở nếu các cơ ở ngực và cơ bụng bị ảnh hưởng
  • Khởi phát các vấn đề về phổi như viêm phổi do chấn thương tủy sống cổ và ngực.

Vấn đề về xương

Tủy sống tổn thương làm tăng nguy cơ khởi phát các bệnh lý ở xương như:

  • Loãng xương dưới mức chấn thương
  • Gãy xương dưới mức chấn thương

Vấn đề về trương lực cơ

  • Co cứng cơ. Cơ cử động không kiểm soát hoặc bị siết chặt.
  • Cơ mềm nhũn. Trong đó cơ mềm nhũn, thiếu trương lực cơ.

Vấn đề về sức khỏe và vận động

  • Teo cơ
  • Sút cân
  • Khả năng vận động bị hạn chế
  • Bại liệt
  • Tăng nguy cơ béo phì
  • Tiểu đường
  • Bệnh tim mạch.
Bại liệt hoặc giảm khả năng vận động khi bị chấn thương tủy sống
Teo cơ, bại liệt hoặc giảm khả năng vận động có thể xảy ra khi bị chấn thương tủy sống

Vấn đề về tình dục

  • Rối loạn xuất tinh hoặc có vấn đề trong quá trình cương cứng
  • Phụ nữ có những thay đổi về chất bôi trơn, chẳng hạng như giảm chất bôi trơn

Vấn đề về tâm lý

Những triệu chứng (chẳng hạn như đau nhức, giảm cảm giác, giảm vận động) và các vấn đề trong chấn thương tủy sống làm tăng nguy cơ trầm cảm ở bệnh nhân.

Đau đớn

  • Đau cơ
  • Đau khớp
  • Đau dây thần kinh.

Chẩn đoán chấn thương tủy sống như thế nào?

Trong trường hợp khẩn cấp, nhân viên y tế sẽ thực hiện những bước xử lý đúng cách và đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Điều này giúp đảm bảo tủy sống không bị tổn thương thêm, chấn thương không làm ảnh hưởng đến nhịp tim hoặc nhịp thở.

Tiếp theo, người bệnh sẽ được chẩn đoán chấn thương do hai quá trình sau:

1. Kiểm tra lâm sàng

Bác sĩ tiến hành kiểm tra thần kinh bằng cách kiểm tra khả năng di chuyển của những bộ phận trên cơ thể (đánh giá chức năng vận động) và khả năng cảm nhận (đánh giá chức năng cảm giác).

Ngoài ra bệnh nhân được kiểm tra mức độ đau và các triệu chứng khác, bối cảnh chấn thương, bệnh sử hay tình trạng sức khỏe hiện tại. Trong trường hợp bệnh nhân không tỉnh táo hoàn toàn, bị đau cổ, có dấu hiệu rõ ràng về chấn thương thần kinh hoặc sự suy nhược, bệnh nhân sẽ được thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán khẩn cấp.

2. Kiểm tra cận lâm sàng

Những xét nghiệm được chỉ định gồm:

Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp xác định những thương tổn ở tủy sống và các dây thần kinh
  • Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang để kiểm tra xương cột sống, phát hiện tình trạng nứt gãy hoặc hao mòn đốt sống, khối u, phát triển gai xương do những thay đổi thoái hóa.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh thu được từ sóng vô tuyến và từ trường mạnh giúp tạo ra hình ảnh về xương và mô mềm. Điều này giúp xác định những thương tổn ở tủy sống, dây thần kinh bị chèn ép, đĩa đệm thoát vị. Ngoài ra kỹ thuật này còn giúp phát hiện cục máu đông, sự phát triển bất thường của các mô (ung thư cột sống). Từ đó xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tổn thương tủy sống.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): So với X-quang đơn thuần, CT cung cấp các hình ảnh mặt cắt, rõ ràng và chi tiết hơn. Điều này giúp đánh giá tủy sống tổn thương, phát hiện những tổn thương nhỏ và tiềm ẩn. Đồng thời giúp kiểm tra cấu trúc cột sống, đĩa đệm và xương.
  • Điện cơ đồ (EMG): Nếu có tổn thương ngoại vi, bệnh nhân được điện cơ đồ để kiểm tra hoạt động điện trong tế bào thần kinh và cơ.
  • Kiểm tra thần kinh toàn diện: Bệnh nhân được kiểm tra thần kinh toàn diện sau chấn thương một vài ngày, tình trạng sưng đau giảm bớt. Cụ thể kiểm tra cảm giác kim châm, kiểm tra khả năng cảm nhận cảm giác, sức mạnh cơ bắp. Phương pháp này giúp xác định và đánh giá mức độ hoàn thiện của chấn thương.

Điều trị chấn thương tủy sống

Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được điều trị y tế khẩn cấp hoặc theo phác đồ cơ bản. Việc điều trị đúng cách và tích cực có thể giúp ngăn ngừa tổn thương thêm, phục hồi chức năng và cảm giác.

1. Điều trị khẩn cấp

Điều trị khẩn cấp được áp dụng cho những bệnh nhân bị chấn thương tủy sống nặng nề. Điều này giúp ngăn ngừa tổn thương tủy sống thêm nghiêm trọng, giảm thiểu những tác động xấu của chấn thương vùng đầu cổ.

Sau khi chấn thương xảy ra, bệnh nhân sẽ được cấp cứu tại chỗ. Trong thời gian này, bệnh nhân được giữ bất động, dùng bảng mang cứng hoặc vòng cổ cứng để cố định cột sống nhẹ nhàng và nhanh chóng.

Sau khi được đưa đến phòng cấp cứu, bác sĩ thực hiện những phương pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế chấn thương thêm. Cụ thể:

  • Duy trì khả năng thở
  • Chống sốc
  • Ngăn ngừa tổn thương tủy sống bằng cách cố định cổ
  • Phòng ngừa và điều trị các biến chứng như mất khả năng kiểm soát ruột và bàng quang, hình thành cục máu đông dẫn đến thuyên tắc phổi hoặc tắc nghẽn tĩnh mạch sâu ở tứ chi, khó hô hấp.

Sau khi được cấp cứu thành công, bệnh nhân được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt, kiểm tra kỹ lưỡng và áp dụng các phương pháp điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

2. Điều trị cụ thể

Những phương pháp dưới đây sẽ được áp dụng sớm ở những bệnh nhân bị chấn thương tủy sống.

  • Sử dụng thuốc

Methylprednisolone (Solu-Medrol) có thể được chỉ định điều trị khẩn cấp cho những bệnh nhân bị chấn thương tủy sống. Đây là một loại thuốc kháng viêm, thuộc nhóm corticosteroid (thuốc cortisone). Thuốc có tác dụng giảm viêm, giảm đau, ngăn máu não suy giảm. Từ đó giúp quả lý những tình trạng cấp tính, hạn chế và giảm sưng tấy, ngăn chấn thương tái phát.

Sau chấn thương, Methylprednisolone được truyền tĩnh mạch ở cánh tay với liều lượng thích hợp. Tuy nhiên thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên cần được cân nhắc sử dụng.

Methylprednisolone (Solu-Medrol)
Methylprednisolone (Solu-Medrol) có thể được sử dụng để điều trị khẩn cấp chấn thương tủy sống

Sau khi ổn định đợt cấp tính, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đauthuốc giãn cơ để điều trị co cứng cơ và kiểm soát cơn đau. Điều này giúp kiểm soát triệu chứng và những tác động xấu từ chấn thương tủy sống.

  • Bất động

Bệnh nhân được sử dụng các thiết bị như bảng mang cứng, vòng cổ mềm, các loại nẹp… để căn chỉnh và ổn định cột sống. Điều này giúp hỗ trợ giảm đau, bảo vệ và hồi phục tủy sống vùng tổn thương. Đồng thời ngăn tổn thương thêm nghiêm trọng và tránh các biến chứng.

  • Hạ nhiệt độ cơ thể

Trong vòng 24 đến 48 giờ, bệnh nhân có thể được hạ nhiệt độ cơ thể (hạ thân nhiệt) để ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra phương pháp này còn giúp thúc đẩy quá trình tái tạo thần kinh hoặc kiểm soát tình trạng viêm nhiễm.

  • Điều trị huyết áp tâm thu

Trong vòng 2 ngày sau chấn thương, huyết áp tâm thu của người bệnh có thể giảm xuống thấp hơn 90 mmHg. Điều này khiến lượng máu cung cấp cho tủy sống bị giảm, bệnh nhân bị tổn thương thêm.

Để điều trị và duy trì huyết áp, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc vận mạch (như norepinephrine, phenylephrine, dopamine) và dịch truyền tĩnh mạch. Trong 7 ngày sau chấn thương, huyết áp động mạch trung bình cần được giữ ở mức 85 đến 90 mmHg.

  • Phẫu thuật

Phẫu thuật là điều cần thiết đối với những trường hợp sau:

    • Tăng áp lực lên dây thần kinh
    • Mất ổn định sống
    • Nén hoặc có vật đè lên dây thần kinh, chẳng hạn như xương, đĩa đệm hỏng
    • Có vật thể nằm trong ổ chấn thương xuyên thấu.

Mục đích phẫu thuật:

    • Giải nén
    • Giảm áp lực dư thừa lên tủy sống và dây thần kinh
    • Đặt các đốt sống trở lại vị trí đúng, giúp ổn định cột sống
    • Loại bỏ khối u, đoạn xương hoặc bất kỳ vật thể nào đè nên dây thần kinh và tủy sống
    • Phục hồi tổn thương
    • Ngăn ngừa đau và biến dạng trong tương lai
    • Ngăn tổn thương thêm và các biến chứng.

Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở. Đối với chấn thương tủy sống, phẫu thuật cần được can thiệp sớm để mang đến kết quả tốt nhất. Thông thường phương pháp này được thực hiện trong vòng 12 giờ sau chấn thương.

Phẫu thuật
Phẫu thuật được thực hiện sớm để trị tổn thương, giảm áp lực dư thừa lên tủy sống và dây thần kinh

Khi tình trạng ban đầu và chấn thương đã ổn định, bệnh nhân được theo dõi và áp dụng những biện pháp ngăn ngừa những vấn đề thứ phát. Chẳng hạn như dùng thuốc, phục hồi chức năng… ngăn ngừa co rút cơ, suy giảm chức năng, loét tì đè, những rối loạn ở ruột và bàng quang, cục máu đông và nhiễm trùng hô hấp.

3. Phục hồi chức năng

Trong giai đoạn đầu của quá trình hồi phục, người bệnh sẽ được thực hiện những bài tập giúp tăng cường và duy trì chức năng cơ, cải thiện tính linh hoạt và tái phát triển kỹ năng vận động.

Ngoài ra người bệnh sẽ được thực hiện những biện pháp giúp tăng thích nghi về các hoạt động sinh hoạt và công việc hàng ngày. Đồng thời giữ được sự động lập và nâng cao chất lượng đời sống.

Những thiết bị công nghệ và bài tập tăng cường sức mạnh cho cơ thể sẽ được thực hiện trong gian đoạn phục hồi. Điều này giúp cải thiện tình trạng teo cơ, cải thiện sức mạnh sau chấn thương và ổn định cột sống. Bài tập sẽ được tăng cường cho đến khi bệnh nhân phục hồi chức năng hoàn toàn.

Tiên lượng và phục hồi chấn thương tuỷ sống

Không thể xác định tiên lượng cho từng bệnh nhân. Ngoài ra khả năng và tốc độ hồi phục còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng của chấn thương. Tuy nhiên quá trình hồi phục có thể diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng nếu chấn thương được xử lý và điều trị đúng cách, bệnh nhân phục hồi chức năng tích cực.

Bệnh nhân bị chấn thương tủy sống có thể phục hồi và trở lại với hoạt động sinh hoạt trong 6 tháng đầu tiên trong khi một số trường hợp cần 1 – 2 năm.

Phòng ngừa chấn thương tủy sống

Chấn thương tủy sống thường là kết quả của những chấn thương trong sinh hoạt. Chính vì thế, bạn cần loại bỏ các rủi ro chấn thương để ngăn ngừa tổn thương.

Thận trọng trong mọi hoạt động, chơi thể thao đúng kỹ thuật
Thận trọng trong mọi hoạt động, chơi thể thao đúng kỹ thuật để phòng ngừa chấn thương tủy sống
  • Lái xe an toàn. Thắt dây an toàn khi xe đang di chuyển.
  • Mang thiết bị bảo vệ và hỗ trợ khi chơi thể thao.
  • Không nên dùng đầu khi chơi thể thao, chẳng hạn như dùng đầu tâng bóng.
  • Thận trọng trong mọi hoạt động, thực hiện những tư thế đúng.
  • Kiểm tra độ sâu của nước trước khi lặng.
  • Ngăn ngừa té ngã bằng cách đặt thảm chống trượt trên sàn gạch và bồn tắm, thêm tay vịn dọc theo cầu thang, loại bỏ những vật dụng làm cản trở đường đi…
  • Không uống rượu bia khi đang lái xe.
  • Điều trị những bệnh lý có thể gây tổn thương tủy sống.

Chấn thương tủy sống có mức độ nghiêm trọng cao, bệnh nhân có nguy cơ bị mất hoàn toàn cảm giác và chức năng vận động. Ngoài ra trì hoãn điều trị hoặc xử lý không đúng cách còn gây chấn thương và làm khởi phát nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó đó người bệnh cần bất động sau chấn thương và gọi cấp cứu để được hỗ trợ và điều trị đúng cách.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua