Căng Cơ Đùi: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Chữa Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vũ Phương Ngọc
Theo dõi IHR trên goole news

Căng cơ đùi là chấn thương xảy ra ở một trong ba cơ khỏe mạnh của đùi, phổ biến ở những người chơi thể thao. Chấn thương này thể hiện cho tình trạng kéo căng hoặc rách cơ do sử dụng cơ quá mức. Từ đó gây ra cảm giác đau đớn, cứng cơ và khó vận động. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân còn bị sưng và bầm tím lan rộng.

Căng cơ đùi
Thông tin cơ bản về nguyên nhân gây căng cơ đùi, dấu hiệu nhận biết, cách chăm sóc và điều trị hiệu quả

Đùi có mấy cơ?

Đùi có ba bộ chắc khỏe, bao gồm cơ tứ đầu ở phía trước, cơ gân kheo ở phía sau đùi và cơ phụ ở bên trong. Trong đó cơ gân kheo và cơ tứ đầu phối hợp với nhau để đảm bảo chân uốn cong và duỗi thẳng linh hoạt. Cơ phụ có nhiệm vụ kéo hai chân lại với nhau.

So với những nhóm cơ khác trên cơ thể, cơ đùi lớn và chắc khỏe hơn. Tuy nhiên chúng rất dễ bị căng cơ, đặc biệt là cơ tứ đầu và cơ gân kheo. Nguyên nhân là do hai cơ này bắt chéo cả khớp gối và khớp háng. Mặt khác, cơ đùi được sử dụng để đảm bảo cho những chuyển động có tốc độ cao, cụ thể như chạy điền kinh, bóng đá, bóng rổ…

Căng cơ đùi là gì?

Căng cơ đùi là tình trạng một trong ba nhóm cơ ở đùi bị kéo căng quá mức (vượt khỏi giới hạn của cơ) khiến các sợi cơ bị rách hoặc đứt. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh sử dụng cơ quá mức, lặp đi lặp lại động tác uốn cong và mở rộng chân trong thời gian dài. Ngoài ra một cú đánh trực tiếp vào cơ hoặc va chạm mạnh cũng có thể gây ra những tổn thương tương tự.

Hầu hết giãn cơ đùi gây ra những tổn thương ở gần điểm mà các mô liên kết cứng, xơ của gân và cơ liên kết với cơ. Tình trạng này thường gây ra những cơn đau nhức nghiêm trọng, đột ngột và kéo dài trong nhiều ngày. Bên cạnh đó, căng cơ còn gây sưng và bầm tím ở khu vực có cơ tổn thương.

Căng cơ đùi thường dễ tái chấn thương. Vì thế người bệnh cần được điều trị sớm và đúng theo hướng dẫn để cơ lành lại đúng cách. Đồng thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa theo hướng dẫn.

Biểu hiện và triệu chứng của căng cơ đùi

Ngay khi bị giãn cơ đùi và rách, người bệnh sẽ nhận thấy một số dấu hiệu và triệu chứng dưới đây:

  • Phát ra tiếng kêu lộp bộp hoặc có cảm giác vỡ vụn bên trong khi cơ bị rách
  • Cơn đau đột ngột và dữ dội, kéo dài trong nhiều ngày. Đau giảm khi được nghỉ ngơi và chườm lạnh. Ngược lại, đi lại nhiều hoặc thực hiện những động tác liên quan đến cơ tổn thương có thể khiến cơn đau nghiêm trọng hơn
  • Chạm vào thấy mềm tại khu vực xung quanh cơ tổn thương
  • Bầm tím nếu mạch máu bị vỡ
  • Sưng tấy
  • Những vùng có máu bầm và sưng tấy có thể lan rộng xuống bắp chân và mắt cá chân
giãn cơ đùi
Căng cơ đùi khiến người bệnh bị đau đột ngột và dữ dội, sưng, bầm tím, chạm vào thấy mềm tại khu vực tổn thương

Mức độ căng cơ đùi

Mức độ căng cơ đùi được phân loại dựa trên mức độ tổn thương của các triệu chứng và mức độ rách cơ.

1. Căng cơ độ 1

Độ 1 là mức độ nhẹ nhất của căng cơ đùi. Ở mức độ này, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu nhưng không đủ nghiêm trọng để ngừng luyện tập. Sau một thời gian ngắn, người bệnh có thể cảm nhận cảm giác căng tức và đau nhói ở đùi. Ngoài ra người bệnh cảm thấy khó chịu khi đi bộ và khó khăn khi chạy.

Đối với căng cơ đùi độ 1, vùng tổn thương không có dấu hiệu sưng. Tuy nhiên khi sờ có thể cảm thấy một khối u bất thường trong cơ.

2. Căng cơ độ 2

Những triệu chứng ở cấp độ 2 nghiêm trọng và rõ ràng hơn so với độ 1 vì ở cấp độ này, bệnh nhân đã bị rách cơ. Cụ thể người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói khi đá, nhảy hoặc chạy, cơn đau khiến bệnh nhân không thể tiếp tục vận động.

Ngoài ra đau ở mức độ 2 có thể gây khó khăn cho việc đi lại, thường kèm theo tình trạng sưng tấy và bầm tím nhẹ. Khi ấn vào cơ tổn thương (đặc biệt là vị trí bị rách), bệnh nhân có cảm giác đau nhói như kim đâm.

Trong quá trình chẩn đoán, cơn đau cũng nghiêm trọng hơn khi người bệnh duỗi thẳng chân trong khi bác sĩ dùng lực chống lại nó.

3. Căng cơ độ 3

Đối với căng cơ đùi độ 3, người bệnh đã bị rách cơ hoàn toàn (đứt cơ). Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau đớn dữ dội, cơn đau xuất hiện đột ngột ở cơ tổn thương (thường ở mặt trước của đùi). Những triệu chứng khiến bệnh nhân khó khăn trong việc đi lại, cần dùng nạng để hỗ trợ.

Ngoài ra khi bị căng cơ đùi độ 3, sưng tấy và bầm tím sẽ xuất hiện ngay lập tức. Tuy nhiên vết bầm thường có xu hướng thuyên giảm trong vòng 24 giờ. Sự co cơ tĩnh có khả năng hình thành khối phồng trong cơ và gây đau đớn hơn. Những triệu chứng này khiến bệnh nhân phải nghỉ thi đấu từ 6 – 12 tuần và cần điều trị ngay lập tức.

Căng cơ đùi do đâu?

Tình trạng giãn cơ đùi thường xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

  • Chuyển động đột ngột

Các bó cơ ở đùi có thể bị kéo căng quá mức sau một chuyển động làm lấn át sức mạnh của các sợi cơ. Điều này gây căng cơ đùi sau và thường gặp ở những người chơi bóng đá, bóng rổ, bóng chày, chạy điền kinh… Ở những trường hợp nặng, tăng áp lực lên cơ đùi có thể gây ra hiện tượng rách cơ kèm theo sưng, bầm tím và đau nhức dữ dội. Ngoài ra cơ đùi cũng có thể bị kéo căng quá mức khi đột ngột vặn người.

  • Lạm dụng các cơ ở đùi

Căng cơ đùi thường xảy ra ở những vận động viên nhảy cao, nhảy xa, chạy điền kinh hoặc một số bộ môn khác cần lặp đi lặp lại những chuyển động của chân. Điều này khiến các cơ ở đùi hoạt động liên tục dẫn đến căng thẳng. Lâu ngày gây ra tình trạng căng cứng và đau đớn.

Ngoài ra sự tăng tốc và bật nhảy trong khi chơi thể thao khiến các cơ co lại và căng giãn liên tục để đảm bảo cho các hoạt động. Điều này có thể gây ra tình trạng mỏi cơ, cơ có dấu hiệu co thắt nhưng không thể tự thư giãn.

căng cơ đùi sau
Lạm dụng các cơ ở đùi làm tăng áp lực lên cơ, gây ra tình trạng căng cứng và đau đớn
  • Căng thẳng

Tương tự như căng cơ bắp chân và một số nhóm cơ khác trên cơ thể, căng thẳng cũng có thể kích hoạt tình trạng cứng cơ đùi. Thông thường khi di chuyển một bộ phận, não sẽ gửi tín hiệu để các cơ thắt chặt hoặc co lại. Sau đó chúng tự động thư giãn để chuẩn bị cho lần co cơ tiếp theo.

Tuy nhiên sự bất thường ở hệ thần kinh do stress, căng thẳng kéo dài có thể khiến não bột liên tục gửi tín hiệu đến các cơ. Điều này khiến chúng co lại ngay cả khi vận động và không cần thiết. Lâu dần dẫn đến sự co thắt quá mức của các nhóm cơ.

Ngoài ra, cơ cần được truyền một lượng máu thích hợp để duy trì các hoạt động. Trong khi đó quá trình phản ứng với căng thẳng của hệ thần kinh làm tăng áp lực lên mạch máu và giảm lưu lượng máu đến cơ. Điều này gây ra tình trạng thiếu máu dẫn đến căng cơ và đau nhói.

  • Mất nước

Chất lỏng đảm bảo cho các hoạt động của cơ. Vì thế tình trạng mất nước do bệnh lý hoặc không bổ sung đủ nước mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ căng cơ đùi.

  • Thuốc

Tình trạng căng cơ (bao gồm cả căng cơ đùi) thường xảy ra ở những bệnh nhân đang điều trị với thuốc Statin và thuốc lợi tiểu.

  • Bệnh lý

Căng cơ đùi có thể là kết quả của một số bệnh lý nghiêm trọng như loạn trương lực cơ, hội chứng đau myofascial, bệnh xơ cứng teo cơ bên, hội chứng mệt mỏi mãn tính, các tình trạng nhiễm trùng, hội chứng khoang gắng sức mãn tính, chèn ép dây thần kinh…

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ căng cơ đùi, bao gồm:

  • Mỏi cơ bắp: Khả năng hấp thụ năng lượng của cơ bị suy giảm khi mệt mỏi. Điều này khiến các cơ dễ bị chấn thương hơn.
  • Điều hòa kém: Khi luyện tập thể dục, cơ đùi yếu sẽ ít có khả năng đối phó với căng thẳng. Từ đó làm tăng nguy cơ chấn thương.
  • Mất căng bằng cơ bắp: Cơ gân kheo và cơ tứ đầu hoạt động cùng nhau nên nếu độ chắc khỏe của hai cơ không đồng đều, cơ yếu hơn có thể bị căng quá mức dẫn đến chấn thương.
  • Cơ bắp căng cứng: Cơ bắp căng cứng dễ bị căng giãn quá mức và tổn thương. Vì thế những người thường xuyên chơi thể thao cần thực hiện các bài tập điều hòa cơ bắp hàng ngày để cải thiện tình trạng.
giãn cơ đùi sau
Cơ bắp căng cứng làm tăng nguy cơ căng cơ đùi do dễ bị căng giãn quá mức và tổn thương

Biến chứng của căng cơ đùi

Một trong các cơ ở đùi bị kéo căng quá mức hoặc bị rách có thể làm ảnh hưởng đến khả năng vận động và hiệu suất hoạt động của bạn. Điều này khiến bạn cảm thấy khó khăn ngay cả khi ngồi xuống và đứng lên.

Hơn thế những trường hợp không điều trị sớm và đúng cách có thể gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng, phần lớn liên quan đến tình trạng rách cơ một phần hoặc toàn phần. Một số biến chứng có thể gặp gồm:

  • Hạn chế hoặc mất khả năng vận động, tăng nguy cơ dị tật
  • Teo cơ chân
  • Gãy xương do căng thẳng
  • Hội chứng khoang

Chẩn đoán căng cơ đùi

Để chẩn đoán giãn cơ đùi, bác sĩ sẽ kiểm tra những triệu chứng ở đùi, đánh giá mức độ đau nhức, sưng và bầm tím. Ngoài ra người bệnh sẽ được hỏi về chấn thương để xác định cơ chế bệnh sinh, tăng khả năng chẩn đoán bệnh.

Sau khi kiểm tra triệu chứng thực thể, người bệnh sẽ được yêu cầu duỗi thẳng hoặc uốn cong đầu gối và hông. Đối với những trường hợp bị căng cơ đùi, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các chuyển động. Đồng thời có cảm giác đau buốt nghiêm trọng.

Một số kỹ thuật cũng được thực hiện để kiểm tra những tổn thương phối hợp, xác định nguyên nhân hoặc phân biệt căng cơ đùi với những tình trạng nghiêm trọng khác. Cụ thể:

  • Chụp X-quang: Nếu có nghi ngờ gãy xương hoặc một tổn thương khác có liên quan đến xương, người bệnh sẽ được yêu cầu chụp X-quang để kiểm tra tình trạng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ được thực hiện để đánh giá thêm những tổn thương ở cơ và gân. Đồng thời xác định những tổn thương sâu và tiềm ẩn. Từ đó có hướng điều trị thích hợp nhất.
  • Siêu âm cơ: Siêu âm cơ có thể được chỉ định để kiểm tra mức độ rách cơ và cấu trúc mô mềm. Điều này giúp xác định tình trạng và có hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân.

Các cách chữa trị căng cơ đùi

Dựa vào mức độ nghiêm trọng và những tổn thương liên quan mà phương pháp điều trị căng cơ đùi sẽ khác nhau ở mỗi người. Dưới đây là những cách trị căng cơ đùi thường được áp dụng:

1. Nén

Sau khi bị căng cơ đùi, người bệnh được quấn băng ép hoặc đeo băng hỗ trợ đùi để bảo vệ cơ tổn thương. Phương pháp này có tác dụng giữ cho đùi ở tư thế tốt nhất, tránh những tác động bên ngoài kích thích cơn đau hoặc tăng thêm mức độ tổn thương cơ.

Ngoài ra đeo băng hỗ trợ đùi còn giúp người bệnh giảm đau, cho phép các sợi cơ lành lại và giảm sưng ở khu vực có cơ tổn thương.

cách chữa căng cơ đùi
Nén giúp bảo vệ cơ tổn thương, xoa dịu cơn đau, cho phép các sợi cơ lành lại và giảm sưng

2. Nghỉ ngơi

Nghỉ ngơi là phương pháp cần thiết nhất ở những bệnh nhân bị căng cơ, đặc biệt là căng cơ đùi. Phương pháp này cần được áp dụng sau khi chấn thương xảy ra để tránh những tổn thương thêm nghiêm trọng. Bởi trong khi nghỉ ngơi, cơ đùi sẽ được thư giãn, giảm căng thẳng và co cơ tự nhiên. Từ đó giúp giảm đau nhanh.

Người bệnh không nên cố gắng đi lại hoặc tiếp tục luyện tập trên cơ tổn thương. Vì những điều này có thể ngăn nó lành lại. Đồng thời tăng nguy cơ rách cơ hoàn toàn.

3. Nâng cao chân

Trong khi nghỉ ngơi, người bệnh nên nâng cao chi bị thương bằng cách nằm trên giường với chân kê trên hai gối. Biện pháp này giúp dịch mô chảy ra khỏi vị trí căng cơ và giảm sưng.

4. Chườm đá

Trong 72 giờ đầu sau khi bị thương, người bệnh cần quấn băng ép kết hợp với biện pháp chườm đá. Chườm đá nên được thực hiện trong 10 phút mỗi giờ trong 24 giờ đầu, sau đó giảm tần suất khi những triệu chứng đã thuyên giảm.

Biện pháp này có tác dụng giảm sưng, đau, cải thiện vận động cho người bệnh. Ngoài ra chườm đá còn có tác dụng cầm máu nhờ khả năng co mạch và giảm lưu lượng máu chảy vào cơ tổn thương. Từ đó hạn chế vết bầm lan rộng.

5. Sử dụng thuốc

Nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc không thể thuyên giảm sau vài ngày áp dụng các biện pháp nêu trên, bác sĩ có thể đề nghị một vài loại thuốc giúp bạn xoa dịu cơn đau:

  • Paracetamol: Paracetamol có tác dụng hạ sốt và giảm đau, thường mang đến lợi ích cho những cơn đau nhẹ.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một loại thuốc chống viêm không steroid có thể được đề nghị trong điều trị căng cơ đùi để giảm đau, điển hình như Ibuprofen. Thuốc này có tác dụng giảm viêm và cải thiện cơn đau ở mức trung bình. So với Paracetamol, NSAID mang đến nhiều lợi ích hơn nhưng có thể gây tác dụng phụ. Vì thế cần tuân thủ liều dùng của bác sĩ khi sử dụng loại thuốc này.
Sử dụng thuốc chữa căng cơ đùi
Sử dụng thuốc khi tình trạng căng cơ gây ra những cơn đau nghiêm trọng hoặc không giảm sau vài ngày chăm sóc

6. Xoa bóp

Sau khi trải qua giai đoạn cấp tính ban đầu, người bệnh có thể áp dụng biện pháp xoa bóp để thư giãn cơ và cải thiện tình trạng. Lực tác động từ bàn tay giúp thư giãn cơ tổn thương, tăng lưu lượng máu đến cơ để đảm bảo cho quá trình chữa lành các sợi cơ bị đứt.

Ngoài ra biện pháp xoa bóp còn có tác dụng giảm cục u hoặc nới lỏng các nút thắt sau chấn thương. Đồng thời giảm đau và cải thiện tính linh hoạt của bạn. Hơn thế thường xuyên xoa bóp cũng giúp cải thiện độ đàn hồi của mô và thiết kế lại mô sẹo.

Tuy nhiên để quá trình chữa lành diễn ra tốt nhất, bạn nên thực hiện liệu pháp xoa bóp với chuyên gia vật lý trị liệu.

7. Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu được đề nghị sau khi tình trạng sưng và viêm đã giảm bớt. Phương pháp này có tác dụng cải thiện sức mạnh cho cơ đùi tổn thương và tăng phạm vi chuyển động. Ngoài ra vật lý trị liệu còn có tác dụng ngăn ngừa cơn đau tái phát, cải thiện cấu trúc khớp và mô mềm.

Trước khi trở lại chơi thể thao, cơ bắp không bị đau và phải ở trạng thái sung sức. Điều này giúp bạn giảm nguy cơ chấn thương trong tương lai. Thông thường vật lý trị liệu cho bệnh nhân bị căng cơ bắp đùi sẽ bao gồm các bài tập kéo giãn và tăng cường sức cơ kết hợp massage trị liệu, siêu âm trị liệu, nhiệt trị liệu… tùy vào từng trường hợp.

Sau một thời gian vật lý trị liệu, người bệnh được khuyên tập vận động tại nhà để tiếp tục tăng cường sức mạnh và duy trì chức năng của cơ đùi, phòng ngừa chấn thương tái diễn. Tham khảo ý kiến chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn luyện tập đúng cách.

Vật lý trị liệu căng cơ bắp đùi
Vật lý trị liệu có tác dụng ngăn ngừa tổn thương, cải thiện sức mạnh cho cơ đùi và tăng phạm vi chuyển động

8. Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho những bệnh nhân bị rách cơ đùi, các sợi cơ không thể tự phục hồi bằng biện pháp nén hoặc nghỉ ngơi (giãn cơ đùi độ 2 hoặc độ 3). Ngoài ra phương pháp này cũng được dùng cho những trường hợp căng cơ đùi không có đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn.

Khi phẫu thuật điều trị căng cơ đùi, bác sĩ sẽ tạo một vết mổ trên da để thuận tiện cho việc nối hai đầu cơ đứt/ rách. Sau phẫu thuật thành công, người bệnh được nén trong vài tuần để giữ cho chân ở tư thế đúng, bảo vệ các sợi cơ và đảm bảo chúng lành lại. Đồng thời tránh những tác động làm tăng mức độ đau đớn.

Ngoài ra người bệnh có thể được yêu cầu dùng thuốc và nghỉ ngơi ở tư thế nâng cao chân để giảm đau và sưng. Sau khi các triệu chúng thuyên giảm, vật lý trị liệu sẽ được áp dụng để tăng cường sức mạnh, cải thiện khả năng vận động và phục hồi chức năng.

Phòng ngừa căng cơ đùi

Những biện pháp phòng ngừa được liệt kê dưới đây có thể giúp ngăn ngừa tình trạng căng cơ đùi:

  • Luyện tập thường xuyên: Nên áp dụng chương trình luyện tập thường xuyên để điều hòa cơ bắp, giảm nguy cơ chấn thương cơ đùi. Thông thường các bài tập sẽ dựa vào mức độ hoạt động và độ tuổi.
  • Hạ nhiệt sau khi tập thể dục: Sau khi tập thể dục, bạn nên dành một khoảng thời gian để hạ nhiệt. Cụ thể để cơ dài ra và có thời gian đáp ứng, bạn cần kéo căng dần dần, mỗi lần kéo căng nên giữ từ vài giây đến một phút.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước để đảm bảo cơ bắp (bao gồm các cơ ở đùi) được hoạt động bình thường.
  • Ăn uống cân bằng và đủ chất: Chế độ ăn uống mỗi ngày cần phải cung cấp đủ chất và cân bằng để các cơ được nuôi dưỡng, tăng cường sự dẻo dai và độ chắc khỏe. Từ đó giúp cơ hoạt động tốt, phòng ngừa chấn thương.
  • Nghỉ ngơi: Dành thời gian nghỉ ngơi để cơ lành lại nếu bạn bị thương. Cụ thể trước khi tiếp tục chơi thể thao, bạn nên chờ cho đến khi sự linh hoạt và sức mạnh của cơ trở lại ở mức trước chấn thương . Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, quá trình phục hồi ở trường hợp nhẹ có thể mất từ 10 – 20 ngày. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, quá trình phục hồi có thể đến 6 tháng.
  • Khởi động trước khi chơi thể thao và luyện tập: Bạn nên khởi động kỹ trước khi chơi thể thao hoặc tham gia bất kỳ buổi tập thể dục nào. Biện pháp này giúp tăng sức mạnh và sự dẻo dai của cơ, cơ hoạt động với cường độ cao hơn và hạn chế chấn thương. Ngoài ra khởi động kỹ còn giúp máu của bạn lưu thông tốt hơn, tăng nhịp thở và tăng nhiệt độ cơ của bạn. Khởi động với các động tác thích hợp cũng giúp cơ thể của bạn có thời gian thích nghi và điều chỉnh theo nhu cầu luyện tập. Đồng thời giảm độ cứng, tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt.
phòng ngừa căng cơ đùi
Khởi động trước khi chơi thể thao và luyện tập để tăng sức mạnh và sự dẻo dai của cơ, hạn chế chấn thương

Căng cơ đùi thường là một chấn thương nghiêm trọng cần được điều trị sớm và đúng cách để phục hồi hiệu quả, giảm biến chứng. Chính vì thế ngay khi bị chấn thương, bạn cần áp dụng các biện pháp chăm sóc tại chỗ. Sau đó liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách phục hồi.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua