Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Lương y Phùng Hải Đăng | Chuyên Khoa: Xương Khớp | Nơi công tác: IHR Cơ Sở Hà Nội - Mỹ Đình
Theo dõi IHR trên goole news

Thoái hóa khớp gối là dạng thoái hóa khớp phổ biến nhất, thường là do lão hóa, áp lực và chấn thương gây ra. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến một số bệnh lý cần điều trị y tế trong cơ thể.

Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối có thể do lão hóa, chấn thương hoặc các bệnh lý trong cơ thể gây ra

Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp gối hay thoái hóa loạn dưỡng khớp gối là hiện tượng mất cân bằng giữa sự tổng hợp và hủy hoại của xương sụn và các xương bên dưới sụn ở đầu gối (hậu quả của quá trình sinh học và cơ học trong cơ thể), làm tế bào và các chất cơ bản của sụn bị thay đổi về mặt sinh hóa, hình thái, phân tử và cơ sinh học. Khiến sụn khớp bị mất hoặc nhuyễn hóa, nứt loét, các xương dưới sụn bị xơ hóa hoặc tạo gai xương, hốc xương gây đau, sưng và cứng khớp gối. Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng này có thể do lão hóa tự nhiên, trọng lượng cơ thể lớn, di truyền, chấn thương hoặc các bệnh lý khác trong cơ thể.

Theo thống kê của WHO, có khoảng 20% dân số thế giới bị thoái hóa khớp gối. Tại Việt Nam, có khoảng 23% dân số trên 40 tuổi bị thoái hóa khớp gối và tỷ lệ ngày cao, trong đó khoảng 80% các trường hợp bệnh là nữ giới.

Quá trình thoái hóa khớp thường bắt đầu trước khi xuất hiện các đặc trưng cơ bản, chẳng hạn như đau đớn, cứng khớp hoặc hạn chế khả năng chuyển động. Bên cạnh đó, đôi khi thoái hóa khớp gối có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiến triển trong cơ thể. Do đó, chẩn đoán và điều trị phù hợp sớm là điều đặc biệt quan trọng để tránh các rủi ro liên quan.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Viêm khớp gối được cho là chiếm khoảng 45% các nguyên nhân thoái hóa khớp gối, trong khi đó, một số bệnh nhân không xác định được nguyên nhân. Cụ thể, nguyên nhân được chia thành hai loại là thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát.

1. Thoái hóa khớp nguyên phát

Tuổi cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh xương khớp, viêm khớpthoái hóa khớp. Lão hóa là nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa khớp nguyên phát, có thể ảnh hưởng đến 1 hoặc cả 2 khớp gối và diễn tiến bệnh chậm.

Theo thời gian, sụn đầu gối trở nên yếu và kém linh hoạt, điều này khiến sụn dễ bị bào mòn và hư hỏng. Trên thực tế có khoảng 19% người trên 45 tuổi và 37% người trên 60 tuổi bị thoái hóa khớp gối.

nguyên nhân thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối có thể quan đến yếu tố di truyền hoặc khuyết tật bẩm sinh

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể gây thoái hóa khớp gối bao gồm:

  • Di truyền: Tương tự như chiều cao và màu tóc, thoái hóa khớp gối có thể di truyền. Một phụ nữ có mẹ thoái hóa khớp gối có nhiều nguy cơ hơn những người khác. Mặc dù các thống kê có thể không chính xác, tuy nhiên có khoảng 40 – 55% các trường hợp thoái hóa khớp gối có liên quan đến di truyền.
  • Khiếm khuyết bẩm sinh: Các vấn đề rối loạn chuyển hóa, liên kết xương kém, bệnh gout hoặc viêm khớp nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.
  • Giới tính: Theo các chuyên gia, nữ giới có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới đến 40%.
  • Các chấn đề chuyển hóa: Chẳng hạn như béo phì, tiền mãn kinh có thể tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối cao gấp đôi những người khác. Ngoài ra, béo phì góp phần làm tăng tình trạng viêm khớp cơ thể và tăng nguy cơ thoái hóa khớp.

2. Thoái hóa khớp thứ cấp

Thoái hóa khớp gối thứ cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các nguyên nhân có thể bao gồm:

thoái hóa khớp thứ cấp là gì
Vận động viên bóng rỗ có nguy cơ thoái hóa khớp thứ cấp do các chấn thương lặp lại ở đầu gối
  • Chấn thương: Các chấn thương khớp, chẳng hạn như gãy xương, chấn thương nghiêm trọng hoặc phẫu thuật có thể gây ảnh hưởng đến đầu gối. Các dấu hiệu thoái hóa có thể không xuất hiện cho đến sau chấn thương nhiều năm.
  • Căng thẳng hoặc chấn thương nhỏ mãn tính: Những người thường xuyên vận động gây ảnh hưởng đến khớp gối, chẳng hạn như đứng, ngồi xổm hoặc bò, có thể gặp nhiều chấn thương nhỏ lặp lại nhiều lần ở khớp gối. Theo thời gian các chấn thương nhỏ có thể dẫn đến viêm xương khớp và thoái hóa khớp gối. Các vận động viên tham gia các môn thể thao tác động mạnh, chẳng hạn như như bóng rổ hoặc quần vợt có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn.
  • Lối sống ít vận động: Sụn khớp gối cần phải tiếp xúc với áp lực do trọng lượng để tăng cường sức khỏe và khuyến khích chữa lành các tổn thương ở sụn. Khớp gối chứa nhiều chất lỏng, chất dinh dưỡng và được lưu thông khắp khớp gối để đảm bảo khả năng vận động. Thường xuyên tập thể dục tạo điều kiện thuận lợi để dịch khớp lưu thông khắp khớp gối dễ dàng hơn.
  • Cơ bắp kém: Cơ bắp kém, đặc biệt là cơ gân kheo, cơ tứ đầu và bắp chân yếu có thể tăng sức ép lên sụn khớp gối và xương bên dưới. Sự căng thẳng này sẽ dẫn đến thoái hóa khớp gối.
  • Ảnh hưởng của các bệnh lý khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm mủ, lao khớp, bệnh gout, chảy máu bên trong khớp,…. có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối.

Triệu chứng thoái hóa khớp gối

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng thoái hóa khớp gối có thể đến và đi trong giai đoạn đầu. Theo thời gian, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng và xuất hiện thường xuyên hơn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Cụ thể các triệu chứng thường bao gồm:

1. Đau đầu gối

Đau đầu gối là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh thoái hóa khớp gối. Cơn đau phụ thuộc vào tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể của người bệnh.

dấu hiệu thoái hóa khớp gối
Đau đầu gối là dấu hiệu thoái hóa khớp phổ biến nhất

Cơn đau khớp gối thường có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn sau một số hoạt động gây căng thẳng cho khớp, chẳng hạn như ngồi xổm hoặc đi lên cầu thang. Thông thường cơn đau sẽ được cải thiện khi nghỉ ngơi và chườm đá.

2. Các triệu chứng khác

Ngoài đau đầu gối, những người bị thoái khớp gối thường xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Sưng đầu gối: Khi sụn khớp gối mòn đi, xương đùi và xương chày (đôi khi được gọi là xương bánh chè) có thể cọ xát với nhau, dẫn đến kích ứng. Kích ứng có thể dẫn đến việc sản xuất dư thừa dịch khớp, dẫn đến sưng khớp gối.
  • Cứng khớp: Ma sát ở các đầu xương do thiếu sụn khớp khiến khớp gối có cảm giác căng cứng. Một số người bệnh chỉ bị căng cứng trong khoảng 30 phút vào buổi sáng hoặc khi ngồi lâu. Một số người bệnh khác có thể bị sưng phù hoặc hạn chế phạm vi di chuyển.
  • Nóng và đỏ khớp: Da trên đầu gối có thể trở nên ấm và đỏ. Điều này có thể là dấu hiệu nhiễm trùng và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để tránh các biến chứng nghiêm trọng.
  • Hạn chế phạm vi chuyển động: Thoái hóa khớp có thể hạn chế khả năng hoạt động của đầu gối, khiến đầu gối kém linh hoạt. Các  triệu chứng có thể từ nhẹ đến trung bình, khiến người bệnh khó khăn khi nâng chân, uốn cong hoặc duỗi thẳng đầu gối hoàn toàn.
  • Có âm thanh ở khớp đầu gối: Đôi khi người bệnh có thể nghe âm thanh nhỏ ở đầu gối khi thực hiện một số hoạt động, chẳng hạn như ngồi xổm. Điều này có thể là dấu hiệu ma sát khớp gối do tổn thương sụn khớp.

Thông thường, thoái hóa khớp gối tiến triển theo thời gian và thường không được chẩn đoán trong giai đoạn đầu. Đau đớn khi đi bộ hoặc khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng hoặc leo cầu thang là dấu hiệu phổ biến nhất. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, các cơn đau sẽ xuất hiện liên tục, gây biến dạng khớp và cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro liên quan.

Thoái hóa khớp gối có nguy hiểm không?

Đau đớn mãn tính là ảnh hưởng lâu dài nhất của tình trạng thoái hóa khớp gối. Ngoài ra, tình trạng này có thể gây mệt mỏi, suy nhược cơ thể, lo lắng và trầm cảm.

thoái hóa khớp gối có nguy hiểm không
Đau đớn mãn tính là ảnh hưởng phổ biến của tình trạng thoái hóa khớp gối

Ngoài việc gây đau mãn tính, người bệnh có thể gặp một số biến chứng và ảnh hưởng khác, chẳng hạn như:

  • Gây ảnh hưởng đến giấc ngủ: Đau đớn và kích ứng ở khớp có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Ngoài ra, ngủ không đủ giấc có thể khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Căng cứng và hạn chế phạm vi cử động khớp gối cũng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Hạn chế năng suất công việc: Thoái hóa khớp gối khiến một số hoạt động bình thường, chẳng hạn như công việc nhà, nấu ăn, tập thể dục hoặc các hoạt động thể chất bị ảnh hưởng.
  • Tăng cân: Đau và cứng khớp gối có thể giảm ham muốn hoạt động thể chất, lười vận động và tập thể dục. Thiếu hoạt động thể chất có thể gây tăng cân và một số biến chứng khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và bệnh tim.
  • Lo lắng và trầm cảm: Theo một số nghiên cứu thống kê, thoái hóa khớp có thể gây lo lắng, trầm cảm hoặc một số ảnh hưởng tiêu cực khác đến sức khỏe tâm thần. Ngoài ra, hơn 40% các trường hợp, lo lắng quá mức và trầm cảm có thể khiến các triệu chứng thoái hóa khớp trở nên nghiêm trọng hơn.

Các biến chứng khác, không phổ biến chẳng hạn như hoại tử xương, gãy xương, chảy máu, nhiễm trùng khớp, thoái hóa gân và dây chằng quanh khớp hoặc chèn ép các dây thần kinh.

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Thông thường, thoái hóa khớp gối được chẩn đoán bằng cách khám sức khỏe và kiểm tra các triệu chứng liên quan. Bác sĩ có thể kiểm tra tiền sử bệnh lý cá nhân và tiền sử bệnh lý gia đình để hỗ trợ quá trình chẩn đoán.

Cụ thể, thoái hóa khớp gối được chẩn đoán như sau:

1. Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối theo tiêu chuẩn của Hội thấp khớp học Mỹ – ACR (American College of Rheumatology), năm 1991. Các tiêu chuẩn như sau:

  • Nhìn thấy gai xương ở rìa khớp thông qua phim chụp X – quang
  • Dịch khớp gối là dịch thoái hóa
  • Người bệnh trên 38 tuổi
  • Cứng khớp kéo dài hơn 30 phút
  • Có âm thanh khi cử động khớp

Có các dấu hiệu liên quan, chẳng hạn như tràn dịch khớp gối, phản ứng viêm màng hoạt dịch hoặc biến dạng khớp do gai xương hoặc thoát vị màng hoạt dịch

2. Chẩn đoán hình ảnh

Tùy theo các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như:

Chụp X – quang theo tiêu chuẩn chẩn đoán khớp của Kellgren và Lawrence như sau:

  • Giai đoạn 1: Hình thành gai xương nhỏ hoặc nghi ngờ hình thành gai xương.
  • Giai đoạn 2: Gai xương hình thành rõ ràng.
  • Giai đoạn 3: Hẹp khe khớp ở mức độ vừa phải.
  • Giai đoạn 4: Hẹp khe khớp lớn kèm theo tình trạng xơ xương bên dưới sụn.
chẩn đoán giai đoạn thoái hóa khớp gối
Chẩn đoán hình ảnh có thể xác định tình trạng viêm và tổn thương ở khớp gối

Chụp cộng hưởng từ MRI:

Phương pháp kiểm tra hình ảnh này được sử dụng để tạo ra hình ảnh khớp ở không gian 3 chiều. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định các tổn thương sụn khớp, màng hoạt dịch và dây chằng.

Siêu âm khớp:

Siêu âm khớp được chỉ định để đánh giá tình trạng hẹp khe khớp, các gai xương, đo độ dày sụn khớp, kiểm tra tình trạng tràn dịch khớp hoặc xác định các mảnh sụn thoái hóa bên trong ở khớp.

Nội soi khớp:

Phương pháp nội soi khớp được thực hiện để kiểm tra các tổn thương thoái hóa khớp (theo thang đo của Outbright). Thông qua nội soi khớp hoặc kết hợp với sinh thiết màng hoạt dịch, bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt thoái hóa và các bệnh lý khớp liên quan khác.

3. Chẩn đoán phân biệt

Thoái hóa khớp gối cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý liên quan khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, đặc biệt là khi thoái hóa chỉ ảnh hưởng đến một khớp.

Để chẩn đoán phân biệt với bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh có thể được yêu cầu xét nghiệm máu và sinh hóa để xác định yếu tố dạng thấp. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể được yêu cầu nội soi và sinh thiết màng hoạt dịch.

Điều trị thoái hóa khớp gối

Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm tình trạng thoái hóa khớp gối. Tuy nhiên các biện pháp điều trị có thể cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.

Nguyên tắc điều trị thoái hóa khớp gối theo hướng dẫn của Bộ Y tế như sau:

  • Điều trị nhằm mục đích giảm đau trong các đợt tiến triển bệnh.
  • Phục hồi chức năng, khả năng vận động ở khớp, hạn chế các biến chứng và ngăn ngừa các biến dạng khớp có thể xảy ra.
  • Hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc điều trị. Đặc biệt cần lưu ý tương tác thuốc khi sử dụng thuốc điều trị ở người lớn tuổi hoặc những người sử dụng thuốc điều trị các tình trạng y tế khác.

1. Điều trị nội khoa

Cụ thể các biện pháp điều trị thoát hóa khớp gối thường bao gồm:

Vật lý trị liệu:

Hầu hết các chương trình điều trị vật lý trị liệu kết hợp việc tăng cường chức năng khớp, kéo căng khớp và hạn chế các biến chứng liên quan. Vật lý trị liệu nhằm các mục đích như sau:

  • Tăng cường các cơ xung quanh đầu gối, hông và mông
  • Kéo căng các cơ và gân, chẳng hạn như gân kheo
  • Tăng cường trao đổi chất lỏng ở chất dinh dưỡng trong cơ thể với các bài tập nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội hoặc các bài tập trong hồ bơi

Ngoài ra, nhà vật lý trị liệu có thể đánh giá sải chân khi đi bộ của người bệnh và các chuyển động khác để xác định các vấn đề cơ học và hướng dẫn người bệnh có các tư thế phù hợp hơn.

thuốc trị thoái hóa khớp gối
Sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn

– Thuốc điều trị các triệu chứng có tác dụng nhanh:

Trong trường hợp người bệnh bị đau khớp, chỉ định các loại thuốc như:

Thuốc giảm đau:

  • Paracetamol: Liều lượng sử dụng 1 – 2 gram mỗi ngày.
  • Trong trường hợp cần thiết, có thể kết hợp Paracetamol và Tramadol, liều lượng 1 – 2 gram mỗi ngày.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Sử dụng một trong các loại thuốc như:

  • Etoricoxia 30 – 60 mg mỗi ngày, Celecoxib 200 mg mỗi ngày, Meloxicam 7.5 – 15 mg mỗi ngày.
  • Hoặc dùng các loại thuốc chống viêm khác, chẳng hạn như Piroxicam 20 mg mỗi ngày hoặc Diclofenac 50 – 100 mg mỗi ngày.

Thuốc thoa ngoài da:

  • Sử dụng các loại gel thoa ngoài da, chẳng hạn như Voltaren Emugel 2 – 3 lần mỗi ngày tại khớp gối để giảm đau và hạn chế các tác dụng phụ.

Tiêm nội khớp:

  • Có thể tiêm Hydrocortison acetat để kiểm soát tình trạng thoái hóa khớp gối. Mỗi đợt tiêm cách nhau 5 – 7 lần và không vượt quá 3 mũi tiêm mỗi đợt.
  • Các chế phẩm tác dụng chậm: Betamethasone dipropionate hoặc Methylprednisolon, mỗi mũi tiêm cách nhau 6 đến 8 tuần. Lưu ý không tiêm quá 3 đợt trong một năm để tránh gây tổn thương sụn khớp do sử dụng quá liều.
  • Acid hyaluronic (AH) được sử dụng dưới dạng hyaluronate, tiêm một 1 ống cho mỗi tuần và liên tục trong 3 – 5 tuần liên tục.

– Thuốc điều trị triệu chứng có tác dụng chậm (SYSADOA):

Nên chỉ định sử dụng thuốc sớm và dài hơn khi có đợt đau khớp gối. Có thể sử dụng kết hợp với các loại thuốc điều trị triệu chứng tác dụng nhanh được nêu trên.

  • Glucosamine sulfate: Liều lượng sử dụng 1.5 gram mỗi ngày.
  • Piascledine 300 mg (dạng cao toàn phần không xà phòng hóa đậu nành hoặc bơ): Liều lượng sử dụng 1 viên mỗi ngày.
  • Thuốc ức chế Interleukin 1: Chẳng hạn Diacerein, sử dụng với liều lượng 50 mg x 2 viên mỗi ngày.
  • Acid hyaluronic kết hợp Chondroitin sulfate dạng hỗn dịch uống với liều lượng 30 ml, dùng uống mỗi ngày.

– Tiêm cortisone (steroid):

Cortisone là thuốc được sử dụng để tiêm khớp phổ biến nhưng được sử dụng hạn chế để tránh gây mất sụn ở khớp gối. Mục tiêu của việc tiêm cortisone là giảm đau, hạn chế cứng khớp và cải thiện các cơn đau đầu gối.

Hiện tại tiêm cortisone không được khuyến khích, trừ khi các liệu pháp khác không mang lại hiệu quả điều trị.

– Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP):

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) sử dụng các yếu tố trong máu của chính người bệnh để giảm đau, cải thiện chức năng khớp về mặt lý thuyết và kích thích quá trình chữa lành khớp và các mô.

Để tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, bác sĩ cần lấy máu người bệnh có tĩnh mạch, chống đông, tiến hành ly tâm để tách huyết tương. Huyết tương này được tiêm vào khớp gối với liều lượng khoảng 6 – 8 ml PRP.

– Liệu pháp tế bào gốc (Stem cell transplantation):

Tế bào gốc có nguồn gốc từ tủy xương hoặc chất béo (mô mỡ) để thu thập một số yếu tố tăng trưởng và tế bào gốc của chính người bệnh và tiêm vào khớp gối ngay trong ngày. Tương tự phương pháp PRP, mục tiêu của liệu pháp này là giảm đau và khuyến khích sự phát triển các mô mới.

2. Điều trị ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa thoái hóa khớp gối dưới sự hướng dẫn của nội soi khớp như sau:

  • Cắt, lọc, rửa hoặc bào khớp
  • Khoan vào khớp để kích thích tái tạo xương (microfrature)
  • Cấy ghép mô hoặc tế bào sụn khớp
phẫu thuật thay khớp gối
Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp nghiêm trọng hoặc không đáp ứng phương pháp điều trị nội khoa

Phẫu thuật:

Phẫu thuật thay khớp nhân tạo được chỉ định thực hiện cho các thể diễn tiến nghiêm trọng hoặc có khả năng hạn chế chức năng khớp gối. Thông thường phẫu thuật thay khớp được chỉ định cho người bệnh trên 60 tuổi.

Phẫu thuật phổ biến nhất là thay toàn bộ khớp gối. Tuy nhiên, các phẫu thuật khác, ít phổ biến hơn bao gồm thay thế một phần đầu gối và phẫu thuật cắt xương đầu gối.

Theo dõi và quản lý thoái hóa khớp gối

Tùy thuộc vào mức độ bệnh, thoái hóa khớp gối có thể gây ảnh hưởng đến thể chất, hạn chế chức năng và chất lượng cuộc sống. Do đó, để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng, người bệnh có thể tham khảo một số phương pháp như:

  • Tập thể dục, hoạt động thể chất và thực hiện vật lý trị liệu thường xuyên. Các hoạt động này cần thiết để cải thiện và duy trì sức mạnh ở khớp gối.
  • Duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực cho khớp gối.
  • Sử dụng nẹp hỗ trợ đầu gối có thể giúp ổn định đầu gối và giảm đau.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh có thể giảm đau và chống viêm ở khớp gối.

Việc kiểm soát và điều trị thoái hóa khớp gối đòi hỏi người bệnh cần nhận biết các triệu chứng sớm và chẩn đoán chính xác. Sau khi chẩn đoán, hãy điều trị tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ chuyên môn. Ngoài ra thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ khớp gối phù hợp để tránh các nguy cơ tái phát và tổn thương khớp gối trong tương lai.

Thông tin thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua