Gai Cột Sống
Gai cột sống là một dạng thoái hóa cột sống. Trong đó tình trạng hao mòn xương khớp khiến một (hoặc nhiều) gai xương hình thành ở hai bên và phía ngoài của đốt sống. Các gai xương làm giảm khả năng vận động, đồng thời chèn ép vào rễ thần kinh dẫn đến đau nhức âm ỉ. Nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi và thường gặp ở nam giới.
Gai cột sống là gì?
Gai cột sống là một dạng thường gặp của bệnh thoái hóa cột sống. Khi những tế bào xương có xu hướng phát triển bất thường, nhô ra phía ngoài và lấn sang hai bên của cột sống, hình thành gai xương trên thân đốt sống, dây chằng quanh khớp và đĩa sụn.
Sự hình thành của gai xương khiến các dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép. Điều này gây ra cảm giác khó chịu và đau nhức âm ỉ. Đôi khi bệnh nhân có biểu hiện tê cứng chi và hạn chế khả năng vận động tại những khu vực bị ảnh hưởng.
Gai cột sống nói riêng và bệnh thoái hóa cột sống nói chung thường tiến triển ở nam giới. Ngoài ra nguy cơ mắc bệnh tăng dần theo độ tuổi. Ngày nay bệnh có xu hướng trẻ hóa. Những người có tiền sử chấn thương, viêm khớp cột sống mạn tính hoặc xảy ra sự lắng đọng canxi ở các mô mềm đều có nguy cơ thoái hóa và hình thành gai xương.
Vị trí tổn thương
Gai xương thường xuất hiện ở mặt bên và mặt trước của cột sống. Trong những trường hợp các tế bào xương phát triển bất thường ở mặt sau khiến rễ thần kinh và tủy bị chèn ép. Tuy nhiên trường hợp này thường ít gặp hơn.
Bệnh gai cột sống có thể tiến triển ở nhiều vị trí khác nhau trên xương sống. Trong đó cột sống thắt lưng và cột sống cổ là những vị trí chịu nhiều ảnh hưởng nhất.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết gai cột sống
Trong giai đoạn khởi phát và chưa có sự cọ xát, người bệnh thường không có biểu hiện gì bất thường hoặc các triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên khi gai xương phát triển lớn, có sự cọ xát với mô mềm (dây chằng, rễ thần kinh...) và xương, bệnh nhân sẽ có cảm giác đau nhức nghiêm trọng. Tùy thuộc vào vị trí ảnh hưởng, cơn đau có thể tập trung ở thắt lưng hoặc/ cổ.
Sau một thời gian tiến triển, cơn đau do gai cột sống có xu hướng lan rộng sang hai vai, đau lên vùng đầu, làm ảnh hưởng đến hai tay. Nếu tổn thương ở cột sống thắt lưng, cơn đau có thể lan rộng sang hai bên hông, xuống mông. Đôi khi di chuyển xuống chân kèm theo nhiều triệu chứng khác. Đau thường thuyên giảm khi nghỉ ngơi và tăng mức độ nghiêm trọng khi vận động (bao gồm cả đứng hoặc đi).
- Mất cảm giác hoặc cảm thấy khó chịu ở vùng cột sống bị ảnh hưởng
- Tê bì và mất cảm giác ở các chi cho rễ thần kinh và/ hoặc tủy sống bị chèn ép
- Yếu cơ, nhất là ở hai tay và hai chân
- Khả năng vận động bị hạn chế
- Giảm khả năng phối hợp giữa các chi
- Co thắt cơ
- Mất khả năng vận động ở trường hợp nặng
- Mất thăng bằng, bệnh nhân đi khập khiễng hoặc đi lại khó khăn
- Mất kiểm soát đường tiểu tiện hoặc/ và đại tiện. Triệu chứng này thường gặp trong giai đoạn tiến triển, xảy ra do đường ống dẫn tủy bị thu hẹp
- Có tiếng kêu lộp bộp hoặc cảm giác mài mòn khi di chuyển cột sống.
Các triệu chứng toàn thân:
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
- Ăn uống không ngon miệng, chán ăn
- Rối loạn giấc ngủ
- Căng thẳng
- Rối loạn thần kinh thực vật (tăng huyết áp, suy giảm hô hấp, rối loạn các phản xạ tự động, tăng tiết mồ hôi...)
Nguyên nhân gây gai cột sống
Các nguyên nhân gây gai cột sống gồm:
- Thoái hóa theo tuổi tác: Cột sống có dấu hiệu suy yếu và thoái hóa theo tuổi tác. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh gai cột sống. Ngoài ra sự thoái hóa tự nhiên khiến bao xơ đĩa đệm bị mất nước dẫn đến xẹp, nứt vỡ và dễ tổn thương. Lúc này hai đốt sống liền kề ma sát với nhau và bắt đầu mòn đi. Để bù đắp phần xương bị bào mòn, cơ thể có xu hướng đẩy nhanh sự phát triển của tế bào xương và hình thành gai xương. Khi gai xương gia tăng kích thước, chúng có thể cản trở các hoạt động của khớp và gây đau.
- Chấn thương: Gai xương thường hình thành ở những bệnh nhân có chấn thương cột sống trước đó. Nguyên nhân là do chấn thương có thể khiến khớp hoặc/ và xương ở cột sống bị hư hại. Lúc này gai xương sẽ có xu hướng phát triển ở nơi bị tổn thương để đáp ứng nhu cầu sửa chữa của cơ thể.
- Sự lắng đọng canxi: Theo thời gian, lượng canxi trong cơ thể có thể lắng đọng ở gân và dây chằng tiếp xúc với đốt sống dưới dạng calcipyrophosphat. Điều này khiến dây chằng dày lên và tạo điều kiện thuận lợi cho gai xương phát triển.
- Phản ứng viêm: Theo kết quả nghiên cứu, phản ứng viêm có thể làm tăng nguy cơ lắng đọng canxi và hình thành gai xương ở cột sống thắt lưng hoặc cột sống cổ.
- Viêm khớp cột sống mãn tính: Viêm khớp cột sống mãn tính làm ảnh hưởng đến sụn đốt sống. Điều này khiến cột sống bị hao mòn, trở nên xù xì, khô ráp và tạo điều kiện thuận lợi cho hai đầu xương tiếp xúc với nhau. Khi đó các gai xương nhanh chóng hình thành để bù đắp cho sự rối loạn của xương và sụn.
Yếu tố nguy cơ của bệnh gai cột sống
Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gai cột sống, bao gồm:
- Giới tính: Nguy cơ mắc bệnh ở nam giới thường cao hơn nữ.
- Độ tuổi: Bệnh dễ xảy ra ở những người có độ tuổi trung niên do tình trạng thoái hóa tự nhiên theo tuổi tác.
- Duy trì thói quen sinh hoạt xấu: Nguy cơ bị gai cột sống sẽ tăng cao ở những người có thói quen hút thuốc lá, làm việc gắng sức, thường xuyên mang vác vật nặng thực hiện tư thế sai trong các hoạt động, đi đứng hoặc nằm ngủ...
- Thừa cân béo phì: Cân nặng dư thừa làm tăng áp lực lên các khớp xương, đặc biệt là cột sống thắt lưng và vùng lưng giữa. Điều này làm tăng nguy cơ tổn thương đĩa đệm và bao xơ. Đồng thời làm tăng nguy cơ thoái hóa và hình thành gai xương.
- Khiếm khuyết bẩm sinh: Tỉ lệ mắc bệnh ở những người có khiếm khuyết bẩm sinh (điển hình như đường cong bất thường của cột sống) thường cao hơn so với thông thường.
Bệnh gai cột sống có nguy hiểm không?
Gai cột sống là một bệnh lý nguy hiểm. Bệnh không chỉ gây đau, làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt mà còn phát sinh một vài biến chứng nghiêm trọng. Bao gồm:
- Bệnh lý đốt sống cổ: Bệnh gai cột sống làm thay đổi xương hoặc/ và đĩa đệm. Đồng thời gây chèn ép các dây thần kinh ở cột sống dẫn đến tê liệt, đau nhức và nhạy cảm với yếu tố bên ngoài.
- Hẹp ống sống: Ống sống dẫn truyền các dây thần kinh tủy sống bị thu hẹp do sự tiến triển của gai xương. Điều này làm tăng nguy cơ chèn ép dây thần kinh tủy sống dẫn đến yếu hoặc liệt tứ chi. Một số dấu hiệu nhận biết gồm đau ở cổ hoặc đau ở lưng, đau kéo dài xuống chân, bàn chân và gây tê hoặc yếu.
- Chèn ép tủy sống: Gai xương hình thành ở cột sống khiến tủy sống bị chèn ép. Điều này gây ra các vấn đề ở bàng quang, mất khả năng phối hợp các chi, bệnh nhân đi lại khó khăn và không thể giữ thăng bằng.
- Vẹo cột sống: Nguy cơ vẹo cột sống thường tăng cao ở những bệnh nhân bị gai cột sống nói riêng và thoái hóa cột sống nói chung.
- Liệt chi: Nếu không sớm thăm khám và điều trị, bệnh nhân sẽ có nguy cơ liệt tứ chi do tủy sống và rễ thần kinh bị chèn ép.
Cách chẩn đoán bệnh gai cột sống
Bệnh gai cột sống được chẩn đoán bằng cách kiểm tra lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.
1. Kiểm tra lâm sàng
- Kiểm tra tiền sử chấn thương và các bệnh lý về xương khớp (nếu có)
- Kiểm tra khả năng vận động (bao gồm chủ động và có hỗ trợ), phạm vi di chuyển và dáng đi
- Đánh giá triệu chứng đau cột sống và tình trạng tê cứng ở các chi
- Kiểm tra tính chất đau
- Xác định các hoạt động làm tăng/ giảm triệu chứng của bệnh.
2. Kiểm tra cận lâm sàng
Bệnh nhân được yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán sau khi kiểm tra lâm sàng và đánh giá các triệu chứng. Những kỹ thuật này giúp xác định bệnh lý, đánh giá mức độ nghiêm trọng và xác định hướng điều trị.
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang cho phép bác sĩ kiểm tra gai xương, xác định kích thước và sự chèn ép vào các mô hoặc xương khác. Ngoài ra kỹ thuật chẩn đoán này còn giúp bác sĩ chuyên khoa dễ dàng hơn trong việc xác định vị trí gai xương, mức độ tổn thương của các xương bị ảnh hưởng, mức độ thay đổi khớp, thoát vị đĩa đệm hoặc mất sụn. Trước khi chụp X-quang bệnh nhân có thể được tiêm chất cản quang để hình ảnh các mô mềm bị chèn ép trở nên rõ nét hơn.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Trong quá trình chẩn đoán gai cột sống, bệnh nhân có thể được yêu cầu chụp cộng hưởng từ với mục đích kiểm tra sự mài mòn và tổn thương của sụn. Đồng thời kiểm tra mức độ chèn ép rễ thần kinh và tủy sống. Từ đó đánh giá nguy cơ yếu và liệt chi của bệnh nhân.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Bệnh nhân được yêu cầu chụp cắt lớp vi tính với mục đích kiểm tra sự thay đổi của cấu trúc xương sống, đánh giá mức độ nghiêm trọng và đề ra hướng điều trị thích hợp.
- Xét nghiệm điện học: Xét nghiệm điện học thường được sử dụng trong quá trình chẩn đoán gai cột sống. Xét nghiệm này có tác dụng xác định tốc độ gửi tín hiệu điện từ thần kinh về não và những bộ phận khác của cơ thể. Từ đó giúp kiểm tra mức độ tổn thương và chấn thương dây thần kinh cột sống. Đồng thời chẩn đoán xác định và loại trừ những yếu tố nguy cơ.
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm máu với mục đích kiểm tra những nguyên nhân có khả năng gây đau cột sống. Điển hình như bệnh gout, viêm khớp tự miễn. Điều này giúp chẩn đoán phân biệt gai cột sống với các bệnh lý khác.
3. Chẩn đoán phân biệt
Thông thường gai cột sống sẽ được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý sau:
- Bệnh viêm khớp dạng thấp
- Bệnh gout
- Chấn thương thông thường
- Thoát vị đĩa đệm
- Gãy đốt sống
- Hẹp ống sống...
Phương pháp điều trị gai cột sống
Các phương pháp điều trị gai cột sống thường mang tính chất bảo tồn, hiếm khi phẫu thuật được chỉ định.
1. Biện pháp điều trị tại nhà
Thông thường bệnh nhân bị gai cột sống được hướng dẫn luyện tập, thay đổi chế độ sinh hoạt và áp dụng một số biện pháp đơn giản khác. Cụ thể:
- Cải thiện tư thế: Người bệnh được hướng dẫn sinh hoạt với những tư thế đúng để giảm đau, phòng ngừa cong vẹo cột sống và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh. Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân bị thoái hóa và gai cột sống do thói quen thể chất và điều kiện làm việc kém.
- Sử dụng ghế ngồi hỗ trợ: Người bệnh nên nghỉ ngơi trên nệm hoặc trên một chiếc ghế có đệm hỗ trợ lưng để làm giảm căng thẳng và mức độ nghiêm trọng của cơn đau.
- Thay đổi chế độ sinh hoạt: Trong thời gian điều trị gai cột sống, người bệnh cần lưu ý loại bỏ thói quen hút thuốc lá, tránh lao động hoặc vận động quá sức, không mang vác vật nặng. Bởi những hoạt động này có thể đẩy nhanh tốc độ thoái hóa xương khớp, tăng mức độ đau. Đồng thời tăng nguy cơ tổn thương và chèn ép vào các mô mềm cạnh xương tổn thương.
- Ăn uống lành mạnh: Theo chuyên gia, người bị gai cột sống cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau quả, trái cây tươi. Đặc biệt nên tăng cường tiêu thụ những loại thực phẩm giàu calcium, vitamin D như sữa, trứng, thịt, cá mòi, phô mai, sữa chua, các loại hạt...
- Nghỉ ngơi: Nếu cơn đau xuất hiện bạn nên nghỉ ngơi tại chỗ để cải thiện tình trạng. Việc nghỉ ngơi có thể giúp xoa dịu cơn đau, giảm mức độ nhạy cảm và hạn chế những hoạt động làm tổn thương xương khớp.
- Chườm nóng: Chườm nóng có thể mang đến lợi ích cho những bệnh nhân bị đau ở lưng hoặc cổ do gai xương. Biện pháp này có tác dụng thư giãn cơ, cải thiện lưu lượng máu nuôi dưỡng xương khớp và giảm đau hiệu quả.
- Duy trì hoạt động thể chất: Để tăng cường các cơ hỗ trợ cột sống, duy trì sức khỏe và sự linh hoạt của khớp xương, người bệnh cần duy trì hoạt động thể chất với các bài tập cơ bản và có cường độ nhẹ. Điển hình như đi bộ trên mặt phẳng, bơi lội, yoga, tập dưỡng sinh... Lưu ý không thực hiện những bài tập có cường độ mạnh và không hoạt động thể chất quá mức để tránh làm tăng mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
2. Sử dụng thuốc
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau, người bệnh có thể được sử dụng những loại thuốc giảm đau thông thường hoặc thuốc giảm đau kê đơn và gây nghiện.
- Paracetamol: Paracetamol thường được sử dụng cho những bệnh nhân có cơn đau nhẹ. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau và mang đến cảm giác dễ chịu. Từ đó giúp cải thiện các hoạt động thể chất, phòng ngừa tình trạng cứng và yếu cơ.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen và một số loại thuốc chống viêm không steroid thường được chỉ định cho những trường hợp bị đau cột sống ở mức độ trung bình. Việc sử dụng nhóm thuốc này sẽ giúp người bệnh giảm đau và hạn chế phát sinh các phản ứng viêm.
- Thuốc giảm đau theo toa: Một số loại thuốc giảm đau theo toa như Naproxen, Codein, thuốc ức chế COX-2... được chỉ định cho những trường hợp bị đau dữ dội và dai dẳng. Những loại thuốc này có khả năng cắt giảm cảm giác đau. Đồng thời hỗ trợ giảm co cứng xương khớp và cải thiện khả năng vận động của bệnh nhân.
- Thuốc giãn cơ: Đối với những trường hợp bị co thắt cơ dẫn đến đau nhức nghiêm trọng, người bệnh sẽ được yêu cầu sử dụng thuốc giãn cơ để xoa dịu tình trạng.
- Thuốc giảm đau dây thần kinh: Đơn thuốc chứa thuốc giảm đau dây thần kinh sẽ được áp dụng cho những bệnh nhân có cảm giác đau nhiều do dây thần kinh bị chèn ép.
- Tiêm Steroid: Steroid dạng tiêm được dùng cho những trường hợp đau nặng và không thể giải quyết cơn đau bằng những loại thuốc nêu trên. Thuốc này có tác dụng giảm đau bằng cách giảm viêm và thường được dùng kết hợp với thuốc gây mê. Ngoài ra bệnh nhân được tiêm Steroid vào rễ thần kinh dưới sự hướng dẫn của tia X. Mặc dù mang đến hiệu quả điều trị cao nhưng Steroid ít được sử dụng do thuốc có thể gây một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
3. Vật lý trị liệu
Bệnh nhân bị gai cột sống thường được hướng dẫn vật lý trị liệu để phục hồi chức năng. Phương pháp điều trị này có tác dụng cải thiện tính linh hoạt, phục hồi phạm vi chuyển động. Ngoài ra các bài tập còn giúp giảm đau, giảm tê cứng xương khớp và phòng ngừa yếu liệt cơ. Điển hình như các bài tập dùng lực kéo cơ học và vận động bằng tay.
Tuy nhiên vật lý trị liệu không thể chữa khỏi gai cột sống, các bài tập chỉ có tác dụng làm chậm và kiểm soát triệu chứng. Để nâng cao hiệu quả phục hồi tính linh hoạt, giảm áp và điều chỉnh các hoạt động, người bệnh được khuyên vật lý trị liệu kết hợp nắn xương và điều chỉnh tư thế.
4. Phương pháp điều trị thay thế
Để giảm tổn thương dây thần kinh cổ và kiểm soát triệu chứng đau, người bệnh có thể được yêu cầu áp dụng những phương pháp điều trị thay thế sau:
- Điều trị siêu âm
- Trị liệu thần kinh cột sống
- Châm cứu
- Massage
- Kích thích điện.
5. Phẫu thuật
Thông thường người bị gai cột sống được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Tuy nhiên trong một số trường hợp nặng, bệnh nhân có thể được yêu cầu phẫu thuật.
Chỉ định
Phẫu thuật điều trị gai cột sống được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Đau nhức nghiêm trọng, đau không thuyên giảm sau khi điều trị bảo tồn
- Chèn ép tủy sống và dây thần kinh dẫn đến tê yếu nghiêm trọng
- Mất kiểm soát bàng quang và ruột
- Có nguy cơ gây biến chứng (điển hình như liệt chi).
Mục đích phẫu thuật
- Kiểm soát sự chuyển động của cột sống
- Giảm áp lực trong ống sống
- Giải nén tủy sống và dây thần kinh
- Kiểm soát các triệu chứng của bệnh.
Phương pháp phẫu thuật
Tùy thuộc vào mục đích điều trị, bệnh nhân có thể được yêu cần điều trị với một trong hai phương pháp phẫu thuật sau:
- Phẫu thuật giải nén
Phẫu thuật giải nén được áp dụng cho những bệnh nhân có gai xương làm hẹp ống sống, chèn ép vào tủy sống và rễ dây thần kinh. Phẫu thuật có thể tiếp cận từ phía trước và phía sau để giải nén và giảm áp lực trong ống sống. Từ đó giúp kiểm soát các triệu chứng một cách hiệu quả. Trong một số trường hợp khác, vị trí phẫu thuật khác nhau tùy thuộc vào khu vực bị ảnh hưởng.
Thông thường trong quá trình phẫu thuật giải nén, bác sĩ có thể loại bỏ các phần của đĩa đệm và tế bào xương để đáp ứng mục đích điều trị.
- Phẫu thuật kết hợp
Phẫu thuật kết hợp được chỉ định cho những bệnh nhân bị sai lệch hoặc có sự bất ổn định của cột sống. Tùy thuộc vào mục đích điều trị, bác sĩ có thể sử dụng đinh vít hoặc một số dụng cụ hỗ trợ khác để nâng cao hiệu quả trong phẫu thuật hợp nhất.
Việc tiến hành phẫu thuật kết hợp sẽ giúp người bệnh điều chỉnh cột sống, loại bỏ gai xương và giảm nguy cơ phát sinh biến chứng.
Biện pháp phòng ngừa gai cột sống
Người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để làm giảm nguy cơ mắc bệnh gai cột sống, cụ thể:
- Kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân béo phì.
- Hạn chế lao động nặng (bưng bê, kéo, mang vác vật nặng...) hoặc lao động quá sức.
- Nên dành thời gian nghỉ ngơi để khớp xương thư giãn và hạn chế nguy cơ.
- Sinh hoạt và lao động đúng tư thế, không duy trì những tư thế không lành mạnh và ngồi quá lâu.
- Duy trì thói quen sinh hoạt và chơi những bộ môn thể thao có cường độ nhẹ (yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe). Tránh chơi những môn thể thao có cường độ nặng và quá sức chịu đựng, điển hình như thể dục dụng cụ và cử tạ.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Thận trọng trong các sinh hoạt, tránh chấn thương cột sống.
- Ăn uống lành mạnh và đủ chất. Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, thực phẩm giàu vitamin D, chất chống oxy hóa và canxi. Tránh tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo, hạn chế ăn mỡ động vật.
Chia sẻ tình trạng bệnh xương khớp gặp phải - bác sĩ đầu ngành tư vấn miễn phí
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!