Bé bị vẹo cổ nghiêng đầu do đâu? Cách khắc phục

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Vũ Phương Ngọc
Theo dõi IHR trên goole news

Bé bị vẹo cổ nghiêng đầu do hai nhóm nguyên nhân chính gồm bẩm sinh và bệnh lý. Vì thế những biểu hiện có thể rõ rệt ngay từ khi sinh ra hoặc phát triển một các từ từ dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Bệnh khiến trẻ nghiêng đầu về một hướng, hạn chế phạm vi chuyển động đầu cổ, đôi khi đau và xuất hiện một khối u nhỏ trên cổ.

Bé bị vẹo cổ nghiêng đầu
Tìm hiểu bé bị vẹo cổ nghiêng đầu do đâu? Cách chẩn đoán và khắc phục

Vẹo cổ nghiêng đầu ở trẻ em là gì?

Vẹo cổ (xoắn cổ) là một bệnh lý thường gặp, có thể tiến triển ở nhiều nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh lý này khiến bé bị vẹo cổ nghiêng đầu sang một bên, cằm hướng về phía đối diện. Vẹo cổ khiến phạm vi chuyển động của trẻ bị hạn chế, trên cổ có khối u, cổ có thể đau hoặc không.

Phần lớn trẻ em bị vẹo cổ nghiêng đầu có thể được điều trị bằng những phương pháp nội khoa như điều chỉnh tư thế cho trẻ, thực hiên bài tập tại nhà, vật lý trị liệu… Một số trường hợp không có đáp ứng hoặc khó khăn trong điều trị, trẻ có thể được chỉ định phẫu thuật.

Việc xác định nguyên nhân và điều trị vẹo cổ ở trẻ em cần được thực hiện càng sớm càng tốt để phòng ngừa dị tật vĩnh viễn và nhiều tình trạng nghiêm trọng khác.

Bé bị vẹo cổ nghiêng đầu do đâu?

Bé bị vẹo cổ nghiêng đầu do nhiều nguyên nhân và được chia thành hai nhóm chính gồm:

1. Bé bị vẹo cổ nghiêng đầu do bẩm sinh

Theo kết quả thống kê, phần lớn trẻ nhỏ bị vẹo cổ bẩm sinh. Điều này có nghĩa đầu và cổ của trẻ nghiêng sang một bên ngay từ khi sinh ra nhưng hầu như không gây đau đớn.

Nguyên nhân gây vẹo cổ bẩm sinh gồm:

  • Thai ngôi mông

Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, mông của trẻ được đưa ra đầu tiên và kết thúc bằng phần cổ và đầu. Ở những trường hợp khó sinh, đầu và cổ của trẻ có thể bị mắc kẹt ở ống sinh khiến các cơ bị kéo căng quá mức dẫn đến vẹo cổ.

Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, tình trạng căng giãn quá mức có thể khiến cơ sternocleidomastoid (SCM) bị rách dẫn đến co rút, bầm tím và chảy máu bên trong.

  • Chấn thương trong quá trình sinh

Chấn thương trong quá trình sinh xảy ra khi trẻ bị kẹt trong ống sinh. Khi đó bác sĩ sẽ sử dụng một số thiết bị như giác hút, kẹp forcep… và áp dụng các biện pháp y tế để đưa trẻ ra ngoài. Điều này giúp trẻ không bị ngạt và giảm đau cho mẹ. Tuy nhiên quá trình hỗ trợ đưa trẻ ra ngoài có thể làm tổn thương cơ sternocleidomastoid và gây chứng vẹo cổ.

  • Cơ sternocleidomastoid ngắn

Những bất thường trong quá trình phát triển của thai nhi có thể khiến cơ sternocleidomastoid bị rút ngắn. Đây chính là nguyên nhân phổ biến gây chứng vẹo cổ bẩm sinh.

Cơ sternocleidomastoid ngắn
Cơ sternocleidomastoid ngắn là một trong những nguyên nhân khiến bé bị vẹo cổ nghiêng đầu bẩm sinh

2. Bé bị vẹo cổ nghiêng đầu do bệnh lý

Những bệnh lý được liệt kê dưới đây có thể khiến bé bị vẹo cổ nghiêng đầu, bao gồm:

  • Hội chứng Sandifer

Hội chứng Sandifer thường phát triển từ bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở mức độ nặng. Bởi những cơn trào ngược có thể khiến các cơ ở vùng cổ của trẻ bị co thắt bất thường. Lâu ngày dẫn đến tình trạng vẹo cổ.

  • Lệch mắt

Sự mất cân bằng liên quan đến chứng lệch mắt có thể làm ảnh hưởng đến việc nhận biết chiều sâu và khoảng cách. Điều này khiến trẻ phải nghiêng đầu theo hướng mắt bị lệch để nhìn rõ. Khi đó cơ sternocleidomastoid bên đối diện sẽ bị căng giãn, lặp lại nhiều lần dẫn đến vẹo cổ.

  • Hội chứng Grisel

Các cơ ở cổ có thể bị kích thích dẫn đến co thắt và viêm, trật khớp chẩm đốt khi họng hoặc/ và mũi đang bị nhiễm trùng. Đây được gọi là hội chứng Grisel. Hội chứng này thường bắt đầu từ bệnh viêm tai giữa, nhiễm trùng/ viêm amidan, sùi vòm họng.

Hội chứng Grisel có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên trẻ vị thành niên là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất.

  • Nhiễm trùng

Một số tình trạng nhiễm trùng liên quan đến đốt sống cổ và những mô mềm xung quanh có thể khiến các bị co thắt dẫn đến vẹo cổ.

  • Chấn thương

Một số chấn thương ở vùng cổ như trật khớp, giãn dây chằng có thể kéo căng cơ sternocleidomastoid dẫn đến tình trạng co thắt không phục hồi và vẹo cổ.

Trong một số trường hợp khác, vẹo cổ bọc phát xảy ra ở trẻ sơ sinh do ngủ sai tư thế trong thời gian dài, điển hình như liên tục ngủ nghiêng đầu sang một bên. Tình trạng này thường bắt đầu từ vài tháng đến một năm sau sinh. Nếu được điều chỉnh các biểu hiện sẽ biến mất khi trẻ lớn hơn (khoảng 5 tuổi).

Vẹo cổ bọc phát xảy ra ở trẻ sơ sinh do ngủ sai tư thế trong thời gian dài
Chứng vẹo cổ nghiêng đầu bọc phát thường gặp ở trẻ sơ sinh do ngủ sai tư thế trong thời gian dài

Dấu hiệu nhận biết bé bị vẹo cổ nghiêng đầu

Đối với những bé bị vẹo cổ nghiêng đầu do bẩm sinh, những biểu hiện thường khởi phát ngay khi trẻ sinh ra. Những biểu hiện này sẽ phát triển dần theo thời gian, đặc biệt là trong 3 tháng tuổi. Ở những trẻ bị vẹo cổ do bệnh lý, các biểu hiện thường mờ nhạt, khó nhận biết cho đến khi bệnh tiến triển nặng.

Để nhận biết bé bị vẹo cổ nghiêng đầu, phụ huynh có thể dựa vào những biểu hiện sau:

  • Trẻ thường nghiêng đầu sang một bên (tại bên có khối u), cằm hướng về bên đối diện
  • Chỉ thích bú ở một bên vú
  • Dẹt ở một bên đầu sau tai
  • Hạn chế phạm vi chuyển động của đầu và cổ
  • Không có sự đối xứng giữa những điểm trên gương mặt
  • Có thể đau hoặc không
  • Xuất hiện một khối u nhỏ ở cổ, ngay tại cơ ức đòn chũm với những đặc điểm sau:
    • Trẻ dưới 3 tháng tuổi: Khối u tăng nhanh kích thước ở trẻ 1 tháng tuổi, mật độ của u hơi chắc hoặc rất chắc, thường nhẹ nhàng di động theo cơ ức đòn chũm.
    • Trẻ trên 3 tháng tuổi: Mật độ của u rất chắc, có hoặc không di động theo cơ ức đòn chũm.
  •  Hạn chế khả năng nghiêng hoặc xoay đầu sang bên lành

Bé bị vẹo cổ nghiêng đầu có sao không?

Nếu được điều trị sớm, chứng vẹo cổ ở trẻ nhỏ có thể dễ dàng được khắc phục, bệnh không làm ảnh hưởng đến chức năng hay tính ổn định của cột sống cổ và những cơ xung quanh. Ngược lại nếu không được chữa bệnh kịp thời và đúng cách, những bất thường ở cổ có thể khiến trẻ rơi vào một trong những tình trạng sau:

  • Dị tật vĩnh viễn
  • Khuôn mặt mất cân đối
  • Đầu lép
  • Rối loạn xương
  • Mất khả năng vận động ở cổ

Để tránh những vấn đề không mong muốn, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi nhận thấy những biểu hiện đầu tiên xuất hiện. Sau đó cho trẻ thăm khám và tiến hành điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều này giúp tình trạng vẹo cổ và những biểu hiện nhanh chóng được khắc phục.

Chẩn đoán vẹo cổ nghiêng đầu ở trẻ

Thông thường bác sĩ có thể dựa vào những biểu hiện bên ngoài của trẻ để chẩn đoán chứng vẹo cổ nghiêng đầu. Tuy nhiên để xác định rõ hơn về bệnh lý này, một số kỹ thuật sẽ được thực hiện, bao gồm cả kiểm tra vận động cổ và cận lâm sàng.

1. Kiểm tra vận động cổ

Sau khi kiểm tra những biểu hiện bên ngoài như đầu nghiêng sang một bên, dẹt ở một bên đầu sau tai, khối u ở cổ… trẻ sẽ được kiểm tra khả năng vận động cổ bằng cách dùng hai tay hỗ trợ đầu và cổ của trẻ để xoay về bên đối diện.

Ngoài ra phụ huynh cũng sẽ được đặt một vài câu hỏi liên quan đến thói quen ngủ, thói quen bú sữa mẹ của trẻ, những chấn thương hoặc bất thường trong khi sinh, tần suất và thời gian nghiêng cổ sang một bên của trẻ.

Đối với những trẻ lớn, trẻ sẽ được yêu cầu mô tả triệu chứng đau, đặc điểm đau xoay cổ và mức độ nghiêm trọng.

Kiểm tra vận động cổ
Kiểm tra vận động cổ giúp chẩn đoán chứng vẹo cổ nghiêng đầu ở trẻ và đánh giá mức độ nghiêm trọng

2. Kiểm tra cận lâm sàng

Những kỹ thuật dưới đây sẽ giúp chẩn đoán nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

  • Chụp X-quang: Đối với những bé bị vẹo cổ nghiêng đầu, chụp X-quang vùng cổ sẽ được thực hiện để kiểm tra các xương, tính ổn định của cột sống cổ. Từ đó xác định chứng vẹo cổ có liên quan đến những bất thường ở cột sống cổ hay không.
  • Chụp MRIKhi chụp MRI cho trẻ mắc chứng vẹo cổ nghiêng đầu, hình ảnh được tạo ra từ kỹ thuật này sẽ giúp kiểm tra cột sống, các cơ, dây thần kinh và mạch máu ở cổ. Từ đó xác định tình trạng chèn ép, co thắt, tổn thương hay đứt cơ sternocleidomastoid (SCM). Đồng thời xác định sự tổn thương ở dây thần kinh, mạch máu và mô mềm do sự chèn ép (nếu có). Ngoài ra chụp MRI còn giúp xác định khối u ở cổ có thực sự do chứng vẹo cổ gây ra hay không.
  • Siêu âm: Hình ảnh soi được từ siêu âm cũng có thể xác định những bất thường liên quan đến cơ sternocleidomastoid.

Điều trị cho bé bị vẹo cổ nghiêng đầu

Có nhiều phương pháp giúp khắc phục tình trạng vẹo cổ nghiêng đầu ở trẻ. Phần lớn các trường hợp sẽ được điều trị nội khoa. Trong đó biện pháp chăm sóc và điều chỉnh tư thế tại nhà, áp dụng các bài tập, vật lý trị liệu là các phương pháp điều trị chính.

Riêng những phương pháp xâm lấn chỉ được thực hiện khi bé bị vẹo cổ nghiêng đầu nghiêm trọng, đứt/ rách cơ sternocleidomastoid hoặc cơ sternocleidomastoid quá ngắn.

1. Biện pháp điều trị tại nhà

Để khắc phục chứng vẹo cổ nghiêng đầu ở trẻ nhỏ, phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp sau:

+ Cho trẻ nằm sấp

Ba mẹ nên thường xuyên cho trẻ nằm sấp trên một bề mặt mềm, cụ thể như miếng đệm hoặc một tấm mềm. Sau đó thu hút sự tâm trung của trẻ bằng cách để thức ăn hay đồ chơi trước mặt.

Khi thu hút được sự tập trung, trẻ sẽ cử động cổ đều sang các hướng. Điều này không chỉ giúp cải thiện tình trạng vẹo cổ nghiêng đầu mà còn cải thiện sự cứng cáp của cổ.

+ Tăng tầm vận động của cổ

Hãy đặt trẻ lên giường và bắt đầu thu hút sự chú ý của trẻ. Trong trường hợp bé bị vẹo cổ nghiêng đầu sang trái, phụ huynh nên đứng bên phải của trẻ và trò chuyện để giúp trẻ nhìn và nghiêng đầu sang phải.

Nếu bé bị vẹo cổ nghiêng đầu sang phải, phụ huynh hãy đứng và trò chuyện với trẻ ở phía bên trái để giúp trẻ nhìn và nghiêng đầu sang trái.

Tăng tầm vận động của cổ
Tăng tầm vận động của cổ cho trẻ nhỏ bằng cách đặt trẻ lên giường và bắt đầu thu hút sự chú ý của trẻ

+ Bài tập kéo căng

Thông thường sau khi thăm khám, phụ huynh sẽ được hướng dẫn một số bài tập kéo căng. Những bài tập này có tác dụng điều chỉnh chứng vẹo cổ nghiêng đầu cho trẻ, kéo giãn cơ, giảm đau và co thắt. Đồng thời cải thiện phạm vi chuyển động cho cột sống cổ.

Bài tập kéo giãn cơ ức đòn chũm

  • Giữ trẻ ở tư thế nằm
  • Dùng một tay cố định khớp vai bên bệnh của trẻ, tay còn lại đặt lên đầu bên bệnh
  • Dùng lực từ bàn tay tỳ nhẹ vào đầu trẻ, sau đó kéo xuống một cách nhẹ nhàng và từ từ
  • Giữ khoảng 15 – 30 giây
  • Thả lỏng
  • Lặp lại động tác từ 4 – 5 lượt/ lần, mỗi ngày 4 lần.

Bài tập xoay đầu trẻ

  • Giữ trẻ ở tư thế nằm
  • Dùng một tay cố định khớp vai bên lành của trẻ, tay còn lại đặt lên đầu bên lành
  • Dùng lực từ bàn tay tỳ nhẹ vào đầu trẻ, sau đó nhẹ nhàng xoay đầu trẻ dể cằm được đưa về gần vai bên bệnh
  • Giữ khoảng 15 – 30 giây
  • Thả lỏng
  • Lặp lại động tác từ 4 – 5 lượt/ lần, mỗi ngày 4 lần.

Đặt trẻ nằm nghiêng hai bên

  • Để trẻ nằm nghiêng trên một chiếc đệm hoặc một tấm khăn
  • Sử dụng một chiếc gối dài để kê phần lưng của trẻ. Bước này giúp trẻ nằm nghiêng hoàn toàn
  • Không kê gối dưới đầu khi nằm nghiêng sang bên lành, không có khối xơ
  • Sử dụng một chiếc gối tam giác và kê dưới đầu khi nằm nghiêng sang bên bệnh, có khối u
  • Giúp trẻ thay đổi tư thế nằm nghiêng mỗi 2 giờ một lần

Lưu ý khi luyện tập:

  • Tập trước khi cho trẻ ăn
  • Kiên trì luyện tập cho đến khi trẻ khỏi hoàn toàn
  • Kéo giãn một cách từ từ và nhẹ nhàng
  • Không thực hiện khi khối u ở cổ kèm theo biểu hiện nóng, đỏ, đau

2. Vật lý trị liệu

Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bé bị vẹo cổ nghiêng đầu có thể được chỉ định vật lý trị liệu để khắc phục tình trạng. Trong quá trình điều trị bằng vật lý trị liệu, trẻ sẽ được thực hiện những bài tập kéo giãn.

Thông thường sẽ bắt đầu với những bài tập kéo giãn nhẹ, sau đó tăng dần cường độ và thời gian luyện tập để rút ngắn thời gian chữa bệnh và phù hợp với với tình trạng.

Ngoài các bài tập, chuyên gia có thể chỉ định thêm một số hình thức vật lý trị liệu khác. Trong đó sử dụng dụng cụ chỉnh hình và điện trị liệu được áp dụng phổ biến. Đối với dụng cụ chỉnh hình, phần lớn các trường hợp sử dụng dụng cụ sau khi phẫu thuật.

Những hình thức vật lý trị liệu sẽ giúp trẻ nhỏ nhanh chóng cải thiện tình trạng co thắt cơ, điều chỉnh sự co giãn các cơ quanh cổ, đảm bảo hệ xương phát triển bình thường. Đồng thời giảm đau và hạn chế tối đa nguy cơ bị dị tật.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu thường được chỉ định cho những bé bị vẹo cổ nghiêng đầu ở mức đô vừa và nặng

3. Phẫu thuật

Bé bị vẹo cổ nghiêng đầu có thể được chỉ định phẫu thuật để giải quyết tình trạng. Đặc biệt là những bé có một hoặc nhiều vấn đề dưới đây:

  • Cơ sternocleidomastoid ở cổ ngắn là nguyên nhân gây chứng trẹo cổ nghiêng đầu
  • Rách hoặc đứt các cơ ở cổ
  • Không có kết quả khi điều trị vẹo cổ nghiêng đầu với những phương pháp khác
  • Có vấn đề ở cột sống cổ cần phẫu thuật để điều chỉnh

Điều kiện y tế:

Phương pháp phẫu thuật chỉ được chỉ định cho những bệnh nhân trên 2 tuổi, không mắc chứng rối loạn máu hoặc bất kỳ tình trạng y tế nào làm ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật.

Phương pháp phẫu thuật:

Tùy thuộc vào tình trạng và mục đích điều trị, mổ mở hoặc mổ nội soi sẽ được thực hiện. Tuy nhiên mổ mở chiếm phần lớn các trường hợp điều trị vẹo cổ.

Biện pháp phòng ngừa vẹo cổ nghiêng đầu ở trẻ

Để phòng ngừa chứng vẹo cổ nghiêng đầu ở trẻ nhỏ, phụ huynh cần nắm rõ nguyên nhân gây bệnh và có sự chuẩn bị trước ngày sinh. Các nghiên cứu cho thấy, nguy cơ khiến bé bị vẹo cổ nghiêng đầu sẽ giảm đáng kể khi phụ huynh áp dụng những biện pháp sau:

  • Thăm khám sức khỏe định kỳ trong suốt thời kỳ mang thai. Nếu thuộc nhóm đối tượng khó sinh, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc sinh mổ để đảm bảo an toàn cho trẻ.
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng kết hợp vận động nhẹ nhàng. Điều này không chỉ giúp dễ sinh nở mà còn giúp tăng cường sức khỏe cho người mẹ, đảm bảo quá trình sinh con diễn ra suôn sẻ, không bị hụt hơi khi sinh thường.
  • Thường xuyên quan sát những biểu hiện bên ngoài của trẻ, đặc biệt là cổ, đầu, hệ hô hấp. Nếu có bất thường hoặc nghi ngờ trẻ mắc một số bệnh lý làm tăng nguy cơ trẹo cổ nghiêng đầu, mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị dứt điểm.
  • Điều chỉnh tư thế của trẻ ngay từ khi sinh ra. Tránh cho trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên hoặc ngước nhìn một bên trong thời gian dài. Ngoài ra không nên chỉ cho trẻ bú ở một bên để tránh tạo các bất thường cho cổ.
  • Nếu nghi ngờ bé bị vẹo cổ nghiêng đầu, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bởi việc điều trị đúng cách ngay trong giai đoạn đầu có thể hạn chế tối đa nguy cơ phẫu thuật của trẻ. Đồng thời giúp bác sĩ chuyên khoa dễ dàng và nhanh chóng hơn trong quá trình chữa bệnh cho bé bị vẹo cổ nghiêng đầu.
Mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sinh mổ nếu thuộc nhóm đối tượng khó sinh thường
Mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc sinh mổ nếu thuộc nhóm đối tượng khó sinh thường

Bé bị vẹo cổ nghiêng đầu xảy ra do nhiều nguyên nhân. Tùy thuộc vào tình trạng và thời điểm phát hiện, bệnh nhi sẽ được điều trị với những phương pháp từ đơn giản đến phức tạp. Hầu hết các trường hợp có thể khắc phục nhanh những bất thường, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.

Đối với những trẻ không được điều trị sớm và đúng cách, dị tật vĩnh viễn và nhiều vấn đề khác có thể xảy ra. Do đó phụ huynh cần thường xuyên quan sát trẻ. Nếu có bất thường cần đưa trẻ đến bệnh viện.

Bình luận

  1. hoàng thi mai says: Trả lời


    bé nhà mình 5 tháng tuổi bị nghiêng đầu sang bên phải thì làm như nào và khỏi được k ạ. từ lúc sinh ra minh đã thấy bé nghiêng giờ càng lớn càng lộ nghiêng cổ hơn ạ

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua