Bệnh Giả Gout Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội
Theo dõi IHR trên goole news

Bệnh giả gout xảy ra khi các tinh thể canxi pyrophosphat cực nhỏ tích tụ bên trong khớp và kích hoạt phản ứng của hệ thống miễn dịch. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến một cơn đau giả gout sẽ kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Do đó, điều quan trọng là có sự chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp.

Bệnh giả gout
Bệnh giả gout xảy ra các tinh thể rất nhỏ tích tụ trong khớp, dẫn đến sưng tấy và đau đớn đột ngột

Bệnh giả gout là gì?

Bệnh giả gout dẫn đến các triệu chứng tương tự như bệnh gout, bao gồm sự khởi phát của những cơn đau đột ngột, dữ dội, sưng nóng và đỏ ở khớp. Tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến bất cứ khớp nào, tuy nhiên thường phổ biến ở đầu gối, cổ tay hoặc các khớp lớn ở bàn tay. Đôi khi bệnh giả gout cũng dẫn đến các triệu chứng ở hông, vai và cột sống.

Tuy nhiên, không giống như bệnh gout, bệnh giả gout không gây ảnh hưởng đến các ngón chân cái.

Giả gout xảy ra khi các tinh thể canxi pyrophosphat có kích thước cực kỳ nhỏ tích tự ở các khớp, dẫn đến viêm, sưng tấy và đỏ. Đôi khi bác sĩ có thể gọi chứng giả gout là chứng lắng đọng canxi pyrophosphat (CPPD) hoặc viêm khớp do tinh thể canxi pyrophosphat cấp tính (viêm khớp do tinh thể CPP cấp tính).

Các triệu chứng của bệnh giả gout có thể có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Các cơn gout có thể xuất hiện liên tiếp, kéo dài hơn và gây ảnh hưởng đến nhiều khớp hơn.

So với bệnh gout và viêm xương khớp, chứng giả gout thường ít phổ biến và dễ chẩn đoán nhầm với bệnh gout, thoái hóa khớp hoặc viêm khớp dạng thấp. Trong hầu hết các trường hợp, các phương pháp điều trị ban đầu là giống nhau, chẳng hạn như giảm đau và chống viêm. Tuy nhiên việc chẩn đoán không chính xác hoặc chậm trễ có thể gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của người bệnh. Do đó, điều quan trọng là đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Bệnh gout và giả gout khác nhau như thế nào?

Đôi khi bệnh gout và giả gout được gọi là bệnh khớp do tinh thể gây ra, có nghĩa các bệnh lý này đơn giản là bệnh khớp do các tinh thể cực kỳ nhỏ gây ra.

Bệnh giả gout
Sự khác biệt lớn nhất giữa gout và giả gout là tinh thể gây ra các triệu chứng

Sự khác biệt cơ bản của bệnh gout và giả gout là loại tinh thể dẫn đến các triệu chứng.

  • Bệnh gout xảy ra khi các tinh thể urat monosodium, còn được gọi là tinh thể axit uric, gây viêm, sưng các khớp.
  • Chứng giả gout xảy ra khi các tinh thể canxi pyrophosphat dihydrat, còn được gọi là canxi pyrophosphat hoặc tinh thể CPP, gây tổn thương đến các khớp.

Bệnh gout xảy ra khi người bệnh có chế độ ăn uống không phù hợp, uống nhiều rượu, ăn kiêng, thừa cân và lạm dụng một số loại thuốc. Hiện tại các nhà nghiên cứu không rõ nguyên nhân dẫn đến việc hình thành các tinh thể canxi pyrophosphat cũng như bệnh giả gout.

Các triệu chứng của bệnh giả gout

Khi các tinh thể canxi pyrophosphat tích tụ trong các mô mềm của khớp sẽ gây kích ứng hệ thống miễn dịch, dẫn đến viêm, sưng tấy và đau đớn. Các triệu chứng này xuất hiện như một cơn gout cấp, tấn công nhanh chóng và không có dấu hiệu báo trước.

Giả gout thường gây ảnh hưởng đến ít nhất 1 – 4 khớp và ít có khả năng gây ảnh hưởng đến 5 khớp trở lên. Bất cứ khớp nào cũng có thể bị ảnh hưởng, tuy nhiên phổ biến nhất là ở đầu gối, cổ tay hoặc các khớp lớn ở bàn tay. Đôi khi hông, vai và cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng.

1. Dấu hiệu và triệu chứng phổ biến

Các dấu hiệu và triệu chứng điển hình của chứng giả gout thường xuất hiện một cách đột ngột và biến mất trong vòng vài tuần. Theo thời gian, các triệu chứng giả gout có thể dẫn đến tổn thương khớp vĩnh viễn.

dấu hiệu Bệnh giả gout
Các triệu chứng giả gout thường gây ảnh hưởng đến các khớp lớn ở bàn tay

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh giả gout có thể dẫn đến các triệu chứng như:

  • Đau đớn: Dấu hiệu phổ biến của bệnh giả gout là đau đớn ở các khớp bị ảnh hưởng. Nếu bệnh gây ảnh hưởng đến nhiều khớp, cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng hơn ở một khớp và nhẹ hoặc trung bình ở các khớp khác.
  • Sưng tấy: Các chất lỏng có thể tích tụ trong các khớp, dẫn đến sưng tấy.
  • Thay đổi ở da: Khi khớp bị viêm, da có thể có màu đỏ hoặc tím và có thể ấm khi chạm vào. Ngoài ra, da cũng có thể bị căng do sưng tấy.
  • Cứng khớp: Sưng và đau đáng kể có thể gây khó khăn cho việc uốn cong và gập khớp. Ngoài ra, cứng khớp có thể gây ảnh hưởng đến phạm vi chuyển động của khớp.
  • Xuất hiện nhanh chóng: Chứng giả gout có thể xuất hiện đột ngột và không có dấu hiệu nào báo trước. Thông thường sẽ mất khoảng 6 – 12 giờ để cơn đau khởi phát, sưng tấy và lên đến đỉnh điểm về mức độ nghiêm trọng.
  • Sốt và các triệu chứng giống cúm: Chứng giả gout có thể gây ra sốt, ớn lạnh và các triệu chứng toàn thân khác, chẳng hạn như mệt mỏi nói chung. Các triệu chứng này xuất hiện khi hệ thống miễn dịch phản ứng với các tinh thể canxi pyrophosphat.

2. So so dấu hiệu giả gout và gout

Mặc dù các triệu chứng của bệnh gout và giả gout đều xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng với các tinh thể cực nhỏ trong khớp. Tuy nhiên, hai tình trạng này có một số điểm khác biệt, chẳng hạn như:

  • Cơn đau gout thường xuất hiện lúc nửa đêm trong khi cơn giả gout có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày.
  • Cơn đau giả gout có thể nghiêm trọng, tuy nhiên thường ít nghiêm trọng hơn cơn đau do gout cấp tính.
  • Chứng giả gout không dẫn đến việc hình thành các hạt tophi. Tophi là các khối nhỏ màu trắng hoặc vàng của các tinh thể axit uric và có thể nhìn thấy qua da. Các hạt tophi thường xuất hiện ở những người bệnh gout mãn tính và kéo dài ít nhất trong vài năm.
  • Một đợt giả gout không được điều trị có thể kéo dài trong vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên một đợt gout cấp tính không được điều trị có thể kéo dài trong vài tuần hoặc ngắn hơn.

Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh gout thường có nguyên nhân rõ ràng, chẳng hạn như uống nhiều rượu, thường xuyên ăn một số loại thực phẩm, lạm dụng một số loại thuốc. Tuy nhiên một cơn giả gout thường ít có nguyên nhân rõ ràng và các nhà nghiên cứu vẫn đang xác định nguyên nhân của căn bệnh này.

Nguyên nhân của bệnh giả gout

Như đã đề cập, không rõ nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng giả gout. Tuy nhiên các bác sĩ cho biết có một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như:

1. Cao tuổi

Theo các ước tính, tình trạng lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphat tăng lên đáng kể khi cơ thể già đi. Hầu hết những người bệnh giả gout đều từ 60 tuổi trở lên. Sau 60 tuổi, khả năng phát bệnh tăng lên gấp đôi và tăng lên theo từng năm.

Theo thống kê, có khoảng 44% những người trên 84 tuổi có các dấu hiệu giả gout ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên hầu hết các triệu chứng đều không được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

nguyên nhân gây bệnh giả gout
Theo thống kê, hầu hết người bệnh giả gout đều trên 60 tuổi

2. Chấn thương khớp

Chấn thương khớp hoặc phẫu thuật khớp có thể dẫn đến một đợt bùng phát cơn gout giả. Các chuyên gia cho biết, chấn thương sẽ khiến sụn khớp giải phóng các tinh thể canxi photphat đã tích tụ bên trong khớp.

Sau khi được giải phóng, các tinh thể này sẽ kích hoạt phản ứng của hệ thống miễn dịch. Điều này dẫn đến sưng tấy, đau đớn và các triệu chứng giả gout khác.

3. Tiền sử gia đình

Di truyền có thể khiến các tinh thể canxi pyrophosphat tích tụ trong khớp. Các nghiên cứu cho thấy, có một số đột biến gen nhất định ở gen ANKH, có thể điều chỉnh sự trao đổi khớp và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh giả gout.

Những người mang gen này thường phát triển các triệu chứng giả gout sớm hơn so với độ tuổi phổ biến (60 tuổi). Ngoài ra, người bệnh cũng có thể vị đau lưng, đau nhức xương khớp và các vấn đề khác ở cột sống.

4. Bệnh gout

Những người bệnh gout có nguy cơ mắc chứng giả gout cao hơn khoảng 2.5 lần khi so với những người khác.

5. Bệnh viêm khớp

Nhiều nghiên cứu cho thấy, các bệnh viêm khớp, chẳng hạn như viêm xương khớp hoặc viêm khớp dạng thấp, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh giả gout.

yếu tố gây ra chứng giả gout
Viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp là một trong những yếu tố rủi ro dẫn đến chứng giả gout

Nguy cơ mắc chứng giả gout cao hơn từ 2 – 3 lần ở những bệnh nhân viêm xương khớp (thoái hóa khớp) so với người không mắc bệnh. Một số chuyên gia tin rằng những người bị viêm xương khớp bị lắng đọng canxi pyrophosphat có thể bị sưng và viêm nhiều hơn ở người bệnh viêm xương khớp không lắng đọng tinh thể.

Ngoài ra, theo ước tính, người bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc chứng giả gout cao hơn 2 lần so với những người không mắc bệnh.

6. Các điều kiện cơ bản

Có một số rối loạn chuyển hóa và nội tiết có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh giả gout, chẳng hạn như:

  • Cường cận giáp: Bệnh có thể gây ra lượng canxi bất thường trong máu, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất trong cơ thể và dẫn đến chứng giả gout.
  • Hemochromatosis: Đây là một chứng rối loạn di truyền khiến cơ thể tích trữ nhiều sắt xung quanh khớp, các mô xung quanh khớp và cơ quan.
  • Thiếu hụt magie trong máu (Hypomagnesemia): Đây là tình trạng thiếu hụt bất thường lượng magie trong máu, dẫn đến sưng, viêm ở các khớp.
  • Thiếu Phosphate (Hypophosphatasia): Đây là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa, gây thiếu phosphate trong máu và dẫn đến các triệu chứng ở xương, răng.

Theo khuyến cáo, những người bệnh giả gout dưới 60 tuổi cần được xét nghiệm chẩn đoán các tình trạng cơ bản hoặc bệnh lý di truyền. Chẩn đoán chính xác và điều trị kịp lúc là cách tốt nhất để cải thiện các triệu chứng cũng như ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

Chẩn đoán bệnh giả gout như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh giả gout, bác sĩ có thể tiến hành khám sức khỏe hoặc thực hiện các xét nghiệm liên quan. Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:

1. Khám sức khỏe

Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân mô tả cơn đau, sự khởi phát và các triệu chứng đặc trưng. Người bệnh cũng có thể cần thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý gia đình, nếu được yêu cầu.

Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra khớp bị ảnh hưởng, các điểm sưng, đau và yêu cầu người bệnh thực hiện một số cử động để đánh giá chức năng của khớp.

2. Phân tích chất lỏng khớp

Phân tích dịch khớp là các tốt nhất để xác định chứng giả gout. Bác sĩ có thể sử dụng một cây kim nhỏ để chiết xuất chất lỏng nhỏ từ dịch khớp bị ảnh hưởng (còn gọi là hút dịch khớp) và kiểm tra ở phòng thí nghiệm để phân tích.

Trong quá trình phân tích, chất lỏng sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi phân cực. Các chuyên gia sẽ xác định các tinh thể canxi pyrophosphat dẫn đến hiện tượng giả gout.

chọc hút dịch khớp gối Chẩn đoán bệnh giả gout
Bác sĩ có thể đề nghị phân tích chất lỏng ở khớp để chẩn đoán chứng giả gout

3. Xét nghiệm máu và nước tiểu

Mặc dù không có xét nghiệm máu hoặc nước tiểu cụ thể để xác định bệnh giả gout, tuy nhiên bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm này để loại trừ một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác, chẳng hạn như bệnh gout.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện xét nghiệm máu hoặc nước tiểu nếu nghi ngờ bệnh nhân có có bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh huyết sắc tố.

4. Xét nghiệm hình ảnh

Chụp X – quang:

  • Tinh thể canxi pyrophosphat có thể dẫn đến vôi hóa sụn. Tình trạng này được gọi là chondrocalcinosis và có thể hiển thị trên xương X – quang. Chụp hình X – quang có thể dẫn đến tổn thương khớp tổng thể.
  • Tuy nhiên bệnh chondrocalcinosis có thể xuất hiện mà không liên quan đến bệnh giả gout. Do đó, X – quang đôi khi không được chỉ định.

Chụp cắt lớp vi tính (CT):

  • Các dấu hiệu chondrocalcinosis liên quan đến chứng giả gout có thể được hình thấy trên hình ảnh CT. Xét nghiệm này có thể xác định các vết vôi hóa ở cột sống.

5. Siêu âm

Siêu âm có thể giúp bác sĩ xác định tình trạng viêm màng đệm liên quan đến chứng giả gout. Trong quá trình siêu âm, các bất thường ở sụn chêm có thể là dấu hiệu để chẩn đoán bệnh giả gout. Tuy nhiên các bất thường khi quan sát dọc theo bề mặt sụn có thể liên quan đến bệnh gout.

Một số chuyên gia cho rằng, các khác biệt này là rất nhỏ, do đó rất khó phân biệt biệt bệnh gout và giả gout thông qua siêu âm.

Các biện pháp điều trị bệnh giả gout

Các phương pháp điều trị được khuyến nghị cho chứng giả gout là tập trung vào việc giảm viêm và đau khớp. Ngoài ra, điều trị có thể giảm nguy cơ gây tổn thương khớp lâu dài liên quan đến các đợt giả gout tái phát hoặc xuất hiện lặp lại.

Các phương pháp điều trị bệnh giả gout phổ biến bao gồm:

1. Tự chăm sóc tại nhà

Đôi khi các cơn gout giả có thể xuất hiện đột ngột, nghiêm trọng mà không có bất cứ dấu hiệu báo trước nào. Để cải thiện các triệu chứng này bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp như:

Chườm lạnh điều trị Bệnh giả gout
Chườm đá có thể giúp giảm đau và viêm liên quan đến chứng giả gout
  • Chườm lạnh: Người bệnh có thể sử dụng một miếng gạc lạnh hoặc túi đá, chườm lên khớp bị ảnh hưởng để làm giảm khó chịu, giảm sưng và giảm đau.
  • Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi trong một hoặc hai ngày có thể giúp giảm viêm, sưng, đau và các triệu chứng khác của bệnh giả gout.
  • Nâng cao khớp bị ảnh hưởng: Nếu có thể, hãy kê cao khớp bị ảnh hưởng đến giúp giảm sưng. Chẳng hạn như bệnh giả gout ở đầu gối có thể được cải thiện bằng cách ngồi với chân đặt trên ghế hoặc nằm xuống với bàn chân kê lên cao để giảm các triệu chứng.

2. Hút dịch khớp

Bác sĩ có thể đề nghị chọc hút dịch khớp bằng cách đâm kim vào khớp bị ảnh hưởng là loại bỏ một số chất lỏng đã tích tụ. Điều này có thể giúp giảm áp lực lên khớp, giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.

3. Sử dụng thuốc chống viêm

Thuốc chống viêm được sử dụng để loại bỏ các cơn giả gout cấp, cải thiện tình trạng đau đớn, sưng tấy và hỗ trợ tăng cường chức năng ở các khớp. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm:

thuốc colchicine điều trị bệnh giả gout
Sử dụng thuốc colchicine theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất
  • Thuốc tiêm corticosteroid: Tiêm corticosteroid có tác dụng giảm viêm và thường được khuyến cáo để điều trị bệnh giả gout. Tuy nhiên trong trường hợp có nhiều hơn hai khớp bị ảnh hưởng, bác sĩ có thể tránh sử dụng phương pháp này.
  • Colchicine: Nếu thuốc tiêm corticosteroid không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể chỉ định colchicine để điều trị cơn giả gout. Người bệnh có nhiều cơn đau gout giả thường được khuyên dùng một liều nhỏ colchicine mỗi ngày để ngăn ngừa các cơn đau.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen, thường được kê đơn nếu colchicine không được chỉ định, để kiểm soát các cơn giả gout. Một số người bệnh không thể sử dụng các loại thuốc này, chẳng hạn như người rối loạn chức năng thận, rối loạn chảy máu, có bệnh dạ dày, tiêu hóa, bệnh tim và một số vấn đề sức khỏe cơ bản khác.
  • Prednisone: Prednisone là một loại steroid đường uống có thể được kê đơn nếu người bệnh không thể dung nạp NSAID hoặc colchicine. Tuy nhiên uống steroid có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Nếu không được điều trị phù hợp, các triệu chứng giả gout có thể gây thoái hóa khớp hoặc các tổn thương khớp khác. Trong trường hợp này, người bệnh có thể cần được phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng. Trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

Tương tự như bệnh gout, bệnh giả gout có thể tái phát và trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Điều quan trọng là chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp. Việc trì hoãn điều trị hoặc điều trị sai cách có thể gây hại cho các khớp, thậm chí là ảnh hưởng đến chức năng khớp. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng giả gout, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua